Cô giáo mầm non nuôi con sinh đôi ăn dặm kiểu Nhật: Con lớn khỏe, mẹ nhàn nhã

Ngày 23/02/2018 00:06 AM (GMT+7)

Theo mẹ của 2 bé Na-Ken, cho con ăn dặm kiểu Nhật không chỉ giúp mẹ tiết kiệm thời gian, công sức mà còn cho con có đầy đủ trải nghiệm cầm, nắm, nhai…

Chị Ngọc (SN 1990) mới kết hôn đầu năm 2017, hiện đang sinh sống tại Hà Nội với chồng hai bé con là Na và Ken (7 tháng tuổi) - cặp sinh đôi một trai một gái. Là một người có chuyên môn sư phạm mầm non, chị Ngọc sớm tìm hiểu cho con cách ăn dặm sao cho tốt nhất.

Bằng kiến thức của mình, mẹ Na-Ken quyết định chọn cho con ăn dặm theo phương pháp của người Nhật và tự tạo ra những thực đơn riêng, giúp con vừa hay ăn chóng lớn lại có thể rèn luyện các kĩ năng cơ bản như cầm, nắm, nhai… gọn nhẹ cho mẹ, tạo được hứng thú với con.

Cô giáo mầm non nuôi con sinh đôi ăn dặm kiểu Nhật: Con lớn khỏe, mẹ nhàn nhã - 1

Gia đình hạnh phúc của mẹ Na - Ken.

Để hiểu rõ hơn về cách ăn dặm này, chúng tôi có buổi trò chuyện để nghe những kinh nghiệm chăm con, cụ thể là chăm con trong thời kì ăn dặm của bà mẹ trẻ.

Ăn dặm theo phương pháp của Nhật, bé khỏe - mẹ vui vừa đơn giản, vừa gọn nhẹ

- Xin chào chị Ngọc, chị cho 2 con bắt đầu ăn dặm từ bao giờ và ăn như thế nào?

Mình cho bé ăn dặm lúc 5m17d (5 tháng, 17 ngày - PV) theo kết hợp kiểu Nhật và BLW (ăm dặm tự chỉ huy), hôm nào đổi vị lâu lâu cho bé ăn truyền thống 1 bữa.

- Vì sao chị chọn ăn dặm kiểu Nhật là chính mà không phải cho con ăn kiểu truyền thống?

Ăn dặm kiểu Nhật rất nhiều lợi ích nhất là khi bé con có thể phân biệt được các loại đồ ăn bé thích và không thích, từ đó mẹ hiểu được con. Cũng vì thế, ăn dặm chỉ có niềm vui, không khiến cả mẹ lẫn con bị áp lực.

Ăn dặm truyền thống thực ra rất nhàn, nhưng có nhiều hạn chế, các món ăn trộn, xay vào nhau khiến khi bé ăn không phân biệt được món nào ăn với gì, từ đó rất dễ gây ra biếng ăn ở trẻ, và làm trẻ sợ phải ăn, đến bữa là khóc, như thế mẹ stress nặng mà con thì chẳng ăn được gì.

Cô giáo mầm non nuôi con sinh đôi ăn dặm kiểu Nhật: Con lớn khỏe, mẹ nhàn nhã - 2

Theo chị Ngọc, ăn dặm kiểu Nhật sẽ tạo hứng thú ăn uống cho con tốt hơn.

- Có rất nhiều nguồn thông tin về phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, chị tìm hiểu về cách ăn cho con ở đâu?

Mình đọc sách: “Ăn dặm kiểu Nhật”, “Ăn dặm không phải là cuộc chiến”, “Ăn dặm không nước mắt”… và nhiều sách khác nữa. Nói chung, cứ rảnh là mình đọc và tìm hiểu.

Hơn nữa mình may mắn khi được học mầm non, trong quá trình học có bộ môn dinh dưỡng mình đã nghiên cứu rất kỹ về giáo trình này - có khi còn học thuộc cả quyển giáo trình vì thích đọc lắm, đọc mãi không chán.

Sau khi tìm hiểu mình hay làm ra các món ăn riêng cho Na và Ken, những món ăn chẳng sách báo nào có nhưng giá trị dinh dưỡng cao và tốt cho sức khỏe của con.

Cô giáo mầm non nuôi con sinh đôi ăn dặm kiểu Nhật: Con lớn khỏe, mẹ nhàn nhã - 3

Những món ăn cho con đều 1 tay chị lên thực đơn, tự chuẩn bị.

- Vậy trong quá trình cho con ăn kết hợp như thế chị thu được những khó khăn và thuận lợi như thế nào?

Đầu tiên là thuận lợi: Mình thấy tiện nhất ở khâu chế biến thức ăn cho con. Nhiều người nghĩ rất phức tạp nhưng thật ra không phải vậy.

Lúc đầu bé ăn ít mình làm đồ ăn cho con rồi trữ đông, mình thường trữ 3 ngày, sau 2 tuần bé ăn tăng lên mình không trữ đông nữa, lúc đó cũng là lúc mình quen với phương pháp này và mọi thứ trở nên đơn giản hơn. Bây giờ chỉ cần 1 cái nồi hấp, 1 nồi nấu cháo là mình có thể làm đủ món ngon cho con mỗi ngày, mỗi lần làm chỉ 20-30 phút là xong rồi.

Khó khăn: Khó khăn thì lúc đầu cho con ăn rất ít, chỉ chừng 5ml-7ml-10ml rồi ăn toàn rau, mọi người hỏi là sao không cho bé ăn bột? Sao không cho ăn thịt? Sao không cho ăn gia vị? Nhưng thật may là mọi người sau đó cũng nhận ra được quá trình mình cho con ăn, từ đó gia đình ủng hộ lắm.

Cô giáo mầm non nuôi con sinh đôi ăn dặm kiểu Nhật: Con lớn khỏe, mẹ nhàn nhã - 4

Nhiều mẹ nghĩ con ăn ăn dặm theo kiểu Nhật sẽ rất tốn thời gian, thực tế không phải vậy.

- Tức là chị để mọi người nhìn thấy kết quả của mình chứ không giải thích ngay?

Không phải thế. Khi có ai hỏi mình đều từ từ trả lời, ai hỏi gì mình đều trả lời đầy đủ và còn cho đọc sách nếu cần. Nhất là mẹ đẻ mình, cho cháu ăn BLW bà cứ sợ cháu hóc, mình giải thích không được đành phải cho bà đọc tài liệu về BLW, từ đó bà không hỏi nữa mà ủng hộ nhiệt tình, giờ toàn tự khen con gái.

Chỉ cho con ăn khi bé thực sự sẵn sàng và vui vẻ

- Chị đánh giá kết quả ăn dặm của con hiện tại so với các trẻ ăn dặm truyền thống như thế nào?

Ăn dặm truyền thống thì mình thấy rất nhiều bà cứ chiều hoặc trưa là cho cháu vào cái xe hoặc bế rong khắp xóm cho cháu ăn. Vừa ăn vừa làm đủ trò cho cháu ví dụ như: “ơ ô tô kìa, con ong kìa…” rồi cháu nhìn cái là đút thìa bột vào mồm. Có nhà cho con đi lòng vòng cả cây số mới ăn hết bát cháo, ăn đúng như kiểu đánh vật. Kiểu ấy mệt mỏi cả bà lẫn cháu, mình nhìn thấy thế chỉ thấy thương bé và bà, tự người lớn tạo ra thói quen xấu cho trẻ rồi mệt theo.

Mình cho con ăn kiểu Nhật, đến giờ con vào bàn ăn (không ngồi bàn là không ăn gì nữa hết) sau đó không có tivi, không hát hò làm trò gì cho con cả. Vừa ăn, mình vừa trò chuyện với con, rồi giải thích đây là món gì, màu gì... cho con.

Cũng sẽ có lúc bé không ăn, nhưng mình ăn 1 miếng là bé ăn theo. Con khóc thì mình không cho con ăn nữa. Chỉ cho con ăn khi bé thực sự sẵn sàng và vui vẻ. Thế nên mình thấy bé ăn dặm kiểu truyền thống bị áp lực lắm, còn bé ăn kiểu Nhật thì vui vẻ lúc nào cũng hào hứng.

Cô giáo mầm non nuôi con sinh đôi ăn dặm kiểu Nhật: Con lớn khỏe, mẹ nhàn nhã - 5

Mẹ chỉ nên cho con ăn khi con sẵn sàng và vui vẻ.

- Sinh đôi, lại còn tự tay chuẩn bị đồ ăn cho con từ A-Z như vậy, chị có thấy khó khăn?

Khó khăn lắm, lúc đầu mình nghĩ mình sẽ không làm được nhưng rồi tình yêu với con khiến mình không thể không làm. Khó khăn càng nhiều quả ngọt, càng ngon, cứ nghĩ như thế rồi cũng qua.

- Đâu là lúc chị cảm thấy khó khăn nhất khi chăm 2 đứa trẻ sinh đôi?

Khó khăn nhất là lúc bé khóc. Cứ 1 đứa ngủ - 1 đứa khóc, 1 đứa chơi - 1 đứa khóc. Có thời gian mình stress vì tiếng con khóc lắm.

- Chị có lời khuyên nào dành cho các bà mẹ đang phân vân khi cho con ăn dặm theo phương pháp này?

Mình chỉ có 1 lời khuyên duy nhất dành cho các mom là hãy tự tin vào bản năng làm mẹ của mình để có thể lựa chọn phương pháp ăn phù hợp cho con nhất, đừng bao giờ nản. Mẹ phải tìm ra nguyên nhân, phải dành thời gian cho con để hiểu con, ai có nói gì cũng bình tĩnh giải thích không cáu gắt, không stress.

Hãy coi việc nấu cho con ăn là niềm vui là hạnh phúc mỗi ngày, niềm vui và sự kiên nhẫn của người mẹ sẽ quyết định 99% thành công, 1% còn lại mới là của đứa trẻ.

Cảm ơn chị Ngọc với những chia sẻ thân tình, bổ ích dành cho các bà mẹ có con đang trong độ tuổi ăn dặm!

Mời các mẹ tham khảo thực đơn ăn uống mà chị Ngọc chuẩn bị cho hai con:

Cô giáo mầm non nuôi con sinh đôi ăn dặm kiểu Nhật: Con lớn khỏe, mẹ nhàn nhã - 6

Cô giáo mầm non nuôi con sinh đôi ăn dặm kiểu Nhật: Con lớn khỏe, mẹ nhàn nhã - 7

Cô giáo mầm non nuôi con sinh đôi ăn dặm kiểu Nhật: Con lớn khỏe, mẹ nhàn nhã - 8

Cô giáo mầm non nuôi con sinh đôi ăn dặm kiểu Nhật: Con lớn khỏe, mẹ nhàn nhã - 9

Cô giáo mầm non nuôi con sinh đôi ăn dặm kiểu Nhật: Con lớn khỏe, mẹ nhàn nhã - 10

Cô giáo mầm non nuôi con sinh đôi ăn dặm kiểu Nhật: Con lớn khỏe, mẹ nhàn nhã - 11

Cô giáo mầm non nuôi con sinh đôi ăn dặm kiểu Nhật: Con lớn khỏe, mẹ nhàn nhã - 12

Cô giáo mầm non nuôi con sinh đôi ăn dặm kiểu Nhật: Con lớn khỏe, mẹ nhàn nhã - 13

Cô giáo mầm non nuôi con sinh đôi ăn dặm kiểu Nhật: Con lớn khỏe, mẹ nhàn nhã - 14

5 dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng để ăn dặm kiểu Nhật
Nếu con bạn có những dấu hiệu dưới đây, bé đã có thể tập làm quen với ăn dặm kiểu Nhật!
Lê Lê
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ăn dặm