Khi thấy con trai chắp tay cầu nguyện điều đó mỗi đêm trước khi đi ngủ, Khánh Thi Phan Hiển mới bất giác xót xa.
Những bất đồng, tranh cãi trong cuộc sống hôn nhân của vợ chồng là điều không thể tránh khỏi để các thành viên trong gia đình hiểu thêm về đối phương. Tuy nhiên mỗi cuộc tranh cãi có sự xuất hiện của những đứa trẻ nó trở nên "nguy hiểm" hơn bao giờ hết. Nhất là những cuộc cãi vã có tần suất ngày càng nhiều, có yếu tố bạo lực còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và sự trưởng thành của con. Do đó các bậc phụ huynh cần phải thực sự lưu ý.
Nghe bố mẹ cãi nhau, kéo vali ra khỏi nhà, con trai Khánh Thi cầu nguyện mỗi tối
Mới đây một chia sẻ rất nhỏ của nam vũ công Phan Hiển sau đám cưới thế kỉ của anh và bà xã Khánh Thi gây được sự chú ý với mọi người. Nhất là những người đã làm cha làm mẹ. Theo đó, Phan Hiển cho biết trong hành trình 13 năm gắn kết vợ chồng với Khánh Thi, cặp đôi đã không ít lần xảy ra cãi vã, thậm chí một trong hai còn từng xách vali ra khỏi nhà trong tâm thế vô cùng bức xúc.
Và thật đau lòng, cảnh tượng này được con trai của họ là bé Kubi chứng kiến. Không chỉ 1 lần, Kubi chứng kiến cảnh bố mẹ cãi nhau rất nhiều lần. Khánh Thi Phan Hiển không hề nghĩ rằng con trai bị ám ảnh bởi những trận cãi nhau của bố mẹ, cho đến khi cậu nhóc thường xuyên có những lời cầu nguyện trước mỗi lần đi ngủ đã khiến người làm cha như Phan Hiển bất giác như bừng tỉnh.
"Kubi bây giờ lớn rồi nên có những câu nói khiến tôi phải chạnh lòng. Trước khi đi ngủ bé hay cầu nguyện, nó không cầu nguyện nhỏ trong miệng vì trẻ con mà. Câu nói đầu tiên là: 'Kubi mong cho 2 ba mẹ yêu thương nhau'. Kể cả khi tôi là một người đàn ông, tôi cũng phải xúc động".
Khánh Thi nói thêm "Kubi là người chứng kiến cảnh tôi và Hiển cãi nhau, kéo vali ra khỏi nhà rất nhiều. Tôi nghĩ từ đó mà Kubi buồn và mong ba mẹ nó hạnh phúc với nhau".
Những chia sẻ này được cặp bố mẹ nói ra trong một đoạn clip hậu đám cưới thực sự đã khiến rất nhiều bậc phụ huynh khác nhói lòng thương cho đứa trẻ, thậm chí còn như thấy được bản thân mình trong đó và coi như một bài học sâu sắc.
Con gái siêu mẫu Hà Anh nghệt mặt ra nhìn mẹ
Cũng đã làm mẹ như Khánh Thi, siêu mẫu Hà Anh dồn mọi sự quan tâm, yêu thương cho cô con gái nhỏ Myla. Thế nhưng bà mẹ Hà Anh không biết rằng, yêu thương con gái là chưa đủ mà bản thân người làm cha làm mẹ cũng đừng mang những bực nhọc của bản thân vào trong tâm trí của trẻ thơ.
Siêu mẫu Hà Anh cũng từng trải lòng về câu chuyện xảy ra trong gia đình cô tương tự như gia đình Khánh Thi Phan Hiển. Cô và chồng Tây cũng từng có nhiều bất đồng quan điểm trong hôn nhân dẫn đến những cuộc xung đột, cãi vã. Và rồi điều cô luôn đau đáu nhất sau mỗi lần cãi nhau lại chính là sự xuất hiện con gái Myla đã ở đó từ lúc nào mà vợ chồng cô không hề hay biết. Cô bé mắt tròn xoe, nghệt ra nhìn ba mẹ.
"...Nhìn ra thấy đứa bé bỏng đang trân trối nhìn mẹ, mắt nó to thật to tròn ngơ ngác nhìn xoáy vào tôi" - Hà Anh viết.
Cảnh tượng ấy khiến người mẹ như cô bất giác giật mình, cô nhớ đến chính bản thân mình cũng đã từng tròn mắt nhìn ba mẹ mình trong cơn cãi vã khi xưa. Ngày ấy, cô đã bật khóc trong sự bất lực.
"Tôi cun cút ôm con vào lòng và thủ thỉ "Mẹ xin lỗi con vì mẹ đã to tiếng trước mặt con làm con sợ!" Tôi ôm chặt trái tim bé nhỏ đang đập thình thịch của nó! Tôi ôm thật nhiều và vỗ về con, xin lỗi con nhiều lần nữa.
Con bé cun cút trong vòng tay mẹ, mẹ nhẽ ra phải chở che, đem lại sự an toàn cho nó.
Mẹ ôm nó mở phim hoạt hình cho nó xem để nó quên đi ấn tượng về cơn lôi đình của mẹ.
Tình yêu ba mẹ nó là chuyện người lớn, cãi vã bất đồng cũng là chuyện người lớn. Ba mẹ dù là "người lớn" nhưng lại cũng rất trẻ con, còn xa mới hoàn hảo. Nhưng nó sinh ra trên cuộc đời này là để hạnh phúc, nên ba mẹ nó phải cho nó cuộc sống hạnh phúc! Vậy thôi!
Làm gì thì làm!" - bà mẹ tự nhủ.
Con gái Kiên Hoàng gục đầu, cúi gằm mặt
Kiên Hoàng và Heo Mi Nhon hiện là cặp đôi hot dad hot mom nổi tiếng trên mạng xã hội với những tips nuôi dạy con khoa học, hiện đại được nhiều mẹ bỉm yêu mến. Thế nhưng cũng có lần Kiên Hoàng phải thú nhận chuyện đã từng để con chứng kiến cảnh bố mẹ cãi nhau. Phản ứng của cô bé Cam Cam khiến ai cũng chua xót.
“Có một lần mình nhớ mãi. Hai vợ chồng mâu thuẫn và to tiếng với nhau ngay trước mặt con. Bé Cam không ai dạy cả, đột nhiên bịt hai tai lại rồi gục đầu cúi mặt. Khoảnh khắc đó, cả hai vợ chồng đều biết là mình phải dừng lại ngay. Cái tôi cá nhân của hai người bỏ qua một bên. Từ sau lần đấy, hai vợ chồng không bao giờ tranh luận hay nói to điều gì trước mặt con nữa.” - Kiên Hoàng kể.
Theo tiến sĩ Tâm lý học Kiều Thị Thanh Trà - Trưởng bộ môn Tâm lý học Giáo dục, khoa Tâm lý học, trường Đại học Sư phạm TP.HCM, khi chứng kiến bố mẹ cãi nhau, trẻ sẽ có suy nghĩ khác nhau tuỳ vào độ tuổi. Tuy nhiên, nhìn chung, đa số trẻ đều cảm thấy bất an, lo lắng và sợ hãi, thậm chí, một số trẻ sẽ cho rằng mình là nguyên nhân làm cho bố mẹ cãi nhau hoặc bố mẹ sẽ không yêu thương mình nữa. Những suy nghĩ, cảm xúc này có thể là nhất thời nhưng cũng có thể ám ảnh trẻ trong một thời gian dài.
Một nghiên cứu của E.M. Cummings và cộng sự (2012) đã chỉ ra rằng, việc bố mẹ thường xuyên bất đồng, cãi vã làm gia tăng nguy cơ xuất hiện các vấn đề sau ở trẻ:
- Hành vi hung hăng, gây hấn (ném, đập phá đồ đặc, cãi vã, đánh nhau với bạn,…).
- Thu mình, e dè, thận trọng quá mức hoặc không tin tưởng vào người khác.
- Hành vi tự gây tổn thương (tự cào cấu, làm đau bản thân, …)
- Các biểu hiện trầm cảm.
- Lo âu thái quá.
- Giảm sút khả năng tập trung chú ý.
- Khó tuân thủ, hay phá vỡ các nguyên tắc.
- Suy giảm thành tích ở trường học, không muốn học hoặc sợ học.
- Có suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống và các mối quan hệ (đặc biệt là ở tuổi trưởng thành)
Tiến sĩ Thanh Trà đưa ra lời khuyên: "Trong đời sống hôn nhân, mâu thuẫn giữa vợ, chồng là điều khó tránh khỏi. Để hạn chế sự ảnh hưởng từ những mâu thuẫn, xung đột này đến con cái, bố mẹ cần lưu ý:
- Tôn trọng, lắng nghe và trao đổi cùng nhau để giải quyết mâu thuẫn.
- Lên kế hoạch giải quyết mâu thuẫn vào thời gian và địa điểm phù hợp, tránh xung đột gay gắt hoặc cãi vã khi có sự hiện diện của trẻ, đồng thời, có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nguồn lực khác nếu cần thiết.
- Cần đảm bảo rằng trong mọi cuộc xung đột, bố mẹ không “lôi kéo” trẻ vào “cuộc chiến” của mình (không trút giận vào trẻ, không nói xấu đối phương trước mặt trẻ, không ép buộc trẻ phải đứng về phía mình,…)
- Trẻ có thể vô tình chứng kiến hoặc nhận ra bố mẹ đang có xung đột. Vì vậy, đừng lãng tránh mà hãy trò chuyện với trẻ (tuỳ theo độ tuổi) về những gì trẻ đã chứng kiến hoặc cảm nhận, đồng thời, cố gắng trả lời bất kỳ câu hỏi nào của trẻ về những gì đang xảy ra và trấn an trẻ".