Chị Vương không ngờ rằng khi biết chuyện cũng là lúc con chị gặp phải khủng hoảng tinh thần quá lớn.
Chị Vương (Trung Quốc) là một người rất yêu công việc. Trong gia đình, cả hai vợ chồng chị Vương đều có kinh tế tốt nên không thiếu tiền, chị sợ mẹ chồng già yếu không chăm sóc được trẻ sơ sinh nên đã thuê một bảo mẫu đến chăm sóc cho con trai. Khi bé được 3 tuổi, chị thuê người bảo mẫu này chăm lo bữa ăn tối và cho bé đi ngủ đến khi chị đi làm về.
Ảnh minh họa
Vào một ngày nọ, chị Vương đi làm về muộn nên con trai đã ngủ say. Khi chị cũng chuẩn bị đi ngủ thì chợt nghe thấy tiếng hét lên của con trai "Mẹ ơi cứu con". Chị Vương lập tức lao đến phòng con trai thì phát hiện cậu bé gặp ác mộng nên nhanh chóng dỗ con ngủ lại.
Ngày hôm sau, chị Vương lại nghĩ đến chuyện này trong lúc làm việc, cảm thấy có gì đó không ổn nên đã gọi điện cho người bạn thân là bác sĩ tâm lý để xin được tư vấn. Nghe theo lời bác sĩ, chị âm thầm lắp camera giám sát tại nhà ở và thăm dò chuyện đi học ở trường mẫu giáo của con. Trong những ngày này, chị đau lòng khi hầu như đêm nào con trai cũng cầu cứu mẹ như vậy.
Quá sốt ruột, chị Vương hỏi trực tiếp cô giáo ở trường mẫu giáo của con rằng có đánh em bé hay không nhưng người giáo viên một mực từ chối nói rằng đứa trẻ ở trường mẫu giáo rất ngoan nên không hề có chuyện bị cô giáo đánh. Vì thế chỉ còn một trường hợp đó chính là người bảo mẫu ở nhà. Dù chị Vương vô cùng tin tưởng người làm việc lâu năm nay nhưng cũng không thể loại trừ khả năng.
Ảnh minh họa
Chị Vương dành một khoảng thời gian để ngồi xem lại toàn bộ camera giám sát ở nhà trong suốt nhiều ngày qua và những gì xuất hiện trong video đã khiến chị bật khóc. Trong video mỗi buổi tối khi đứa trẻ trở về nhà thì được người bảo mẫu chuẩn bị cơm tối cho ăn. Tuy nhiên cứ mỗi khi đứa trẻ gây rối đều bị bảo mẫu mất bình tĩnh, đánh đập, thập chí là quăng đứa trẻ xuống đất. Bà ta còn cẩn thận đe dọa thêm không được nói với mẹ vì mẹ đang bận làm việc.
Tình trạng trẻ bị bảo mẫu, người giúp việc hành hạ, đánh đập gây nhức nhối trong cộng đồng các bà mẹ bỉm sữa trong thời gian vừa qua bởi nỗi đau không chỉ ở thể xác mà còn ở tinh thần của trẻ trong suốt quãng được trưởng thành.
Chính vì thế khi tìm người trông trẻ, chính bố mẹ cần phải lựa chọn thật kĩ càng để tìm được người tin tưởng:
- Sẽ đảm bảo hơn nếu bạn thuê người trông trẻ thông qua các công ty môi giới chuyên về lĩnh vực này. Khi đó, người lao động đã được các công ty chuyên trách sàng lọc và lựa chọn, họ sẽ có những phẩm chất phù hợp với công việc hơn. Ngoài ra, nếu xảy ra bất cứ vấn đề gì trong quá trình hợp tác, bạn vẫn có thể bảo vệ được quyền lợi của mình.
- Trước khi trao em bé cho người giữ trẻ, bạn hãy đề nghị người giữ trẻ làm kiểm tra sức khỏe, đảm bảo họ không có bất cứ bệnh truyền nhiễm gì có thể lây truyền sang em bé.
- Trước khi chính thức cho người giữ trẻ nhận việc, bạn nên đưa ra kế hoạch thử việc cho họ trong một khoảng thời gian nhất định. Việc làm ấy giúp kiểm tra xem người trông trẻ ấy có đủ năng lực để đảm nhận công việc hay không.
Ngoài ra trẻ khi bị bạo hành, đánh đập thường bị đe dọa, có tâm lý sợ hãi nên không dám nói cho bố mẹ biết. Vì vậy các bậc phụ huynh cần nhanh chóng phát hiện ra biểu hiện lạ lùng ở con cho thấy con đang gặp nguy hiểm.
Cơ thể trẻ xuất hiện nhiều vết bầm tím
Đây chắc chắn là dấu hiệu rõ ràng nhất mà cha mẹ không được phép bỏ qua. Cơ thể trẻ tuy non nớt, mềm yếu nhưng không thể tự xuất hiện các vết bầm tím, vết xước.
Trẻ sợ hãi khi ở trong không gian kín
Để bạo hành trẻ, các bảo mẫu cần phải đưa trẻ vào khu vực kín để thực hiện. Đó là lý do trẻ tỏ ra sợ hãi khi ở trong không gian kín, bé sẽ mường tượng ra cảnh bị bạo hành. Vì thế, khi con ở trong phòng 1 mình hay đưa con đi tắm... thấy con có biểu hiện sợ hãi, cha mẹ cần nhẹ nhàng khuyên nhủ và trò chuyện với con để tìm ra nguyên nhân.
Trẻ hốt hoảng, ngủ không sâu giấc
Tâm hồn non nớt của trẻ nhỏ rất dễ bị tác động bởi những hành động thô bạo. Nó thường đi vào trong giấc mơ của trẻ, khiến trẻ không thể nào ngon giấc.
Vì thế, nếu thấy con ngủ không ngon giấc, hay giật mình, khóc đêm... mẹ cần tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sức khỏe hay là do trẻ đang bị bạo hành.
Ngại giao tiếp, tiếp xúc
Trẻ bị bạo hành thường có cảm giác sợ sệt, e dè, ngại giao tiếp và tiếp xúc với bất kì ai, kể cả bố mẹ. Trẻ không chạy nhảy nô đùa như trước mà chỉ thu mình một chỗ, ôm đầu gối hoặc khoanh tay trước ngực...
Hành vi quá khích
Nghiến răng, cắn móng tay, thở dốc, hồi hộp hay toát mồ hôi hoặc chống đối lại cha mẹ có thể là những hành vi khác lạ, quá khích của bé cho thấy đang bị ảnh hưởng bởi vấn đề tâm lý nghiêm trọng. Việc bé bị bạo hành dẫn đến lo sợ và không làm chủ được những hành động thân thể mình.
Bên cạnh đó nếu thấy những dấu hiệu này ở người giúp việc thì mẹ cũng nên thay đổi người ngay lập tức:
Người giúp việc luôn bẩn, lôi thôi, không chịu thay đổi
Nếu người giúp việc không thể duy trì được môi trường hoặc sự sạch sẽ của bản thân, thì khó lòng là người chu đáo cẩn thận, lo lắng được cho trẻ sạch sẽ. Hơn thế nữa, việc người giúp việc kém vệ sinh tiếp xúc với trẻ sẽ mang lại nhiều nguy cơ lây bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của con.
Người giúp việc không thể cứ tỏ ra biết cách chăm sóc trẻ mà bỏ qua những yêu cầu của cha mẹ bé. Cha mẹ và người giúp việc cùng chăm sóc bé và rõ ràng, bạn không thể tiếp tục hợp tác và phối hợp tốt trong việc chăm con nếu như không chung quan điểm.
Con không vui khi thấy người giúp việc
Trẻ em thường rất nhạy cảm và không thể giấu được cảm xúc. Nếu ban đầu tiếp xúc với người giúp việc, bé có biểu hiện quấy khóc thì có thể là do chưa quen. Vậy nhưng nếu sau một thời gian dài, con vẫn không thay đổi thái độ, mẹ cần phải cân nhắc lại.
Có thể người giúp việc đó vẫn chăm sóc trẻ tốt và có kỹ năng, nhưng việc trẻ sơ sinh không thấy thoải mái có thể gây ra những căng thẳng tâm lý cho cả hai bên. Bạo hành từ đó cũng xảy ra.
Con bắt đầu nói những ngôn từ xấu
Khi trẻ bắt đầu nói một số từ không đứng đắn, hoặc có hành vi không thích hợp mà cha mẹ không hề như vậy, rất có thể con đã “học” được từ người giúp việc.
Người giúp việc nói quá nhiều
Một người thích nói, hay nói thì sẽ luôn tìm cách để nói chuyện, “buôn” với những người hàng xóm, hoặc trò chuyện điện thoại cả ngày. Nếu người trông trẻ nói cả ngày, họ đương nhiên không thể tập trung vào đứa trẻ và đảm bảo rằng có thể phản ứng kịp trong trường hợp khẩn cấp.
Không cung cấp được giấy khám sức khỏe
Để đảm bảo sức khỏe của bé, cha mẹ nên đưa người giúp việc đi khám hoặc yêu cầu giấy khám, bao gồm cả xét nghiệm máu để phòng cách bệnh dễ lây lan cũng như bệnh lậu, giang mai, HPV hay bệnh lay truyền qua đường tình dục khác.
Nếu người giúp việc từ chối đi khám hoặc không cung cấp được giấy khám sức khỏe, mẹ nên suy nghĩ lại.
Con thường xuyên gặp phải những chấn thương, vết ngã, xước, bầm tím nhỏ
Chưa cần nghĩ đến chuyện trẻ bị bạo hành, riêng việc con thường xuyên bị chấn thương cũng đồng nghĩa với việc người trông trẻ này không theo dõi sát sao các hoạt động của con, nhiều khi lơ là và để con tự phải chơi một mình.