Tên nhân vật không đồng nhất, diễn viên gọi điện khi chưa mở màn hình... và hàng loạt "sạn" của phim truyền hình Việt khiến khán giả khó chịu.
Năm 2019 là năm thành công của phim truyền hình Việt Nam với hàng loạt tác phẩm để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng. Loạt phim "Về nhà đi con", "Sinh tử", "Hoa hồng trên ngực trái", "Mê cung"… được người xem đón nhận bởi tình tiết hấp dẫn, dàn diễn viên thu hút,... Tuy nhiên, những bộ phim này cũng không tránh một số "sạn" được các mọt phim chỉ ra. Mới đây nhất, bộ phim "Hoa hồng trên ngực trái" với đề tài ngoại tình trong hôn nhân nhận được sự chú ý trong những tháng cuối năm 2019. Tuy nhiên, chính vì sự quan tâm sát sao của khán giả nên bộ phim cũng bị "chỉ điểm" không ít "sạn" bật cười.
Chi tiết con số bí ẩn trên ngôi mộ của người đã khuất trong "Hoa hồng trên ngực trái" được nhiều khán giả nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Theo đó, diễn biến của phim, nhân vật Nhung đã chết cách đây 10 năm thì trên bia mộ sẽ khắc năm 2009 mới đúng nhưng trong bộ phim lại để là 2012 khiến khán giả khó hiểu. Nhiều người thắc mắc không biết đây là sơ suất của ê-kíp hay còn có ẩn ý gì phía sau con số này?
Hay trong tập 36 của phim, khán giả bật cười khi thấy Thái lấy điện thoại của Khuê nhắn tin với Bảo qua Zalo.
Thế nhưng vài giây sau đó Bảo lại nhận được tin nhắn thường của điện thoại.
Lại thêm một sai lầm tới từ chiếc điện thoại đó là khi đang tha thiết yêu Khuê nhưng khán giả phát hiện màn hình điện thoại của Bảo lại là một cô gái lạ.
Ở tập 37, trong không khí náo nhiệt, vui mừng khai trương nhà hàng đầu tay của Khuê, không ít khán giả đã thắc mắc vì địa điểm khai trương không phải là nhà hàng cơm văn phòng mà lại là nhà hàng Nhật với món ăn xa xỉ như tôm hùm, bảo ngư...
Trong cảnh Bảo đau đầu vì chưa kịp tỏ tình vì bị Khuê từ chối, anh ngậm ngùi xem Khuê qua màn hình laptop. Thế nhưng ở phân cảnh này đập vào mắt khán giả không phải màn trả lời phỏng vấn của Khuê mà là tấm poster quảng cáo phim "Hoa hồng trên ngực trái" có ảnh Thái, Trà và cả Khuê.
Bộ phim truyền hình "Mê cung" với đề tài cảnh sát hình sự cùng cốt truyện xoay quanh cuộc điều tra phá án của các nhân vật cảnh sát Khánh (Hồng Đăng), luật sư Đông Hòa (Việt Anh), phóng viên Lam Anh (Hoàng Thùy Linh)... cũng khiến khán giả hoang mang bởi những điều vô lý. Đó là chi tiết cuộc điện thoại giữa Đông Hòa và người bạn thân Trần Đức. Thời điểm màn hình điện thoại hiện giây thứ 20, nhưng thực tế hai người đã trò chuyện khoảng nửa phút.
Hay như trong cảnh thanh tra Trần Đức bị đầu độc, những người bạn được coi là "chí cốt" lại tỏ ra khá hờ hững khi chỉ đứng xung quanh nhìn bạn mình trong cơn nguy kịch. Việc duy nhất họ làm là gọi điện cho cấp cứu, sau đó tiếp tục... đứng như trời trồng chứ không ai tìm cách sơ cứu hoặc ít nhất là tỏ ra sợ hãi khiến khán giả khó hiểu.
Cấp cứu cho nạn nhân thành công, Khánh và Đông Hòa có cuộc gặp tại nhà riêng. Trong lúc trò chuyện, Khánh nhận được một cuộc gọi lạ. Khi nghe điện thoại, màn hình của chàng cảnh sát không giống đang thực hiện cuộc gọi. Có vẻ anh đang nói chuyện với... màn hình nền điện thoại thì đúng hơn.
Sau khi nghe điện, Khánh hẹn gặp đối phương. Đông Hòa "đánh hơi" thấy mùi không ổn nên lập tức theo dõi. Anh chọn chiếc xe hơi màu xanh nổi bật, dễ gây chú ý. Điều này được cho không hợp lý vì Khánh là người có phản xạ nhanh nhạy.
Khánh hẹn đối phương đúng 30 phút nữa có mặt ở điểm hẹn. Khi anh di chuyển, trời vẫn sáng. Tới nơi, trời bỗng tối đen như mực. Chỉ 30 phút mà khung cảnh thay đổi khó tin.
Trong phim Sinh tử, nhân vật Phó Giám đốc Công an tỉnh Việt Thanh ban đầu được giới thiệu tên bằng hình thức chạy chữ trên màn hình. Nhân vật này tên Phạm Duy Thông, do Doãn Quốc Đam thủ vai.
Tuy nhiên, ở các tập sau này, biển tên trên áo nhân vật này lại là Đào Duy Thông.
Viện phó Viện kiểm sát Nhân dân đeo biển tên Nguyễn Văn Khôi.
Cũng được giới thiệu là Phạm Văn Khôi.