Nói dối không phải là lỗi hoàn toàn của trẻ, đôi khi nguyên nhân khiến trẻ nói dối lại đến từ chính cha mẹ.
Theo một thống kê, trung bình cứ mỗi 2 giờ thì có một đứa trẻ 4 tuổi sẽ nói dối một lần, con số này giảm xuống còn 1 giờ với trẻ 6 tuổi. Ngoài ra, nếu bạn hỏi trẻ 6 tuổi đã bao giờ nói dối chưa? 90% trẻ sẽ thừa nhận rằng mình đã nói dối, và 10% còn lại sẽ không thừa nhận.
Điều này khiến không ít bậc cha mẹ đau đầu và lo lắng, nhiều các cha mẹ thậm chí cảm thấy vô cùng bất lực khi con mình cứ nói dối liên tục dù họ có đưa ra sự trừng phạt nghiêm khắc như thế nào.
Tuy nhiên, nói dối không phải là lỗi hoàn toàn của trẻ, đôi khi, nguyên nhân khiến trẻ nối dối lại đến từ chính cha mẹ, một số thói quen, những hành động của cha mẹ lại vô tình hình thành thói quen nói dối của con.
Dưới đây là 3 sai lầm của cha mẹ vô tình khiến trẻ thường xuyên nói dối
Thường xuyên la mắng, trách phạt mỗi khi con phạm lỗi
Người Việt Nam chúng ta thường quan niệm “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Vì vậy, không ít bậc cha mẹ rất nghiêm khắc với con, thường xuyên phạt con mỗi khi con phạm lỗi.
Tuy nhiên, cha mẹ nên hiểu rằng cách dạy này sẽ vô tình khiến trẻ phải dùng cách nói dối để đối phó. Mỗi khi làm gì sai hay phạm lỗi, nỗi ám ảnh về những lời trách phạt hay thậm chí là những trận đòn roi khiến trẻ phải tìm cách che đậy lỗi lầm của mình, điều này cũng không thể hoàn toàn trách phạt trẻ vì đó là một cơ chế phòng vệ tự nhiên của con người.
Một số cha mẹ áp dụng phương pháp giáo dục nghiêm khắc, nên thường xuyên trách mắng con mỗi khi trẻ phạm lỗi.
Để tránh điều này, cha mẹ nên hạn chế việc la mắng và trách phạt con. Thay vào đó, cha mẹ nên động viên con bằng những câu nói như: “Con có nói dối cũng không sao cả, miễn là con sẵn sàng thừa nhận”, “Nếu con không muốn kể cho mẹ nghe, thì con có thể viết hoặc vẽ nó ra”... Đây là những cách để giảm căng thẳng và cho trẻ cơ hội thừa nhận lỗi lầm.
Đồng thời, cha mẹ hãy cố gắng giao tiếp với con mình như một người bạn, giải thích rõ cho trẻ hiểu rằng bản thân đã làm sai điều gì và không nên khiến con cảm thấy có lỗi trong tất cả mọi chuyện, bằng cách này trẻ sẽ dần hiểu được tầm quan trọng của sự trung thực.
So sánh con với bạn bè
Nhiều cha mẹ thường có thói quen so sánh con mình với bạn bè hay với anh chị em trong nhà, mặc dù mục đích của việc này chỉ là do cha mẹ muốn con mình ngoan và giỏi hơn. Mỗi khi trẻ không ngoan hay đạt điểm thấp, một số cha mẹ thường nói những câu như: “Con thấy chị, em ngoan không?” hay “ Bạn A được tận 10 điểm cơ đấy, con không giỏi bằng bạn rồi!”,...
Mặc dù mục đích của việc này chỉ là do cha mẹ muốn con mình ngoan hơn cách này chỉ khiến con dần dần hình thành thói quen nói dối.
Tuy nhiên, phương pháp này không hề hiệu quả mà còn phản tác dụng, không những không khiến trẻ tốt hơn mà còn làm tổn hại lòng tự trọng của con.
Nếu như con trẻ suốt ngày bị cha mẹ mang ra so sánh với những đứa trẻ khác thì dần dần sẽ hình thành sự đố kỵ với tất cả mọi người, trẻ sẽ luôn muốn được hơn các bạn nên sẽ phóng đại mọi thứ.
Thoạt đầu, đó chỉ là những câu nói ngô nghê để khẳng định bản thân mình hơn các bạn như: “Xe của bố tớ chạy nhanh hơn cả xe lửa đấy!” hay “Hôm nay, em được rất nhiều điểm 10 đấy!” (mặc dù có thể con không có). Dần dần, những câu nói ngô nghê ấy sẽ khiến con quen với việc nói dối và đến một ngày nó sẽ trở thành một thói quen.
Cha mẹ xem việc nói dối của con là trò vui
Với nhiều gia đình, khi trẻ đang ở độ tuổi tập nói, bất kỳ lời nói nào của con cũng khiến cha mẹ, ông bà vô cùng hào hứng. Đặc biệt, khi nghe con kể những câu chuyện không có thật, cha mẹ thường khen con thông minh hay hưởng ứng rất vui vẻ trước những lời nói dối như thế.
Tuy nhiên, phản ứng này của cha mẹ lại đang vô tình khiến trẻ xem việc nói dối là một trò giải trí và sẽ thường xuyên lặp lại hành vi này.
Nhiều bậc cha mẹ thấy con nói dối lại hưởng ứng và khen con thông minh, điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ về sau.
Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ cũng thường dùng những lời hứa như một công cụ để dỗ con mỗi khi trẻ khóc hay không nghe lời. Tuy nhiên, đến khi con nghe lời, cha mẹ lại không thực hiện lời hứa của mình. Nếu điều này diễn ra thường xuyên, sẽ khiến trẻ mất niềm tin vào người lớn và xem việc nói dối là điều gì đó hết sức bình thường.
Tóm lại, nói dối là một cơ chế tự nhiên của con người, đôi khi không phải do trẻ hư, điều quan trọng chính là cách giáo dục của cha mẹ. Khi phát hiện con nói dối, cha mẹ không nên vội “kết tội” con mà hãy phân tích cho con hiểu tại sao nói dối là không tốt.
TS. Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Vì sao trẻ nói dối? Trẻ nói dối xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên đôi khi lại từ chính người lớn chúng ta, có thể kể đến một số tình huống cụ thể như: - Bố mẹ quá kỳ vọng vào thành tích học tập của con, thay vì hỏi con hôm nay học có mệt không thì cha mẹ hay hỏi về điểm số cũng như thành tích so với các bạn trong lớp. Nhiều trẻ do học không bằng bạn bè còn bị đánh đòn nên đã lấy lời nói dối để bao biện và tránh những bị đánh đòn từ cha mẹ. - Mỗi khi nhà trường có đoàn khách đến thăm là lại đột ngột sạch sẽ, các cô giáo nói năng ngọt ngào như mía lùi. Cả lớp tự dưng có khăn mặt mới, bàn ghế được sơn lại đẹp, chăn chiếu được giặt giũ lại. Đoàn khách đi thì lại quay lại hiện trạng ban đầu. Cách sống giả dối này chắc chắn trẻ sẽ nhận ra và học hỏi rất nhanh. - Bố mẹ ở nhà nói xấu một ai đó thật lực, nhưng trước mặt người đó lại cười tươi, khen họ thật nhiều và ca ngợi họ lên mây xanh. Trẻ có tai, không khó khăn gì mà trẻ không học theo. - Bản thân cha mẹ cũng tỏ thái độ phân biệt giữa các môn học. Mỗi cha mẹ sẽ có những ưu tiên khác nhau về các môn học. Có cha mẹ thì cương quyết: Toán và văn nhé, tập trung vào đi con. Phụ huynh khác thì lại: Tiếng Anh. Đến khi những môn không được quan tâm bị điểm kém, cha mẹ bực bội. Cách đó là hướng dẫn trẻ quay cóp từ môn phụ rồi sẽ dần dần tiến tới môn chính thôi. - Thành phố mà có kỳ họp gì, có nhiều khách nước ngoài thì công an đổ ra đường, quán xá bậy bạ bị dẹp sạch, mọi thứ trở nên đẹp vô cùng. Sau khi kỳ họp kết thúc, đâu lại vào đấy. Đám trẻ học hỏi ngay ấy mà. - Bố mẹ nói dối và sống dối quanh trẻ. Quát con là ra đường phải tuân thủ luật giao thông nhưng cha mẹ vượt đèn đỏ, leo lên vỉa hè phóng bạt mạng, lấn đường ầm ầm. Từ lời nói đến hành động không khớp chính là hình ảnh vô cùng xấu xí trước mặt trẻ. Ứng xử thế nào khi biết trẻ nói dối? Giáo dục trẻ gồm 2 phần: Giáo dục tiềm và giáo dục hiện. Giáo dục hiện chính là những lời giáo huấn mà bọn trẻ nghe được mỗi ngày. Những lời tốt đẹp này ai cũng nói được. Những mệnh lệnh thường thì rất hay, nhưng cũng có lời mệnh lệnh rất dở như: Sao mày ngu thế? Giáo dục tiềm chính là những hành vi của ta trong cuộc sống. Trẻ theo đó bắt chước. Giáo dục tiềm thì cũng có cái là theo đúng những gì tốt đẹp mà chúng ta mong muốn trẻ đạt được, nhưng phần lớn không khớp thì sẽ là những bài học tồi để trẻ tiệm cận đến cái dối trá. Cha mẹ cần làm gì để dạy trẻ sống chân thật - Cố gắng sống cho tốt. Cố gắng hết sức không nói dối, không sống 2 mặt. - Nếu chẳng may làm việc không tốt lắm, hãy xin lỗi trẻ. Các cha mẹ nhớ là đừng bao biện. Thành khẩn xin lỗi và hứa sửa sai sẽ giúp trẻ nhận thức đúng sai rõ ràng. - Đừng phê phán nặng nề những chủ trương tốt vì nó ảnh hưởng đến quyền lợi của chính mình. Điều đó chỉ khiến trẻ hiểu: Quan trọng nhất là lợi ích của mình. Mọi thứ khác không quan trọng. Khi nào cần quan tâm đến lợi ích, cần làm gì ta cũng làm. - Dành sự quan tâm đều các môn học của con. Không quá quan tâm đến điểm, lâu lâu hỏi con về kiến thức như: + Con ơi, thái hậu Dương Vân Nga sinh ra vào thời nào? Chữ quốc ngữ có từ bao giờ? Việt Nam có mấy cuộc di dân? Trẻ em mấy tuổi thì được đi bầu cử? - Phê phán rõ ràng với các thói hư tật xấu, sự giả dối. Con sẽ hiểu và tránh dù xung quanh ta có đầy. (Dĩ nhiên, lời nói phải đi đôi với việc làm). - Đừng quá quan tâm đến thành tích học tập. Thành tích đó không thể giúp được gì cho trẻ nếu tính cách và kĩ năng của trẻ thực sự không có. Hãy quên nó đi và chấp nhận đứa trẻ mình được trời ban cho chứ không phải mong biến nó thành thiên tài. Hạnh phúc của đứa trẻ là điều quan trọng nhất. Thiên tài ảo sẽ không bao giờ tồn tại được lâu. - Đừng tức khi con nói dối, "bóc mẽ" những lời nói dối đó rồi bỏ qua và tìm hiểu nguyên nhân sao con lại nói dối. Quan tâm và chia sẻ với con để điều chỉnh con nhé. Dạy con sống chân thật là một việc không khó, nhưng đòi hỏi sự nhất quán và kiên trì. Đồng thời, các cha mẹ cũng phải thực sự chân thật để làm gương. |