Những câu truyện cổ tích Andersen hay nhất, không phải ai cũng biết

Hạ Mây - Ngày 20/03/2022 19:48 PM (GMT+7)

Những câu truyện cổ tích Andersen mang nhiều ý nghĩa khác nhau, tôn vinh tình yêu, nghị lực, lòng dũng cảm và khát vọng của con người trong cuộc sống.

Những câu truyện cổ tích Andersen hay nhất, không phải ai cũng biết - 1

Những câu truyện cổ tích Andersen hay nhất, không phải ai cũng biết - 2

Thần ru ngủ

Trên đời này chẳng ai biết nhiều chuyện bằng Thần Ru ngủ. Ở Đan Mạch người ta gọi là Thần Ôle Ru ngủ. Đúng đấy! Thần mà kể chuyện thì có thể mê đi được.

Tối đến, khi bọn trẻ con còn đang ngồi quanh bàn thì Thần Ru ngủ bay tới. Thần rón rén bỏ giày đi, nhẹ nhàng lên thang gác, mở hé cánh cửa và, vù một cái, Thần ném cát vào mắt trẻ con, một thứ cát rất mịn. Thế là bọn trẻ tối tăm mặt mũi lại, chẳng nhìn thấy Thần. Thần lẻn vào sau lưng chúng, thổi nhẹ vào gáy chúng. Thế là đầu chúng nặng chịch ra và chúng buồn ngủ rũ rượi.

Khi lũ trẻ đang ngủ, Thần ngồi trên giường chúng. Thần mặc một chiếc áo lụa rất đẹp, trông không rõ là màu gì, vì áo đổi màu tuỳ từng lúc: xanh biếc, đỏ thẫm, hoặc xanh lợt.

Mỗi tay Thần cắp một cái ô.

Phía trong của một trong hai cái ô đó vẽ nhiều hình tuyệt đẹp, ấy là cái Thần che cho trẻ con ngoan để các em mơ thấy những chuyện thật thú vị. Còn trên chiếc ô kia chẳng vẽ gì cả, dùng cho những đứa trẻ hư, giấc ngủ của chúng sẽ nặng nề, chúng chẳng mơ thấy gì cả và lúc thức dậy đầu chúng cũng vẫn nặng chình chịch. Sau đây, tôi kể lại cho các em những chuyện mà trong một tuần lễ Thần Ru ngủ, cứ tối tối đến thăm cậu bé Igianma, đã kể cho cậu.

Thứ Hai

– Chú ý này! – Thần Ru ngủ bảo Igianma sau khi đã đặt cậu bé vào nằm im trong giường. Ta sẽ biến hoá tất cả mọi vật ở trong phòng này!

Thế là trong nháy mắt tất cả những cây trong các chậu hoa biến thành những gốc cây lớn, cành lá xum xuê vươn lên trên các bức tường đến tận trần nhà. Gian phòng biến thành một buồng kính ươm cây. Cành cây nở đầy hoa thơm ngát và đẹp hơn cả hoa hồng. Hoa lại có thể ăn được, ngon hơn cả loại mứt ngon nhất. Quả cây lấp lánh như vàng thật. Trên cây còn có cả bánh ngọt, trên rải toàn mứt nho. Thật là tuyệt!

Nhưng, ngay lúc ấy, trong ngăn kéo của Igianma đựng sách vở, bỗng có tiếng rên rỉ thảm thiết.

– Gì thế nhỉ? – Thần Ru ngủ vừa bước tới cái bàn vừa nói.

Thần mở ngăn kéo ra. Cái bảng đá đang kêu ca, phàn nàn. Người ta đã làm trên bảng một bài tính đố, trong đó có một con tính làm sai nên đáp số cũng sai. Cái bút viết bảng, mặc dù bị một sợi dây cột vào bảng đá, cũng cứ nhảy nhót, múa may cuồng lên như một con quỷ lùn. Bút muốn chữa bài tính, nhưng không sao làm được.

Từ trong quyển vở viết tập của Igianma cũng có tiếng rền rĩ nghe rợn cả người. Trong vở, trên mỗi trang đều có những chữ hoa và chữ thường của thầy giáo viết làm mẫu. Dưới mỗi hàng là những nét chữ khác muốn có vẻ giống hệt chữ mẫu. Đó là chữ của Igianma, nhưng rõ ràng là chữ ấy viết nguệch ngoạc, cứ muốn vượt lên trên dòng kẻ.

– Trông người ta đứng thế này kia mà! – Chữ mẫu nói – Hơi nghiêng nghiêng và duyên dáng một chút!

Chữ của Igianma viết đáp:

– À! Chúng tớ cũng muốn thế lắm chứ, nhưng chúng tớ yếu quá, không ngẩng đầu lên được.

Thần Ru ngủ nói:

– Được, nếu vậy thì ta sẽ rắc cho chúng bay một ít phấn trẻ em.

– Không! Không! – Đám chữ kêu lên và ngửng ngay dậy, trông đến là đẹp mắt.

Hôm nay ta không kể chuyện cho cậu nghe đâu! – Thần Ru ngủ vào Igianma – Ta phải dậy một bài thể dục cho đám chữ hoa của cậu đã. Nào! Một, hai! Một, hai!

Đám chữ tập thể dục theo tiếng hô của Thần Ru ngủ và cuối cùng đứng thẳng được như chữ mẫu.

Thế nhưng, sáng sau, khi Thần Ru ngủ đi rồi, cậu bé giở vở ra, chữ viết vẫn nguệch ngoạc, thảm hại như trước.

Thứ Ba

Igianma vừa vào tới giường, Thần Ru ngủ đã rắc phấn có phép lạ vào tất cả đồ đạc trong phòng. Bỗng chúng tranh nhau nói, nhao nhao cả lên, chỉ có cái ống nhổ là im bặt. Ống nhổ ta lên mặt giận. Ai bảo đứng tận trong góc tường, ai mà chú ý đến?

Trên cái tủ có nhiều ngăn kéo có treo một bức vẽ phong cảnh, đóng khung. Trong tranh có nhiều cây cổ thụ cao lớn, có bãi cỏ, có nhiều cây đã ra hoa và một con sông con chảy men rừng, qua nhiều lâu đài, rồi đổ ra biển cả.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thần Ru ngủ rắc ít phấn vào bức tranh. Thế là chim chóc trong tranh ca hót véo von, ngọn cây rung rinh trước gió, mây trôi, bóng mây lướt trên tranh.

Rồi Thần đặt cậu bé vào trong tranh, trên thảm cỏ.

Mặt trời sáng rực, lấp lánh qua hàng cây cao vút. Igianma chạy theo dọc bờ sông và leo lên một chiếc thuyền sơn trắng viền đỏ đậu gần đấy, cánh buồm nom như bằng bạc, đàn thiên nga đeo vòng trên cổ, đầu cài một ngôi sao xanh biếc rực rỡ, lôi thuyền ra khỏi khu vườn xanh tươi, nơi mà cây cối toàn kể những chuyện về trộm cướp và ma quái, và kể lại những chuyện mà loài bướm đã kể cho cây nghe.

Đàn cá vẩy vàng vẩy bạc tung tăng cạnh thuyền. Chim xanh, chim đỏ đủ các loại to nhỏ, nối đuôi nhau bay thành hai hàng dài. Ruồi và bọ hung bay vù vù. Tất cả chim chóc côn trùng đều muốn bay theo Igianma và kể chuyện cho cậu nghe.

Một cuộc du ngoạn thật là thú vị! Rừng cây lúc thì rậm rạp, âm thầm, lúc thì giống như những khu vườn rực rỡ, tràn ngập ánh nắng, đầy hoa thơm cỏ lạ; lại có những lâu đài bằng đá hoa cương và pha lê cao hơn các vòm cây. Một nàng công chúa đứng trên bao lơn, đó là một cô bé mà Igianma rất quen biết.

Ngày xưa cô bé đã từng chơi đùa với cậu. Chúng chìa tay cho nhau và cô bé biếu cậu một chiếc kẹo hình con lợn con mà chẳng thấy bán ở hàng kẹo nào cả. Khi thuyền lướt sát bao lơn, Igianma giơ tay lấy kẹo, nhưng kẹo bị gãy làm đôi và mỗi đứa một nửa. Phần của Igianma to hơn.

Phía trước lâu đài có các hoàng tử tí hon đang đứng gác. Họ giơ gươm chào cậu và ném cho cậu nhiều chùm nho và những chú lính chì.

Lúc thì Igianma đi qua rừng, lúc thì qua các gian phòng rộng, qua các thành phố. Chợt cậu đi tới tỉnh của bà vú nuôi yêu quý đã nuôi cậu khi cậu còn nhỏ tí. Bà ta vẫy tay, gật đầu chào cậu và hát lên những câu ca của bà tự đặt ra:

Hỡi cậu IgianmaBé thân yêu của taXưa bế bồng hôn hítNay khôn lớn thế kia.Cậu hãy nắm tay taTrước khi rời đi xaTa nguyện cầu Thượng đếPhù hộ Igianma.

Trong lúc ấy, chim chóc ca hát, hoa nhảy múa trên cành lá và các cây cổ thụ cũng sà xuống như để nghe Thần Ru ngủ kể chuyện.

Thứ Tư

Trời mưa tầm tã, Igianma nằm ngủ mà vẫn nghe tiếng nước mưa đổ xuống. Khi Thần Ru ngủ mở một cửa sổ ra, nước mưa mấp mé khuôn cửa.

Bên ngoài là cả một dải hồ vầ một chiếc thuyền lộng lẫy trước cửa nhà.

– Igianma có muốn đi chơi với ta không? Thần Ru ngủ hỏi. Đêm nay ta qua chơi một số nước, sáng mai ta mới về.

Trong nháy mắt Igianma đã thắng bộ quần áo chủ nhật vào và bước xuống thuyền. Mưa đã ngớt hẳn. Con thuyền trôi qua các phố và đi vòng quanh nhà thờ. Trước mắt họ là biển rộng mênh mông.

Họ lướt sóng đi xa mãi, không còn nhìn thấy đất liền nữa. Họ trông thấy một đàn cò lìa tổ bay về các xứ nóng. Chúng nối đuôi nhau bay qua và chẳng bao lâu đã xa hẳn, nhưng có một chú cò mệt quá, đôi cánh hầu như không đủ sức mang nổi thân nữa. Đó là chú cò cuối cùng trong đàn. Chú ta không theo kịp đàn, sã cánh rơi xuống đúng con thuyền đang lướt qua. Chân bám vào dây buồm, chú gắng gượng nhoi lên, nhưng vô ích, chú ngã xuống boong tàu.

Một cậu thuỷ thủ tóm lấy cò đem nhốt vào chuồng cùng với gà, vịt, ngan, ngỗng. Chú cò đáng thương ngượng nghịu đứng sững ra ở giữa chuồng.

Gà mái kêu lên:

– Ở đâu thò ra thế?

Một gà trống phưỡn ngực, xù bộ lông lên, hỏi cò là ai.

Đàn vịt chen chúc nhau, lạch bạch lùi ra xa, kêu: Cạc! Cạc! Cạc!

Cò bèn nói cho chúng nghe về châu Phi nóng bỏng, về kim tự tháp, về chim đà điểu chạy rong trên thảo nguyên bao la như những con ngựa rừng. Nhưng đàn vịt chẳng hiểu quái gì cả. Chúng lấy mỏ bấm nhau và thì thào:

– Hình như của này ngớ ngẩn thì phải. Các bạn đồng ý cả chứ?

Cò ta im bặt, mơ tới châu Phi đẹp đẽ của mình.

– Đằng ấy có đôi giò tuyệt quá! – Gà trống nói – Bao nhiêu tiền một thước đấy?

– Cạc! Cạc! Cạc! – Lũ vịt kêu lên, nhưng cò làm ra bộ chẳng nghe thấy gì cả.

Gà trống tiếp:

– Ít nhất đằng ấy cũng nên nở một nụ cười mới phải, vì câu nói của tớ cũng khá dí dỏm chứ lị! Nhưng có lẽ hơi thâm thúy đối với đằng ấy.

Gà trống nghĩ thầm:

– Có lẽ hắn đần thật. Mặc hắn, cánh hiểu biết chúng ta chơi với nhau thôi.

Gà trống lại rúc lên, gà vịt lại quàng quạc, nghe chói cả tai, nhưng chúng lấy thế làm thú vị.

Igianma bước tới chuồng gà, mở cửa thả cò ra. Cò được nghỉ ngơi, đã lại sức, nghiêng mình chào cậu bé đã giải thoát cho mình. Rồi cò tung đôi cánh, bay về các xứ nóng. Thấy vậy, đàn gà mái cục ta cục tác ầm lên, vịt quàng quạc và gà trống ta giận đỏ cả mặt.

Igianma bảo chúng:

– Ngày mai chúng mày sẽ được giết thịt và dọn lên bàn ăn tất!

Vừa lúc ấy, cậu chợt tỉnh giấc và thấy mình đang nằm trên giường. Tuyệt thay cuộc du ngoạn của cậu cùng với Thần Ru ngủ!

Thứ Năm

– Đợi tí nhé! – Thần Ru ngủ nói – Nhất là chớ có sợ, ta sẽ cho cậu xem một con chuột nhắt.

Nói rồi Thần giơ ra một con chuột nhắt nằm trong lòng bàn tay.

– Chuột đến mời cậu đi dự đám cưới chuột tối nay, tổ chức ở dưới gầm sàn bếp đấy. Dưới ấy hình như tráng lệ lắm kia đấy.

Igianma hỏi:

– Nhưng làm sao mà tôi qua được cái lỗ nhỏ ở sàn nhà mà xuống gầm được?

Thần trả lời:

– Cái đó đã có ta lo, ta sẽ làm cho cậu bé lại.

Nói rồi Thần rắc lên người Igianma ít bột, thế là cậu cứ bé đi, bé mãi đến lúc chỉ còn bằng ngón tay.

Thần nói tiếp:

– Giờ thì cậu có thể mượn bộ quần áo của anh lính chì mà mặc. Cậu mặc vừa đấy. Đi dự đám cưới mà mặc quân phục thì oách nhất còn gì bằng.

– Hoan hô! – Igianma reo lên.

Và trong nháy mắt cậu đã thắng xong bộ cánh của chú lính chì.

Chuột nhắt kính cẩn thưa:

– Xin cậu vui lòng ngồi vào cái đê [2] của cụ bà để em được hân hạnh kéo cậu đi ạ!

– Làm phiền đằng ấy quá! – Igianma đáp lại rất lễ phép.

Và thế là họ kéo nhau đi dự đám cưới chuột.

Lúc đầu họ chui xuống gầm sàn, men theo một đường hành lang dài và thấp, vừa bằng chiều cao của cái đê, hai bên có những mảnh gỗ mục có chất lân tinh lập loè soi sáng.

– Tuyệt chứ lị! – Chuột nhắt nói – Hành lang đã được phết một lượt mỡ đấy! Thơm, thơm ra phết!

Cuối cùng họ vào đến phòng khách, nơi tổ chức đám cưới. Chuột cái đang chuyện trò ầm ĩ. Phía bên trái, mấy con chuột đực đang giơ cẳng trước lên mân mê bộ ria mép. Ở giữa là cô dâu chú rể, ngồi trên một tấm phó mát và ôm hôn nhau trước mặt quan khách. Vì họ đã đính hôn và sắp làm lễ cưới nên có làm thế cũng chẳng ai nói gì.

Khách khứa vẫn tiếp tục kéo đến. Cô dâu chú rể ngồi ngay chính giữa cửa ra vào.

Phòng khách cũng được phết đầy mỡ như ngoài hành lang, sực một mùi béo ngậy. Đến lúc ăn tráng miệng, nhà chủ mang ra một hạt đỗ trên đó một chú chuột con đã dùng răng nhấm, khắc hai chữ đầu tên của cô dâu chú rể. Thật là một công trình nghệ thuật.

Cả lò chuột đều cho rằng đám cưới thật là vui vẻ tưng bừng.

Igianma thích thú trở về nhà, mặc dù đã phải thu bé người lại và khoác bộ cánh của chú lính chì.

Thứ Sáu

– Lạ quá! – Thần Ru ngủ nói – Không biết bao nhiêu là người, cả người lớn tuổi và nhất là những người đã làm điều xấu, thường hay hỏi ta: “Ông bạn thân mến, chúng tôi không tài nào nhắm được mắt nữa, suốt đêm những tội lỗi của chúng tôi cứ hiện ra lù lù trước mặt như những con quỷ con và hắt những giọt nước sôi và người chúng tôi nữa.

Ông bạn hãy đuổi giúp chúng đi cho chúng tôi ngủ với. – Họ thở dài rồi nói tiếp: – Ông bạn muốn lấy bao nhiêu tiền cũng được, đấy tiền để ở cửa sổ ấy!”. Tôi trả lời: “Tiếc rằng những việc tôi làm không phải vì tiền”.

Igianma hỏi:

– Đêm nay chúng ta làm gì?

– Cậu muốn đi dự một đám cưới nữa không? Đám này khác đám hôm qua. Chả là con búp bê lớn tướng của chị cậu, trông giống như con trai, mà chị cậu đặt tên là Hecman, kết hôn với con búp bê Bectơ. Hôm nay cũng là kỷ niệm ngày sinh của Hecman.

– Phải, tôi biết. – Igianma đáp – Cứ mỗi lần các con búp bê của chị tôi được mặc áo mới là y như chị ấy bảo rằng chúng cưới nhau hay là mừng ngày sinh nhật của nhau. Ít ra cũng có tới trăm lần như vậy rồi.

– Đúng, hôm nay là lễ cưới thứ một trăm linh một, mà lần này sẽ vui đáo để. Ta đi thôi.

Igianma nhìn lên bàn thấy có một chiếc nhà của búp bê có ánh đèn chiếu sáng các cửa sổ. Trước cửa ra vào, đoàn lính chì đang bồng súng. Cô dâu chú rể đang ngồi trầm ngâm nhìn vào mép bàn. Thần Ru ngủ khoác chiếc áo choàng đen của bà nội Igianma làm phép cưới cho họ.

Quà được mang đến rất nhiều. Không ai mang thức ăn đến vì cô dâu chú rể là những người thừa ăn thừa mặc.

Chú rể hỏi cô dâu:

– Mùa hè năm nay chúng ta có về quê chơi, hoặc đi du lịch ra ngoại quốc không?

Họ hỏi ý kiến con chim én đã từng đi chu du khắp thiên hạ và mụ gà mái đã từng ấp năm ổ gà con. Chim én tả lại phong cảnh rực rỡ của các xứ ấm. Ở đó khí hậu êm dịu, núi non ánh lên đủ các màu sắc. Quả thật là đẹp không đâu bằng.

Gà mái đáp:

– Thế nhưng ở đấy lại chẳng có bắp cải lá quăn như ở quê tôi. Tôi đã ở quê cả một mùa hè với đàn gà con. Ở đấy có một bãi cát rộng tha hồ mà dạo chơi và bới cào. Lại có một vườn trồng toàn bắp cải lá quăn, xanh ngắt một màu. Không! Chẳng đâu có cảnh đẹp như thế!

– Bắp cải thì ở đâu cũng thế thôi. – Chim én nói – Nhưng ở nông thôn, thời tiết luôn luôn xấu chả thích thú chút nào!

– Ôi dào! – Gà mái đáp – Rồi cũng quen tất!

– Ở đấy trời rét, tuyết rơi, chả thú vị gì.

– Đúng! Rét thì bắp cải mới cuốn! – Gà mái nói tiếp.

– Tôi cũng đã từng đi du lịch. Có lần tôi đã đi hai dặm đường trong một cái bu. Du lịch quả là chẳng thú vị gì.

– Gà mái nói rất đúng – Búp bê Bectơ nói – Tôi thì tôi chẳng thích đi chơi núi, chỉ leo lên leo xuống suốt ngày, chán chết! Ta cứ chơi trên bãi cát và trong mảnh vườn trồng bắp cải lá quăn cũng đủ lắm rồi.

Không ai có ý kiến gì nữa.

Thứ Bảy

– Thần kể cho tôi nghe một chuyện nào. – Igianma nói với Thần Ru ngủ khi Thần đặt cậu vào giường.

– Tối nay ta không có thì giờ. – Thần vừa nói vừa xòe chiếc ô ra.

– Chiếc ô có những hình người đẹp quá! – Igianma nói.

Đúng thế. Chiếc ô giống như một cái khăn trùm đầu lớn có vẽ cây cối màu xanh lam, mấy chiếc cầu kiểu Trung Quốc có mái nhọn hoắt và trên cầu có một đám trẻ con, đầu chúng lắc lư không ngớt.

– Ta sẽ đi tô điểm cho cả thế gian. – Thần Ru ngủ bảo – Mai là chủ nhật, là ngày lễ rồi. Ta phải leo lên gác chuông xem mấy chú lùn trong nhà thờ đánh bóng các quả chuông chưa để ngày mai rung lên cho kêu. Ta lại còn phải ra đồng xem gió đã quét sạch bụi bám trên lá cây và ngọn cỏ chưa.

Nhưng công việc nặng nhọc nhất là phải kéo bầy sao trên trời xuống để lau chùi lại cho sáng. Ta sẽ cho chúng vào tạp dề, nhưng phải đánh số sao nào vào lỗ ấy, để sau còn đặt trả chúng về chỗ cũ, nếu không làm thế sẽ có nhiều sao đổi ngôi quá, rồi dần dần sẽ rơi mất cả.

Một bức chân dung treo trên tường, ở đầu giường Igianma, lên tiếng:

– Này ông bạn, hãy nghe tôi nói. Tôi là cụ kỵ chú bé này và xin cảm ơn ông bạn đã kể chuyện cho cháu nghe. Nhưng yêu cầu anh bạn đừng nói với cháu những điều vô lý. Làm sao có cái thứ sao tháo xuống để lau chùi kia chứ? Sao là những thiên thể, cũng như trái đất thôi.

– Cám ơn cụ tổ. – Thần Ru ngủ đáp – Rất cám ơn cụ tổ đã góp ý. Cụ là người sáng lập ra cái gia đình này, thật quý hoá, nhưng dù cụ có nhiều tuổi đến mấy cũng chẳng bằng tuổi tôi. Tôi là một vị thần thời cổ đại, từ thời cổ Hy Lạp và cổ La Mã tôi đã có tên là Thần Ru ngủ. Tôi đã từng đến chơi những nhà sang trọng bậc nhất, biết nói chuyện một cách nghiêm túc hoặc chân thật. Thế còn cụ, đến lượt cụ đấy, cụ muốn kể chuyện gì thì kể đi.

Nói đoạn, Thần Ru ngủ xách ô đi ra.

– Không có quyền góp ý một chút hay sao? – Bức tranh lầm bầm.

Giữa lúc đó, Igianma thức giấc.

Chủ Nhật

Thần Ru ngủ nói:

– Chào cậu!

Igianma chào lại và đứng lên giường quay bức tranh cụ tổ vào tường để khỏi làm ngắt quãng câu chuyện như hôm qua.

– Hôm nay Thần kể chuyện đi, truyện “Năm hột đậu nằm trong vỏ đậu ván”, hay truyện “Cẳng gà trống tân cẳng gà mái”, truyện “Kim thô lại tưởng mình là kim thêu”.

– Đừng có đòi hỏi nhiều quá. – Thần Ru ngủ nói – Ta sẽ cho cậu xem cái này hay hơn. Hôm nay cậu sẽ được gặp ông anh của ta. Anh ấy cũng là thần, nhưng đến thăm ai thì chỉ đến một lần thôi, rồi mang người ấy cùng đi trên mình ngựa và kể chuyện cho nghe.

Hơn nữa anh ấy chỉ biết có hai chuyện, một chuyện rất là hay, hay vô cùng, hay nhất trần đời và một truyện, trái lại, thì khủng khiếp, ghê rợn đến nỗi chẳng nên nghe.

Nói đoạn Thần nâng bổng Igianma lên để cậu nhìn qua cửa sổ và nói:

– Đấy, cậu trông thấy anh ta không? Đó là Thần Chết. Cậu xem! Anh ta có ghê tởm như người ta vẽ trong các tập tranh đâu! Đầu anh ấy chẳng phải là một cái sọ dừa như người ta tưởng.

Quần áo anh ấy toàn thêu bằng chỉ bạc cả đấy nhé! Cũng đẹp đấy chứ? Lại còn chiếc áo choàng bằng nhung đen phấp phới trùm cả lưng ngựa nữa, trông có vẻ lắm chứ lị! Cậu xem, anh ấy phi ngựa có đẹp không kìa!

Thực tế, Igianma thấy anh của Thần Ru ngủ phi ngựa qua như một cơn lốc. Ông ta mang theo trên lưng ngựa một đoàn người, già trẻ lớn bé. Trước khi đặt họ ngồi sau hoặc trước yên ngựa, thần đều hỏi từng người một:

– Sổ hạnh kiểm đâu? Tốt hay xấu?

– Tốt – Ai cũng trả lời như vậy.

– Cho xem cái đã. – Thần Chết bảo.

Thế là họ phải chìa sổ ra. Ai được phê “tốt”, hay “rất tốt” vào sổ đều được ngồi phía trước yên và được nghe kể chuyện hay nhất trần gian. Ai bị phê “kém” hoặc “tồi” vào sổ thì phải ngồi sau lưng ngựa, và nghe kể chuyện ghê rợn. Bọn này khóc lóc, run sợ muốn nhảy ra khỏi lưng ngựa, nhưng không được, cứ như bị buộc chặt vào đấy.

Igianma bảo Thần Ru ngủ:

– Thần Chết cũng tốt đấy chớ có sao đâu? Tôi chẳng sợ ông ta tí nào cả.

– Việc gì mà sợ! Thần Ru Ngủ đáp, chỉ cần cậu luôn luôn giữ hạnh kiểm cho tốt là được.

Trong bức tranh, cụ tổ rất hài lòng, cụ thì thầm:

– Bài học tốt đấy! Nghĩ thế nào nói thế ấy bao giờ cũng hơn cả.

Những câu truyện cổ tích Andersen hay nhất, không phải ai cũng biết - 4

 Người nào, vật nào chỗ nấy

Cách đây hơn 100 năm.

Phía sau rừng, gần các hồ lớn, là một tòa lâu đài cổ có hào sâu bao quanh, trong hào mọc đầy cây cối và lau sậy. Sát bên cầu, đi vào cổng cái, có một gốc liễu cổ thụ nghiêng mình xõa cành lá trên mặt hào. Một cô bé chăn một đàn ngỗng đang qua cầu.

Trong khe núi bỗng vang lên tiếng kèn săn và tiếng vó ngựa.

Cô bé chăn ngỗng vội vã xua đàn ngỗng ra khỏi cầu để tránh đoàn người săn bắn đang phi ngựa về. Họ phóng nhanh đến nỗi cô phải nhảy vội xuống một bên thành cầu để khỏi bị hất ngã.

Cô bé xinh xắn, mảnh dẻ, nét mặt dịu hiền, đôi mắt sáng ngời. Lão chúa đất không nhận thấy điều đó. Trong lúc phóng ngựa hắn quay tít chiếc roi ngựa cầm trong tay. Vốn tàn bạo, hắn cảm thấy khoái trá khi quật cô một roi trúng giữa ngực làm cô ngã nhào.

– Người nào chỗ nấy! – Hắn quát lên rồi cười ồ, rất khoái trá về hành động của mình, và những đứa khác cũng cười theo. Cả bọn làm ầm ĩ, chó sủa vang và người ta nghe loáng thoáng câu hát cổ:

Đàn chim đẹp theo gió bay về…

Cô bé chăn ngỗng đáng thương bị quật ngã, khóc sướt mướt. Cô túm được một cành liễu rủ, nên người bị treo lửng lơ trên mặt nước.

Đoàn người săn bắn qua rồi, cô mới vùng vẫy để thoát thân, nhưng cành liễu gẫy và cô sắp rơi ngã lộn nhào vào bụi lau thì một bàn tay khỏe mạnh bỗng nắm lấy cô.

Đó là anh chàng bán giày rong đã nhìn thấy cô từ đằng xa và vội chạy lại cứu cô.

– Người nào chỗ nấy! – Anh vừa mỉa mai nhắc lại lời tên chúa đất rồi đặt cô bé lên lề đường.

Nói rồi anh cắm cành liễu gẫy vào chỗ của nó. Nói là “chỗ của nó” kể cũng quá đáng, đúng ra là anh cắm xuống đất xốp và bảo cây rằng:

– Nếu mọc được thì mọc lên và hãy cho cái bọn ở trên cao kia một cái sáo kêu tốt nhé.

Xong anh đi vào lâu đài, nhưng vì thân phận bé nhỏ nên anh không vào phòng khách. Anh trà trộn với bọn người hầu, họ xem hàng của anh và mua cho anh mấy đôi giày.

Xung quanh một cái bàn lớn, ở trên gác, vang lên một thứ tiếng huyên náo, đáng lẽ phải là tiếng ca lời hát, song bọn khách ấy chỉ cố gắng được đến thế, khiến tiếng hát của chúng nghe như tiếng la hét hoặc tiếng chó sủa, bọn chúng đang chè chén.

Rượu vang và rượu bia chảy như xối vào bình, vào cốc. Đàn chó cũng được vào phòng tiệc. Một gã trẻ tuổi cầm lấy tai dài của chó lau bọt mép cho chúng rồi lần lượt ôm lấy chúng mà hôn hít.

Bọn chúng cho gọi anh hàng giày lên, nhưng mục đích chỉ là để trêu chọc anh mà thôi. Chúng bắt anh chàng khốn khổ ấy uống rượu vang đựng vào một chiếc bít tất. Chúng giục anh:

– Mau lên!

Cái trò chơi quái dị đến nỗi chúng cười lên như phá. Đoạn chúng xoay ra cờ bạc. Hàng đàn súc vật, những trang trại và đất đai được chúng đem ra đặt cược với nhau.

– Người nào chỗ nấy! – Anh thợ giày kêu lên khi anh vừa thoát khỏi cái nơi dâm loạn, rượu chè cờ bạc ấy. Đường cái mới chính là chỗ của anh ta, chứ không phải nơi nhà cao cửa rộng kia.

Cô bé chăn ngỗng từ con đường nhỏ cũng ra hiệu tỏ vẻ đồng tình với anh.

Nhiều ngày tháng trôi qua. Cái cành liễu gẫy mà anh thợ giày đã cắm xuống bờ hào trở nên xanh tươi, nhú lên những mầm non. Cô bé rất lấy làm sung sướng thấy liễu đã bén rễ, vì cô cho rằng cây liễu ấy hình như là của mình.

Nhưng, liễu càng tươi tốt lên thì ngược lại, ở lâu đài cuộc sống càng lụn bại vì cờ bạc và tiệc tùng, hai thứ đó là hai con tàu mà con người nhất thiết không nên leo lên.

Mười năm chưa kịp trôi qua mà lão chúa đất đã phải lìa lâu đài, vác bị, gậy đi ăn xin. Lâu đài phải bán cho một ông hàng giày giàu có, người mà xưa kia bọn chúng đã bắt uống rượu đựng trong bit tất. Tính siêng năng và lòng chính trực là những người giúp việc tốt, chúng đã đưa anh hàng giày lên địa vị chủ nhân, nhưng có cái là từ khi ấy trong lâu đài không có nạn cờ bạc nữa.

Chủ nhân mới cưới vợ. Cưới ai thế? Chính cô bé chăn ngỗng từ trước đến nay vẫn đáng yêu, hiền từ và tốt bụng. Bận quần áo mới vào trông cô lộng lẫy như con nhà quyền quý vậy. Câu chuyện sao lại thành ra như thế nhỉ? À! Kể ra thì hơi dài dòng, nhưng sự thực là như thế đấy và đoạn sau lại đáng kể hơn.

Người ta sống êm ấm trong tòa lâu đài cổ kính. Bà chủ đích thân làm công việc nội trợ; ông chủ thì quán xuyến mọi việc bên ngoài. Thật là có phúc lắm thay! Vì nơi nào đã có hạnh phúc thì những sự thay đổi cũng chỉ mang thêm hạnh phúc đến mà thôi. Tòa lâu đài được lau chùi và quét vôi lại. Người ta phát quang đường hào và trồng cây ăn quả. Phong cảnh trở nên hữu tình.

Ngay sàn nhà cũng bóng nhoáng như đồng đánh bóng. Trong những đêm đông dài, nữ chủ nhân cùng tất cả đầy tớ gái ngồi kéo sợi, se gai ở gian phòng lớn nhất. Mỗi tối chủ nhật, người ta cất cao giọng đọc một đoạn kinh thánh. Chính ông hội thẩm đọc kinh và ông hội thẩm chẳng ai xa lạ mà là anh hàng giày rong khi về già đã được cử vào chức vị ấy.

Lũ trẻ con trong nhà lớn lên. Tất cả chúng nó đều không có những thiên bẩm phi thường, như người ta thường thấy trong mỗi gia đình, nhưng ít nhất chúng đều được hưởng một sự giáo dục rất tốt. Còn gốc liễu thì đã trở nên một cây tuyệt đẹp, mọc tự nhiên, không bị tỉa xén gì cả. Ông bà cụ chủ nhà dặn dò con cháu:

– Đây là cây gia hệ của họ nhà ta, các con phải sùng kính, tôn trọng nó.

Và cả nhà, ngay đến những người chậm hiểu nhất cũng nghe theo những lời khuyên đó.

Một trăm năm qua đi.

Đến thời chúng ta đây. Hồ nước đã biến thành đầm lầy; tòa lâu đài cổ đã điêu tàn; người ta chỉ còn thấy một bể cạn, hình bầu dục, đựng nước cho súc vật, bên cạnh một đoạn móng tường nhà cũ; đó là dấu vết còn sót lại của hào lũy thuở xưa. Nơi ấy còn có một cây cổ thụ.

Đó là cây gia hệ. Ta thừa biết một cây liễu được mọc tự nhiên thì sẽ đẹp biết chừng nào! Cây đã bị mọt ăn rỗng từ gốc đến ngọn, bị bão táp phá hoại ít nhiều, nhưng vẫn đứng vững vàng trong những khe kẽ mà gió đã đem đất tới, cỏ non và những cây có hoa đã mọc lên.

Phía trên thân cây, nơi trổ ra những cành lớn, có cả một mảnh vườn hoa sơn trà và phúc bồn tử nho nhỏ. Một ngọn dương mai mảnh dẻ và cao vút mọc ngay trên thân cây liễu cổ thụ đứng soi mình trên mặt nước đen của bể cạn. Một con đường mòn bỏ từ lâu, chạy vắt qua cái vườn ngay gần đấy.

Tòa lâu đài mới đã được xây dựng trên đồi cao cạnh rừng. Đứng ở đấy nhìn phong cảnh thật là tráng lệ.

Tòa nhà vĩ đại, nguy nga, có cửa kính trong vắt trông như là cửa để trống.

Ở đây không có cái gì là không cân xứng. “Đâu vào đấy!” vẫn là khẩu hiệu của nơi này. Chính vì thế nên những bức họa xưa kia đặt ở những nơi trang trọng nhất của lâu đài bây giờ đều được đem treo ra ngoài hành lang cả. Hai bức họa cổ, một bức vẽ một người đàn ông, vận quần áo đỏ, đầu chụp bộ tóc giả, một bức vẽ một bà quý phái, môi son, má phấn, tóc quăn, tay cầm cành hồng đỏ, đều chẳng phải là những bức họa xấu cả đấy ư?

Mỗi bức đều có một vòng lá liễu bao quanh. Bức nào cũng có nhiều lỗ thủng lớn. Đó là vì các cậu bá tước trẻ tuổi đã đem tranh của vợ chồng ông cụ già đáng thương, tức là vợ chồng ông hội thẩm, thủy tổ của họ, ra làm bia ngắm bắn súng hơi.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Con trai ông mục sư dạy học trong lâu đài. Một hôm anh ta dẫn các cậu bá tước và cô chị cả, vừa làm lễ thêm sức xong, qua con đường nhỏ, ra chỗ gốc liễu cổ thụ.

Khi tới gốc cây, cậu bá tước nhỏ nhất muốn bẻ một cành liễu để gọt một ống sáo; anh giáo bẻ cho cậu một cành.

– Trời! Anh đừng làm thế! – Cô bé kêu lên, nhưng quá muộn. – Đây là cây cổ thụ trứ danh của nhà tôi đấy! Tôi quý nó lắm. Cả nhà cứ thế nhạo tôi vì thế, nhưng tôi không cần. Có cả một truyện cổ tích về gốc cây cổ thụ này…

Rồi cô thuật lại cả câu chuyện mà chúng ta đã biết về gốc liễu, về tòa lâu đài cổ, về cô bé chăn ngỗng và anh bán hàng giày rong, về tổ tiên của cái gia đình danh giá mà chính cô là dòng dõi.

Cô nói:

– Các cụ tổ trung thực ấy không muốn mua danh tước. Châm ngôn của các cụ tôi là: “Người nào, vật nào, chỗ nấy!”. Đối với các cụ tiền tài không phải là tờ chứng khoán có đủ hiệu lực để đưa các cụ lên ngôi thứ cao. Chỉ có con trai của các cụ, tức là ông tôi, đã trở thành bá tước. Ông tôi hiểu biết rất rộng.

Được mọi người kính trọng và được vua và hoàng hậu rất quý mến, thường cho vời đến dự mọi yến tiệc. Chính ông cụ là người được sùng kính hơn cả, nhưng không hiểu tại sao tôi vẫn cứ thích các cụ tổ kia hơn. Trong quang cảnh tòa lâu đài cổ kính, bà cụ ngồi giữa đám hầu gái se sợi, cụ ông cất cao giọng đọc kinh thánh; hai cụ hẳn là người hiền hòa, phúc hậu biết bao!…

Cậu bé đã gọt xong ống sáo.

Trong lâu đài đang có cuộc hội họp lớn: khách khứa từ kinh đô và các nơi lân cận về, có các bà quý phái mặc quần áo đủ các kiểu, có kiểu trang nhã, nhưng cũng có kiểu trông thật khó coi.

Gian phòng lớn đầy khách khứa. Anh con trai ông mục sư khiêm tốn đứng trong một góc.

Sắp sửa có một cuộc hòa nhạc lớn. Cậu bá tước mang ống sáo bằng cành liễu tới, nhưng cha cậu và cậu đều không biết thổi.

Người ta đàn nhạc và ca hát, ai cũng lấy làm thích thú. Kể ra thì như vậy cũng là khá lắm rồi.

– Kìa anh cũng là một nhạc sỹ kỳ tài kia mà! – Một vị khách bảo anh giáo. – Anh biết thổi sáo, liệu có cho chúng tôi nghe bài gì không nào?

Vừa nói ông ta vừa trao cho anh giáo chiếc sáo nhỏ gọt lúc nãy ở gần bể cạn. Rồi ông cất cao tiếng dõng dạc tuyên bố rằng anh sắp biểu diễn một bài sáo.

Anh giáo biết rằng người ta sắp chế nhạo mình, nên mặc dù biết thổi sáo, anh cũng không muốn thổi. Nhưng người ta nài ép nhiều quá, cuối cùng anh phải cầm lấy chiếc sáo, đưa lên miệng.

Cây sáo kỳ diệu thay! Nó rít lên một tiếng như còi tàu hỏa, vang khắp cả tòa lâu đài, sang tận bên kia rừng. Cùng lúc ấy, một cơn bão nổi lên, rít theo:

– Người nào chỗ nấy!

Ông chủ lâu đài bị gió cuốn xuống tận chuồng bò. Người chăn bò được đưa không phải lên phòng lớn, nhưng lên phòng dọn tiệc, giữa đám quân hầu vận toàn quần áo dát bạc. Bọn này rất lấy làm lạ khi thấy kẻ ngu dại đó ngồi cùng bàn với bọn họ.

Trong gian phòng lớn cô bá tước nhỏ tuổi bay đến ngồi vào ghế danh dự, nơi rất xứng đáng với cô. Con trai ông mục sư ngồi cạnh cô, trông như đôi vợ chồng. Một vị bá tước già, thuộc dòng dõi quý phái lâu đời nhất, vẫn ngồi ở chỗ cũ, vì cây sáo rất công bằng.

Chàng kỵ sĩ đáng yêu, người đã gây ra cái trò thổi sáo này, bị đẩy thẳng ra chuồng gà.

Cây sáo ghê gớm! Nhưng may sao, nó bị vỡ và thế là hết cái phép: “Người nào chỗ nấy!”.

Hôm sau, người ta không nói đến sự lộn xộn đêm trước nữa, chỉ còn lại câu ngạn ngữ: “Thu sáo về”.

Mọi vật lại trở về trật tự cũ. Riêng có hai bức chân dung của cô chăn ngỗng và anh hàng giày rong giờ lại được treo vào gian phòng lớn, nơi mà tối qua gió đã cuốn hai bức vào đấy. Một người sành sỏi bảo rằng đó là hai bức tranh quý giá, nên người ta sửa sang khôi phục lại chúng.

“Người nào, vật nào, chỗ nấy!” – Người ta luôn mãi nhắc đến câu ấy và nó sẽ sống lâu hơn câu chuyện này.

Những câu truyện cổ tích Andersen hay nhất, không phải ai cũng biết - 6

Bé tí hon

Ngày xưa có một bà ước mong sinh được một đứa con, nhưng không biết làm cách nào. Bà đành đi tìm một mụ phù thủy già và hỏi:

– Tôi rất muốn có một cháu bé, bà có thể bảo giùm tôi làm cách nào để có con được không?

– Ta sẽ giúp ngươi. Cầm lấy hạt lúa này. Nó không giống loại lúa mì mọc ngoài đồng, cũng chẳng phải là loại vẫn cho gà ăn đâu! Đem gieo nó vào một chậu hoa, rồi ngươi khắc biết.

– Cám ơn bà.

Nói đoạn bà trả công cho mụ phù thủy tám hào bạc, rồi về nhà đem gieo hạt lúa. Lập tức nó mọc thành một cây hoa tuyệt đẹp, trông giống như hoa uất kim hương, nhưng cánh hoa cuốn lại như một cái nụ.

– Hoa đẹp quá!

Bà vừa thốt lên vừa đặt môi lên hoa.

Nhưng đang lúc bà ta hôn bông hoa, bỗng có tiếng động rất mạnh làm hoa bừng nở. Rõ ràng là một bông hoa thật, nhưng ở giữa hoa có một cháu bé gái xinh đẹp ngồi trên nhụy hoa màu xanh như ngồi trên một chiếc ghế tựa, bé không lớn gì hơn ngón tay cái nên người ta gọi bé là Bé tí hon.

Người ta lấy vỏ hạt dẻ làm cho bé một chiếc nôi rất đẹp, bên trong có nệm làm bằng một cánh hoa tím, chăn đắp là một cánh hồng. Đó là nơi bé thường ngủ. Ban ngày bé chơi trên bàn. Bà chủ nhà đặt trên đó một cái đĩa đựng đầy nước, vành đĩa khoanh một vòng hoa.

Cánh hoa nổi trên mặt nước, có cả một cánh uất kim hương to. Bé tí hon có thể ngồi lên đi vòng quanh đĩa, có chiếc lông ngựa dùng để chèo. Bé tí hon cũng biết hát, giọng hát êm ái dịu dàng.

Một đêm, Bé tí hon đang ngủ, bỗng một con cóc gớm ghiếc chui qua ô kính vỡ trên cửa sổ vào phòng, vừa béo vừa nhớt nhát. Nó nhảy lên bàn nơi Bé tí hon đang ngủ dưới cánh hoa hồng đỏ. Nó nghĩ thầm:

– Được con bé này làm vợ con trai mình thì ắt phải mê tít.

Thế là nó chộp lấy cái vỏ hạt dẻ, bên trong có Bé tí hon đang ngủ, chui qua ô kính vỡ, đem ra vườn. Trong vườn có một dòng suối to, hai bờ lầy lội. Đấy là chỗ ở của bố con nhà cóc. Khiếp! Cóc con cũng béo phị và trông tởm như cóc bố, giống nhau như đúc.

– Coọc, coọc, kẹc, kẹc, kẹc!

Khi trông thấy cô bé xinh đẹp trong vỏ hạt dẻ cóc con chỉ biết nói có vậy thôi. Cóc bố bảo:

– Đừng có kêu to như thế! Nó mà thức dậy là nó chạy trốn mất đấy, vì nó nhẹ như lông tơ thiên nga. Chúng ta sẽ đặt nó lên một lá sen to. Nó bé thế, lá sen sẽ như một hòn đảo, nó không thể chạy trốn được. Chúng ta sẽ sửa soạn một căn nhà cho nó ở trong chốn bùn lầy này.

Giữa dòng suối có nhiều gốc sen, lá xanh to tướng bập bềnh trên mặt nước, tàu ở xa bờ nhất là tàu to nhất. Cóc già bơi ra tận đấy, đặt chiếc vỏ hạt dẻ đựng Bé tí hon lên tàu lá.

Sáng hôm sau, bé tội nghiệp thức dậy. Khi nhận ra mình đang ở đâu, bé oà khóc rất thảm thiết, vì xung quanh tàu lá xanh to đều là nước. Bé tí hon không làm thế nào vào bờ được.

Trong khi đó, cóc già chuẩn bị huê phòng cho cô bé trong đám bùn lầy. Lão trang hoàng căn phòng bằng cây khê tôn và sen vàng, xong lão cùng con trai đến gặp Bé tí hon tận chiếc lá sen ngoài cùng.

Cóc già cúi rạp xuống nước chào Bé tí hon và nói:

– Ta giới thiệu với con thằng con trai của ta. Chồng của con đấy. Hai con sẽ sống trong căn phòng đẹp đẽ giữa đám bùn lầy này.

– Coọc, coọc, kẹc, kẹc, kẹc!

Cóc con vẫn chỉ nói được có thế.

Cóc bố và cóc con ngậm lấy tàu lá vừa bơi vừa kéo vào bờ. Bé tí hon ngồi trên tàu lá khóc sướt mướt. Bé vừa không muốn ở nhà con cóc già ghê tởm, vừa sợ phải lấy đứa con trai gớm guốc của lão.

May sao lũ cá con đang bơi lội ở dưới suối đã trông thấy. Chúng thò đầu ra khỏi nước để xem Bé tí hon.

Chúng thấy cô bé đẹp và rất buồn vì cô bé phải sống với hai con cóc ghê tởm.

Không, không thể được! Chúng bơi đến ngay dưới tàu lá có Bé tí hon ngồi trên và cố hết sức cắn cuộng sen. Thế là dòng nước cuốn tàu lá đi, đồng thời đưa cô Bé tí hon ra xa giữa dòng, rõ xa, nơi mà cóc không thể ra tới nơi được.

Bé tí hon trôi qua nhiều tỉnh thành. Trong bờ bụi, chim chóc hót rằng:

– Ồ, cô bé xinh quá!

Tàu lá vẫn trôi và đưa cô bé qua các xứ xa lạ. Một con bướm trắng bay lượn hồi lâu trên đầu cô bé rồi đậu xuống tàu lá. Cô bé rất sung sướng vì đã thoát khỏi lũ cóc và được ngắm nhìn phong cảnh tuyệt đẹp ở những xứ sở mà tàu lá trôi qua. Dưới ánh nắng, nước suối lóng lánh như vàng lỏng.

Bé tí hon cởi dây lưng, buộc một đầu vào thân bướm, đầu kia vào tàu lá và khi bướm bay, nó kéo theo cả tàu lá. Bỗng có một lão bọ dừa to tướng xuất hiện. Hắn lấy chân quắp lấy Bé tí hon và đem đến một cành cây. Còn chiếc lá vẫn tiếp tục chao lượn cùng với con bướm, vì bướm đã bị buộc chặt vào lá, không tự gỡ ra được.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Khi bọ dừa đem Bé tí hon lên cây, bé sợ lắm, sợ cả cho số phận con bướm tội nghiệp bị buộc vào tàu lá. Nếu không ai tìm cách gì cởi dây buộc ra cho bướm thì bướm đến chết đói mất! Nhưng bọ dừa chẳng nghĩ đến chuyện ấy! Hắn đặt Bé tí hon lên một chiếc lá xanh to, đem nhụy hoa đến cho bé ăn và khen rằng bé đẹp lắm, mặc dù bé không thuộc giống bọ dừa.

Nhiều bọ dừa bạn hắn, sống trên những cây bên cạnh, sang chơi. Con nào cũng nhìn Bé tí hon bằng một vẻ láo xược. Một ả bọ dừa còn trẻ kêu lên:

– Nó chỉ có hai chân thôi, chị em ạ!

Một con khác vội thêm:

– Nó không có râu, chúng mày ạ!

Nhiều con khác chế nhạo:

– Gớm, nom nó xấu như giống người vậy.

Thật ra Bé tí hon rất xinh. Thoạt đầu khi nó đem cô bé về, con bọ dừa không nghĩ như các bạn nó, nhưng vì tất cả lũ bọ dừa đều nhất trí là bé xấu xí, nó cũng tin như vậy và không thích Bé tí hon nữa.

Nó đem bé đặt xuống một cây cúc trắng. Bé tưởng rằng mình xấu đến nỗi bọ dừa cũng chẳng muốn cho mình sống với chúng, Bé tí hon khóc nức nở. Nhưng thực ra bé rất xinh, thanh tú và dịu dàng chẳng khác gì cánh hồng.

Bé tí hon sống một mình suốt mùa hạ trong khu rừng lớn. Bé tự làm lấy một cái võng bằng rơm, đem treo dưới một cái lá thu mẫu đơn rõ to để tránh mưa. Bé ăn nhụy hoa và uống những hạt sương rơi. Bé sống như vậy suốt mùa hè và mùa thu.

Nhưng đông tới, mùa đông dài dằng dặc và lạnh giá. Tất cả những con chim nhỏ vẫn hót cho bé nghe đều bay đi trú rét mất cả. cây cối rụng hết lá, hoa đều tàn, chiếc lá thu mẫu đơn che chỗ nằm của bé quăn lại, chỉ còn trơ cái cọng vàng khô. Quần áo rách tươm, bé rét run lên.

Tuyết rơi, mỗi khi có một bông tuyết rơi vào người, bé cảm thấy nặng không chịu nổi. Bé nép mình trong một chiếc lá khô nhưng cũng chẳng ấm được chút nào, vẫn run lên cầm cập.

Bé tí hon bỏ đi và đến một ruộng lúa ở ven rừng. Người ta đã gặt từ lâu, chỉ còn lại gốc rạ, từ dưới đất giá lạnh tua tủa đâm lên. Đối với cô bé, vượt qua mảnh ruộng ấy cũng giống như vượt qua một khu rừng, bé chuệnh choạng vấp ngã bên này bên kia. Bé tí hon lần được đến cổng nhà mụ chuột đồng – một cái lỗ đào dưới gốc rạ. Chuột đồng sống trong ấy rất thoải mái ấm áp, căn phòng của mụ đầy những lúa và các lương thực khác, hai hôm nay rồi bé chưa được miếng gì vào bụng.

Vốn tốt bụng, chuột đồng bảo:

– Tội nghiệp con bé! Vào trong nhà ăn với ta, cháu ạ!

Thấy Bé tí hon dễ thương, chuột đồng bảo:

– Cháu có thể ở đây với ta suốt mùa đông, chỉ cần giữ gìn nhà cửa cho sạch sẽ và kể chuyện cho ta nghe, ta thích nhất là nghe kể chuyện.

Bé tí hon làm theo lời chuột già phúc hậu và được chuột đối xử rất tử tế. Một hôm, chuột đồng nói:

– Sắp có khách sang chơi đấy. Ông bạn láng giềng tuần nào cũng sang thăm ta. Ông ta còn giàu hơn ta kia đấy, có cửa cao nhà rộng. Ông ta thường khoác một bộ áo lông đen lánh như xa tanh. Cháu mà lấy được ông ta thì may lắm. Nhưng ông ta mù và cháu sẽ phải kể chuyện cho ông ta nghe.

Bé tí hon không để ý gì đến chuyện lão chuột chũi hàng xóm cả. Hắn khoác một bộ lông đen lánh như xa tanh đến thăm chuột đồng.

Theo lời chuột đồng thì hắn rất giàu và có học. Nhà hắn rộng gấp hai mươi lần nhà các con chuột chũi khác. Tuy hắn có học đôi chút, nhưng hắn không thích ánh nắng và hoa. Hắn toàn nói xấu hoa và ánh nắng. Chúng mời Bé tí hon hát. Bé hát rằng: “Bay đi, bọ dừa bay đi!”. Giọng hát của bé làm chuột chũi ta thích mê tơi, nhưng hắn không nói gì.

Gần đây chuột chũi đã đào một ngách từ nhà hắn ăn thông sang nhà chuột đồng. Hắn mời Bé tí hon và bạn hắn vào đấy chơi. Trong ngách có xác một con chim bị chết rét trong những ngày mùa đông. Chuột chũi lấy mõm ngậm một mầu gỗ mục (trong chỗ tối, thứ gỗ mục ấy phát ra ánh sáng) và đi trước để soi đường. Khi đến gần xác con chim, chuột chũi húc mõm lên trần để cho đất rơi xuống, trần bị thủng một lỗ, qua đó một chút ánh sáng rọi vào.

Nhờ thế họ trông thấy một con chim én nằm giữa hang, hai cánh gập lại, lông che kín đầu và chân co quắp. Con chim đáng thương rõ ràng là đã chết rét. Bé tí hon thương chim lắm. Bé vốn rất yêu những con chim bé nhỏ, đã hót cho bé nghe suốt mùa hè. Nhưng chuột chũi lấy chân ẩy chim én và nói:

– Nó không hót được nữa! Buồn thay cho số phận những con chim bé nhỏ. Lạy giời đừng bắt con cái tôi sau này hoá thành chim, vì ngoài tiếng chiêm chiếp ra, chim chẳng biết gì cả, và cứ đến mùa đông là chim chết đói.

Chuột đồng hưởng ứng:

– Bác nói rất đúng. Ngoài tiếng chiêm chiếp ra, hỏi chim còn biết gì nữa khi mùa đông tới? Nó chỉ biết có chết đói và chết rét!

Bé tí hon không nói gì, nhưng khi hai con chuột quay lưng đi, bé liền cúi xuống, vạch lông chim, hôn lên đôi mắt nhắm nghiền của chim và nói:

– Có lẽ đúng là con chim đã làm cho mình thích mê mệt trong dạo hè vừa qua. Con chim bé nhỏ xinh đẹp, hót hay quá đi mất!

Chuột chũi tiễn khách về nhà. Bé tí hon suốt đêm không ngủ. Bé vùng dậy lấy rơm tết lại thành một cái chăn đem đắp cho con chim chết rét. Bé còn lấy cả nhụy hoa trong buồng của chuột đồng đem phủ xung quanh thân chim. Bé nói:

– Vĩnh biệt chim bé nhỏ thân yêu, đã hót rất mê ly trong mùa hè vừa qua, khi cây cối xanh tươi và ánh nắng sưởi ấm chúng ta.

Bé tí hon lấy tay ghì đầu chim bé nhỏ vào ngực. Bỗng bé sợ hãi, lùi lại. Có vật gì động đậy dưới tay bé. Đó là trái tim của chim. Con én mới chỉ bị tê cóng vì rét, và giờ đây được sưởi ấm, chim đã tỉnh lại.

Mùa thu chim én thường bay về các xứ nóng. Thảng hoặc có con nào rớt lại thì nó sẽ bị lạnh đột ngột, rơi xuống và tuyết sẽ là mồ chôn én.

Bé tí hon sợ quá, run lên cầm cập, nhưng trấn tĩnh lại ngay. Bé rắc thêm nhụy hoa lên mình chim, lấy lá bạc hà, bé vẫn dùng làm chăn đắp bọc lấy đầu chim.

Đêm sau, bé trở lại thăm chim. Chim vẫn sống, nhưng yếu đến nỗi chỉ mở mắt được một lát để nhìn bé. Bé đứng cạnh chim, tay cầm một miếng gỗ mục thay đèn. Chim cất tiếng nói:

– Cám ơn cô bé lắm, cám ơn cô bé thân yêu! Tôi thấy trong người nóng lên rồi, tôi sẽ lại sức và sẽ có thể bay về nơi chan hoà ánh nắng.

Bé tí hon đáp:

– Chết! Bên ngoài lạnh lắm, toàn là băng tuyết. Cứ nằm yên trong cái giường bé nhỏ này, chim ạ, tôi sẽ săn sóc chim rất cẩn thận.

Bé lấy một cánh hoa múc nước đem lại cho chim én. Rồi chim nói cho bé biết chuyện chim bị thương ở cánh khi bay từ một bụi gai ra, do đó không kịp bay theo đàn về các xứ nóng và rơi xuống đất. Chim chỉ nhớ được có thế và không biết bây giờ mình đang ở đâu.

Chim én ở lại trong hang suốt mùa đông. Bé tí hon cố sức săn sóc chim, chim rất yêu quý bé. Chuột đồng và chuột chũi chẳng hề biết tí gì, nếu chúng biết thì chúng chẳng để cho chim én ở đấy.

Tia nắng đầu xuân vừa xuất hiện, chim én nói với Bé tí hon có muốn cùng đi hay không. Chim sẽ cõng bé trên lưng và đưa về rừng. Nhưng Bé tí hon cho rằng như thế là phụ ơn chuột đồng, bé nói:

– Tôi không thể làm thế được.

– Thế thì từ biệt bạn thân yêu!

Chim én nói rồi bay vút lên bầu trời, trong nắng xuân. Bé tí hon nhìn theo chim, bằng đôi mắt buồn rầu, vì bé cũng rất mến chim.

– Quy-vit, quy-vit!

Chim vừa hót vừa bay vút về rừng. Bé tí hon buồn lắm. Bé không ra ngoài nắng ấm được, vì lúa đã mọc cao. Đối với bé, thửa ruộng ấy như một cánh rừng.

Một hôm chuột đồng bảo bé:

– Mùa hạ đã đến, lễ cưới cháu sắp tới nơi rồi (chả là ông bạn láng giềng chuột chũi đã sang dạm hỏi Bé tí hon). Cần phải sửa soạn quần áo mới cho cháu. Ta sẽ cho cháu nhiều của hồi môn nếu cháu lấy chuột chũi.

Bé tí hon phải ngồi quay sợi. Còn có cả bốn con nhện dệt đêm dệt ngày. Chiều nào chuột chũi cũng sang chơi và nói rằng hễ mùa hè qua, trời bớt nóng – vì lúc đó đang nắng như thiêu như đốt – là hắn cưới Bé tí hon ngay.

Nhưng Bé tí hon không ưa chuột chũi tí nào. Sáng sáng, lúc bình minh, và chiều chiều, lúc mặt trời lặn, khi gió thổi các bông lúa ngã xuống, hé cho bé nhìn thấy bầu trời xanh biếc, bé mơ đến cuộc sống bên ngoài, và ước mong chim én bay trở lại.

Khi thu sang, quần áo cưới cũng chuẩn bị xong. Chuột đồng bảo bé:

– Bốn tuần nữa thì làm lễ cưới.

Nhưng Bé tí hon oà lên khóc và nói rằng không thích chuột chũi.

Chuột đồng bảo:

– Chà! Đừng có õng ẹo. Ta cắn cho mấy răng bây giờ. Ta gả mày vào nơi danh giá, còn muốn gì nữa? Đến ngay hoàng hậu cũng chẳng có bộ áo xa tanh đen bóng như nó. Mày nên cảm ơn Thượng đế mới phải.

Đến ngày cưới, chuột chũi tới để đem Bé tí hon đi. Bé sắp phải xuống ở với hắn dưới hang sâu, xa ánh nắng, vì chuột chũi ghét ánh sáng. Cô bé đáng thương đành phải từ biệt mặt trời. Ở nhà chuột đồng, ít ra bé cũng còn có thể đứng ở cửa hang mà nhìn thấy trời được.

– Mặt trời nóng ấm ơi, vĩnh biệt! Bé vừa nói vừa giơ tay lên.

Rồi Bé tí hon rời nhà chuột đồng. Người ta gặt lúa rồi, trên ruộng chỉ còn có rạ.

– Vĩnh biệt! Vĩnh biệt! – Bé vừa kêu lên, vừa vòng tay ôm một bông hoa nhỏ màu đỏ. Nếu hoa có thấy chim én thì cho tôi gửi lời chào.

– Quy-vit, quy-vit!

Vừa lúc ấy bé nghe thấy tiếng chim hót trên đầu mình.

Bé nhìn lên. Đúng là chim én.

Chim én vừa nhìn thấy bé, vội mừng rơn. Bé kể cho chim nghe nỗi buồn phải lấy chuột chũi và phải sống dưới hang sâu, xa ánh nắng mặt trời.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chim én nói:

– Mùa đông sắp tới rồi và tôi cũng sắp quay về xứ nóng. Bé có muốn cùng đi với tôi không? Hãy trèo lên lưng tôi, và lấy thắt lưng buộc người vào mình tôi. Chúng ta sẽ trốn xa chuột chũi và chỗ ở ghê tởm của nó, chúng ta sẽ đi rất xa, bay qua núi non, đến tận những xứ nóng, nơi ánh nắng còn đẹp hơn đây nhiều, nơi mà suốt năm là mùa hạ, nơi có những bông hoa tuyệt đẹp. Trốn đi với tôi, Bé tí hon thân yêu, người đã cứu sống tôi khi tôi nằm cứng đờ dưới đất.

– Chúng ta đi đi thôi!

Bé tí hon đáp, rồi trèo lên lưng chim én, đặt chân lên đôi cánh dang rộng và buộc thắt lưng vào những chiếc lông to và khỏe nhất.

Chim én bay lên không trung, bay qua rừng này biển nọ, bay qua những ngọn núi cao tuyết phủ ngút trời. Bí tí hon run lên vì khí lạnh, chúi vào trong đám lông ấm áp, chỉ thò cái đầu xinh xinh ra để ngắm nhìn tất cả những cảnh huy hoàng dọc đường bay.

Cuối cùng, họ tới vùng xứ nóng. Ở đó, mặt trời chói lọi hơn ở nước chúng ta. Dường như trời cao gấp đôi. Trên các bui rậm lủng lẳng những chùm nho xanh và đen rất đẹp. Có những rừng toàn chanh và cam.

Những đứa trẻ rất xinh chơi đùa trên đường cái. Chim én vẫn bay đi xa mãi, phong cảnh mỗi lúc một đẹp hơn.

Dưới bóng cây xanh tuyệt đẹp, gần một dải hồ xanh biếc, sừng sững một tòa lâu đài cổ bằng cẩm thạch trắng. Cây nho và cây trường xuân leo kín các cột. Tổ chim én làm trên đỉnh một cái cột ấy. Chim nói với Bé tí hon:

– Nhà tôi đấy! Bé có thấy cây cỏ mọc ở dưới không? Tôi sẽ đặt bạn xuống giữa đám cỏ, bạn sẽ sống rất sung sướng.

– Ồ! Vâng! – Bé tí hon vừa trả lời vừa vỗ tay.

Nơi đó có một cái cột bằng cẩm thạch trắng đã bị vỡ làm ba mảnh. Chung quanh đấy mọc đầy hoa trắng rất đẹp. Chim én đặt Bé tí hon xuống một chiếc lá to. Bé rất đỗi ngạc nhiên! Vì ở đấy có một chàng trai bé nhỏ trong như thủy tinh. Chàng đội một mũ miện vàng, hai vai có đeo cánh chim. Chàng chẳng to lớn gì hơn Bé tí hon. Trong mỗi bông hoa đều có một người tí hon như thế. Chàng trai trong bông hoa trắng là vua của bọn họ.

Bé tí hon thì thầm với chim én:

– Trời! Anh chàng đẹp trai quá!

Hoàng tử tí hon rất sợ chim én, vì đối với chàng bé nhỏ và mảnh khảnh chim én quả là một con chim khổng lồ. Nhưng vừa nhìn thấy Bé tí hon, hoàng tử đâm mê ngay. Chàng chưa từng trông thấy người con gái nào đẹp như thế. Chàng nhấc chiếc mũ miện vàng của mình ra, đem đội lên đầu Bé tí hon và ngỏ lời muốn lấy bé. Lấy chàng, bé sẽ trở thành nữ chúa các loài hoa.

Thật là xứng đôi, chẳng như thằng cóc con và chuột chũi!

Bé tí hon bằng lòng. Thế là từ mỗi bông hoa bước ra một nam và một nữ, quần áo sang trọng. Họ đều rất đẹp, nhưng cặp đẹp nhất là đôi vợ chồng chưa cưới. Người ta lắp cánh vào vai Bé tí hon, và bây giờ nàng có thể bay từ hoa này sang hoa khác được. Khắp nơi đều vui mừng. Trên kia, chim én đậu trên thành tổ ráng hết sức hót véo von, tuy rằng, chim rất buồn và nhớ tiếc Bé tí hon.

Chúa hoa bảo bé:

– Cái tên Bé tí hon xấu lắm, mà em thì lại rất đẹp. Từ nay tên em không là Bé tí hon nữa, chúng ta sẽ gọi em là Tiểu Ngọc.

– Tạm biệt! Tạm biệt! – Chim én hót chào để rời xứ nóng, trở về miền Bắc.

Con chim én ấy làm tổ ở góc một cửa sổ nhà người kể chuyện này. Nó dùng tiếng hót “quy-vit, quy-vit” mà kể lại chuyện trên đây cho ông ta, và nhờ đó mà chúng ta biết thêm được một truyện.

Những câu truyện cổ tích Andersen hay nhất, không phải ai cũng biết - 9

Bài học hay từ truyện cổ tích Andersen

Truyện cổ Andersen là một trong những bộ truyện cổ tích nổi tiếng nhất trên thế giới, được cả người lớn lẫn trẻ em yêu thích.

Những câu truyện cổ tích Andersen mang nhiều ý nghĩa khác nhau, tôn vinh tình yêu, nghị lực, lòng dũng cảm và khát vọng của con người trong cuộc sống.

Truyện cổ tích Andersen mang nhiều ý nghĩa khác nhau, tôn vinh tình yêu, nghị lực, lòng dũng cảm và khát vọng của con người trong cuộc sống.

Truyện cổ tích Andersen mang nhiều ý nghĩa khác nhau, tôn vinh tình yêu, nghị lực, lòng dũng cảm và khát vọng của con người trong cuộc sống.

Top 3 câu truyện cổ tích kinh điển Nhật Bản, nổi tiếng và ý nghĩa nhất cho bé
Dưới đây là top 3 câu chuyện cổ tích kinh điển nổi tiếng của Nhật Bản, mẹ nên kể bé nghe.

Nuôi con khoẻ, dạy con khôn lớn

Hạ Mây
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Truyện cổ tích cho bé