Bị mẹ mắng sa sả vào mặt, tôi uất nghẹn bật khóc, vào phòng lấy túi xách rồi chào bà đi làm luôn.
Tôi mới về làm dâu của mẹ được gần nửa năm, vì không có điều kiện ra riêng nên vợ chồng tôi đành phải sống chung với bố mẹ chồng. Mẹ chồng nổi tiếng khó tính một vùng nên không ít lần tôi bị mẹ mắng rồi.
Đi làm về cởi giày ra phải cất gọn gàng, ngay ngắn, lệch một chút thôi cũng bị nói. Rửa bát xong phải úp bát theo thứ tự từ nhỏ đến lớn, bát ra bát, đĩa ra đĩa. Hay ngay cả tấm thảm chùi chân nhỡ lệch một chút thôi mẹ cũng nhắc nhở. Mẹ khó quá thành ra tôi thấy ngột ngạt lắm, ấm ức muốn ra riêng nhưng điều kiện kinh tế không cho phép nên đành cắn răng chịu đựng.
Hôm nay là mùng 1, sáng sớm tôi dậy đi chợ mua hoa quả về thắp hương như thường lệ. Bình thường cắm hoa cúc vàng, hồng đỏ hoặc lay ơn, đồng tiền, nhưng nay thấy hoa ly đẹp quá nên tôi bèn mua về trưng trên bàn thờ cho tươi mới, đỡ nhàm chán.
Sáng mùng 1 tôi mua hoa ly về cắm trên bàn thờ. (Ảnh minh họa)
Sau khi lau dọn, sửa soạn bàn thờ xong, tôi gọi mẹ ra thắp hương. Nào mà ngờ khi thấy bình hoa ly trên bàn, mẹ lại nổi cáu mắng tôi:
- Cô có thù gì với nhà này à? Tại sao cô lại mua hoa ly bày trên bàn thờ? Ly là chia ly, ly tán. Có lớn mà không có khôn, cô muốn nhà tôi lục đục, bất hòa mới vừa lòng phải không?
Bị mẹ mắng sa sả vào mặt, tôi uất nghẹn bật khóc, vào phòng lấy túi xách rồi chào bà đi làm luôn. Có lẽ hôm qua lúc mẹ chồng mắng con dâu, chồng đứng ra bênh vực, nói đỡ cho tôi mấy câu nên hôm nay bà mới nặng lời với tôi như vậy. Nhưng chẳng nhẽ tôi đặt hoa ly lên bàn thờ là sai à, tôi vẫn thấy nhiều nhà trưng hoa ly mà. Bà có cần phải khắt khe như vậy không?
Chỉ vì bình hoa ly mà mẹ chồng mắng tôi té tát. (Ảnh minh họa)
Nên hay không nên đặt hoa ly trên bàn thờ gia tiên?
Hoa ly có màu sắc thanh nhã, đẹp mắt, mùi hương thoang thoảng nên không ít người đã chọn hoa ly để bày trên bàn thờ vào những ngày mùng 1, ngày rằm hay lễ Tết. Song, nhiều gia đình cho rằng chữ “ly” trong hoa ly là ly tán, chia ly, đặt hoa ly trên bàn thờ là “đại kỵ”. Việc này sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình khiến mọi người ngày càng xa cách, hay xảy ra xung đột, cãi vã.
Thế nhưng, trong các nhà thờ hay các chùa, hoa ly trắng lại tượng trưng cho sắc đẹp, đức hạnh, sự kiêu hãnh và tình yêu cao thượng, chung thủy nên thường được dùng để dâng thánh, dâng Phật.
Bày hoa ly trên bàn thờ hay không là tùy theo quan điểm của từng gia đình. (Ảnh minh họa)
Nhiều quốc gia khác ở châu Á cũng cho rằng hoa ly là một loài hoa mang ý nghĩa tốt lành. Chẳng hạn như ở Trung Quốc, hoa ly được sử dụng nhiều trong các đám cưới hoặc dùng làm hoa cầm tay cho cô dâu. Nguyên nhân là do trong tiếng Trung, hoa ly có nghĩa là “trăm năm hạnh phúc”, dùng trong tiệc cưới ngụ ý chúc phúc cho cô dâu chú rể có cuộc sống hôn nhân mỹ mãn, dài lâu.
Chính vì vậy, việc dâng hoa ly lên bàn thờ hay không còn tùy thuộc vào quan điểm, văn hóa và truyền thống của từng vùng miền, từng gia đình. Điều quan trọng nhất trong thờ cúng là gia chủ cần phải thành tâm, thành kính với bề trên.
Một số loài hoa không nên bày trên bàn thờ
- Hoa phong lan: Chữ “phong” gần nghĩa với phong tình, phong lưu, do đó không nên trưng trên bàn thờ, đặc biệt là bàn thờ Phật.
- Hoa đại (sứ, chămpa): Tuy mang màu sắc đẹp, hương thơm đặc trưng nhưng hình dáng hoa giống với bộ phận nhạy cảm ở nữ giới nên được khuyên là không nên trưng trên bàn thờ.
- Hoa nhài: Hoa nhài với màu trắng tinh khiết, mùi hương nhẹ nhàng, dễ chịu nên được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên nhiều người cho rằng loài hoa này hay gặp nghịch cảnh, tốt nhất không này trên bàn thờ.
- Hoa cúc vạn thọ: Loài hoa này có mùi hôi nên người ta kiêng không dâng lên ông bà tổ tiên.
- Hoa dâm bụt: Cái tên của loài hoa này khiến người nghe liên tưởng tới những điều không mấy tốt đẹp. Hơn nữa, nó thường mọc bên bờ rào, không mấy sạch sẽ nên không thích hợp để dâng cúng thần linh, tổ tiên.
- Hoa phù dung: Vì “sớm nở tối tàn” nên hoa phù dung thể hiện cho cuộc đời ngắn ngủi. Đó cũng là lý do người ta không dùng hoa phù dung để trưng lên bàn thờ.