Một tờ báo lớn và uy tín của Anh đã đưa ra danh sách 100 bộ phim xuất sắc của thế kỉ 21, trong đó có 13 bộ phim đến từ châu Á.
Nền điện ảnh châu Á đang có những bước tiến rõ rệt và ngày càng được giới chuyên môn đánh giá cao. Trong danh sách 100 bộ phim xuất sắc của thế kỉ 21 mới nhất được công bố có tới 13 tác phẩm đến từ châu Á lọt vào top. Tuy nhiên, sự vắng mặt của Parasite (Ký sinh trùng) - bộ phim đã đoạt giải Cành cọ Vàng uy tín của Liên hoan phim Cannes đồng thời ẵm luôn 4 giải quan trọng nhất tại Oscar đầu năm nay - lại gây thắc mắc cho nhiều người.
Vậy đâu là bộ phim Hàn được báo nước ngoài đánh giá cao nhất trong Top phim xuất sắc của thế kỉ 21?
1. Burning (2018) - Xếp thứ 85/100
Bộ phim được các nhà chuyên môn đánh giá xuất sắc dù tuột mất giải Cành cọ vàng năm 2018
Burning là một bộ phim tâm lý bí ẩn của Hàn Quốc năm 2018 được đạo diễn bởi Lee Chang-dong, dựa trên truyện ngắn Barn Burning nằm trong tuyển tập truyện ngắn Con voi biến mất của tác giả Haruki Murakami. Bộ phim được xây dựng trên nền của một chuyện tình tay ba, chiếm phần chủ đạo là bức tranh về cuộc sống không dễ dàng và nhiều suy tưởng của những người trẻ.
Burning mô tả sự bất an, bất lực, giận dữ và sự lạc lõng cô đơn đến tột cùng của những người trẻ Hàn Quốc thông qua câu chuyện của Jong Soo (Yoo Ah In), một nhân viên bán thời gian đồng thời là một tiểu thuyết gia đầy tham vọng và hai người bạn của anh là Hae Mi (Jeon Song Seo) và Ben (Steven Yeun).
2. Tropical Malady (2005) - Xếp thứ 84/100
Tropical Malady đoạt giải Giám khảo bình chọn tại Liên hoan phim Cannes 2004
Tropical Malady là một bộ phim nghệ thuật tâm lý lãng mạn Thái Lan năm 2004 được viết và đạo diễn bởi Apichatpong Weerasethakul. Bộ phim từng được đề cử tranh giải cao nhất Liên hoan phim Cannes 2004 và đoạt giải Giám khảo bình chọn.
Tropical Malady là hai câu chuyện riêng rẽ kết hợp với nhau. Câu chuyện đầu tiên xoay quanh một mối quan hệ thắm thiết ở ranh giới giữa tình bạn và tình yêu của hai người đàn ông. Câu chuyện thứ hai chủ yếu nói về một người đàn ông mạo hiểm vào rừng tìm kiếm một con hổ - cụ thể là một pháp sư đã bị biến thành hổ. Và cuối cùng, anh ta đã chọn lựa giữa việc giết chết chết hổ thay vì để nó giết chết anh ta.
3. Ten (2002) - Xếp thứ 76/100
Cách kể chuyện đột phá về xã hội hiện thực của Abbas Kiarostami được thể hiện qua Ten
Ten cho thấy một đột phá mới của Abbas Kiarostami trong cách quay phim, camera được gắn trong xe taxi và những mảnh đời phụ nữ Iran được kể qua đối thoại của một nữ tài xế với 10 hành khách nữ khi cô lái xe qua đường phố Tehran. Các vấn đề như hôn nhân, nền giáo dục của đất nước, tôn giáo, xã hội, tình dục, định kiến về phụ nữ... của xã hội Iran được đạo diễn gói gọn trong 10 phân cảnh của bộ phim.
4. Waltz with Bashir (2008) - Xếp vị trí 72/100
Waltz with Bashir là câu chuyện về chiến tranh đã lùi xa vào dĩ vãng nhưng vẫn ám ảnh những người còn sống, là phần kí ức đẫm máu và đáng xấu hổ mà dân tộc Israel cố gắng lãng quên
Waltz with Bashir là một bộ phim tài liệu chiến tranh hoạt hình năm 2008 của Israel được viết, sản xuất và đạo diễn bởi Ari Folman. Bộ phim kể về hành trình Folman đi tìm kiếm những ký ức đã mất về trải nghiệm của mình khi còn là một người lính trong Chiến tranh Lebanon 1982. Đó cũng là thời điểm xảy ra vụ tàn sát 2000 thường dân Palestine tại trại tị nạn Sabra và Shatila ở thủ đô Beirut, Lebanon.
Waltz with Bashir là sự tìm kiếm giá trị của sự thật trong hành trình đối mặt với tội lỗi và trách nhiệm. Bộ phim đã khắc họa một cách chân thực về niềm tin và những ảnh hưởng lâu dài của bạo lực đến người lính trẻ.
5. Capernaum (2018) - Xếp thứ 71/100
Capernaum của đạo diễn Nadine Labaki nhận được rất nhiều lời tán dương bởi nội dung phim đánh thẳng vào góc tối của xã hội
Bộ phim tham gia tranh giải Cành Cọ Vàng và giành được giải thưởng của Ban giám khảo. Tác phẩm cũng đại diện điện ảnh Li Băng (Lebanon) tham gia tranh giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 91.
Đây là câu chuyện thật của cậu bé Zain El Hajj, 12 tuổi, cũng sống tại Beirut. Zain – (cậu bé) nhân vật chính của bộ phim đến từ một gia đình không có hộ khẩu và đông con. Họ sống trong một xóm nghèo, người lớn không có khả năng làm lụng, trẻ con thì làm việc vặt nuôi mình. Có khi chúng phải phụ người lớn làm thuốc cấm để mưu sinh. Sau quá trình bôn ba mưu sinh đầy khổ cực, Zain đã quay về nhà, kiện chính bố mẹ mình khi nhìn thấy em gái bị người khác cưỡng hiếp dẫn đến mang thai.
" Những đứa trẻ ngây thơ, tại sao lại phải chịu thương tổn như thế này".
"Quả thật, đất nước rung chuyển là lỗi lầm của thời đại, gia đình nghèo khó là lỗi của xã hội, không hộ khẩu là lỗi của cha mẹ".
"Vậy tại sao những lỗi lầm này lại để đám trẻ con chúng con gánh vác?"
6. Gangs of Wasseypur (2012) - Xếp thứ 59/100
Gangs ò Wasseypur từng bị cấm chiếu ở Kuwait và Qatar vì nội dung bạo lực
Gangs Of Wasseypur được đánh giá là bức tranh chân thật về đề tài xã hội ngầm: một mối hận thù trong gia đình có 3 thế hệ kéo dài 7 thập niên với nhiều trường hợp tử vong bí ẩn. "Tất cả những gì bạn nhìn thấy trong bộ phim là sự thật - mặc dù nó không nhất thiết xảy ra theo trình tự như thật” - ông Kashyap nói.
Bộ phim có độ dài tổng cộng là 319 phút, tuy nhiên, không có rạp nào ở Ấn Độ chiếu phim dài 5 tiếng nên Gangs of Wasseypur phải chia thành 2 phần. Nhưng tại liên hoan phim Cannes, bộ phim đã được trình chiếu toàn bộ.
Phần 1 đã được giới phê bình đánh giá cao và giành được một số giải thưởng danh giá. Bộ phim cũng đã giành giải Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất cho đạo diễn Kashyap tại Liên hoan phim châu Á -Thái Bình Dương lần thứ 55 và giành giải Phim hay nhất tại Giải thưởng điện ảnh quốc gia lần thứ 60.
7. Ngọa Hổ Tàng Long (2000) - Xếp thứ 51/100
Ngọa Hổ Tàng Long vẫn xứng đáng là kiệt tác võ thuật, một thời làm mưa làm gió ở Hollywood cũng như các nước trên thế giới
Ngọa Hổ Tàng Long do đạo diễn Lý An dàn dựng là tác phẩm điện ảnh thứ hai của Đài Loan tham gia Liên hoan phim Cannes. Bộ phim mang về hàng loạt các giải thưởng điện ảnh uy tín, gồm 4 giải Oscar trong tổng 6 đề cử, 4 giải BAFTAs và 2 giải Cành Cọ Vàng tại Liên hoan phim Cannes, trong đó có Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Phim được ví như bệ phóng đưa Lý An vào hàng ngũ những nhà làm phim cao cấp của Hollwood.
Phim lấy bối cảnh nhà Thanh ở Trung Quốc, với những mối quan hệ xoay quanh Thanh Lục Mệnh Kiếm. Lục Mệnh Kiếm vốn thuộc về đại cao thủ võ lâm Lý Mộ Bạch (Châu Nhuận Phát), nhưng sau khi nhận ra thanh kiếm này đã nhuốm quá nhiều máu, anh đã đem thanh kiếm trao lại cho Tề lão gia ở Bắc Kinh. Thế nhưng, tại vị ở phủ Tề lão gia chưa được bao lâu, thanh kiếm đã bị trộm mất. Mọi nghi ngờ đổ dồn về Bích Hồ Ly, kẻ đã giết sư phụ của Lý Mộ Bạch. Cuộc chiến giành lại thanh kiếm và những mối ân oán trong giang hồ bắt đầu.
8. Người Hầu Gái (2016) - Xếp thứ 41/100
Tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn trên màn ảnh rộng năm 2016, làm chao đảo cộng đồng những người yêu phim ảnh cũng như cả giới phê bình.
Người Hầu Gái chuyển thể từ tiểu thuyết Fingersmith (2002) của nhà văn người Anh Sarah Waters, được kể lại qua ba góc độ với ba nhân vật khác nhau. Phim lấy bối cảnh những năm 30 ở Triều Tiên khi đang còn là thuộc địa của Nhật Bản.
Sook Hee (Kim Tae Ri) là cô gái hành nghề móc túi, được Fujiwara (Ha Jung Woo) – tên lừa đảo người Hàn giả làm bá tước Nhật Bản, gửi đến làm người hầu gái cho một gia đình Nhật Bản giàu có. Kế hoạch của Fujiwara là dụ dỗ Hideko (Kim Min Hee) – nữ thừa kế của gia đình này để cô kết hôn với hắn. Sau đó hắn sẽ gửi cô đến nhà thương điên ở Nhật để chiếm đoạt tài sản của cô. Tuy nhiên, mọi chuyện rẽ sang một hướng hoàn toàn khác khi hai người phụ nữ bắt đầu có cảm xúc dành cho nhau.
9. Cuộc Chia Ly (2011) - 36/100
Tác phẩm này được coi là một kiệt tác của điện ảnh Iran nói riêng và điện ảnh thế giới nói chung
Cuộc Chia Ly chỉ xoay quanh cuộc ly dị của đôi vợ chồng Nader và Simin. Tình huống nghe có vẻ đơn giản nhưng sự phức tạp trong các mặt của cuộc sống xã hội Iran hiện đại dần được phơi bày trong bộ phim. Cuộc Chia Ly không chỉ nói về sự rạn nứt giữa các thành viên của một gia đình mà còn phản ánh chế độ thần quyền, về luật lệ và quyền lực trong gia đình, về sự phân biệt giới tính và tầng lớp xã hội Iran.
Phim đã giành được gần 60 giải thưởng điện ảnh lớn nhỏ trên thế giới, trong đó có tượng vàng Oscar dành cho Phim nước ngoài xuất sắc hồi tháng 2 năm 2012.
10. Nhất Nhất (2000) - Xếp thứ 26/100
Nhất Nhất đã được trao giải Gold Palm cho đạo diễn sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes năm 2000
Nhất Nhất là bộ phim Đài Loan được viết kịch bản và đạo diễn bởi Edward Yang năm 2000. Chủ đề của bộ phim xoay quanh cuộc đấu tranh đầy cảm xúc của một kỹ sư tên NJ và ba thế hệ của gia đình Đài Loan trung lưu sống ở Đài Bắc.
Nhất Nhất dài ba tiếng, không hề có cảnh cao trào, tiết tấu chậm, những sự kiện trong phim xảy ra một cách bình thản. Bộ phim giống như bức tranh chân thực về cuộc sống hàng ngày của những con người nơi đây. Mỗi nhân vật đều có góc khuất của riêng mình, chỉ thể hiện "một nửa sự thật". Còn người có thể hiểu rõ được toàn bộ sự thật, những nỗi đau, nỗi sợ hãi, những khát khao giấu kín của họ lại là chính khán giả.
11. Vùng Đất Linh Hồn (2001) - Xếp thứ 22/100
Bộ phim giành giải Oscar Phim hoạt hình hay nhất và hàng loạt giải thưởng danh giá khác cả trong lẫn ngoài nước từ năm 2001 - 2003
Vùng Đất Linh Hồn hay Sen Và Chihiro Ở Thế Giới Thần Bí là phim điện ảnh hoạt hình Nhật Bản kể về câu chuyện của Ogino Chihiro (Hiiragi), một cô bé 10 tuổi luôn buồn chán. Giữa lúc chuyển đến ngôi nhà mới thì cô bị lạc vào thế giới linh hồn của tín ngưỡng dân gian Thần đạo Nhật Bản. Sau khi cha mẹ mình bị phù thủy Yubaba (Natsuki) biến thành heo, Chihiro buộc phải làm việc tại nhà tắm công cộng của Yubaba để tìm cách giải thoát cha mẹ và mình và trở về với thế giới loài người.
12. Kẻ Trộm Siêu Thị (2018) - Xếp thứ 15/100
Tác phẩm đã thắng giải Cành Cọ Vàng ở Liên hoan phim Cannes 2018
Kẻ Trộm Siêu Thị là một bộ phim thuộc thể loại chính kịch, tình cảm gia đình của Nhật Bản được viết kịch bản và đạo diễn bởi Hirokazu Kore-eda. Nội dung xoay quanh về một gia đình không có quan hệ ruột thịt nhưng cùng nhau chia sẻ không gian sống. Họ là những mảnh ghép cô đơn vì nhiều hoàn cảnh mà gá vào nhau như một mô hình gia đình hoàn thiện với đầy đủ thế hệ, cùng nương tựa qua ngày.
Bộ phim khắc họa bức tranh khu ổ chuột và cuộc sống của những người ở dưới đáy xã hội nhưng không chút đau khổ hay nước mắt mà tươi vui, ấm áp. Tất cả sinh hoạt chung trong một diện tích chật hẹp, từ ăn uống cho tới ngủ nghỉ nhưng họ lại hạnh phúc với điều đó. Phim không thuyết giáo hay cố truyền đi một tư tưởng, thông điệp nào mà chỉ đơn giản là gợi cho người xem một câu hỏi: "Điều gì tạo nên một gia đình?"
13. Tâm Trạng Khi Yêu (2000) - Xếp thứ 5/100
Phim được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của điện ảnh Châu Á mọi thời đại
Tâm Trạng Khi Yêu từng được đề cử ở hạng mục Cành Cọ Vàng tại Liên hoan phim Cannes và đoạt giải Phim nước ngoài xuất sắc nhất tại giải thưởng điện ảnh César (Pháp) cũng như nhiều giải thưởng khác. Bộ phim thuộc nền điện ảnh Hong Kong xoay quanh mối quan hệ lạ thường giữa ông Chu (Lương Triều Vỹ) và bà Trương (Trương Mạn Ngọc). Hai người đều đã có vợ có chồng, nhưng mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Một bên vợ thường vắng nhà, một bên chồng hay đi công tác xa.
Cả hai người đều nảy sinh tình cảm đối với đối phương nhưng hai nhân vật chính chưa bao giờ đi quá một cái ôm, một cái nắm tay. Bộ phim không có lời tỏ tình trực tiếp nào, không có một nụ hôn, cũng không có cảnh ân ái nóng bỏng nhưng vẫn trở thành một tượng đài mà khó tác phẩm về tình yêu nào có thể vượt qua được.