Trẻ em bị tiêu chảy nên ăn gì? Để giúp bé có thể sớm khỏi bệnh và nhanh phục hồi thì vấn đề dinh dưỡng và chăm sóc trẻ đúng cách đóng vai trò rất quan trọng.
Tiêu chảy là một trong những bệnh rối loạn tiêu hóa thường gặp ở trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi. Khi bị tiêu chảy, trẻ sẽ rất dễ rơi vào tình trạng bị mất nước, sút cân nhanh, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây tiêu chảy ở trẻ em như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng…
Trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì? (Ảnh minh họa)
Trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì?
Bổ sung đủ nước cho trẻ
Nước rất quan trọng đối với trẻ khi bị tiêu chảy, phụ huynh cần phải cho bé uống nhiều nước hơn mức bình thường. Trẻ bị tiêu chảy có thể bổ sung thêm dung dịch bù nước oresol, nước đun sôi để nguội hoặc các chất lỏng được cung cấp từ thực phẩm như cháo, nước cháo loãng có nêm chút muối, nước cơm... Theo đó, lượng nước nước mà cha mẹ cần bổ sung cho bé như:
- Trẻ dưới 2 tuổi: Khoảng 50-100ml nước.
- Trẻ từ 2-10 tuổi: Khoảng 100-200ml nước.
- Trẻ từ 10 tuổi trở lên: Uống theo nhu cầu.
Chế độ dinh dưỡng của trẻ
Đối với những trẻ dưới 6 tháng tuổi và đang còn bú mẹ, hãy cho bé bú thường xuyên và lâu hơn bình thường. Đối với những trẻ lớn hơn, phụ huynh nên duy trì chế độ ăn khoa học, đảm bảo các thực phẩm giàu bột đường, đạm, vitamin và khoáng chất.
Thực phẩm nên chế biến thành các món ăn ở dạng lỏng như cháo, súp và chia làm nhiều bữa nhỏ để tránh nguy cơ bị nôn mửa.
Bổ sung dinh dưỡng là rất quan trọng đối với trẻ tiêu chảy. (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, trẻ vẫn cần ăn các chất béo trong khẩu phần ăn của mình. Tuy nhiên, do trẻ vẫn đang bị đi ngoài nên thay mỡ bằng các loại dầu ăn thực vật (dầu vừng, dầu lạc, hướng dương...). Một số loại nước ép hoa quả tươi (chuối, cam, xoài, hồng xiêm) cũng giúp bổ sung kali mẹ nên bổ sung cho trẻ.
Bổ sung thực phẩm có men vi sinh (Probiotic)
Khi bị đi ngoài, để có thể giúp giảm những triệu chứng bị tiêu chảy thì bé cần phải được bổ sung thêm men vi sinh. Nguyên nhân là do trong men vi sinh có một lượng lớn vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa, giúp các chức năng tiêu hóa của trẻ tốt hơn. Từ đó, trẻ có thể hấp thụ thức ăn tốt hơn.
Trẻ bị tiêu chảy nên ăn trái cây gì?
Quả việt quất
Việt quất là loại quả có chứa chất anthocyanin có công dụng chống oxy hóa, loại bỏ bớt các vi khuẩn có hại đang hoạt động trong bao tử.
Loại quả này có công dụng làm se, giảm tình trạng viêm bao tử và kết dính tại các tế bào trong thành ruột, hạn chế sự bài tiết của các chất lỏng, chất nhầy trong ruột.
Lượng chất xơ hòa tan có trong việt quất cũng giúp quá trình tiêu hóa ở trẻ trở nên dễ dàng hơn. Mẹ có thể cho bé ăn trực tiếp việt quất hoặc làm sinh tố, ăn kèm cùng sữa chua đều được.
Quả táo
Táo là loại quả có chứa chất xơ hòa tan pectin, thành phần này rất dễ tiêu hóa và giúp làm giảm bớt các triệu chứng tiêu chảy ở trẻ. Ngoài ra, táo cũng có chứa lượng đường tự nhiên, nước tốt để bổ sung, bù đắp lượng đường, nước cơ thể bị thiếu hụt khi tiêu chảy.
Quả ổi
Đối với những trẻ trên 1 tuổi, mẹ có thể cho bé ăn quả ổi để chữa tiêu chảy. Hàm lượng thành phần tanin trong ổi cao giúp làm giảm phân lỏng, tiêu chảy ở bé. Ngoài ra, ổi xanh còn có công dụng giải các chất độc gây tiêu chảy.
Quả hồng xiêm
Trong hồng xiêm xanh có chứa nhiều tanin - chất có khả năng chữa bệnh tiêu chảy hiệu quả. Hồng xiêm giúp làm giảm nhanh tình trạng trẻ bị tiêu chảy cấp phân lỏng, đi nhiều lần, giúp phân se, cứng hơn. Tuy nhiên, hồng xiêm xanh lại khá chát hoặc khó ăn. Mẹ có thể cho bé ăn kèm cùng với các loại khác hoặc sắc nước để bé dễ ăn hơn.
Quả chuối
Chuối có chứa lượng kali rất lớn, hỗ trợ giúp bù chất điện giải mà cơ thể đang thiếu. Đặc tính của chuối là mềm, dễ tiêu hóa nên có khả năng giúp làm dịu bao tử ngay, hạn chế tình trạng khó chịu, sôi bụng, đi ngoài nhiều.
Chuối chứa nhiều kali sẽ giúp trẻ giảm tình trạng tiêu chảy. (Ảnh minh họa)
Trẻ bị tiêu chảy nên ăn cháo gì?
Ngoài trái cây, cũng có một số món cháo giúp trẻ bị tiêu chảy phục hồi nhanh như:
Cháo bí đỏ thịt gà
- Nguyên liệu: Gạo tẻ, bí đỏ, thịt gà, gia vị, nước dùng.
- Cách nấu:
+ Rửa thật sạch thịt gà và băm nhỏ. Sau đó khuấy đều cùng với khoảng 2-3 thìa cà phê.
+ Bí đỏ gọt vỏ, rửa sạch và thái thành những miếng nhỏ. Tiếp theo, mang bí đỏ hấp chín và cho vào máy xay thật nhuyễn.
+ Ninh cháo thật nhừ rồi cho thịt gà, bí đỏ vào nấu cùng, cho thêm chút muối vừa ăn.
+ Múc cháo ra bát và cho thêm 2 thìa dầu ăn, khuấy đều. Ăn tốt nhất là khi cháo còn ấm.
Nếu như bé không thích thịt gà, mẹ có thể cho bé ăn cháo thịt băm nhỏ.
Cháo gừng
- Nguyên liệu: Gừng tươi, gạo tẻ.
- Cách nấu:
+ Rửa sạch gừng, xay nhuyễn hoặc thái nhỏ.
+ Cho gừng cùng gạo vào nồi, đổ nước và nấu chín thành cháo.
+ Nên cho bé ăn cháo gừng khi còn nóng để trẻ giảm tình trạng tiêu chảy.
Cháo gừng giúp trẻ giảm tình trạng tiêu chảy. (Ảnh minh họa)
Cháo muối
Nếu như trẻ không thích ăn những loại cháo trên, mẹ có thể cho bé uống nước cháo loãng có thêm chút muối. Loại nước này sẽ giúp cung cấp khoáng chất, chất điện giải, các dưỡng chất cho bé để giúp bé tăng cường đề kháng và mau phục hồi sức khỏe hơn.
Trẻ bị tiêu chảy nên kiêng ăn gì?
Sữa bò, sữa công thức
2 loại sữa này đều rất dễ gây tiêu chảy cho trẻ nhỏ. Lượng đường có trong sữa công thức sẽ khiến tình trạng tiêu chảy của bé nặng hơn và các protein có trong sữa cũng khiến bé bị đầy bụng, khó tiêu, khó chịu. Để biết loại sữa nào phù hợp với bé, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Hải sản
Một số loại hải sản như tôm, cua, cá...có chứa thành phần protein gây dị ứng, kích ứng, đau bụng, nôn trớ cho trẻ. Hơn nữa, hải sản còn có chứa các lớp nhầy ở mặt, mùi tanh dễ hấp dẫn và tạo điều kiện tốt để các vi khuẩn đường ruột như shigella, salmonella xuất hiện tiêu chảy, tiêu chảy cấp ở trẻ.
Thực phẩm giàu chất xơ
Một số thực phẩm giàu tinh chất xơ như gạo lứt, ngô, các loại đậu nguyên hạt, rau sống, bí đỏ...sẽ khiến cho bé khó tiêu hóa, làm bé đi ngoài nhiều hơn.
Nước ngọt có ga
Những loại nước ngọt có ga là đồ uống mà mẹ tuyệt đối không nên cho trẻ uống khi bé bị tiêu chảy. Loại nước này có chứa lượng đường lớn khiến trẻ bị tiêu chảy kéo dài, nặng hơn, khó điều trị.
Nước ép trái cây
Lượng đường có trong các loại nước trái cây sẽ làm cho bụng bé bị khó chịu, tình trạng đi ngoài trở nên nặng hơn. Mẹ nên tránh dùng các loại nước ép như đào, lê, dưa hấu, bưởi...