Khi biết câu chuyện đau lòng này, chắc hẳn nhiều bậc cha mẹ sẽ phải giật mình vì đôi khi chính bản thân mình cũng đã từng bất cẩn như vậy.
Trẻ nhỏ có thể gặp tai nạn bất kì lúc nào, ở bất kì đâu ngay cả khi ở trong chính căn nhà gia đình mà ba mẹ tưởng chừng như an toàn nhất. Chính vì thế, hãy luôn có một người nào đó ở bên cạnh trông chừng con trẻ để không xảy ra trường hợp tiếc nuối như em bé 8 tháng tuổi được nhắc đến dưới đây.
Đó là một cô nhóc người Malaysia có tên Kaylia Lamour. Bé đã được phát hiện gặp nạn tại nhà và tử vong tại bệnh viện trước sự cố gắng cứu chữa từ các bác sĩ của bệnh viện.
Theo chia sẻ rõ từ phía Tòa án Bolton Coroner (Anh) hôm 23/3, sự việc chính xác được xảy ra từ khoảng 10h tối ngày 22/2 năm ngoái. Chị Brandy Kimberley Harvey - mẹ của bé gái xấu số, trở về nhà sau một ngày dài làm việc. Khi đó chị Kimberley Harvey có ngồi chơi với con còn chồng Jackenson Lamour thì thay quần áo để đi làm ca đêm.
Một lát sau, người mẹ trẻ đặt con gái chơi trong cũi, bên cạnh chân giường ngủ của bố mẹ và vào bếp để giặt giũ. Phía nhà bếp chỉ cách nơi bé ngồi một đoạn rất nhỏ nên Brandy Kimberley Harvey nghĩ rằng mình có thể nghe thấy và trông chừng cô con gái 8 tháng của mình một cách an toàn nhất.
(Ảnh minh họa)
Brandy Kimberley Harvey kể rằng ban đầu cô cũng có nghe thấy tiếng khóc của con nhưng nghĩ đó là tiếng khóc bình thường nên không chạy vào xem. Tuy nhiên một lúc sau đó không thấy âm thanh gì vọng ra từ phòng ngủ của con, bà mẹ mới hốt hoảng chạy ra nhìn thì phát hiện cảnh con gái đang bị một sợi dây quấn quanh cổ. Đó chính là sợi dây buộc trái bóng bay cạnh thành giường ngủ. Đứa trẻ được đưa đến bệnh viện một cách nhanh chóng nhất nhưng không qua khỏi, mặc dù các bác sĩ đã cố gắng cứu chữa.
Theo điều tra từ phía cảnh sát, quả bóng là món quà mà anh Jackenson đã dành cho vợ nhân ngày lễ tình nhân. Chính vì vậy cặp bố mẹ đã giữ lại, buộc vào chân giường gần cũi đứa trẻ chơi. Rất có thể cô nhóc đã với lấy quả bóng và không may chiếc dây quấn quanh cổ con. Giả thuyết điều tra hoàn toàn được trùng khớp với nguyên nhân cái chết của đứa trẻ, bé bị siết cổ - kết quả của cuộc khám nghiệm tử thi.
"Đây là một thảm kịch có tỷ lệ xảy ra vô cùng lớn. Vì thế, các bậc cha mẹ phải luôn cảnh giác với những sợi dây ở bất kì đâu, cho dù đó là bất cứ dây gì. Bởi trẻ có thể tự dùng dây quấn quanh cổ của mình. Hãy vứt bỏ tất cả các sợi dây ra khỏi tầm với của trẻ. Có như thế, bạn mới có thể bảo vệ an toàn cho con", ông Alan Walsh – cảnh sát điều tra nhắn nhủ tới mọi người.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa thể ý thức được những nguy hiểm tiềm ẩn từ các đồ vật xung quanh, thích chơi với mọi thứ hay nhét chúng vào miệng nên sự bảo vệ của cha mẹ là rất quan trọng. Cha mẹ cần để các đồ vật nguy hiểm tránh xa tầm tay của trẻ và cảnh giác với tất cả mọi thứ nguy hiểm dưới đây.
Dây kéo rèm cửa
Trẻ nhỏ trong lúc chơi đùa chạy nhảy nếu vướng phải dây rèm cửa sổ rất dễ bị thương vì cuốn vào cổ, khiến đường hô hấp hoặc lưu thông máu gặp trở ngại, trường hợp nặng hơn sẽ dẫn tới tử vong.
(Ảnh minh họa)
Quần áo có nhiều phụ kiện, chi tiết rườm rà
Một số quần áo trẻ em có đính rất nhiều hạt ngọc trai nhỏ và các nút nhỏ, đôi khi, chúng được kết rất lỏng lẻo. Trẻ nhỏ lại vốn “táy máy” tay chân. Nhiều khả năng trẻ sẽ dùng tay kéo các phụ kiện này ra khỏi quần áo và cho vào miệng.
Vì vậy, khi mua quần áo cho con, cha mẹ nên chú ý lựa chọn các loại quần áo có thiết kế đơn giản. Trước khi mặc quần áo cho con, cha mẹ cũng nên kiểm tra xem có bị bung khuy hay các chi tiết bị bong tróc ra không. Đồng thời, cha mẹ cũng nên chú ý đến quần áo của mình, cũng rất có khả năng, nguy hiểm sẽ đến từ chúng.
Các bộ phận nhỏ trên đồ chơi
Một số đồ chơi có nhiều bộ phận nhỏ như bàn tay và bàn chân có thể tháo rời của búp bê, viên bi từ tính, khối Lego, … Những chi tiết này rất vừa tay trẻ nhỏ nên chúng rất dễ dàng bị nuốt vào. Tốt nhất, cha mẹ tuyệt đối không nên cho trẻ dưới 3 tuổi chơi những đồ vật này vì trẻ không thể nhận biết được đâu là nguy hiểm.
Các công cụ như vít và pin
Loại dụng cụ này có thể nói là vật dụng có sẵn trong mỗi gia đình. Tuy nhiên, cha mẹ nên ý thức rằng ốc vít rất sắc bén, khi nuốt phải dễ làm thủng thực quản và dạ dày. Trong khi đó, pin chứa nhiều kim loại nặng dễ gây ngộ độc , đặc biệt, pin cúc áo rất nhỏ và dễ nuốt.
Vì vậy, cha mẹ nên “cất giấu” ngay sau khi sử dụng, cha mẹ nên cất vào các ngăn kéo hoặc ngăn tủ mà bé không thể mở ra để tránh nguy cơ bé vô tình nuốt phải.
Các loại hạt sấy khô
Các loại hạt này rất cứng, khó nhai. Trẻ nhỏ răng còn rất yêu, rất khó nhai kĩ chúng nên rất có khả năng trẻ sẽ nuốt trọng hoặc nuốt khi chưa nhai xong. Điều này sẽ khiến trẻ bị sặc, hay nguy hiểm hơn các loại hạt sẽ đi vào đường hô hấp của trẻ, khiến chúng bị bít tắc, vô cùng nguy hiểm.
Với các loại hạt này, cha mẹ tuyệt đối không nên cho trẻ dưới 1 tuổi ăn.
Đồ vật có cạnh sắc nhọn
Những đồ vật có cạnh sắc nhọn ở trong nhà như cạnh bàn, ghế, giường, tủ... tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho trẻ vì có thể chọc vào đầu hoặc vào mắt.
(Ảnh minh họa)
Để giảm thiểu tai nạn đáng tiếc, mẹ có thể chọn mua nội thất có thiết kế ít góc cạnh. Hoặc mua những sản phẩm đã được thiết kế sẵn để bịt lại các cạnh sắc nhọn, giảm nguy cơ va đập.
Ngoài ra, không nên đặt nhiều đồ vật gần nội thất có góc cạnh, tránh trường hợp trẻ bị vướng khi di chuyển và vấp ngã.
Phích, ấm đun nước nóng
Làn da trẻ mỏng và nhạy cảm nên rất dễ bị tác động dẫn tới bỏng, rộp. Vết thương tùy mức độ nặng nhẹ sẽ để lại sẹo gây mất thẩm mỹ khi bé lớn lên. Với loại vật dụng này mẹ nên cất ở nơi an toàn, xa tầm với của trẻ, tốt nhất là nên mua một máy lọc nước có khóa an toàn.
Bật lửa, bếp ga, nến…
Cũng giống như phích, ấm nước nóng bật lửa, nến… cũng là vật dụng có nguy cơ khiến trẻ bị thương. Mẹ nên đặt ở nơi cao ráo, ngoài tầm với của trẻ, ngoài ra hãy nói cho bé biết hậu quả và mức độ nghiêm trọng nếu bị bỏng.
Nguy cơ bị điện giật
Ổ cắm, thiết bị nguồn điện đều có thể trở thành “sát thủ” trong nhà gây hại cho trẻ nếu cha mẹ chủ quan. Trẻ nhỏ vốn tính tò mò sẽ nghịch ngợm dùng tay hoặc vật kim loại cho vào ổ điện nếu không có sự theo dõi của người lớn.
Mẹ nên chọn loại ổ cắm an toàn, lắp đặt ở vị trí bé không thể với tới. Ngoài ra hãy chọn cho bé không gian chơi rộng rãi tránh dây điện chằng chịt.
Ban công, cửa sổ
Không ít trường hợp trẻ rơi ngã từ ban công dẫn tới sự việc đau lòng. Hãy chắc chắn thiết kế một hàng rào trên ban công, cửa sổ phải có thanh chắn để ngăn chặn trẻ leo trèo nghịch ngợm.
Xô chậu chứa nước
Xô chậu đựng nước trong nhà tắm có thể gây nguy hiểm cho bé đặc biệt là những bé trong giai đoạn tập bò, tập đi. Bước đi chưa vững lại trong môi trường trơn trượt dễ khiến bé bị ngã rất nguy hiểm.