Từ vụ teo cơ do tiêm filler trị thâm, nàng lưu ngay những lời khuyên này từ bác sĩ

Ngày 30/04/2020 14:30 PM (GMT+7)

Gần đây, câu chuyện một hot girl gặp biến chứng teo cơ sau khi thực hiện tiêm filler để trị vết thâm do muỗi đốt đã thu hút mạnh mẽ sự chú ý của dân mạng. Vậy cụ thể tiêm filler có thể gây teo cơ không? Có thể trị thâm da bằng phương pháp nào an toàn hơn? Lời giải đáp nằm ngay dưới đây!

Hiện tại, nhan sắc, hay cụ thể là làn da luôn được coi là thứ mà các cô gái chú trọng chăm chút nhiều hơn cả. Nhất là với những người hoạt động trong lĩnh vực giải trí, một làn da sáng mịn, không chút tì vết sẽ giúp họ hoàn thiện hình ảnh lung linh hơn trong mắt công chúng. Tuy nhiên, khi gặp phải tình huống xuất hiện vết thâm ở những vùng da dễ trông thấy như mặt, tay, chân, không phải ai cũng tìm được cho bản thân một giải pháp khắc phục hiệu quả. Câu chuyện một hot girl nổi tiếng được chẩn đoán bị teo cơ sau khi tiêm filler vào vết thâm do muỗi đốt chính là ví dụ điển hình nhất. 

Vậy thực sự phương pháp tiêm filler có thể giúp trị thâm? Nên điều trị thâm da ra sao cho an toàn hiệu quả? Trước những câu hỏi này, chuyên mục Làm đẹp Eva đã liên hệ với Ths.Bs Nguyễn Quang Minh - Phó trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương để tìm lời giải đáp.

Từ vụ teo cơ do tiêm filler trị thâm, nàng lưu ngay những lời khuyên này từ bác sĩ - 1

Hiện tại đã có trường hợp áp dụng tiêm filler để chữa trị vết thâm do muỗi đốt, sau đó được chẩn đoán bị biến chứng teo cơ. Vậy theo bác sĩ, việc tiêm filler lên vết thâm, điển hình như ở những vùng da như chân, tay có thể dẫn tới tình trạng teo cơ không? Vì sao?

Theo tôi, nếu hoạt chất filler là HA ( loại này chiếm khoảng 80-90% các loại filler hiện nay) sẽ không gây nên tình trạng teo cơ, với điều kiện phẫu thuật viên phải tiêm đúng kỹ thuật. Vì bản chất HA tương thích với cơ thể khá tốt, đóng vai trò làm đầy tổ chức và giữ nước ở da và vùng dưới da.

Các tai biến sau tiêm filler chúng tôi ghi nhận thường gặp phần lớn đến từ việc các bạn không phải là bác sĩ thẩm mỹ da được đào tạo đầy đủ và bài bản, thực hiện tiêm vào mạch máu gây tắc mạch. Ngoài ra, cũng có thể do việc thực hành sát khuẩn chưa đảm bảo, dẫn tới tình trạng nhiễm trùng sau tiêm filler. Cho đến hiện nay tôi vẫn chưa gặp trường hợp biến chứng gây teo cơ nào sau tiêm filler. Còn nếu điều trị thâm gây teo cơ, tôi nghĩ hoạt chất thuốc sử dụng có thể là các hoạt chất khác, không phải là filler.

Từ vụ teo cơ do tiêm filler trị thâm, nàng lưu ngay những lời khuyên này từ bác sĩ - 2

Với các vết thâm trên da, người ta có thể tự khắc phục tại nhà được không? 

Vết thâm là tình trạng tăng sắc tố sau viêm, xảy ra sau khi chúng ta có một vết thương ở da. Khi vết thương lành được 1-2 tuần, vùng da đó sẽ chuyển từ hồng sang thâm lại. Tình trạng này có thể gặp ở tất cả mọi người và nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể, thông thường  khoảng 60-80% sẽ dần mờ đi sau 4-6 tháng. Có những trường hợp vết thâm có thể kéo dài hơn gây mất thẩm mỹ. Chúng ta nên quản lý vết thương tốt, tránh hiện tượng viêm kéo dài, tránh nắng, tránh cạy bóc để vết thương đỡ thâm. Sau đó chúng ta có thể phối hợp sử dụng các thuốc bôi có tác dụng lành thương và kết hợp làm giảm thâm.

Hiện nay có những phương pháp công nghệ trị thâm da nào mà phái đẹp có thể áp dụng để cải thiện làn da? Nên lưu ý gì với từng phương pháp để có được hiệu quả tốt nhất. 

Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị đơn liệu hay kết hợp cho trị vết thâm. Các bạn có thể sử dụng các loại thuốc bôi có hoạt chất giảm vết thâm, chứa các thành phần như Hydroquinone, Arbutin, Vitamin C, Nicotinamide, Acid Kojic,... Ngoài ra, phái đẹp cũng có thể áp dụng phương pháp thay da sinh học (peeling) hoặc sử dụng liệu pháp laser để điều trị. Đây là hai phương pháp phổ biến đang được nhiều phụ nữ ưa chuộng bởi khả năng đem tới hiệu quả trị thâm nhanh chóng, hơn nữa còn cải thiện toàn bộ bề mặt da, đem tới làn da đều màu, mịn màng. Tuy nhiên so với việc sử dụng các loại thuốc bôi, hai phương pháp trên có chi phí cao hơn, đòi hỏi các cô gái phải cân nhắc kĩ trước khi lựa chọn.

Từ vụ teo cơ do tiêm filler trị thâm, nàng lưu ngay những lời khuyên này từ bác sĩ - 3

Song song với việc trị thâm, chúng ta nên bảo vệ da trước tia UV bằng các loại kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30-45. Cụ thể, hãy sử dụng kem chống nắng trước khi ra ngoài ít nhất 30 phút để kem phát huy tác dụng tốt nhất.

Nhưng theo tôi, để đạt kết quả tốt nhất, các bạn cần tới gặp bác sĩ để được thăm khám cụ thể về vị trí vết thâm, diện tích của vết thâm, thời gian bị,..., từ đó bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị thích hợp, đem tới hiệu quả cao nhất.

Việc trị thâm ở vùng da mặt và vùng da trên cơ thể có gì khác nhau không? Nên chăm sóc từng vùng da này ra sao sau khi thực hiện trị thâm?

Việc trị thâm vùng mặt và vùng cơ thể vốn khá giống nhau, trong trường hợp bạn gặp phải tình trạng xuất hiện vết thâm sau các tổn thương trên da như mụn trứng cá, côn trùng đốt hay vết thâm do trầy xước. Tất nhiên, chúng ta cần tuân thủ các quy trình điều trị như bôi thuốc, laser, peeling kết hợp bảo vệ da bằng kem chống nắng. Nhưng khi cụ thể với từng trường hợp, chúng ta có thể áp dụng linh hoạt các bước chăm sóc da để có được kết quả cao nhất. Còn trong suốt liệu trình điều trị, chúng ta cần chú ý bảo vệ vùng da đó dưới tác động ánh sáng mặt trời, tránh va chạm chà xát, cũng như dưỡng ẩm da để da sớm phục hồi tốt nhất.

Từ vụ teo cơ do tiêm filler trị thâm, nàng lưu ngay những lời khuyên này từ bác sĩ - 4

Trên đây là những giải đáp của Ths.Bs Nguyễn Quang Minh - Phó trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương xoay quanh vấn đề điều trị thâm trên da. Hy vọng rằng quý độc giả đã nắm được những thông tin cơ bản, chính xác nhất về vấn đề này, tránh gặp phải những tình huống không đáng có khi làm đẹp, cải thiện làn da.

Để không gặp biến chứng hậu lăn kim, chị em lưu ngay những lời khuyên của bác sĩ da liễu
Làm sao để tránh gặp phải biến chứng sau lăn kim, các nàng hãy tham khảo ngay những thông tin cơ bản về phương pháp này trong bài viết dưới đây.

Làm đẹp cùng chuyên gia

Theo Ths.Bs Nguyễn Quang Minh - Phó trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Tế bào gốc, BV Da liễu Trung ương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Làm đẹp cùng chuyên gia