Nhiều khán giả theo dõi Tiếng Sét Trong Mưa cho rằng sự im lặng của Thị Bình là nguồn cơn tạo nên mọi bi kịch.
Tiếng Sét Trong Mưa đang bước vào hồi kết, khi mà các bi kịch dồn nén, chồng chất lên nhau, rối ren như hàng loạt các nút buộc thừng khó lòng tháo bỏ. Các mối quan hệ anh trai – em gái, cha – con trai đều rơi vào thế bế tắc. Trong đó, bà Thị Bình - người duy nhất có khả năng giải tỏa mọi mâu thuẫn, hiểu lầm, xung đột ngay trước khi mọi chuyện diễn tiến xấu hơn, lại nhất quyết giữ im lặng suốt bao biến cố.
Mãi cho đến gần đây, khi Phượng thông báo đã có thai với Bình (dù là giả), bà mới để ông Khải Duy biết bà vẫn còn sống, và Hải chính là con trai ông, nhưng vẫn nhất quyết không nói sự thật cho các con.
Trước khi Thị Bình lộ diện thân phận với dì Bảy và ông Duy, sự im lặng một cách kiên trì bền bỉ của bà suốt nửa sau bộ phim, mặc cho hai anh em ruột (Phượng – cậu hai Bình) yêu nhau, ông Khải Duy suýt chút nữa đánh chết con ruột Hải, nhiều lần khiến khán giả căng thẳng và sốt sắng.
Vì sao bà lại lặng im mãi thế, và với các con, bà còn định lặng im đến bao giờ?
Phương Tây có câu “Im lặng là vàng”, phương Đông có câu “Vô ngôn thắng hữu ngôn” (im lặng thắng lời nói), đều có hàm ý nhấn mạnh giá trị của sự không lời, sự kiềm chế không phát ngôn trong những thời điểm nhất định, để tránh hại người, hại mình. Một lời nói đặt không đúng chỗ cũng nguy hiểm như lưỡi dao đâm.
Các câu chuyện cổ khắp nơi đều có tích truyện về những người bất cẩn, không biết giữ mồm giữ miệng, đi kể lể bừa bãi về kho báu mình đang nắm giữ, để rồi bị kẻ gian hãm hại, cướp trắng trợn mọi thứ.
Trong văn chương, nhân vật Askhay của tiểu thuyết Triệu phú khu ổ chuột chỉ vì thói ba hoa bừa bãi với bọn thổ phỉ mà đã hại người khác mất đi một món tiền lớn. Họ đã phải nhận lấy những bài học lớn cho sự thiếu thận trọng trong lời nói.
Còn Thị Bình của Tiếng Sét Trong Mưa lại … quá thận trọng, đến mức im lặng không còn là vàng nữa, mà là mầm mống của tai họa. Không phải đến khi đã lớn tuổi Thị Bình mới khư khư giữ bí mật như vậy, hóa ra ngay từ hồi còn trẻ bà đã rất kiên quyết với nguyên tắc im lặng của mình. Và lần nào bà cũng có lý do cho sự không hé răng nửa lời.
Có lý do hợp lý, có lý do… không hợp lý chút nào.
Lùi lại thời điểm nhiều năm trước, khi Thị Bình vẫn còn là cô hầu gái trẻ trung, xinh đẹp, đem lòng thương mến cậu chủ Khải Duy, có lần cô đã từng rơi vào cảnh bị dồn ép vào đường cùng vì cái thai trong bụng. Trong lúc con trai vắng nhà, bà Hội đồng đã trói Lũ và Bình lại, tra hỏi về tác giả của đứa bé trong bụng Bình.
Dù bà Hội đồng có hung dữ và tàn nhẫn đến đâu, cô vẫn nhất quyết không khai ra nửa lời. Chỉ đến khi Lũ bị đe dọa ném xuống giếng, Bình mới đành nói ra sự thật, rằng cái thai trong bụng cô là của cậu chủ Khải Duy.
Lý do khiến Bình thà bị tra hỏi, bị quăng xuống giếng cũng nhất quyết giữ im lặng chính là vì muốn bảo vệ cho thanh danh của Khải Duy. Cô không muốn một cậu chủ giàu sang, có bao người hầu kẻ hạ nể sợ như cậu Ba lại dính dáng tới một người hầu, hơn nữa lại còn có con chung.
“Con sợ làm cậu Ba mất mặt. Cậu Ba cao sang, quyền quý, còn con là con hầu nghèo nàn, quê mùa. Con sợ nói ra sẽ làm cậu Ba mất thể diện. Nếu không phải cứu anh Lũ bị chết oan, con thà chết không nói ra đâu.” – Thị Bình nói với Khải Duy sau khi được cứu từ giếng lên.
Vì yêu cậu Ba nên Thị Bình một mực giữ im lặng. Cô thà chịu điều tiếng, chì chiết và đòn roi còn hơn là hé lộ sự thật. Khi biết được tấm lòng của Bình, Khải Duy càng thêm cảm phục và yêu thương cô hơn.
Ngay từ thời điểm ấy, Thị Bình đã giữ gìn bí mật một cách hết sức triệt để vì người mình yêu. Vậy nên cũng không khó hiểu khi tóc đã bạc, da đã sạm, cô vẫn một mực giữ kín các bí mật. Chỉ có điều, ở lần thứ hai này, sự im lặng của cô đã đến mức quá cực đoan và không còn hiệu quả nữa.
Khi Thị Bình gieo mình xuống sông trong uất ức, cứ ngỡ mọi duyên nợ, ân oán, khổ đau sẽ chấm dứt dưới dòng nước xiết. Ai ngờ cuộc đời cô lại một lần nữa được cứu vớt bởi ông Quý – người đàn ông quê chất phác, hiền lành.
Thị Bình như được sinh ra thêm lần nữa, sống cuộc đời bình dị chốn làng quê với người chồng mới và hai đứa con ngoan ngoãn. Nhưng, cũng chính cuộc đời mới này của Thị Bình lại làm nảy sinh những tai họa tiềm ẩn mà bà chính là nhân tố đóng góp đáng kể vào sự tiến triển của những tai họa ấy sau hơn 20 năm.
Liên tiếp, Thị Bình im lặng khi chứng kiến những chuyện ngang trái diễn ra ngay trước mắt mình. Bà chỉ nói những lời can ngăn yếu ớt, trong khi nhất quyết không chịu hé lộ sự thật để cứu vãn bi kịch.
Bị ông Quý nghi ngờ đem lòng yêu cậu Hai Thanh Bình, bà Bình nhất quyết không tiết lộ sự thật rằng cậu Bình chính là con trai ruột để thanh minh. Bà từng nghĩ cho thanh danh của cậu chủ Khải Duy, nhưng lại không để tâm tới thanh danh của mình.
Trước chuyện Phượng đem lòng yêu cậu chủ Thanh Bình, bà kịch liệt phản đối bởi bà biết chúng là hai anh em ruột. Nhưng lý do mà bà đưa ra với con gái và chồng lại chỉ là sự khác biệt giai cấp, giàu nghèo. Thử hỏi, với những người trẻ đang yêu nhau say đắm và với một ông bố hết lòng thương con thì lý do ấy làm sao đủ thuyết phục?
Nếu ngay từ đầu, Thị Bình chịu nói ra sự thật thì Phượng đã không tiếp tục lún sâu vào mối tình không có kết quả. Con gái bà cũng sẽ không trở thành cái gai trong mắt của Hạnh Nhi và phải chịu nhiều tủi hổ, tai tiếng khi bị gài bẫy lên giường với cậu Ba Xuân.
Ngay cả khi tính mạng con trai Hải đang ở thế nguy kịch, ông Khải Duy sắp đánh chết con mình mà không hay biết, thì Thị Bình cũng chỉ biết nói mập mờ rằng ông Duy sẽ hối hận cả đời khi giết Hải. Và chỉ có vậy, không hơn, không kém, mặc cho mối quan hệ thù địch giữa hai cha con Hải – Khải Duy ngày càng sâu hơn và khó cứu vãn.
Cuối cùng, sau bao sóng gió, Thị Bình cũng chịu tiết lộ cho Khải Duy rằng Hải chính là đứa con bấy lâu thất lạc của ông. Nếu bà nói ra sớm hơn một chút, biết đâu ông Khải Duy đã không phải thốt lên: "Tại sao lại oan nghiệt như vậy?".
Sự im lặng của Thị Bình khi về già không còn là vàng nữa. Trước khi bất đắc dĩ tiết lộ thân phận với ông Khải Duy, lý do Thị Bình đưa ra cho sự "ngậm tăm" cũng thật khó hiểu: Bà muốn bảo vệ ông Quý khỏi những trận đòn thù từ ông Khải Duy. Thị Bình lo lắng rằng, nếu bà tiết lộ sự thật, thì với bản tính hung dữ bất biến, ông Khải Duy sẽ lại ra tay với ông Quý như với Lũ năm xưa.
Thị Bình lại một lần nữa im lặng để bảo vệ gia đình mình, bà chần chừ mãi mới nói sự thật với ông Duy và vẫn nhất quyết không hé ra với các con nửa lời. Nhưng lần này, sự im lặng của bà thật ra không bảo vệ được ai, trái lại càng đẩy con cái và ông Khải Duy vào bi kịch.
Thị Bình lo sợ sự xáo trộn sau bao nhiêu năm. Bà muốn để mảnh đời thăng trầm trước kia rơi vào quên lãng và sống an phận bên ông Quý, nên lấy lý do bảo vệ người thương để trì hoãn.
Dẫu vậy, lý do bảo vệ ông Quý của bà cũng đầy tính suy diễn. Quá khứ, Khải Duy vì mất đi Thị Bình nên mới lao vào hại Lũ đến chết. Còn bây giờ, khi biết sự thật Thị Bình vẫn còn sống, còn có thêm hai đứa con, hơn nữa ông Quý lại là ân nhân đã cứu sống Bình, thì lẽ nào Khải Duy lại hành động hồ đồ như xưa?
Sự lo lắng của Thị Bình cho ông Quý không phải là không có cơ sở khi Khải Duy vốn hung bạo. Nhưng chẳng lẽ chỉ vì nỗi sợ ấy mà bà đành lòng để chồng cứ tiếp tục nghi ngờ mối quan hệ của mình với cậu hai Bình và vô tư ủng hộ cho Phượng tiếp tục dấn thân vào mối tình sai trái?
Và với những đứa con, liệu bà có thực sự thương con hay nghĩ cho lũ trẻ, khi cứ im lặng mãi để Hải căm thù cha ruột - ông Khải Duy, còn anh em Phượng - Bình yêu nhau bế tắc đến mức tính bỏ trốn khỏi nhà?
Số phận đã đày đọa Thị Bình, mang đến cho bà nhiều tủi cực. Nhưng khi có cơ hội để sửa chữa lại những oan trái của cuộc đời, Thị Bình lại do dự không nắm bắt lấy và để im lặng chôn vùi đi sự bình yên và giải thoát lẽ ra bản thân sẽ có được.
Thị Bình đã chần chừ quá lâu mới hội ngộ với ông Khải Duy, và hẳn thời điểm sự thật được tiết lộ với lũ trẻ sẽ giáng một tiếng sét khủng khiếp xuống những đứa con mà bà yêu thương nhất. Khi đó, liệu có là quá muộn để cứu vãn những bi kịch và trò đùa của số phận?