Thấy đứa trẻ uống sữa do bà nội pha một cách ngon lành, vèo cái đã hết bình, chị Châu lấy làm lạ liền nếm thử thì vô cùng bất ngờ.
Chị Châu (27 tuổi) người Bắc Kinh nhưng lấy chồng Thâm Quyến (Trung Quốc). Sau khi sinh con trai đầu lòng, vì công việc nên chị sớm đi làm, để lại bé 5 tháng cho bà nội chăm sóc.
Các ngày trong tuần, bà nội chính là người cho bé ăn sữa, chơi với bé ban ngày còn tối đến, chị chỉ việc về chơi với con, ru con ngủ. Thấy con ăn ngon, ngủ khoẻ, tăng cân tốt, chị Châu càng yên tâm để bé cho mẹ chồng chăm.
Thế nhưng ngày chủ nhật hôm đó, chị được nghỉ nên ở nhà chơi với con cả ngày, cho con ăn uống và vệ sinh. Khi đến giờ ăn, thấy con khóc nên chị Châu nghĩ rằng bé đói. Chị đi pha sữa bột nhưng kỳ lạ, thằng bé chỉ ti một vài miếng rồi chê, không uống nữa.
Thấy cháu khóc và không chịu uống sữa, bà nội đi từ ngoài vào, trên tay cầm một bình sữa bột khác nhanh chóng đưa cháu uống. Bà giải thích, đứa trẻ có lẽ không quen cách pha sữa của mẹ nên bà đã chuẩn bị sẵn.
Quả nhiên, đứa trẻ nín một hơi hết bình sữa bà nội pha và mặc nhiên cũng không còn khóc nữa. Chị Châu cảm thấy hơi khó hiểu vì cùng là sữa bột thì có điều gì đã thu hút đứa trẻ đến vậy. Vì vậy, sau khi con trai uống hết, chị đã bí mật nếm thử chút sữa trong bình bà nội pha còn sót lại thì vô cùng sốc, sữa có vị ngọt đặc biệt.
Chị Châu lập tức hỏi mẹ chồng về nguồn gốc của loại sữa, tuy nhiên mẹ chồng nói rằng vẫn là loại sữa chị mua và hay dùng để pha cho bé nhưng bà thêm một chút đường. Lâu nay thêm đường vào sữa, đứa bé uống ngon lành mà tăng cân hẳn.
Nghe đến đây, chị Châu lập tức nổi giận, chị cho rằng bà nên ngừng làm việc này, theo hướng dẫn cách pha sữa đúng quy chuẩn mà thực hiện, không nên tự ý cho thêm gia vị gì vào sữa của cháu. Tuy nhiên, người bà không đồng ý, bà cho rằng đứa trẻ sau khi uống sữa phát triển rất tốt mà lại rất thích uống kiểu sữa thêm đường, chẳng hà cớ gì mà lại phải ngừng điều này.
Trên thực tế, không phải chỉ riêng mẹ chồng chị Châu mà nhiều bà mẹ khác không hề tìm hiểu kiến thức, mặc nhiên pha thêm nước, đường hoặc thức ăn khác vào sữa bột cho các bé. Tuy nhiên, việc làm này là hoàn toàn sai lầm.
Khi pha sữa công thức cho con, bắt buộc mẹ phải làm theo đúng hướng dẫn đã ghi trên nhãn hộp sữa, pha đúng tỉ lệ sữa-nước. Hãy dùng chính chiếc thìa mà nhà sản xuất để trong hộp sữa để pha được tỷ lệ chuẩn.
Nếu mẹ cho quá nhiều nước, bé có thể sẽ không hấp thụ đủ chất dinh dưỡng. Nếu mẹ cho quá nhiều sữa, bé có thể sẽ bị táo bón. Các em bé uống sữa công thức vốn đã có cơ địa dễ bị táo bón hơn các em bé được bú sữa mẹ hoàn toàn. Trừ trường hợp có chỉ định đặc biệt của bác sĩ, mẹ không được phép cho thêm bất cứ thứ gì vào sữa công thức của con như đường, nước hoa quả, ngũ cốc, thuốc...
Ngoài ra, khi pha sữa công thức cho bé, mẹ cũng nên tránh một số lỗi sai phổ biến sau:
Không khử trùng dụng cụ pha sữa
Tất cả chai, bình sữa, núm vú và các vật dụng liên quan cần được khử trùng trước khi sử dụng. Sau khi bé bú xong, cần rửa lại chúng với nước nóng và xà phòng thật kĩ càng. Lưu ý đặt núm vú ở nơi an toàn để tránh bị chảy do nhiệt độ cao.
Quên rửa tay khi pha sữa
Nếu mẹ khử trùng sạch sẽ các dụng cụ pha sữa mà lại quên rửa đôi tay mình cho thật sạch bằng nước nóng và xà phòng trước đó thì bình sữa của bé vẫn có thể bị nhiễm khuẩn.
Đọc kĩ hướng dẫn xem cho nước hay sữa vào bình trước
Đọc kĩ hướng dẫn của nhà sản xuất để xem cho nước hay sữa vào bình trước. Thông thường, mẹ nên cho nước trước rồi mới cho sữa vào bình để đổ đúng số ml nước cần thiết. Pha sữa với lượng nước nhiều hơn hay ít hơn trong hướng dẫn đều không tốt cho sức khỏe của bé.
Để sữa đã pha quá lâu
Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo, nếu sau 2 giờ đồng hồ mà bé chưa bú xong hết bình thì chỗ sữa thừa đó cần được vứt bỏ. Sữa công thức đã pha để tủ lạnh cũng sẽ phải vứt đi sau 24 giờ đồng hồ không sử dụng. Khi để sữa của bé ở trong tủ lạnh, cần để ở ngăn chính của tủ lạnh, tránh để ở cửa tủ lạnh vì đó là nơi hơi lạnh không được đều.