Nuôi dưỡng con bằng những khái niệm "khổ sở", nghèo nàn khiến đứa trẻ dễ dàng trở nên thất bại trong tương lai.
"Nhà mình nghèo lắm" hẳn là câu nói quen thuộc của khá nhiều bậc phụ huynh khi nuôi dạy con cái. Nhiều người cho rằng đưa ra lý do gia đình nghèo, không có tiền để không thể đáp ứng những nhu cầu mua sắm của con cái là cách giúp đứa trẻ không còn vòi vĩnh, mè nheo, dạy con bằng cuộc sống thiếu thốn để trẻ trải nghiệm những thiếu hụt vật chất, phải bắt đầu bằng những công việc bình thường để đi đến thành công.
Tuy nhiên không phải lúc nào việc nói "nhà mình không có tiền" cũng là cách giáo dục con cái đúng đắn, thậm chí nếu áp dụng quá nhiều, sai trường hợp còn gây nên những tác động tiêu cực đến trẻ, thậm chí là "hủy diệt" một cuộc sống của đứa trẻ.
- Tạo nên một đứa trẻ tự ti, nhút nhát
Những người không có tiền đi đến đâu cũng thường nhút nhát, thiếu tự tin hơn so với những người có điều kiện về kinh tế. Tương tự như vậy, đứa trẻ thường xuyên được nghe bố mẹ nói những câu về chuyện nghèo khó trong tiền bạc sẽ khiến bé hình thành lối suy nghĩ "nghèo khổ", không muốn đụng vào, sờ vào những món đồ mà mình yêu thích. Bởi đơn giản trẻ hiểu rằng bản thân không có tiền thì không được ước mơ và không được sờ vào những thứ đó. Tự ti quá lâu về bản thân có thể khiến trẻ không thể vươn lên được.
- Tâm lý không muốn cố gắng
Việc từ chối mua món đồ gì đó cho con vì bố mẹ không có tiền sẽ hình thành tính tiết kiệm, không chi tiêu hoang phí cho trẻ. Song song với đó cũng có thể hình thành lối suy nghĩ an phận đối với mỗi đứa trẻ. Theo đó trẻ chỉ cần suy nghĩ mình không có tiền thì mình không mua món đồ đó. Và món đồ đó thực chất mua về cũng lãng phí. Như vậy thì đúng là tốt nhất không nên mua. Từ đó trẻ không biết cách phấn đấu, tìm cách để đạt được những thứ mình thích, không biết phấn đấu trong cuộc sống.
- Thiếu trách nhiệm
Cuộc sống khắc khổ vì không có tiền bạc được bố mẹ định trước trong tiềm thức của trẻ từ đó đứa trẻ sẽ nghĩ rằng chỉ cần lấy lý do không có kinh tế, tài chính là có thể giải quyết được tất cả mọi việc. Từ đó trẻ sẽ thiếu đi tính trách nhiệm của chính bản thân mình. Không có tiền nên không cần đi học, không có tiền thì không cần mua quần áo đẹp, không có tiền thì không cần đi chơi...
Việc yêu cầu, đòi hỏi của con trẻ với các bậc cha mẹ là điều bình thường nên việc cần làm của cha mẹ là nỗ lực làm việc để có điều kiện kinh tế tốt nuôi dạy con cái. Tuy nhiên cha mẹ cần cho con biết rằng vật chất không phải là tất cả của hạnh phúc, để có được những thứ mình muốn, bản thân mình phải phấn đấu và nỗ lực.
Dưới đây là những cách nuôi dạy con trai và nuôi dạy con gái một cách khéo léo dù gia đình có điều kiện hay không:
4 điều cần tránh khi nuôi dạy con trai:
1. Không nuôi con trai trong nhung lụa
Ngày nay với điều kiện kinh tế tốt, các bậc cha mẹ sẵn sàng chi mạnh tay cho nhu cầu ăn uống, sinh hoạt, học tập…của con. Thế nhưng cách nuôi dạy này không được khuyến khích bởi việc tạo điều kiện tốt kiểu “trải thảm sẵn” sẽ khiến trẻ quen dần với việc hưởng thụ vật chất xa hoa mà người khác mang lại.
Sự thỏa mãn vô hạn về nhu cầu vật chất sẽ khiến cậu bé thiếu ý chí mạnh mẽ và trách nhiệm của một người đàn ông. Ý nghĩa của “nghèo” nuôi con trai là để rèn luyện bé phát triển các đức tính cần cù và tiết kiệm thông qua sự nghèo khó, gian khổ.
2. “Ngại” nếm trải sự thất vọng
Một số ý kiến cho rằng những bông hoa trong nhà kính dù tươi đẹp đến mấy cũng khó chống trọi trước cơn bão. Việc nuôi dạy con trai cũng giống như cách ví von này, bé cần rèn luyện ý chí bằng cách đấu tranh tâm lý để vượt qua sự thất vọng mà vươn lên trong cuộc sống.
3. Sống dựa dẫm vào cha mẹ
Ngày nay không ít nam sinh thiếu khả năng tự chăm sóc bản thân từ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày như ấu ăn, giặt giũ... bởi lối sống từ trước đã có mẹ sắp xếp.
Điều này dần hình thành thói quen dựa dẫm, thiếu quyết đoán ở trẻ. Việc tách dần khỏi bố mẹ cũng giống như tạo thói quen sớm để trẻ tự lo liệu và đưa ra ý kiến của bản thân. Như vậy khi lớn lên bé sẽ trở nên độc lập và dễ dàng thích nghi với xã hội.
4. Không dám nhận lỗi và chịu trách nhiệm
Con trai trong quá trình trưởng thành sẽ trải qua giai đoạn nổi loạn, dễ mắc phải những sai lầm. Cha mẹ nên kiểm soát và xử lý khéo léo tránh nặng lời, chỉ ra những điểm vô lý, sai trái và dạy trẻ biết cách nhận lỗi và chịu tránh nhiệm với những gì mình đã làm.
Trách nhiệm là huy hiệu gắn trên vai mỗi người đàn ông. Do đó, ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ nên giáo dục con trai có trách nhiệm không chỉ với bản thân, gia đình mà còn của xã hội.
5 điều cần tránh khi nuôi dạy con gái
1. Tránh nuôi con gái trong “nghèo túng”
Ý nghĩa của “giàu” nuôi con gái chính là giáo dục, bồi dưỡng tri thức và kinh nghiệm sống cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Con gái khi ra ngoài xã hội đã thiệt thòi bởi vô số cám dỗ, họ dễ mủi lòng bởi những lời nói và hành động hoa mỹ. Việc nuôi dạy con có tính độc lập, tránh hào nhoáng hư vinh và giữ gìn bản thân khỏi cám dỗ xung quanh.
2. Tránh gia trưởng
Điều cấm kỵ lớn nhất trong việc nuôi dạy con gái là gia trưởng. Mặc dù ý niệm này rất hiếm tồn tại với giới nữ, nhưng vẫn tồn tại trong một số gia đình. Con gái được nuôi dưỡng hình thành tính cách gia trưởng dễ bị tổn thương về mặt tâm lý.
3. Không độc lập
Nuôi dạy con gái mạnh mẽ, học cách tự lập bằng chính đôi tay của mình để không dựa dẫm vào người khác. Trẻ biết cách tự chủ bản thân và có trách nhiệm với những gì mình làm. Con gái sẽ biết cách không dựa dẫm hay rơi vào thế yếu trong gia đình và ngoài xã hội.
4. Tính khí ngang bướng
Không ít cô gái ở nhà được chiều chuộng gắn mác tiểu thư, công chúa. Việc được đáp ứng nhu cầu mọi lúc hình thành thói quen xấu ở trẻ. Nếu không đạt được thứ mình mong muốn sẽ nổi giận, nóng nảy khiến lời nói và hành động có phần quá khích.
5. Vòi vĩnh và nũng nịu
Cũng chính vì được chiều chuộng nên nhiều cô gái sẽ nảy sinh sở thích làm nũng. Với “phái yếu” điều này cũng dễ hiểu và khá đáng yêu. Tuy nhiên, con gái nên biết khi nào làm nũng và khi nào nên dừng lại để tránh việc khiến người khác khó chịu.