Ánh sáng nhỏ qua khe cửa sổ hắt vào mặt đứa trẻ khiến tôi nhìn con rõ hơn, chảy nước mặt vì hạnh phúc.
Tôi có một cô con gái 6 tuổi và hiện đang mang bầu bé thứ 2 ở tháng thứ 8. Đặc thù công việc khiến vợ chồng không sống gần nhau, chồng là bộ đội công tác xa nhà nên trong nhà cũng chỉ có 2 mẹ con nương tựa vào nhau.
Cách nhà tôi vài con phố là nhà của mẹ chồng tôi. Mặc dù đã ngoài 80 tuổi, già yếu, chân tay không thể làm được việc nặng nữa nhưng bà muốn sống một mình mà không chuyển đến ở cùng con dâu và cháu nội. Thú thực là bà cũng là người khó tính, không hợp với tôi nên cũng không muốn tiếp xúc nhiều. Chỉ khi nào có con trai về nhà, bà mới qua chơi.
Vậy nên thỉnh thoảng tôi và con gái hay sang bà nội ăn cơm và xem giúp bà những công việc lặt vặt. Thế mà bà vẫn hay cằn nhằn "Chị sang làm gì?"; "Tôi không dám phiền"... Vậy nhưng tôi cũng không bận tâm nhiều về những câu nói cửa miệng của mẹ mà vẫn sang vì trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.
Ảnh minh họa
Vài hôm trước thấy tiết trời lạnh, nghĩ rằng thể nào mẹ chồng cũng đau người không đi lại được nên tôi đưa con gái sang chơi và nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa giúp mẹ chồng. Trước lúc hai mẹ con về, tôi cẩn thận lấy một chậu nước nhỏ, bê đến tận giường để giúp mẹ rửa chân.
- Mẹ ơi, con vừa nấu nồi nước gừng thơm lắm, mẹ ngồi dậy đưa chân xuống đây để con rửa, xoa bóp một lúc cho đêm mẹ dễ ngủ.
- Thôi chị không phải vất vả làm gì, lại mang tiếng tôi ra.
Biết mẹ chồng tuy hay ghê gớm làm ra kiểu không cần thế thôi nhưng được con dâu chiều bà cũng thích nên tôi vừa nói vừa đỡ bà dậy, nâng đôi chân của bà đặt xuống chậu:
- Ôi con có vất vả gì đâu, việc này đơn giản con làm được mà.
Ảnh minh họa
Xoa bóp và rửa chân cho mẹ chồng xong, tôi và con gái xin phép ra về. Tôi cũng không nghĩ nhiều về chuyện đó nữa nhưng không ngờ, cảnh tôi bầu 8 tháng gập bụng rửa chân cho mẹ chồng lại được con gái tôi chứng kiến từ phía xa và có tác động mạnh mẽ đến con như vậy.
Ngay ngày hôm sau, khi tôi và con gái đang ngủ cùng nhau thì tôi bỗng dưng bị tê chân nằm trằn trọc mãi không ngủ được. Con gái tôi thấy mẹ lăn qua lăn lại nên hỏi:
- Mẹ ơi, mẹ làm sao thế?
- À, chân mẹ đang đau nên mẹ hơi khó chịu một chút nhưng không sao đâu con, nó sẽ nhanh hết thôi mà. Con đang sốt, con cứ nằm ngủ đi để cho nhanh khỏe nhé.
Ảnh minh họa
Thế nhưng con bé nghe tôi nói thế lại làm ngược lại lời mẹ nói. Con ngồi dậy, nâng đôi bàn chân tôi và đặt lên đùi của bé. Vừa làm, con bé vừa lẩm bẩm:
- Mẹ đưa chân đây, con bóp chân cho mẹ một lúc là mẹ hết đau thôi. Mẹ yên tâm nhé.
- Ôi con cũng đang mệt mà, con nằm xuống đi, mẹ ngồi dậy tự bóp chân là được con ạ.
Thế nhưng đứa bé khăng khăng nói:
- Không không, mẹ cứ nằm xuống đi để con bóp chân cho mẹ. Mẹ đang bầu em bé thế này thì làm sao ngồi dậy tự bóp chân được. Với cả hôm trước con thấy mẹ bụng bầu to còn cúi gập người rửa chân cho bà dù bà rất hay mắng mẹ, thế nhưng mẹ vẫn chăm sóc bà. Còn con, bị sốt tí có sao đâu, hàng ngày mẹ chăm con nhiều, giờ để con chăm mẹ nhé. Một lúc mẹ hết đau, con sẽ nằm xuống.
Chút ánh sáng nhỏ qua khe cửa sổ hắt vào mặt đứa trẻ khiến tôi nhìn con rõ hơn, chảy nước mặt vì hạnh phúc. Hạnh phúc vì những lời con nói, hạnh phúc vì việc con làm cho tôi. Tôi cũng không ngờ những gì tôi làm trong cuộc sống hàng ngày đều được con quan sát cẩn thận và tỉ mỉ đến vậy. Để mỗi ngày con ngày một lớn lên, trưởng thành rất tốt và dành tình yêu thương đong đầy cho mẹ.
Tâm sự từ độc gia vian...
Trẻ em không tự nhiên biết cách tôn trọng người khác mà cần phải học được phép tắc này qua thực tế cuộc sống, qua chính những hành động, lời nói của bố mẹ, người lớn xung quanh. Chính vì thế, muốn con biết cách tôn trọng người khác, chính cha mẹ phải là tấm gương về cách ứng xử hàng ngày.
Để xây dựng cho con thói quen thể hiện sự tôn trọng những người xung quanh, cha mẹ có thể tham khảo 5 lời khuyên sau đây:
Cẩn trọng trong cách cư xử cũng như lời ăn tiếng nói trước mặt con trẻ
Điều đầu tiên các bậc cha mẹ cần nhớ là trẻ em luôn nắm bắt và lĩnh hội được những gì các con nghe và chứng kiến, dù cho người lớn không nhất thiết phải cầm tay chỉ việc. Như khi người lớn trò chuyện, trẻ vẫn luôn nghe và thấy được cách chuyện trò cũng như cách cư xử của người lớn.
Trẻ em luôn bắt chước. Trẻ luôn mô phỏng và học rất nhanh trong một thời gian rất ngắn. Vì vậy, cha mẹ hãy luôn cẩn trọng trong cách cư xử cũng như lời ăn tiếng nói trước mặt con trẻ.
Tôn trọng con
Trong khi dạy cho con làm thế nào để tôn trọng mọi người, cha mẹ phải dành cho trẻ sự tôn trọng để thúc đẩy chúng học hỏi. Khuyến khích các con học hỏi, điều này sẽ làm cho trẻ tự tin vào bản thân.
Không nói xấu người khác trước mặt con cái
Trong khi dạy con về sự tôn trọng, các bậc phụ huynh phải nhớ rằng đừng bao giờ coi thường hay thiếu tôn trọng những bậc phụ huynh khác. Nếu trẻ em thấy cha/mẹ lại đi nói xấu, hoặc coi thường cha mẹ, đứa trẻ sẽ tự khắc có suy nghĩ hoặc hành động tiêu cực.
Lưu ý đến giọng điệu của trẻ
Đôi khi trẻ em vì không kiềm chế được cảm xúc mà trả lời với người lớn không có chừng mực và giọng điệu có phần không lễ phép. Trong trường hợp này người lớn cần cố gắng giảng giải sự tôn trọng cho trẻ, và trẻ phải luôn cần được quan tâm. Lờ đi hành vi này thì dần sẽ trở thành vấn đề rất lớn cho các bậc phụ huynh.
Hãy luôn để ý đến sự lễ phép của con
Các bậc cha mẹ hãy luôn khen ngợi đánh giá cao con cái khi chúng cư xử lễ phép và biết tôn trọng mọi người. Việc làm tốt được biểu dương, khen ngợi kịp thời sẽ là động lực để con có thêm động lực. Đây cũng chính là phần quan trọng của việc giảng dạy sự tôn trọng cho trẻ.