Hài kịch Thà Ăn Mày Hơn Ăn Cướp được đăng tải cách đây 5 năm của NSƯT Hoài Linh chứa đựng nhiều triết lý nhân sinh đáng suy ngẫm.
Những ngày qua, lùm xùm xung quanh số tiền 14 tỷ đồng từ thiện của NSƯT Hoài Linh khiến báo chí, truyền thông và cư dân mạng bàn luận hết sức sôi nổi. Dù NSƯT Hoài Linh đã lên tiếng giải thích nhưng vẫn có rất nhiều ý kiến trái chiều xuất hiện.
Việc “om” tiền từ thiện của nghệ sĩ Hoài Linh đang bị cư dân mạng lên án.
Giữa lúc căng thẳng leo thang, cư dân mạng bất ngờ “đào lại” tiểu phẩm hài Thà Ăn Mày Hơn Ăn Cướp và “mổ xé” ý nghĩa cùng triết lý nhân sinh được cài cắm trong mỗi câu thoại. Hiện tại, lượt xem của tiểu phẩm này đang tăng chóng mặt và đã cán mốc hơn 30 triệu view sau 5 năm đăng tải.
View của tiểu phẩm hài tăng "chóng mặt".
Khi kẻ ăn cướp hối cải
Tiểu phẩm hài Thà Ăn Mày Hơn Ăn Cướp xoay quanh một người đàn ông hành nghề ăn xin trước cửa chùa (NSƯT Hoài Linh đóng) và bà Năm “sừng trâu” (Trang Thanh Lan đóng).
Trước đây, người đàn ông này hành nghề ăn cướp với khẩu hiệu: “Thà ăn cướp hơn ăn mày”. Nhưng sau đó, sức khoẻ ngày càng yếu, cũng như ăn năn hối cải, anh ta chuyển sang làm ăn mày với khẩu hiệu: “Thà ăn mày hơn ăn cướp.”
Ngồi trước cổng chùa ngày mùng 1 Tết, anh ta đã có cuộc trò chuyện xin tiền bà Năm “sừng trâu” khiến khán giả “cười đau cả bụng” nhưng rồi lại trầm ngâm suy ngẫm. Ngay câu khẩu hiệu của gã ăn mày, khán giả cũng đã phải trăn trở suy nghĩ: một bên dùng sức của mình để cướp đồ về sống và một bên giả vờ khó khăn để được giúp đỡ thì bên nào đáng phải lên án hơn?
“Lá lành đùm lá rách…”
Người đàn ông này dù không bị đau tay nhưng lại cố tình bó bột để khiến mọi người thương hại, dễ dàng xin tiền hơn. Đã thế anh ta còn văn vẻ: “Lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá nát, lá nát đùm lá tả tơi” để thuyết phục bà Năm cho mình tiền.
Vậy nhưng khi bà Năm cho 2 đồng, anh ta lại đòi trả lại vì không đủ mua bó rau muống. Nguyên tắc ăn mày của anh ta là nhận ít nhất 10 đô la/mỗi lần được cho. Bởi theo anh ta, ăn mày cũng phải có danh dự của ăn mày. Đã vậy, anh ta còn hào hứng hứa đưa vợ đi shopping, mua hột xoàn, túi hiệu và mua vé VIP xem đại nhạc hội.
Câu chuyện này đã châm biếm mạnh mẽ những kẻ lười biếng, giả vờ làm người tàn tật để kiếm chác từ tình thương của mọi người. Và lên án cả những kẻ khi nhận được sự giúp đỡ lại tỏ ra chảnh, kén chọn, chê ỏng chê eo, không hề trân trọng những gì mình được nhận. Giữa cuộc sống đầy rẫy những kẻ lười biếng thích giả vờ đáng thương để sống bám vào tình thương của người khác, đây thật sự là một vấn nạn cần phải lên án.
“Của cho không bằng cách cho”
Khi bà Năm mặt nặng mày nhẹ cho tiền, gã ăn mày nhắc nhở “của cho không bằng cách cho”. Dù là kẻ lừa đảo nhưng lời khuyên này của gã ăn mày khiến ai cũng phải suy nghĩ. Việc từ thiện giúp đỡ người yếu thế là điều đáng trân trọng, cần khuyến khích nhân rộng.
Tuy nhiên, có những người hành động từ thiện nhưng thái độ hách dịch, thậm chí xúc phạm người khác. Còn có những người không quan tâm người được giúp cần gì, chỉ chăm chăm lấy hết những đồ dùng cũ đã hư hỏng để đưa đi làm từ thiện, giống như dọn nhà mình cho rộng rãi.
Làm việc sai trái rồi lên chùa sám hối
Bà Năm cho người ta vay và lấy lãi “cắt cổ”. Bà biết hành động của mình là sai trái, chẳng khác gì ăn cướp nên rất chăm chỉ đi chùa để sám hối và tích đức.
Ngày nay, cư dân mạng thường truyền tai nhau rằng: Những kẻ hay nói đạo lý thường "sống lỗi" hoặc chăm chỉ khoe đi chùa chưa chắc đã là người tốt. Cứ làm sai lên chùa sám hối rồi lại tiếp tục hành vi sai trái, Đức Phật trên cao liệu có chứng cho lời sám hối đó? Tâm không thực sự hướng thiện thì dù nói bao nhiêu điều tốt đẹp cũng không tốt lên được.