Trong bộ phim cuộc đời của mình, Hạnh Nhi của Tiếng Sét Trong Mưa đã luôn đóng vai bi, thậm chí là vai phản diện, khiến cho người khác thương hại và cả căm ghét.
Tiếng Sét Trong Mưa tập 52: Hạnh Nhi mắng Xuân hèn nhát nên Phượng mới không chọn anh (Nguồn video: THVL)
Nếu ví cuộc đời mỗi người là một bộ phim thì hẳn không ai lại muốn mình đóng vai phụ, hay vai… phản diện, hoặc vai một nhân vật cả đời bất hạnh. Dù là một đời rực rỡ như hướng dương luôn trông về phía mặt trời, hay khiêm nhường như ngọn cỏ xanh mướt trên triền đồi, thì sâu trong mỗi con người luôn tiềm ẩn lòng yêu đời, yêu người và mưu cầu hạnh phúc.
Vậy mà, cuộc sống của Hạnh Nhi (Thảo Trang) trong Tiếng Sét Trong Mưa lại ngập tràn rắc rối, đau khổ và bi kịch. Cô bế tắc trong cuộc hôn nhân không tình yêu với ông Khải Duy (Cao Minh Đạt), rồi vướng vào mối tình cấm kị với con riêng của chồng, sau đó lại vì ghen tuông mà đẩy Phượng (Oanh Kiều) vào tình cảnh trớ trêu. Để rồi cô điên loạn và ngơ ngẩn cả đời sau cái chết của người thương.
Trong bộ phim cuộc đời của mình, Hạnh Nhi đã luôn đóng vai bi, thậm chí là vai phản diện, khiến cho người khác thương hại và cả căm ghét.
Có phải là số phận đã khắc nghiệt với cô quá? Nếu không phải là định mệnh đọa đày, thì còn lý do nào khác, để một tiểu thư đài các với nhan sắc kiều diễm như đóa mẫu đơn, giọng nói ngọt ngào, phong tư lộng lẫy, gia thế hiển hách lại phải trải qua một cuộc đời đầy sóng gió như thế?
Người ngoài nhìn vào chỉ thấy một mợ Hạnh Nhi cao sang quyền quý, sống cảnh an nhàn, sung túc cả đời, luôn có kẻ hầu người hạ vây quanh. Chỉ Hạnh Nhi mới biết chính cô là con chim đẹp đẽ chết dần chết mòn trong cái lồng vàng son, không ai đưa tay cứu giúp.
Và chính Hạnh Nhi cũng không tự giúp bản thân. Số phận đã gây ra bất hạnh cho cô, nhưng cô cũng thiếu đi can đảm để làm lại từ đầu và lựa chọn hạnh phúc. Thay vào đó, cô chọn mắc kẹt trong bi kịch đời mình mãi mãi.
Như rất nhiều cô gái khác, Hạnh Nhi hồi trẻ cũng có những ước ao về tình yêu. Cô không muốn chỉ sống cả đời với một người được cha mẹ cô sắp xếp cưới gả mà mong mỏi được sống trọn vẹn với người khiến cô rung động và yêu thương.
Đứng trước Khải Duy, hay mới chỉ nghe cha mình nhắc về anh ta, Hạnh Nhi luôn thẹn thùng và bối rối, bởi cô đã thương thầm cậu Ba từ cái nhìn đầu tiên. Và tưởng chừng cuộc đời Hạnh Nhi đã quá hoàn hảo khi Khải Duy ngỏ ý cưới cô làm vợ, như cái kết của mọi câu chuyện cổ tích, khi nàng công chúa kết đôi cùng hoàng tử, sống hạnh phúc mãi mãi trong vương quốc của hai người.
Nhưng hóa ra “hoàng tử” của Hạnh Nhi lại chưa từng coi cô là công chúa, đời thực là mảnh đất khô cằn không nuôi dưỡng nổi những giấc mơ. Cô dâu xinh đẹp phải thốt lên rằng: “Nếu không yêu em, anh còn cưới em làm gì?”
Ngay trong đêm tân hôn, Hạnh Nhi đã chết điếng khi phát hiện ra cuộc hôn nhân mà cô mong chờ bấy lâu hóa ra chỉ là một toan tính để Khải Duy mở rộng đồn điền, với sự giúp đỡ từ cha cô. Và như thể cô chưa đủ đau đớn, chồng cô còn tiết lộ luôn rằng trái tim anh ta vĩnh viễn chỉ chứa một hình bóng duy nhất, người đó không phải là cô.
Suốt bao nhiêu năm kể từ đêm tân hôn đó, Hạnh Nhi cứ tàn úa dần trong căn nhà rộng lớn, trong vai trò người vợ sau của cậu chủ Khải Duy. Cô gái thượng lưu thanh lịch, duyên dáng, đáng yêu ngày nào trở thành vật thế thân tạm thời cho một người (tưởng chừng) đã khuất, không được chồng yêu thương và trân trọng, lại thường xuyên phải hứng chịu những cái tát phũ phàng vào bất cứ lúc nào ông Khải Duy nổi giận.
Trong các bộ phim cung đấu nhan nhản trên truyền hình, các bà vợ thường tranh giành sự sủng ái của nhà vua bằng đủ mọi chiêu trò. Còn Hạnh Nhi của Tiếng Sét Trong Mưa cả đời phải cạnh tranh với một người đã chết, với kí ức của người còn sống. Và cô thừa hiểu rằng phần thắng sẽ chẳng bao giờ thuộc về mình.
Người đàn bà đẹp trở thành nạn nhân của một cuộc hôn nhân lừa dối, của bạo lực gia đình. Và cậu Ba Xuân (Bạch Công Khanh) - đứa con sinh ra từ cuộc hôn nhân ấy cũng bị cha mình ghét bỏ và phải thường xuyên chứng kiến mẹ mình bị cha đối xử tệ bạc.
Hạnh Nhi tổn thương, con cô cũng tổn thương. Khi kết hôn, cô đã lựa chọn sai lầm. Liệu có bao giờ, giữa những sóng gió trong gia đình, Hạnh Nhi tự hỏi cô nên sửa chữa sai lầm ấy ra sao?
Không giống như Thị Bình thân cô thế cô, uất ức đến mức nhảy sông tự vẫn khi bị dồn vào đường cùng, Hạnh Nhi là tiểu thư nhà giàu, có chỗ dựa vô cùng vững chắc là cha cô. Vậy nên khi biết mình bị lừa cưới và phải chịu tủi nhục, cô hoàn toàn có thể chọn cách rời đi, về với gia đình mình và nhờ đến sự giúp đỡ của cha để lấy lại công bằng.
Có thể chính tư tưởng phong kiến “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, “xuất giá tòng phu” đã ngăn Hạnh Nhi không rời bỏ cuộc hôn nhân đầy bất hạnh. Và cũng có thể cô không thể buông bỏ được bởi Khải Duy – người cô từng yêu say đắm. Hoặc cô đã sợ hãi khi nghĩ đến tương lai sau khi li hôn giữa xã hội phong kiến khắc nghiệt, sợ rằng không biết phải sống tiếp ra sao khi đã có một đời chồng, sợ rằng sẽ không thể tìm được hạnh phúc mới.
Hạnh Nhi gợi tôi nhớ đến nhân vật cô dâu mới – vợ cậu cả trong phim Người vợ ba (The third wife – đạo diễn Ash Mayfair). Cô bé ấy cũng chịu đựng cuộc hôn nhân không tình yêu, đến ngay cả bố ruột của cô vì tư tưởng “xuất giá tòng phu” cũng không muốn đón cô về vì sợ điều tiếng.
Cô bé ấy đơn độc giữa đời và hẳn Hạnh Nhi cũng sợ sự đơn độc ấy nếu cô chọn lựa tự do. Cô không đủ can đảm ra đi như cậu Khải Văn ngày nào quyết liệt tránh xa khỏi bà Hội đồng nên đành chôn vùi tuổi xuân của mình dưới mái nhà lạnh lẽo.
Suốt những năm tháng đẹp đẽ nhất của đời mình, Hạnh Nhi đã sống vì những người khác, vì thanh danh gia tộc, vì con trai. Thế nên đến một ngày nọ, cô nhận ra mình chưa hề sống vì bản thân. Không can đảm rời bỏ ông Khải Duy, cô lại “sống vì bản thân” bằng cách quyến rũ con trai riêng của chồng và ngày càng sa chân vào mối tình cấm kị con chồng – mẹ kế.
Hẳn là Hạnh Nhi đã cô đơn quá, nên cô bất chấp luân thường đạo lý, tìm nguồn an ủi ở Thanh Bình – một người dịu dàng hơn cha anh, và có phần yếu đuối không cưỡng nổi sự cám dỗ từ mẹ kế xinh đẹp.
Không phải cô không ý thức được việc mình làm là sai trái, nhưng cô đã tuyệt vọng quá rồi và cũng hận chồng rất nhiều. Hạnh Nhi như con chim lao mình vào bụi gai dù biết sẽ bị gai đâm đến tứa máu chỉ để có được cảm giác đang vùng vẫy, chống lại số phận và trả thù cuộc đời.
Cho đến khi mối quan hệ với Thanh Bình không đơn thuần chỉ là trò giải khuây mỗi khi buồn bã, Hạnh Nhi đã lún sâu vào thứ tình cảm không bao giờ có thể đơm hoa kết trái. Cô bắt đầu nổi cơn ghen khi Bình đem lòng yêu người con gái khác, và lên kế hoạch để thỏa mãn lòng chiếm hữu của mình, để Bình chỉ được thuộc về cô, là của cô.
Cơn ghen mù quáng ấy có thể chia cắt được Bình và Phượng, nhưng đồng thời cũng làm tổn thương những người mà cô yêu quý nhất, là Bình và Xuân – con trai cô. Còn Phượng – một cô gái ngây thơ, trong sáng, bỗng chốc cũng bị hủy hoại bởi sự tham lam và sai lầm của Hạnh Nhi.
Bày ra mưu sâu kế hiểm, rốt cuộc Hạnh Nhi vẫn luôn là kẻ trắng tay, không một ai yêu thương hay thông cảm. Cuối cùng, khi cậu Hai Bình chết bởi phát súng oan nghiệt từ chính em trai Hải và mọi bí mật được phơi bày, bao gồm cả chuyện tình vụng trộm giữa mẹ kế - con chồng, Hạnh Nhi vừa tủi hổ, vừa đau đớn.
Với Hạnh Nhi, Thanh Bình đã là nguồn an ủi và hy vọng (dù sai trái) duy nhất trong căn nhà lạnh lẽo, nên khi anh chết đi, cô cũng không còn động lực nào để tiếp tục tồn tại. Thay vì lựa chọn bước khỏi bi kịch, cô lại để tinh thần suy sụp hoàn toàn, mặc con trai bơ vơ chống chọi với khủng hoảng.
Suốt cả đời, Hạnh Nhi luôn khát khao hạnh phúc nhưng không bao giờ có được. Cô đuổi theo tình yêu và kết cục thứ nhận về chỉ là thứ tình cảm đơn phương với những người đàn ông không bao giờ cho cô một vị trí trong lòng họ.
Giá mà Hạnh Nhi yêu bản thân mình hơn một chút thì cô đã được giải thoát khỏi bi kịch do chính cô tự mình mắc vào.
Giá như cô hiểu rằng, hạnh phúc vốn không phải là món quà từ trên trời rơi xuống hay là thứ có được do thao túng, ép buộc, thì ngay từ đầu cô đã không giam mình trong một cuộc hôn nhân đầy vụ lợi và thiếu vắng tình yêu.
Nếu cô hiểu rằng hạnh phúc cũng là một lựa chọn, thì cô đã không héo úa mà chủ động rời đi, tìm kiếm sự thanh thản và xây dựng một cuộc đời mới với người xứng đáng hơn.
Ở Hạnh Nhi có điểm tương đồng với nhân vật Như Ý trong bộ phim Như Ý Cát Tường của truyền hình Trung Quốc. Cả hai đều là thiên kim tiểu thư xinh đẹp trong thời đại phong kiến, xuất thân trong những gia đình danh giá, đều là ao ước của bao chàng trai, và đều không có được tình cảm chân thành của người đàn ông mà họ yêu thương nhất.
Nhưng khác với Hạnh Nhi, ngay khi nhận ra mình yêu một người không phù hợp, Như Ý đã dứt khoát rời đi, lên đường khám phá những chân trời mới. Cô ấy đã lựa chọn hạnh phúc, bất chấp dư luận, bất chấp cả định kiến xã hội về những người con gái chủ động, độc lập và mạnh mẽ.
Ngay từ khởi đầu, Hạnh Nhi giống như nàng công chúa đã có trong tay thật nhiều thứ mà người khác luôn thầm ước ao, ngưỡng mộ. Số phận đã ưu ái cho cô rất nhiều. Chỉ tiếc là, dù được cuộc đời ban tặng thật nhiều món quà, người con gái ấy lại thiếu chút can đảm để tung cánh bay khỏi chiếc lồng vàng son, hướng về phía hạnh phúc.