Đoạn video mới đây được Thanh Thúy đăng tải cho thấy tín hiệu vui, nhiều người gửi lời chúc mừng cặp bố mẹ.
Đối với mỗi bậc cha mẹ, từng bước phát triển của con yêu từ đi, đứng, bò đến tập nói đều vô cùng quý giá. Nó như một món quà tuyệt vời mà không gì sánh bằng. Nhất là khi con cất tiếng gọi "mẹ ơi" "ba ơi", âm thanh nghe văng vẳng hạnh phúc ngập tràn.
Thông thường, trẻ trên 1 tuổi bắt đầu tập nói tốt, trẻ 16 tháng đã có thể gọi "mẹ ơi"; "bố ơi", "bà ơi" rất rõ. Tuy nhiên niềm hạnh phúc đó dường như khá xa xỉ với một số ông bố bà mẹ có con chậm nói. Vợ chồng đạo diễn nổi tiếng Đức Thịnh và bà xã diễn viên Thanh Thúy là cặp bố mẹ cũng đang rơi vào trường hợp như vậy.
Được biết, vợ chồng Thanh Thúy Đức Thịnh có con trai đầu lòng Cà Phê từ khi khá sớm. Thế nhưng sau hơn 10 năm có con trai Phê, ở tuổi U40, Thanh Thúy mới hạ sinh được con thứ 2 là một bé trai đúng vào dịp Tết Nguyên đán 2019 nên đặt tên thân mật là cu Tết (tên thật là Phú).
Bé Tết sở hữu diện mạo vô cùng điển trai, đáng yêu và có nhiều nét của bố mẹ. Bé là món quà hạnh phúc và tuyệt vời sau 10 năm mong mỏi của vợ chồng Thanh Thúy, Đức Thịnh. Hình ảnh cậu nhóc thường xuyên được cặp bố mẹ chia sẻ trên mạng xã hội, nhận được nhiều lời khen ngợi của mọi người.
Thế nhưng ít người biết được những góc khuất khá buồn lòng của vợ chồng Thanh Thúy rằng cu Tết chậm nói hơn các bạn đồng lứa. Tháng 6 vừa qua, khi đó cu Tết đã 3,5 tuổi nhưng trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí, nữ diễn viên Thanh Thúy mới có dịp trải lòng rằng cu Tết chưa bao giờ gọi tiếng "mẹ" mà chỉ nói 1 chữ "cha", các từ khác cũng rất ít khi chịu nói.
Lần đầu tiên bé gọi "ba" là khi cùng bố Đức Thịnh tham gia một show truyền hình thực tế. Đến nam đạo diễn cũng bất ngờ về tiếng gọi của con trai, anh đem kể lại cho vợ nhưng bà xã không tin. "Thúy còn nhớ là sau đêm đó, anh Thịnh gọi điện thoại kể lại mà cứ nghĩ là anh ấy nói xạo (cười). Đến khi phát sóng tập đó, Thúy mới bị sốc thật sự luôn xen lẫn những cảm xúc khó nói lắm chứ không có ghen tị với ông xã (cười). Mình nghĩ không biết có phải là người ta hay gọi trẻ bị "khủng hoảng tuổi lên 3" không? Hiện giờ, ở nhà bé cũng chậm nói lắm, mình kêu "Ạ!" thì chỉ khoanh tay gật đầu hoặc vẫn chỉ chịu nói 1 chữ "Cha!" thôi, nhất quyết không gọi "Mẹ!" - Thanh Thúy kể lại hồi tháng 6 vừa qua.
Trên trang cá nhân, nữ diễn viên đăng tải rất nhiều clip Thanh Thúy dạy cu Tết nói “Mẹ” nhưng đến nay nhóc tì vẫn chưa cất tiếng gọi. Đến nỗi mẹ bỉm còn phải tếu táo “treo thưởng” rằng: “Cu Tết gọi mẹ đi, mẹ nhảy lên ăn mừng liền”. Mà cậu nhóc vẫn “dửng dừng dưng”. Hết treo thưởng lại chuyển sang kế “dọa dẫm”, thậm chí van xin: “Con gọi mẹ đi! Con gọi mẹ nhá”. Dù làm đủ kiểu nhưng cu Tết vẫn nhất định không chịu gọi "Mẹ". Mặc dù vô cùng kiên nhẫn nhưng nữ diễn viên cùng đành phải thốt lên rằng: “Cuộc chiến gọi mẹ đúng là không hồi kết”.
Có con trong độ tuổi 3,5 nhưng chậm nói, không chịu nói nên vợ chồng Thanh Thúy Đức Thịnh cũng vô cùng lo lắng. Nữ diễn viên cho biết, vợ chồng cô đã phải đi hỏi rất nhiều bạn bè xung quanh nguyên nhân của con mình để nhờ họ chia sẻ kinh nghiệm, rồi dẫn bé đi bác sĩ khắp nơi. Từ bệnh viện Nhi đồng tới trung tâm bác sĩ tâm lý, đều khuyên cứ bình tĩnh không nóng vội, hạn chế con xem tivi, dẫn con đi dạo chơi và tương tác nhiều hơn với bé.
Tất cả mọi cách có thể, cặp bố mẹ đều thử qua nhưng thời điểm 3,5 tuổi, cu Tết chưa có nhiều tiến triển lắm, vợ chồng Thanh Thúy cũng chỉ biết đồng hành con từng bước.
Thế nhưng mọi sự cố gắng đều gặt được trái ngọt khi mới đây, Thanh Thúy đăng tải một đoạn video vô cùng hạnh phúc và có thể khiến nhiều người xúc động rơi nước mắt.
Cu Tết gần 4 tuổi đã chủ động hơn trong việc nói chuyện. Trong video ghi lại đoạn cu Tết đang hát bài "Happy Birthday to You" để chúc mừng sinh nhật ba Thịnh. Dưới sự cổ vũ và động viên của bố mẹ, cu Tết vừa vỗ tay vừa bập bẹ tập hát từng từ một trong bài Happy Birthday to You như "to" "you" "ba" "birth" "day". Mặc dù các câu chữ còn rời rạc, chưa chuẩn và tròn vẹn nhưng sự cố gắng, nỗ lực cùng sự đáng yêu của cu Tết khiến mẹ Thanh Thúy cũng bật cười trong hạnh phúc, cô vừa quay video con trai mà vừa xúc động.
Nhiều cư dân mạng lắng tai nghe cũng đã nhanh chóng nhận ra được bài hát mà cu Tết đang thể hiện và dành lời khen cho nhóc tỳ.
Trên thực tế những trường hợp trẻ ở độ 3, 4 tuổi nhưng chưa chịu nói nhiều, chậm nói như bé Tết nhà Thanh Thúy là khá nhiều. Nguyên nhân có thể xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, cha mẹ có thể đưa con tới gặp bác sĩ, chuyên gia để được tư vấn kĩ hơn. Bên cạnh đó, trong cuộc sống đời thường, chính ba mẹ cần là người hỗ trợ con tập nói:
1. Nói chuyện nhiều và thường xuyên với con
Đây chắc chắn là phương pháp đem lại hiệu quả cao nhất khi dạy trẻ học nói. Hãy quan sát con thật kỹ và để ý đến mọi mối quan tâm của con. Bất kể con muốn ăn gì, uống gì hay làm bất cứ việc gì, mẹ hãy bắt chuyện với con trước khi thực hiện ý nguyện của trẻ.
2. Dạy con học nói trước khi quan tâm đến “chất lượng” của câu nói
Điều đó có nghĩa là từng bước một, tập trung vào những gì bé đang cố gắng nói ra chứ chưa cần quan tâm đến cách phát âm của trẻ đã đúng hay chưa. Để một đứa trẻ nhanh biết nói thì hãy giúp con cảm thấy tự tin khi được nói chuyện với bố mẹ trước khi bắt bé nói chuẩn.
3. Tạo phản hồi rõ ràng
Phản hồi với lời nói của con là một điều cực kì quan trọng khi dạy bé tập nói nhưng rất ít mẹ chú ý. Thông thường, các bậc phụ huynh chỉ chú ý dạy con nói câu này, câu kia mà quyên mất rằng mỗi một phản hồi của mẹ khi nghe bé nói cũng là cách để con tự biết hình thành kĩ năng kéo dài câu chuyện trong những cuộc hội thoại sau.
Điều này được hiểu đơn giản như khi nghe con nói bập bẹ một câu nào đó, thay vì chỉ vỗ tay hay cười với con, mẹ hãy phản hồi bằng một câu nói thực tế ví dụ như “Ồ, đúng rồi”, “Ừ con yêu, mẹ biết rồi”…
4. Kết hợp lời nói với hành động
Đây là một cách giúp trẻ biết nói nhanh mà lại còn tăng thêm sự hiểu biết. Kết hợp lời nói với hành động giúp con biết được hành động này thường gắn với những câu nói có ngữ điệu như thế nào. Vào những lần sau, khi muốn làm một hành động như thế, trẻ có thể phát ra lời nói trước hành động.
Ví dụ, khi cởi giày cho con, bên cạnh hành động cởi giày, mẹ có thể nói thêm là “Mẹ cởi giày cho con nhé” hoặc “Cởi giày nào, cởi bít tất nào”. Như thế, với những lần sau có thể bé sẽ không chỉ biết đưa chân đòi mẹ tháo giày mà có thể kèm câu nói “Cởi”, “Cởi giày”, “Mẹ cởi giày”, “Mẹ cởi giày cho con”…
5. Gọi tên con trước khi nói chuyện
Để cuộc trò chuyện thành công, mẹ hãy tạo sự chú ý trước khi bắt đầu trò chuyện bằng việc gọi tên con. Chắc chắn tên gọi là âm thanh bé nghe được nhiều nhất và ghi nhớ lâu nhất bởi đây là từ phổ biến mà mọi người thường dùng để gọi bé.
Vì thế, trước khi nói chuyện hãy thu hút sự chú ý bằng cách gọi tên và giao tiếp bằng mắt với con. Tuyệt đối nên tránh việc mẹ nói chuyện với con nhưng ánh mắt lại đang nhìn hướng khác hay làm việc gì khác. Nói chuyện bằng cách gọi tên và giao tiếp bằng mắt sẽ giúp con hiểu được mẹ đang trò chuyện với mình và dễ dàng đoán được ý mẹ.
6. Tạo cơ hội để trẻ được nói
Con sẽ không thể biết nói nhanh nếu như mẹ không cho con cơ hội được “thể hiện” bản thân. Vì thế, trong tất cả các hoạt động diễn ra hàng ngày, mỗi câu nói, mỗi câu hỏi mẹ nên dừng lại khoảng 10 giây để bé có thể trả lời, tiếp chuyện hoặc nói lên những điều mình nghĩ.
7. Tạo tình huống mới
Nếu ngày nào cũng lặp đi lặp lại vài hoạt đông, bé có thể biết nói nhanh nhưng bị giới hạn từ ngữ. Tạo tình huống mới để giao tiếp có thể giới thiệu cho con nhiều từ mới hơn, bé bắt đầu tiếp thu dần và biết rằng mình cần phải học những từ đó.
Ví dụ, ngoài việc nói chuyện ở nhà với con, hãy đưa con đi dạo hoặc đi trên các phương tiện công cộng như xe buýt. Sau đó nói chuyện với con về những gì diễn ra xung quanh và lặp lại những gì bạn nghe thấy từ con, thậm chí những câu bé nói chưa được rõ mẹ đều nên nhắc lại. Ví dụ, khi con nói “tô”, mẹ nên nhắc lại đầy đủ và chậm rãi “Đúng rồi, đây là cái ô tô”.
8. Đơn giản hóa những điều nói với con
Sử dụng những câu thoại ngắn và nhấn mạnh vào những từ quan trọng khi mẹ nói chuyện với bé. Điều này sẽ giúp con tập trung vào những thông tin quan trọng.
9. Tắt những tiếng ồn không cần thiết
Tivi, nhạc hay bất kì một âm thanh nào không cần thiết mẹ có thể tắt đi để cuộc nói chuyện của mẹ và bé được tập trung. Điều đó cũng giống như việc người lớn thường làm khi muốn tập trung vào một công việc nào đó. Những tiếng ồn có thể thu hút trẻ nhiều hơn là cuộc nói chuyện của mẹ.
Cách tạo cuộc nói chuyện vui vẻ với trẻ
Một cuộc nói chuyện vui vẻ sẽ là động lực để khuyến khích trẻ thể hiện những vốn từ của mình. Vậy, làm thế nào để luôn tạo ra một cuộc nói chuyện vui vẻ với con?
Nói chuyện với con trong khi chơi một trò chơi: Mẹ hãy ngồi xuống sàn nhà và cùng con chơi đồ chơi với con. Hãy để con được tự chọn đồ chơi, hoạt động hay lời bé muốn nói. Việc của mẹ là hãy giao tiếp theo câu chuyện mà “bé vẽ ra thôi”.
Tỏ ra thích thú với đồ chơi của con: Mẹ hãy thể hiện sự yêu thích của mình với món đồ chơi của con. Ví dụ hãy tỏ ra rằng mình cũng rất thích con gấu bông Teddy mà con yêu thích và cùng con nói chuyện về con gấu bông đó. Bé sẽ rất thích nói chuyện với một người nào đó cùng sở thích với mình.