Khi con bước vào độ tuổi ăn dặm, nhiều cha mẹ cũng băn khoăn, lo lắng không biết nên lựa chọn bột ăn dặm chế biến sẵn hay tự làm cho trẻ. Những thông tin về ưu và nhược điểm của hai loại bột ăn dặm dưới đây sẽ giúp phụ huynh đưa ra sự lựa chọn tốt nhất.
1. Ưu và nhược điểm của bột ăn dặm chế biến sẵn
* Ưu điểm
- Tiện lợi, nhanh chóng: đây là ưu điểm đầu tiên có thể dễ dàng thấy được. Khi nào trẻ cần ăn thì chỉ cần pha theo công thức có sẵn trên bao bì là được. Điều này giúp tiết kiệm được thời gian chế biến, thích hợp với những cha mẹ bận rộn.
- Đảm bảo an toàn: trong bột ăn dặm chế biến sẵn có nhiều chất dinh dưỡng nhất định và nhà sản xuất đã nghiên cứu để đảm bảo các chất không kỵ nhau. Vì thế đảm bảo an toàn cho bé.
(Ảnh minh họa)
* Nhược điểm:
- Có thể làm trẻ biếng ăn:
+ Theo như nghiên cứu của Giáo sư, bác sĩ Garcia (ĐH Glasgow) năm 2013 thì các loại bột ăn dặm bán sẵn dành cho trẻ từ 4 tháng tuổi có chứa nhiều gia vị, nhất là đường hoặc muối. Trong khi vào thời điểm mới bắt đầu ăn dặm, bé sẽ khó có thể chấp nhận được nhiều vị khác nhau. Sau một thời gian, trẻ sẽ có thể cảm thấy khó chịu, khi ăn sẽ ngậm miệng, quay đầu, thậm chí không thèm ăn.
+ Báo cáo trong tập san y khoa Food Digestion (2012) cũng giải thích rằng: ở giai đoạn mới ăn dặm, hệ thống tiết enzym tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện. Vì thế khó có thể đáp ứng cho việc ăn một lượng nhiều loại thức ăn một lúc. Điều này sẽ làm cho bé có thể xảy ra một số vấn đề về tiêu hóa như khó chịu, đầy hơi, từ đó mất hứng thú với việc ăn dặm.
- Trẻ có nguy cơ thiếu chất dinh dưỡng:
+ Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng thành phần dinh dưỡng trong bột ăn dặm chế biến sẵn ít hơn so với bột tự nấu. Đặc biệt là hàm lượng chất đạm ít hơn 2 lần. Vì thế mà trẻ có nguy cơ thiếu chất dinh dưỡng nếu dùng ăn bột ăn liền về lâu dài.
+ Việc sử dụng bột ăn dặm chế biến sẵn sẽ làm bé rối loạn vị giác và mùi vị thức ăn. Sau này khi chuyển sang ăn cháo, trẻ sẽ khó có thể chấp nhận những mùi vị mới.
2. Ưu và nhược điểm của bột ăn dặm tự làm
* Ưu điểm:
- Phù hợp với khẩu vị của trẻ:
+ Bột ăn dặm tự làm sẽ giúp trẻ cảm thấy ngon miệng hơn. Trong quá trình nấu ăn cho bé có thể điều chỉnh thêm thịt, cá, rau, đổi vị thường xuyên. Điều này cũng giúp cha mẹ biết được khẩu vị, sở thích của trẻ để thay đổi sao cho phù hợp mà vẫn có thể bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cho con.
+ Phụ huynh có thể tự mình lựa chọn các loại trái cây, rau quả, thực phẩm tươi cho con thay vì chỉ có một vài loại rau quả nhất định trong bột ăn liền.
- Tiết kiệm: không cần phải mất một khoản tiền chọn cho bé một loại bột chế biến sẵn không biết có phù hợp với khẩu vị của con hay không, cha mẹ có thể tự mua nhiều thức ăn bổ dưỡng nấu cho trẻ. Việc này cũng có thể giúp gia đình tiết kiệm được một khoản tiền để dùng cho các việc khác.
- Gia tăng tình cảm gia đình: mặc dù có thể rất bận rộn nhưng khi nhìn thấy con ăn ngon đồ ăn do mẹ nấu thì ai chắc cũng thấy rất vui và đáng giá. Việc cho trẻ làm quen với thức ăn mẹ nấu sẽ có lợi, giúp bé dễ hòa nhập vào mâm cơm gia đình về sau này.
(Ảnh minh họa)
* Nhược điểm:
- Tốn thời gian: việc tự làm bột ăn dặm cho trẻ sẽ mất khá nhiều thời gian. Vì thế phụ huynh cũng cần phải sắp xếp thời gian khoa học, phù hợp. Với những bậc cha mẹ quá bận rộn thì khó có thể lựa chọn cách này.
- Cần lưu ý trong bảo quản:
+ Những loại bột ăn dặm xay từ gạo lứt, ngũ cốc… cần phải bảo quản cẩn thận để bột không bị ẩm mốc.
+ Bảo quản các nguyên liệu nấu bột cho trẻ trong tủ lạnh sao cho đảm bảo tươi ngon, không bị mất đi các chất dinh dưỡng có lợi.
- Phải chú ý trong việc kết hợp thực phẩm: mặc dù thực phẩm dùng để nấu cho bé được lựa chọn hết sức tươi ngon nhưng cha mẹ phải nghiên cứu để kết hợp sao cho đúng và tránh các loại thức ăn gây ra dị ứng cho trẻ.
Với những thông tin trên đây, hy vọng cha mẹ có thể lựa chọn được loại bột ăn dặm cho bé một cách phù hợp, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh.