Câu chuyện tiếp tục kể về hành trình của cậu bé Ruyđy khi chuyển đến sống cùng chú của mình.
Nội dung truyện cổ tích nữ thần băng giá (Phần 3)
Ông chủ
Nhờ Chúa, Ruyđy đã thấy những người ở trong nhà ông chú đều giống những người em vẫn quen nhìn. Ở đây chỉ có một người đần độn, một người ngây dại đáng thương, một trong những con người khốn khổ bị ruồng bỏ mà mỗi gia đình trong tổng Vale đem về nuôi vài ba tháng rồi lại chuyển sang cho những người trung hậu khác nuôi, cũng trong khoảng thời gian tương tự. Con người đáng thương ấy là Xaperli.
Chú Ruyđy vẫn còn là một người thợ săn cường tráng. Ông còn biết làm nghề đóng thùng nữa. Bà vợ ông là một người nhỏ nhắn, hoạt bát, mặt trông như mặt chim, mắt sắc như mắt diều hâu, cổ dài có nhiều lông tơ.
Cái gì cũng mới lạ đối với Ruyđy. Từ quần áo, phong tục cho đến ngôn ngữ. Nhưng riêng vì tiếng nói, trí óc non trẻ của em làm cho em chẳng mấy lúc đã nắm được và quen thuộc. Nhà của chú em so với nhà của ông ngoại có vẻ phong lưu hơn. Các buồng rộng rãi hơn, trên trang hoàng nhiều sừng nau và những khẩu súng săn bóng nhoáng. Bên trên cửa ra vào có treo tranh Đức Mẹ, đằng trước là một ngọn đèn, xung quanh kết hoa hồng vùng Anpơ.
Chú em không những chỉ là một người thợ săn nai giỏi nhất vùng, ông còn là người dẫn đường khá nhất miền này. Chẳng bao lâu Ruyđy đã trở thành con cưng của gia đình. Ít nhất người ta cũng quý em như con chó săn già, câm và mù, không giúp được việc gì nữa, nhưng trước kia đã làm được nhiều việc đến nỗi bây giờ người ta chăm sóc nó rất chu đáo, coi như một người trong gia đình.
Ruyđy vuốt ve và trìu mến nó. Nhưng con chó già ấy không thích xây dựng những quan hệ mới. Có thể nói là Ruyđy đã sớm bắt rễ vào lòng mọi người trong gia đình. Chú em bảo: “Chúng ta ở trong tổng Vale này không đến nỗi khổ. Chúng ta luôn luôn có nai. Các giống này không bị mất đi như giống sơn dương.
Phải, bây giờ cái gì cũng hơn xưa nhiều lắm. Người ta đã kể nhiều rằng thời xưa rất quang vinh. Nhưng thời này còn hơn nhiều. Trước kia những thung lũng của chúng ta tưởng như tách rời khỏi thiên hạ, nhưng có một sức mạnh đã phá tan bức tường ngăn cách và một luồng gió mát đã thổi đến làm phấn chấn tất cả vùng”.
Ảnh minh họa.
Khi nói chuyện, chú Ruyđy kể lại thời thơ ấu của ông, thời mà toàn tổng Vale sống cách biệt, nửa dân số là những người đần độn và tàn tật đáng thương. Ông kể tiếp:
– “Nhưng bỗng nhiên, quân lính Pháp xuất hiện. Đó là những người thầy thuốc mà chúng ta cần. Họ giết người và tiêu diệt luôn cả bệnh tật nữa. Đó là những người biết chiến đấu anh dũng, những chàng trai cứng cỏi. Vả chăng phụ nữ Pháp thật xứng đáng với họ” – Nói đến đây, ông nhìn bà vợ là người Pháp và cười, miệng ngoác đến tận mang tai.
Ông lại nói tiếp:
– Đánh nhau với người xong, họ liền tấn công núi đá. Chính họ xây dựng con đường từ Ximplông qua các ngọn núi hiểm trở nhất, và bây giờ ta chỉ cần bảo đứa trẻ lên ba: “Cứ theo đường cái mà sang nước Ý”, thế là nó sẽ tới tận nước Ý nếu nó cứ đi theo đường cái.
Nói đến đây, ông cất tiếng hát một bài hát tiếng Pháp và tung hô hoàng đế Napôlêông. Đến bây giờ Ruyđy mới được nghe nói đến nước Pháp và đến Ly-ông, một thành phố lớn trên bờ sông Rôn. Chú em đã từng ở đó. Ông bảo Ruyđy: “Chú cho rằng chỉ trong ít năm nữa cháu sẽ thành thợ săn giỏi vì cháu sẵn có rất nhiều tài năng”.
Ông dạy em cách cầm súng, cách ngắm và bắn. Ông cho em theo đi săn trên núi, cho em uống tiết nai nóng để trừ chứng chóng mặt. Ông dạy cho em nhìn hướng mặt trời mà biết được núi lở vào buổi trưa hay buổi tối.
Ông bày cho em cách bắt chước các con nai, nhảy sao cho khi chạm đất là đứng vững được ngay, không loạng choạng. Ông còn dạy em cách thoát khỏi vực sâu khi chẳng may bị lăn xuống: phải tỳ khuỷu tay, dùng bắp chân và dùng cả đến bắp thịt ở gáy để bám lấy những cái mấu dù là nhỏ nhất.
Ruyđy tiếp thu những cái đó rất nhanh. Em còn biết những mưu mẹo người ta dùng để đánh lừa giống nai, mặc dầu chúng rất tinh khôn, dùng vọng gác và tuần tiễu để canh gác lẫn cho nhau cẩn thận đến thế nào chăng nữa. Em thấy chú em treo áo và mũ lên một cái gậy, rồi lảng tránh ra phía khác, để cho con nai tội nghiệp mải nhìn bộ quần áo mà mất cảnh giác.
Một hôm Ruyđy theo chú đi săn. Ông ta cũng dùng mưu mẹo đó. Đường nhỏ hẹp, hay nói cho đúng hơn, chỉ có một vệt mờ, đó chỉ là một cái rìa núi mỏng mảnh chênh vênh trên miệng vực. Tuyết đang tan dở dang. Đá lở dưới chân và lăn xuống vực, vì thế chú em phải nằm dán mình xuống đất và trườn lên, thế mà thỉnh thoảng vẫn có một hòn đá long ra, rơi xuống, nhảy muôn ngàn cái từ mỏm đá này sang mỏm đá khác trước khi chạm xuống đáy vực đen ngòm.
Ruyđy đứng chỉ cách ông chú chừng một trăm bước, trên tảng đá vững chãi ở phía sau. Nhưng kìa, một con đại bàng lớn bay thẳng đến chỗ người thợ săn đang trườn như một con sâu, nó định dùng cánh quạt ngã ông ta xuống vực để xé xác ăn thịt. Chú Ruyđy không nhìn thấy nó vì ông vừa trông thấy và đang mải theo dõi con nai mẹ đang đứng với con ở bờ vực bên kia.
Ruyđy trông thấy con chim dữ và đoán biết ý định của nó. Em giơ súng lên sắp sửa bắn. Ngay lúc đó, con nai giật mình nhảy lên chạy trốn. Ông chú nổ súng, con vật trúng đạn lăn ra chết, trong khi nai con tẩu thoát, nhảy qua các mỏm núi và lao qua các vực thẳm vững chắc như một con nai lớn. Con đại bàng nghe tiếng súng nổ sợ hãi bay đi. Nghe Ruyđy kể lại, ông chú Ruyđy mới biết mối nguy vừa đe doạ ông.
Ông đi nhặt xác con nai rồi họ vui vẻ quay về nhà. Ông chú rất mừng, cất tiếng hát một bài ca thuộc từ hồi còn trẻ. Bỗng gần đấy nổi lên một tiếng động khác thường. Họ ngước mắt nhìn lên.
Cao tít trên đỉnh núi hiểm trở, bãi tuyết dâng lên, chuyển động như một tấm lụa căng bị gió thổi rập rờn lên như sóng. Rồi tất cả đám băng tuyết ấy tan ra, phân tán ra, tựa như một thứ bọt trứng lao xuống, ầm ầm như sấm động. Đó là một trận băng lở khủng khiếp. Nó không đổ xuống phía họ, nhưng gần lắm, gần quá.
Chú Ruyđy dùng hết sức gào lên: “Cháu đứng cho vững!” Ruyđy bám chặt vào một thân cây. Người thợ săn leo lên ôm chặt vào cành cây. Trận băng lở qua cách đấy hàng trăm thước, nhưng cơn giông tố nó gây ra làm gẫy tất cả những cây cối quanh đấy như cói khô, rồi rải tung ra. Ruyđy thấy mình bị ngã sõng sượt trên mặt đất.
Cái cây mà em ôm khi nãy tựa như bị cưa tận gốc, ngọn văng ra xa. Tại đó, ông chú bị vỡ đầu, nằm sõng sượt giữa đám cành cây. Tay ông hãy còn nóng, nhưng không còn nhận ra mặt ông nữa. Trước cảnh tượng ghê rợn đó, Ruyđy tái mặt, run rẩy và lần đầu tiên em cảm thấy sợ.
Đến tối khuya, em mới mang tin khủng khiếp đó về đến nhà. Bà vợ ông chú im lặng chẳng nói, cũng chẳng khóc. Chỉ đến khi người ta mang thi hài về nỗi đau đớn mới bùng ra. Anh chàng Xaperli đáng thương vào nằm bẹp trong giường. Cả ngày hôm sau người ta không trông thấy hắn. Đến tối, hắn tìm Ruyđy và bảo em: “Cậu viết cho tôi một cái thư, Xaperli này không biết viết, nhưng biết ra bưu điện bỏ thư”.
Ruyđy hỏi:
– Viết thư hộ anh à? Gửi cho ai?
– Gửi cho Đức Chúa Giêsu của chúng ta.
– Anh nói gì thế?
Anh chàng ngớ ngẩn đáng thương nhìn Ruyđy bằng một vẻ cảm động nhất, chắp tay lại và thì thầm, vừa nghiêm trang vừa thành kính: “Giêsuma lạy Chúa tôi, Xaperli này muốn viết thư cho Chúa để xin Chúa cho Xaperli được chết thay cho ông chủ”.
Ruyđy xiết chặt tay anh ta và phải vất vả mới giảng giải được cho anh ta hiểu rằng lá thư sẽ không lên đến trên trời và cũng không làm cho người chết sống lại được. Sau khi làm lễ chôn cất xong, bà thím bảo Ruyđy:
– Bây giờ cháu là trụ cột trong gia đình.
Và thật tình Ruyđy là như thế.
Bài học hay từ truyện cổ tích