Không ít lần Cục điện ảnh Trung Quốc lặng lẽ đưa ra những lệnh cấm ngầm làm khán giả phải "khóc dở mếu dở".
Những năm gần đây, ngành công nghiệp giải trí của Trung Quốc ngày càng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là lĩnh vực phim ảnh. Ngoài thể loại cung đấu được coi là thế mạnh trước nay, rất nhiều thể loại phim mới được các nhà làm phim của đất nước tỷ dân đẩy mạnh sản xuất. Tuy nhiên, họ cũng không ít lần phải đau đầu bởi những lệnh cấm "ngầm" do Cục điện ảnh bất ngờ đưa ra.
1. Hạn chế thể loại xuyên không do có người tự tử vì muốn quay về quá khứ tìm tình yêu đích thực
Năm 2011, khắp châu Á chao đảo bởi bộ phim truyền hình thuộc đề tài xuyên không Bộ Bộ Kinh Tâm. Nữ chính Trương Hiểu bất ngờ du hành ngược thời gian về thế kỷ 18 đời nhà Thanh sau khi bị tai nạn ô tô. Sau đó, cô sống dưới danh phận một quý tộc tên Mã Nhĩ Thái Nhược Hy cũng như vướng vào mối quan hệ tình cảm phức tạp với các A Ca và vòng xoáy tranh quyền đoạt vị.
Bộ Bộ Kinh Tâm thành công vang dội, cặp đôi Tứ Gia - Nhược Hy đã lấy đi rất nhiều nước mắt người hâm mộ và nhiều khán giả chuyển sang ủng hộ 2 diễn viên chính Ngô Kỳ Long - Lưu Thi Thi tiến tới với nhau ngoài đời.
Bộ Bộ Kinh Tâm vô tình trở thành tội đồ khi gián tiếp khiến thể loại phim xuyên không bị vào danh sách đen của Cục điện ảnh Trung Quốc
Đáng nói là sức hút của bộ phim lớn đến nỗi một bộ phận giới trẻ Trung Quốc tin rằng nếu họ gặp tai nạn bất ngờ như Trương Hiểu thì có thể ngược dòng quá khứ tìm thấy tình yêu đích thực. Thậm chí có 2 bé gái còn tự tử để... được gặp Tứ A Ca.
Sau khi loạt thông tin này được báo chí đăng tải, Cục điện ảnh Trung Quốc lập tức ngầm đưa ra luật cấm phim xuyên không. Kể từ đó về sau, khán giả gần như không còn thấy đề tài này xuất hiện trên sóng truyền hình Hoa ngữ nữa.
Năm 2016, bộ phim xuyên không Thái Tử Phi Thăng Chức Ký được ra mắt trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Nhưng trong khi đang trình chiếu, tác phẩm này cũng bất ngờ bị gỡ khỏi nền tảng chiếu mạng với lý do "kiểm duyệt lại nội dung" và phải gần nửa tháng sau mới được phát hành lại.
Vài năm trở lại đây, thể loại du hành vượt thời gian được các nhà làm phim cân nhắc đưa trở lại màn ảnh nhỏ. Tuy nhiên thay vì quay ngược về quá khứ, họ đưa nữ/nam chính vào... sách - một thế giới hư cấu không liên quan đến sự kiện có thật. Mới đây, Trần Thiên Thiên Trong Lời Đồn là web drama thử nghiệm và thành công qua ải của Cục điện ảnh Trung Quốc.
2. Cấm phim thanh xuân yêu sớm
Thanh xuân vườn trường là một trong những thể loại phim được khá nhiều người yêu thích. Các tác phẩm thuộc thể loại này thường được đặt tại trường cấp ba, trường đại học. Tuy nhiên, số lượng phim với nam - nữ chính là những cô cậu học trò cuối cấp thường nhỉnh hơn.
Chính vì vậy, gần đây có thông tin cho biết, Cục điện ảnh Trung Quốc đã đưa ra luật hạn chế phim thanh xuân vườn trường do sợ ảnh hưởng đến tâm lý của giới trẻ. Ngoài ra, phim thanh xuân không được cho hai nhân vật chính yêu quá sớm.
Không ít cư dân mạng than trời trước luật cấm này. Có người bình luận rằng: "Vậy là phải xem hai nhân vật chính thả thính nhau khoảng mười mấy tập, sau đó cùng học đại học, xây dựng sự nghiệp rồi mới được nói câu 'mình thích cậu' mất!".
3. Hạn chế phim cung đấu vì "xuyên tạc lịch sử"
Như từng đề cập trước đó, cung đấu là thể loại phim được ưa chuộng cũng như vô cùng nổi tiếng của màn ảnh xứ Trung. Từng có rất nhiều tác phẩm thuộc thể loại này gây được tiếng vang như Hậu Cung Chân Hoàn Truyện, Như Ý Truyện, Diên Hi Công Lược. Tuy nhiên thời gian gần đây, các dự án phim cung đấu bắt đầu bị Cục điện ảnh Trung Quốc hạn chế. Tác phẩm được phép trình chiếu sẽ bị kiểm duyệt nội dung rất gắt gao, buộc phải cắt tập.
Lý do dẫn đến quyết định này của Cục nằm ở việc phim cung đấu thường xuyên tạc lịch sử, làm sai lệch nhận thức của giới trẻ về lịch sử Trung Hoa. Hình tượng nhân vật trong phim tuy dựa theo những gì có thật trong sử sách nhưng mỗi nhà làm phim lại xây dựng, "tẩy trắng, bôi đen" họ theo cách riêng để phục vụ cho nội dung tác phẩm của mình.
Mới đây, hai bộ phim Như Ý Truyện và Diên Hi Công Lược đã bị gỡ bỏ khỏi các nền tảng chiếu mạng nổi tiếng của Trung Quốc. Một nguồn tin cho biết, phim cung đấu vẫn có khả năng lên sóng nhưng sau khi kết thúc trình chiếu trên đài truyền hình, các nền tảng video online cũng sẽ phải gỡ bỏ tác phẩm thuộc thể loại này khỏi trang web của mình.
4. Cấm chiếu phim lấy chủ đề game online trên sóng truyền hình
Một thể loại phim khác cũng rơi vào trường hợp "khóc dở mếu dở" như các "đồng nghiệp" kể trên là thể loại game online. Mặc cho ngành công nghiệp game online và streaming đang phát triển cực thịnh tại đất nước tỷ dân, Cục điện ảnh vẫn lạnh lùng đưa ra quyết định cấm phát sóng những bộ phim mang chủ đề này trên sóng truyền hình. Lý do được đưa ra là: Game online cổ súy bạo lực, định hướng sai lầm cho tư duy của giới trẻ.
Cá Mực Hầm Mật buộc phải chỉnh sửa nội dung nhằm lách luật để được phát sóng.
Vì luật cấm này mà bộ phim đình đám Cá Mực Hầm Mật từng lao đao lùi lịch chiếu trên đài truyền hình hết lần này đến lần khác. Sau cùng, để tác phẩm có thể thuận lợi lên sóng, phía nhà sản xuất phải chấp nhận cắt hết cảnh đấu game trong phim cũng như đổi chủ đề sang... đấu an ninh mạng.
Một vài bộ phim khác cùng đề tài như Toàn Chức Cao Thủ, Đưa Em Đến Đỉnh Vinh Quang chấp nhận từ bỏ cơ hội chiếu đài và chuyển sang phát hành online để giữ được thể loại game online xuyên suốt tác phẩm.
5. Cấm thể loại phim đồng giới
Năm 2016, bộ phim mang đề tài đồng giới Thượng Ẩn bất ngờ ra mắt và giành được thành công không tưởng. Đây cũng là bàn đạp cho những gương mặt trẻ như Hoàng Cảnh Du, Hứa Ngụy Châu được công chúng biết đến rộng rãi. Tuy nhiên, ê-kíp làm phim ăn mừng chưa được bao lâu đã vấp phải lệnh gỡ phim khỏi nền tảng chiếu mạng từ Cục điện ảnh.
Thượng Ẩn - phát súng khai tử thể loại phim đồng giới trên màn ảnh nhỏ xứ Trung
Bên cạnh đó, hai nam diễn viên chính là Hoàng Cảnh Du và Hứa Ngụy Châu còn bị Cục điện ảnh "tuýt còi" cấm hoạt động nghệ thuật cũng như tham gia các chương trình truyền hình, quảng bá/đại diện nhãn hàng trong 2 năm. Sau đấy, phim đồng giới cũng bị liệt vào danh sách cấm của Cục điện ảnh Trung Quốc.
Trấn Hồn - web drama chuyển thể từ truyện đam mỹ rất nổi tiếng - được đổi thành tình anh em, bạn hữu hòng lách luật cấm của Cục
Do thể loại này vẫn thu hút được số lượng lớn khán giả trẻ, đặc biệt là khán giả nữ, các nhà làm phim vẫn liều lĩnh "phi lao thì phải theo lao". Tuy nhiên, thay vì thể hiện các cảnh quay thân mật đồng giới một cách lộ liễu như Thượng Ẩn, họ biến mối quan hệ yêu đương của hai nam chính thành... tình anh em, bạn bè thân thiết. Hai người sẽ có một số cử chỉ thân thiết được coi là "trên mức bạn bè" nhưng được đưa ra một cách kín đáo, ẩn ý để chiều lòng các fan của thể loại đam mỹ này mà không phạm luật của Cục.
6. Cấm phim Hàn, phim Trung - Hàn vì sợ... diễn viên trong nước thất nghiệp
Suốt hai thập kỷ qua, làn sóng Hallyu đến từ Hàn Quốc đã gần như tiếp cận được biết bao thế hệ trẻ châu Á. Trung Quốc cũng không phải ngoại lệ. Nhận thấy sức hút từ những ngôi sao Hàn Quốc, nhiều nhà làm phim Trung Quốc đã đưa ra mức cát xê cao vọt để mời họ xuất hiện trong các dự án truyền hình hợp tác Trung - Hàn. Nhà làm phim khấp khởi chờ ngày phim lên sóng để "hốt bạc" thì lập tức "tái mặt" bởi lệnh cấm Hàn từ cục điện ảnh.
Hàng loạt dự án hợp tác Trung - Hàn xác định "nằm kho" chưa định ngày ra mắt vì lệnh cấm.
Theo đó, các tác phẩm có sự xuất hiện của diễn viên/thần tượng Hàn Quốc sẽ không được phép lên sóng truyền hình. Ngoài lý do nhạy cảm, một lý do khác được cục điện ảnh đưa ra là do lo ngại các diễn viên Hàn Quốc sẽ "cướp bát cơm" của các ngôi sao nội địa, đồng thời làm lũng đoạn giá cát-xê.
Bên cạnh đó, Cục điện ảnh Trung Quốc cũng không muốn làn sóng Hallyu ngày càng phát triển mạnh tại Đại lục. Họ muốn xây dựng một ngành công nghiệp giải trí mạnh mẽ không thua kém gì Hàn Quốc từ chính những gương mặt trẻ trong nước.
Dường như quyết định này cũng có phần đúng đắn khi danh tiếng của những diễn viên thế hệ mới xứ Trung như Địch Lệ Nhiệt Ba, Dương Dương, Dương Mịch, Đường Yên, Đặng Luân,... ngày càng vươn xa ra ngoài ranh giới đất nước tỷ dân.