Câu chuyện dạy chúng ta hiểu hơn về lòng ghen ghét, đố kỵ của con người trong xã hội.
Nội dung truyện cổ tích pho tượng của nhà điêu khắc
Ngày xửa ngày xưa, tại thành phố nhỏ Đuyt-xen-đoóc ở nước Đức có một nhà điêu khắc nổi tiếng, tên gọi Gơ-ru-pen-lô. Tác phẩm của ông đẹp đến nỗi đức vua trị vì thời đó đã đặt nhà điêu khắc một bức chân dung theo kiểu tượng cưỡi ngựa bằng đồng đen. Say sưa với đề tài nghệ thuật này, nhà điêu khắc đã làm việc suốt nhiều ngày và nhiều đêm tới rất khuya.
Khi tượng mẫu đã xong, nhà nghệ sĩ mời đức vua và tất cả triều đình của ngài đến xem, trước khi làm khuôn đổ đồng đen. Đúng ngày đã hẹn, nhà vua đến cùng với nhiều vị đại thần đi theo. Nhà điêu khắc cất tấm vải che phủ bức tượng. Tác phẩm đẹp đến mức đức vua đứng lặng người mà ngắm. Rồi ngày quay lại phía nhà điêu khắc:
– Quả thật, ngài Gơ-ru-pen-lô, thật là giống. Đặc biệt giống một cách hoàn hảo. Danh tiếng của ngài quả là không sai. Ngài đúng là một nghệ sĩ lớn.
Và đức vua thân mật bắt tay nhà nghệ sĩ.
Ảnh minh họa.
Khi cả triều thần thấy nhà vua bắt tay người nghệ sĩ điêu khắc như là đối với một người bạn thân lâu năm, lòng đố kị ở họ bùng lên không giới hạn, và họ cố tìm cách hạ thấp giá trị của tác phẩm. Họ không dám động chạm gì đến chính chân dung đức vua, nhưng một vị làm ra vẻ thân tình nói với nhà điêu khắc:
– Quả thật, ngài Gơ-ru-pen-lô ạ, chân dung đức Hoàng thượng mười phần hoàn hảo. Nhưng xin phép được góp chút ý nhỏ về con ngựa: cái đầu có phần quá to, như vậy là mất cân đối.
– Không! – một vị khác lên tiếng – Chính là cái cổ quá dài.
Một vị thứ ba tiếp lời:
– Nếu ông có thể sửa chữa cái cẳng trước bên phải, ngàu Gơ-ru-pen-lô ạ, tôi nghĩ rằng tác phẩm sẽ được nâng cao giá trị.
Vụ thứ tư thêm vào:
– Và cái đuôi thì quá cứng đờ!
Nhà điêu khắc lắng nghe, điềm đạm:
– Nếu đức Hoàng thượng cho phép – nhà điêu khắc nói với đức vua – tôi xin ghi nhận những nhận xét của các vị này. Tôi có được phép giữ cái tượng mẫu này thêm dăm ngày nữa không?
Nhà vua đồng ý, và nhiều điêu khắc cho dựng một bức bình phong bằng ván, che kín xung quanh bức tượng.
Ông ở luôn trong đó, và suốt nhiều ngày, người ta nghe thấy tiếng ông làm việc. Các vị triều thần đi về qua đó luôn và tỏ vẻ phởn chí. Vị nào cũng nghĩ thầm: “Quả là mình sáng suốt, cuối cùng thì anh thợ điêu khắc ấy cũng phải thấy rõ như thế. Anh ta đâu phải đã tài khéo đến cỡ đó”.
Một lần nữa, đức vua và triều đình lại có mặt trước pho tượng của nhà điêu khắc. Một lần nữa, đức Hoàng thượng chiêm ngưỡng bức tượng và tuyên bố là tuyệt tác.
Đến lượt các vị triều thần lên tiếng:
– Đẹp lắm rồi! – vị thứ nhất nói – cái đầu đã rất cân đối.
– Và cái cổ đã duyên dáng hơn vì đã bớt dài. – vị thứ hai nói.
– Tôi nhận thấy cẳng trước bên phải đã hoàn toàn đúng. – vị thứ ba gật gù.
– Và cái đuôi đã mềm mại hơn. – vị cuối cùng xem vào.
– Các vị triều thần của ta có vẻ hài lòng đó – đức vua nói với nhà điêu khắc Gơ-ru-pen-lô – các vị đều nhận thấy những điểm mà ông đã sửa chữa cho bức tượng làm cho tác phẩm tăng giá trị lên rất nhiều.
– Tôi rất vui lòng – Gơ-ru-pen-lô mỉm cười nói – nhưng mà sự thật là tôi chẳng sửa chữa chút nào cả!
– Thế nào? – đức vua hỏi to – Vậy thế mấy ngày trời vừa qua, ngài đã cặm cụi làm gì thế?
– Tôi làm cái việc đập tan những tham vọng của các vị triều thần của đức Hoàng thượng về mặt nghệ thuật. Chính lòng đố kị của họ là động cơ duy nhất thúc đẩy họ bới lông tìm vết cho ra những thiếu sót ở bức tượng tôi làm. Và tôi nghĩ rằng, lúc này thì họ phải công nhận điều đó.
Đức vua cười hể hả, nhưng các vị triều thần thì len lén rút lui ra khỏi xưởng điêu khắc, kẻ trước người sau lặng lẽ không một lời.
Thử tài trí nhớ qua những câu đố vui