Nói dối là một trong những hành động mà trẻ thường phản ứng lại khi trẻ bao biện cho hành vi sai trái của mình.
Khi phát hiện trẻ nói dối, thay vì trách móc, điều quan trọng nhất mà mẹ cần làm là tìm hiểu nguyên nhân vì sao trẻ nói dối.
Tạo dựng màn bảo vệ: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ nói dối, một trong những nguyên nhân chính là khi trẻ cảm thấy bất an, môi trường xung quanh không an toàn, vậy nên trẻ cần tạo ra một vỏ bọc để bảo vệ mình.
Để có được điều mà trẻ muốn: Ví dụ như trẻ trộm một món đồ chơi của bạn bè, khi bị phát hiện thay vì nhận lỗi trẻ sẽ tìm một lý do nào đó để bao biện cho hành động sai trái của mình.
Trí tưởng tượng phong phú: Trẻ con trong độ tuổi phát triển luôn có những câu chuyện thú vị của riêng mình, trong trường hợp này không ngoại trừ trẻ tự thêm một số tình tiết không có thật từ câu chuyện gốc để làm cho nó hấp dẫn hơn, thu hút được sự chú ý của bố mẹ.
Trẻ không muốn làm bố mẹ thất vọng: Một số trường hợp bố mẹ đặt kỳ vọng quá mức vào con cái, vậy nên khi đã đủ nhận thức, để tránh làm bố mẹ thất vọng trẻ sẽ tự tìm ra một số lý do nào đó không thực.
Tạo nên vỏ bỏ để bảo vệ mình cũng là một trong những lý do khiến trẻ nói dối.
Khoe khoang để gây ấn tượng với bạn bè: Khoe khoang thái quá cũng đồng nghĩa với việc trẻ nói dối. Trẻ thường có cảm giác muốn khoe khoang quá mức vì nhiều lý do, bắt đầu là do bắt chước hoặc học hỏi từ môi trường trực tiếp của trẻ. Trẻ nhận thức được bản thân mình không có gì quá nổi bật trong lĩnh vực nào đó, vậy nên khoe khoang là phương thức tốt để thu hút sự chú ý từ bạn bè, làm cho bản thân mình trở nên đặc biệt hơn.
Trẻ có vô vàn lý do để nói dối. Vậy bố mẹ nên phản ứng thế nào khi phát hiện trẻ nói dối? Dưới đây là một số phương cách gỡ rối hành vi này của trẻ.
Tìm hiểu lý do tại sao con nói dối
Khi phát hiện con nói dối, thay vì trách mắng bố mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân vì sao trẻ lại nói dối, đồng thời giúp con tránh được những tình huống phải nói dối về sau.
Ví như trong trường hợp, khi làm sai trẻ sẽ cố tình tạo nên một câu chuyện khác để che đậy hành vi sai và không muốn bị phạt. Nếu con kể lại một câu chuyện tưởng tượng, hãy giúp con phân biệt giữa trí tưởng tượng và sự thật, nhưng đừng ngăn cản bé sáng tạo, hãy đánh giá cao những câu chuyện tưởng tượng của bé, thậm chí tích cực tham gia và bổ sung thêm các chi tiết hấp dẫn.
Khi phát hiện con nói dối, thay vì trách mắng bố mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân vì sao trẻ lại nói dối.
Đồng thời, giải thích với trẻ rằng những câu chuyện tưởng tượng không phải là cách tốt nhất để che đậy hành vi sai mà trẻ cần thừa nhận hành vi đó của mình. Bố mẹ cũng nên trấn an rằng con sẽ không gặp rắc rối nếu con kể lại sự thật, bố mẹ luôn tin tưởng con, việc con làm sai nhưng biết nhận lỗi thì không sao.
Nói với con: Nói dối sẽ đánh mất lòng tin
Mẹ có thể giải thích cho con hiểu rằng lòng tin rất quan trọng, và nói dối là hành vi sai trái, có thể ành hưởng đến niềm tin của các thành viên trong gia đình với nhau. Mẹ cũng có thể hỏi ngược lại con “Con cảm thấy thế nào nếu mẹ nói dối, liệu con có còn tin bố mẹ nữa không”?
Mẹ nên tránh đổ lỗi, làm trẻ xấu hổ ở chỗ đông người, trẻ thường chỉ nhận ra hành vi sai trái sau khi được giải thích về hậu quả mà mình đã gây ra. Bố mẹ hãy cố gắng giúp con tìm ra biện pháp khắc phục, để trẻ xin lỗi hoặc làm điều gì đó một cách riêng tư, đừng để trẻ xấu hổ trước chỗ đông người.
Hãy giúp trẻ hiểu rằng lòng tin là rất quan trọng, và nói dối là hành vi sai trái.
Mẹ cũng có thể kể cho con nghe những câu chuyện cổ tích liên quan đến việc nói dối. Hãy đặt câu hỏi cho con, xem con nên làm gì trong những tình huống ấy và giải thích với trẻ rằng khi con nói thật, trẻ sẽ tránh được nhiều rắc rối, khiến vấn đề trở nên dễ giải quyết hơn nhiều.
Thường xuyên khen ngợi con là đứa trẻ ngoan
Mỗi đứa trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường khác nhau sẽ tạo ra tính cách khác nhau, khi trẻ nói dối thay vì la mắng, mẹ hãy dùng tình yêu thương, sự quan tâm để “cảm hóa” con. Sự tin tưởng và lòng tin hay những câu khen ngợi cho con cũng là cách ứng xử tích cực mà mẹ nên làm vì với trẻ, bố mẹ là tấm gương sáng để con noi theo. Vậy nên nếu mẹ luôn nói những lời hay ý đẹp, là người chủ động truyền năng lượng tích cực thì chắc chắc trẻ cũng sẽ học hỏi những điều đó từ mẹ.
Những câu nói khen ngợi giúp tạo nên sự gắn bó giữa trẻ và mẹ.
Sự quan tâm của bố mẹ cũng góp phần giúp trẻ giảm bớt tình trạng nói dối. Nếu bố mẹ cho con có được cảm giác an toàn, lâu dần trẻ sẽ mạnh mẽ hơn, thay vì nói dối trẻ có thể tự mình đưa ra cách giải quyết tích cực hơn, vì trẻ tin rằng bố mẹ sẽ nghe chúng giải thích.
Trên đây là những phương cách hiệu quả giúp mẹ “trị” trẻ nói dối, mẹ có thể áp dụng vào cuộc sống hàng ngày nếu phát hiện con thường xuyên nói dối.