Việc phòng bệnh bằng chủng ngừa ho gà trong giai đoạn thai kỳ là cách giúp mẹ bầu có thể tăng cường kháng thể bảo vệ con trong 3 tháng đầu đời trước nguy cơ mắc bệnh ho gà.
3 tháng đầu đời được xem là giai đoạn “khoảng trống miễn dịch” với trẻ sơ sinh. Trong giai đoạn này, hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, trẻ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm với nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là ho gà. Đây là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp, do vi khuẩn ho gà (Bordetella pertussis) gây ra. Bệnh có khả năng lây nhiễm cao, trong đó, 80% nguồn lây do tiếp xúc cùng hộ gia đình và là nguồn lây chủ yếu đến trẻ nhỏ.
Tại Việt Nam, 50% trẻ mắc ho gà nhiễm bệnh trong 3 tháng đầu đời, hầu hết trường hợp rơi vào trẻ chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc-xin. Thông tin này được các chuyên gia dịch tễ, nhi khoa, sức khoẻ bà mẹ trẻ em chia sẻ tại chuỗi hội thảo khoa học: “Sẻ chia kháng thể - Phòng bệnh ho gà cho trẻ sơ sinh từ trong thai kỳ”. Qua đó, các chuyên gia đều nhấn mạnh việc bảo vệ trẻ sơ sinh trong giai đoạn “khoảng trống miễn dịch” 3 tháng đầu đời bằng chủng ngừa ho gà trong thai kỳ cần được chú trọng.
Tại Việt Nam, 50% trẻ mắc ho gà nhiễm bệnh trong 3 tháng đầu đời
Cũng tại chuỗi hội thảo, các chuyên gia đã cung cấp nhiều số liệu cho thấy sự nguy hiểm của việc trẻ sơ sinh bị nhiễm ho gà trong 3 tháng đầu đời: 93% trẻ dưới 3 tháng tuổi mắc ho gà cần nhập viện do có nguy cơ mắc biến chứng viêm phổi, tổn thương não hay co giật, 73% ca tử vong có liên quan đến ho gà xảy ra ở trẻ dưới 3 tháng tuổi mắc bệnh…
Sớm nhận thấy sự cần thiết phải chủng ngừa để phòng tránh căn bệnh nguy hiểm ở trẻ nhỏ này, Tổ chức y tế thế giới và hơn 40 quốc gia bao gồm Anh, Mỹ, Brazil, Úc... đã ban hành khuyến cáo chủng ngừa cho phụ nữ mang thai nhằm giúp bảo vệ mẹ và trẻ sơ sinh phòng các biến chứng và nguy cơ tử vong từ bệnh ho gà.
Trên thực tế, trẻ sơ sinh có thể bắt đầu tiêm ngừa ho gà khi được 2 tháng tuổi và hoàn thành các mũi tiêm cơ bản còn lại tại các cột mốc 2 tháng, 3 tháng, 4 tháng và nhắc lại trong năm thứ 2. Tuy nhiên, để tối ưu bảo vệ trẻ sơ sinh trong giai đoạn “khoảng trống miễn dịch” 3 tháng đầu đời, các mẹ bầu được khuyến cáo có thể chủ động chủng ngừa ho gà khi mang thai. Theo nhiều chuyên gia, trẻ sơ sinh nhận kháng thể được truyền từ mẹ trong giai đoạn thai kỳ. Chính vì vậy, chủng ngừa ho gà cho mẹ trong thai kỳ là việc làm cần thiết gia tăng lượng kháng thể được truyền từ mẹ sang nhằm bảo vệ trẻ nhỏ từ sớm.
Quyết định phê duyệt vắc xin Tdap trên phụ nữ mang thai nhằm bảo vệ ho gà cho trẻ sơ sinh là tín hiệu đáng mừng
Chia sẻ về tín hiệu khả quan của chủng ngừa ho gà trong thai kỳ, TS. BS Lê Quang Thanh, Chủ tịch Hội Y Học Bà mẹ và Thai nhi TP.HCM, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho rằng, trước khi COVID-19 xảy ra, chúng ta dành rất nhiều thời gian để thuyết phục cả nhân viên y tế và cộng đồng về việc phòng bệnh từ sớm bằng vắc xin. Tuy nhiên do một vài rào cản mà độ bao phủ về chủng ngừa ở người lớn và phụ nữ mang thai còn thấp. Tuy vậy, chúng ta ghi nhận những tín hiệu đáng mừng và chuyển biến tích cực khi ngày càng nhiều người quan tâm hơn đến việc phòng bệnh kể từ sau đại dịch.
Mới đây, Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấp phép và Bộ Y tế Việt Nam cũng đã phê duyệt vắc xin Tdap để tiêm phòng cho phụ nữ mang thai. Vắc xin giúp truyền kháng thể phòng bệnh ho gà, uốn ván và bạch hầu cho trẻ sơ sinh ngay từ trong bụng mẹ.
Trong hội thảo, các chuyên gia cho rằng quyết định phê duyệt vắc xin Tdap trên phụ nữ mang thai là một tín hiệu đáng mừng. Từ đây, mẹ và con có thể được bảo vệ tốt hơn trước các bệnh ho gà, uốn ván và bạch hầu. Theo đó, đội ngũ y bác sĩ giữ vai trò quan trọng trong việc tư vấn chủng ngừa cho phụ nữ mang thai để được bảo vệ tốt hơn. Vì vậy, mẹ có thể tìm hiểu và nhận tư vấn từ bác sĩ về việc chủng ngừa để hiểu rõ hơn về việc bảo vệ con trước bệnh ho gà.
Vui lòng tham vấn bác sĩ để biết thêm thông tin về chủng ngừa
Chương trình giáo dục bệnh học dành cho công chúng được phối hợp thực hiện bởi Hội Y Học Dự Phòng Việt Nam và Công ty TNHH Dược Phẩm GSK Việt Nam