Theo phong thủy, con người có thể chế ngự nhà tán khí và tụ khí tốt bằng các giải pháp đơn giản trong kiến trúc và đời sống như dọn dẹp nhà sạch sẽ, thiết kế nhà hợp lý…
Chào chuyên gia. Tôi thường nghe nói các khái niệm nhà tụ khí và nhà tán khí. Nhà tụ khí thì mang lại may mắn, thuận lợi cho các thành viên trong gia đình còn nhà tán khí thì ngược lại. Vậy những đặc điểm nào cho thấy nhà tụ khí hay tán khí và cách hóa giải nếu không may rơi vào trường hợp xấu. Cảm ơn chuyên gia tư vấn!
Nguyễn Thu Uyên (Biên Hòa, Đồng Nai)
Thế nào là nhà tụ khí/tán khí?
Minh đường (khoảng không gian trước nhà) là nơi nạp khí cho cả căn nhà. Khí tụ ở minh đường là một trong các điều kiện quan trọng để đảm bảo cho ngôi nhà được vượng khí. Vì khí có khả năng tụ trong nước nên thủy tụ ở minh đường sẽ giúp khí tụ. Để tăng cường khả năng hấp thụ khí ta có thể làm đài phun nước tuần hoàn. Các hạt nước nhỏ phun lên làm tăng diện tích tiếp xúc với khí, giúp tụ được nhiều khí hơn. Bên cạnh đó, để khí mang lại điều tốt cũng cần kiêng kỵ đường đi, dòng sông, suối đâm vào nhà. Bởi khí chuyển động dọc theo đường đi, sông suối tạo thành một dòng khí hẹp có tốc độ chuyển động lớn. Theo quán tính, dòng khí này giống như luồng nước ra khỏi vòi phun nước cứu hỏa bắn mạnh về phía trước. Xung lực của dòng khí này cành mạnh khi đường càng đông người qua lại với tốc độ cao (xe cơ giới) hoặc sông suối chảy siết, càng trở nên nguy hiểm. Tương tự như vậy, khe hẹp giữa hai nhà cao tầng cũng làm tăng tốc xung khí khi có gió thổi qua và gây nguy hiểm. |
“Khí” là yếu tố quan trọng hàng đầu, cốt tủy trong phong thuỷ; là động lực của sự hình thành và phát triển của vạn vật. Khí được ví như nhiên liệu cho động cơ. Để động cơ hoạt động hiệu quả cần có nhiên liệu phù hợp với cấu trúc vận hành của động cơ. Trong cổ thư để lại khái niệm khí rất trừu tượng. Do sự trừu tượng này, mỗi nhà nghiên cứu phong thủy có cảm nhận khác nhau, không có tiêu chí để phân định đúng sai, gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, khoa học hiện đại cũng đã ghi nhận sự tồn tại của một dạng vật chất đặc biệt bao quanh vật thể sống, có thể chụp ảnh bằng thiết bị đặc biệt. Đó cũng là một hình thức của khí theo quan điểm của nhiều phong thủy gia. Có thể định nghĩa như sau: Khí là một dạng tồn tại của vật chất, được hình thành bởi sự tương tác và vận động của những vật thể vật chất, đồng thời tương tác lên các vật thể vật chất ấy. Tính chất của khí phụ thuộc vào tính chất cấu trúc và tương tác của các vật thể vật chất. Sự vận động của khí được định hình tùy theo vị trí các dạng cấu trúc vật thể vật chất tương tác hình thành nên nó.
Theo quan niệm phong thủy, khí trong nhà bao gồm khí âm và khí dương. Khí dương được sinh ra do những tương tác giữa con người với đồ vật, ví dụ như bố trí, di chuyển đồ nội thất. Còn khí âm chính là cấu trúc và thiết kế ngôi nhà sinh ra. Trong phong thủy, tụ khí là hiện tượng những dòng khí, dòng năng lượng tập trung tại một vị trí hay một khoảng không gian nhất định. Thông thường, nhà tụ khí tốt cho gia chủ. Ngược lại, tán khí chính là sự phân tán của các dòng năng lượng ra môi trường xung quanh, không tập trung tại vị trí nhất định. Theo đó, ngôi nhà dễ tụ khí thường được bao bọc xung quanh. Tuy nhiên việc tập trung nhiều hay ít năng lượng lại phụ thuộc vào vị trí của ngôi nhà đó so với môi trường xung quanh. Ngoài ra, cấu trúc bên trong ngôi nhà cũng ảnh hưởng một phần. Ví dụ, một căn nhà có con đường đâm vào, dưới sự tác động mạnh mẽ của các dòng năng lượng dương do xe cộ đem đến sẽ khiến căn nhà nhận được khí. Nhưng việc đón quá nhiều khí lại hóa thành “lợi bất cập hại”. Vì nếu nhà không được thiết kế chống ồn có thể khiến người trong nhà sinh bệnh, ốm đau.
Ngoài những trường hợp tụ khí còn có thể kể đến những căn nhà không tụ khí, hoặc tụ năng lượng xấu. Điều này không có lợi cho người ở. Lâu dần sẽ phát sinh hiệu ứng không tốt lành. Theo đó, những ngôi nhà có thiết kế các cửa trong nhà đều thẳng ra cửa chính hay nhà ẩm thấp, không khí ngột ngạt cũng không thể tụ khí tốt được. Bên cạnh đó, con người sống cần nhiều năng lượng dương, năng lượng tốt để có thể phát triển được thuận lợi hơn (cũng như cá cần nước sạch để sống và sinh tồn được) bởi con người là sinh vật ưa sự vận động và sinh sống ở những nơi cao ráo sạch sẽ, chứa nhiều dương khí. Vì những lẽ đó nếu ngôi nhà tụ nhiều khí dương, năng lượng tốt thì cuộc sống của những người trong căn nhà đó sẽ trở nên tốt đẹp hơn, cuộc sống không chịu nhiều áp lực, tỉnh táo trong suy nghĩ, tư duy từ đó dẫn đến hiệu quả công việc của họ trở nên tốt hơn.
Giải pháp điều chỉnh “Khí” trong nhà
Theo phong thủy, con người có thể chế ngự nhà tán khí và tụ khí tốt bằng các giải pháp đơn giản trong kiến trúc và đời sống như dọn dẹp nhà sạch sẽ, thiết kế nhà hợp lý… Để chống hiện tượng tán khí nhà ở, trong phong thủy có nhiều cách khác nhau, tuy nhiên việc cốt yếu của vấn đề tụ khí hay tán khí chính là cấu trúc và vị trí của căn nhà với môi trường xung quanh nó. Một việc đơn giản và hiệu quả cao để chống tán khí chính là việc dọn dẹp sạch sẽ, tạo một môi trường sống lành mạnh cho không gian sinh hoạt của chính mình. Chính việc sắp xếp những đồ đạc trong căn phòng ngăn nắp và thuận tiện trong sử dụng là một biện pháp hiệu quả để dẫn những nguồn năng lượng tốt tiến vào ngôi nhà cũng như loại bỏ được những nguồn năng lượng không tích cực đến từ những tương tác lộn xộn của đồ vật trong căn phòng đó.
Sách Kinh xưa có viết: “Khí gặp gió (phong) ắt tán, gặp nước (thủy) thì dừng. Cổ nhân làm sao cho khí tụ chứ không tán, nước chảy có chỗ dừng”. Theo đó, khí nhẹ, lẫn vào không khí nên bị gió cuốn đi. Nếu gió nhẹ vừa phải sẽ có tác dụng dẫn khí lưu thông, được coi là tốt. Còn gió mạnh làm tán khí, mất khí lại là không tốt. Đồng thời, khí trong tự nhiên vận động dựa theo sức mang của không khí, khi gặp vật cản sẽ đổi hướng theo dòng khí. Khí gặp nước thì dừng, nghĩa là nước có khả năng giữ khí lại, nói một cách mang tính hình tượng hơn là nước có khả năng hút khí, hòa tan khí. Nước chảy chậm rãi, có chỗ dừng là rất tốt vì mang được khí tươi mới đến và lưu lại ở đó. Đó là nguyên nhân để các chuyên gia phong thuỷ nhìn dòng nước chảy để dự đoán khí vận trong lòng đất mà từ chuyên môn gọi là “Long mạch”. Tính chất của khí sẽ khác nhau tuỳ theo sự tụ thuỷ, sức chảy mạnh yếu trong lưu thông của dòng nước… Như vậy, việc sử dụng hiệu quả nguồn nước, tạo những tiểu cảnh sinh động trước mặt nhà hoặc những không gian sống cũng là một trong những biện pháp cải tạo môi trường cũng như giúp “tụ khí”. Ví dụ dùng bể cá trong nhà, khu tiểu cảnh ngoài sân vườn… Tuy nhiên, cần chú ý là các khu tiểu cảnh phải bố trí và sử dụng hợp lý để tránh độ ẩm, tiếng ồn, vệ sinh… ảnh hưởng ngược lại đến những người trong nhà.
Để nghiên cứu và xác định được những vị trí tụ khí và tán khí cần nhiều công sức. Đã có một số nhà nghiên cứu áp dụng mô hình hóa khí phong thủy bằng mô hình cơ học chất lưu và thu được những kết quả đáng kể. Sau những nghiên cứu về khí, người ta đã rút ra nhiều kết luận có tính hệ thống. Dựa vào cấu trúc cụ thể của từng căn nhà khác nhau có thể đưa ra được kết luận căn bản căn nhà đó có tụ khí hay không. Một ví dụ điển hình về căn nhà không tụ khí, đó là cửa chính nhà và cửa sau của nhà đối nhau và thông ra phía sau nhà. Những căn nhà có cấu trúc cửa như vậy sẽ tạo ra một luồng khí đi dọc từ cửa chính nhà đi ra sau nhà và không tụ lại tại các phòng trong ngôi nhà. Những nguồn năng lượng dương từ môi trường sẽ di chuyển thẳng từ cửa trước ra cửa sau khiến năng lượng không nạp vào trong phòng sinh hoạt, dẫn tới cuộc sống của những con người nơi này trở nên không tốt lành.
Hay trường hợp nhà có cầu thang thẳng ra cửa chính cũng không tốt cho người trong nhà. Theo quan niệm phong thủy, ngôi nhà có cấu trúc này tài sản, tiền của trong nhà dần dần “đội nón ra đi”. Để khắc phục tình trạng này, phong thủy đã đưa ra một số biện pháp như di chuyển cửa lệch nhau để những căn phòng trong nhà, cầu thang nên có bước ngoặt vào trong mà không nên thẳng ra cửa chính… Căn nhà tiếp cận được với những dòng năng lượng tốt, giữ năng lượng này tích tụ lại trong nhà, giúp cho những người sinh sống trong đó trở nên tích cực hơn.