Cai sữa là một bước chuyển quan trọng trong sự phát triển của trẻ nhỏ. Người mẹ cần phải áp dụng những cách cai sữa hợp lý, khoa học, tránh những sai lầm để ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của con.
1. Những sai lầm trong cách cai sữa cho trẻ
Chọn sai thời điểm cai sữa
Nếu mẹ cai sữa sai thời điểm, khi trẻ chưa sẵn sàng hấp thụ các loại dinh dưỡng từ việc ăn dặm thì có thể dẫn tới tình trạng sụt cân hoặc chậm phát triển chiều cao, cân nặng ở bé. Một số thời điểm không nên cai sữa cho trẻ như sau:
- Không nên cai sữa khi trẻ dưới 6 tháng tuổi.
- Nên cai sữa cho bé vào mùa xuân, mùa thu và tránh các tháng mùa đông và mùa hè. Trong mùa hè, thời tiết nóng bức gây ra cho bé sự khó chịu, dễ rối loạn tiêu hóa, kém ăn và ăn không ngon. Nếu cai sữa vào trong thời điểm này thì lâu ngày có thể gây còi xương, suy dinh dưỡng ở trẻ. Nếu vào mùa đông thì bé lại rất dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp.
- Khi trẻ đang ốm hoặc mới ốm dậy cũng không nên cai sữa. Vì trong thời điểm này bé cần phải được bổ sung nhiều dưỡng chất để hồi phục sức khỏe. Lưu ý chỉ nên cai sữa lúc bé thực sự khỏe mạnh.
Mẹ cần phải chọn thời điểm thích hợp để cai sữa cho trẻ
Tự ý uống thuốc làm tắt sữa
Vì để nhanh chóng cai sữa cho con, nhiều người mẹ đã tự ý mua thuốc làm tắt sữa mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Điều này là tuyệt đối không nên vì loại thuốc này thực chất là nội tiết tố buồng trứng (hoặc nội tiết tố tuyến yên), thường được chỉ định cho những người mẹ mới sinh nhưng mắc các bệnh nguy hiểm như: HIV, lao, ung thư...hoặc bé bị mắc bệnh truyền nhiễm có khả năng lây sang mẹ. Việc tự ý dùng thuốc có thể gây tắc tuyến sữa, gây viêm, sưng hay áp-xe ngực.
Cho trẻ ngừng bú đột ngột
Việc chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước khi cai sữa cũng vô cùng quan trọng. Nhiều người mẹ cách ly đột ngột với con khiến cho bé cảm thấy cô đơn, hụt hẫng và sợ hãi. Khi trẻ bị đột ngột ngừng bú thì có thể bé sẽ bị sốc và biếng ăn. Đúng cách nhất là mẹ nên từ từ giảm số lần cho trẻ bú trong ngày và dần dần thay bằng những thức ăn khác mà bé thích.
Bôi thuốc không có nguồn gốc rõ ràng
Khi cai sữa cho con, người mẹ không nên sử dụng các loại dầu hoặc thuốc bôi không rõ nguồn gốc để bôi lên bầu vú vì không thể biết có những thành phần nào trong thuốc. Có thể những chất đó sẽ gây dị ứng da cho mẹ hoặc bé. Ngoài ra, nếu trẻ nuốt phải những hóa chất không phù hợp sẽ có hại cho đường tiêu hóa, vô cùng nguy hiểm.
Cho con bú trộm
Phải khẳng định rằng mẹ không nên cho bé bụ trộm trong khi cai sữa vì điều này sẽ làm trẻ khó cai sữa hơn. Có rất nhiều trường hợp khi thấy con quấy khóc, không ăn thì mẹ cảm thấy lo lắng, sốt ruột nên đã cho con bú lại. Nhưng nếu cho bé bú trộm lại được một lần thì rất có thể trẻ sẽ đòi hỏi nhiều hơn ở những lần sau. Cứ tiếp tục như vậy thì quá trình cai sữa của cả mẹ và con sẽ khó khăn hơn. Mẹ cần xác định rằng đôi khi cho bé bú trộm cũng chỉ là một cách tạm thời, mục đích chính vẫn là cai sữa cho con. Vì vậy mà không được thỏa hiệp, chiều theo ý muốn của bé.
Cai sữa khi thấy bé không tăng cân
Nhiều bậc phụ huynh cảm thấy sốt ruột khi con chậm lớn hơn các bé khác thì đã quyết định không cho con bú sữa mẹ nữa mà sử dụng sữa công thức với hi vọng trẻ sẽ lớn nhanh hơn. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm vì sữa mẹ vẫn là nguồn cung cấp đầy đủ nhất dinh dưỡng cho trẻ nhỏ. Điều cần thiết là người mẹ phải được chăm sóc tốt về dinh dưỡng, bổ sung các vitamin và khoáng chất để giúp bé có một sức khỏe tốt, tăng cân đều đặn thay vì chi tiền mua sữa công thức.
2. Một số lưu ý giúp cai sữa đúng cách
- Vắt một chút sữa: nếu mẹ có cảm giác căng tức thì có thể vắt (hoặc hút) ra một lượng ít sữa để tránh ứ sữa và viêm tuyến vú đến khi nào cơ thể tự điều chỉnh được.
- Kiên nhẫn: để cai sữa cho trẻ phải mất từ 2-3 tuần. Tuy nhiên, điều này cũng còn phải phụ thuộc vào tính khí của em bé. Nếu bé dễ tính thì quá trình này sẽ trở nên dễ dàng và nhanh hơn. Nhưng đối với trẻ nhạy cảm, không thích sự thay đổi thì là một thách thức nhiều hơn.
- Không mời mọc, không từ chối: đối với các bé lớn hơn, đã có sở thích mạnh mẽ về việc bú mẹ thì mẹ có thể thử cách tiếp cận theo kiểu: “không mời mọc, không từ chối”. Ngoài ra, để trẻ ít có khả năng đòi bú mẹ hơn thì cần đảm bảo bé không bị đói hay khát.
- Thay thế việc cho bú bằng những thứ khác: trong thời gian cai sữa, cha mẹ hãy quan tâm tới bé thật nhiều để giúp trẻ thoải mái hơn. Có thể tìm cách khác cho bé ăn hoặc ngồi chơi cùng trẻ với cuốn sách hay món đồ chơi mà con yêu thích.
Để bé bớt đòi bú, cha mẹ nên quan tâm, chơi với trẻ nhiều hơn
- Thay đổi thói quen: nếu như mẹ thường cho trẻ bú trên một chiếc ghế quen thuộc thì có thể thay đổi thói quen này, ngồi với trẻ trong một phòng khác. Hoặc trong trường hợp bé đã 1-2 tuổi và thường xuyên bú đêm, hãy để bố thay mẹ dỗ trẻ.
- Làm theo ý bé: đối với những trẻ đang chập chững tập đi, cách tốt nhất là nên chiều theo ý bé. Có khả năng trẻ đã giảm bớt hứng thú với việc bú mẹ rồi nên có thể tận dụng điều này và giảm dần việc cho bé bú.
- Thử hút sữa: nếu mẹ cai sữa nhưng vẫn muốn trẻ được ăn sữa mẹ thì có thể hút sữa ra và trữ đông.
- Tâm trạng mẹ thoải mái: Có thể việc thay đổi nội tiết tố xảy ra trong khi cai sữa sẽ làm cho người mẹ có những cảm xúc lẫn lộn, buồn bã. Vì mẹ đã làm những gì tốt nhất cho mình và em bé rồi nên cần giữ tâm trạng thoải mái là điều hết sức quan trọng.