Ban thờ là nơi để giáo dục thế hệ con cháu biết báo hiếu tổ tiên, giáo dục về cội nguồn, lòng hiếu thảo, sống có lễ nghĩa.
Thời gian qua, báo GĐ&XH Cuối tuần nhận được nhiều câu hỏi của độc giả liên quan đến chủ đề phong thủy thờ cúng. Chúng tôi sẽ lần lượt gửi tới chuyên gia để giải đáp.
1. Tôi là Phạm Hồng Hạnh (Hà Đông, Hà Nội). Trên số báo 33 ra từ ngày 15/8 đến 21/8/2015, tôi có nghe chuyên gia trả lời về việc đặt thờ cúng cho gia chủ Đình Sơn ở TP. Thanh Hóa. Nay tôi xin hỏi thêm vài ý nữa để làm sáng tỏ và để hiểu sâu hơn về việc thờ cúng:
- Phòng thờ và Ban thờ là gì?
- Trên ban thờ trong một gia đình thường thờ những ai, thờ mấy bát hương?
2. Tôi là Phạm Minh Hạnh, sinh năm 1973 ở La Gi – Bình Thuận. Ở số 30, tôi có được Kiến trúc sư - Phong thủy Hoàng Trà tư vấn cho việc cải tạo ngôi nhà, hóa giải thế bị phạm 2 điều đại kỵ theo phong thủy. Nay tôi viết tiếp thư này đến báo kính mong chuyên gia tư vấn thêm để cho ngôi nhà của tôi hoàn thiện thêm về nội thất. Nhà tôi hướng chính Bắc, cửa chính nhìn về chính Bắc, phòng khách đặt ban thờ Phật bà nằm phía bên trái nhà, dưới ban thờ Phật là ban thờ ông Thần tài và ông Địa, chính cửa phòng tôi đặt ban thờ gia tiên thấp hơn ban thờ Phật; ba ban thờ đều nhìn ra cửa chính hướng Bắc. Xin hỏi chuyên gia, tôi thờ tự như thế đã được chưa, nếu chưa được thì nên sắp đặt lại thế nào?
Chuyên gia phong thủy Hoàng Trà trả lời:
Với kinh nghiệm 15 năm trong nghề kiến trúc, thiết kế hàng trăm ngôi nhà – nhà thờ và với trải nghiệm thực tế đi chỉnh sửa lại phòng thờ - ban thờ theo phong thủy, tôi xin trả lời tổng quát các vấn đề thắc mắc của hai độc giả như sau:
Ở phương Đông, phong tục và tập quán thờ cúng tồn tại từ bao đời nay. Ngày xưa với lối kiến trúc nhà 3 gian hoặc năm gian, phòng thờ được đặt ngay gian chính giữa và cũng là phòng khách. Ngày nay với cuộc sống hiện đại đa số chúng ta ở nhà phân lô, người giàu hơn thì ở nhà biệt thự; thường sẽ có một phòng thờ riêng. Vậy nguyên lý phòng thờ và ban thờ theo thời hiện nay như nào, thờ cúng ra sao, có khác gì so với không gian thờ cúng từ đời các cụ hay không?
Tại sao lại thờ cúng?
Điều đầu tiên phải nói là tại sao lại có phong tục thờ cúng. Xét về tâm linh thì cai quản đất của một nhà là các quan Thần linh, nếu đất mà không có các quan Thần linh cai quản hoặc các quan Thần linh không thiêng thì các “vong” vãng lai sẽ chiếm giữ lô đất đó. Chúng ta lập ban thờ và thờ các quan thì các quan ngự tại lô đất đó, sẽ không có “vong” vãng lai nào vào lô đất được. Giống như trần gian là nhà có chủ ở thì không có người lang thang nào vào, nhà để hoang thì nghiện cũng vào – khóa cửa hỏng thì dân lang thang cũng vào ngủ - trộm cắp ghé thăm. Tiếp nữa bàn thờ là nơi tưởng nhớ tới gia tiên, để con cháu nội tộc, con dâu rể mới cưới về thắp hương còn biết tới những người trong dòng tộc của mình, còn biết tổ tiên ông bà mình là ai, hay những người mất trẻ trong dòng họ là ai…
Ban thờ là nơi để giáo dục thế hệ con cháu biết báo hiếu tổ tiên, giáo dục về cội nguồn, lòng hiếu thảo, sống có lễ nghĩa. Làm người là phải có hiếu và biết báo hiếu, báo hiếu hàng đầu là báo hiếu gia tiên, là phải biết chăm lo phần mộ và thờ cúng gia tiên cho đúng; báo hiếu thứ hai là phải biết chăm sóc ông bà – bố mẹ - anh chị em. Thế nên Phật dạy “tu đâu không bằng tu tại gia” chính là việc báo hiếu, sau nữa mới tu chợ, rồi mới tu chùa.
Phòng thờ và Ban thờ là gì?
Phòng thờ là không gian đặt ban thờ và dành riêng cho việc cúng bái – tế lễ. Ban thờ là nơi đặt bát hương và các đồ thờ, các đồ cúng lễ.Theo tâm linh thì phòng thờ là không gian làm việc, nơi ngự của “người âm”. Ban thờ chính là bàn làm việc – là nơi ăn – là nơi nghỉ ngơi của “người âm”. Khi chúng ta đặt ban thờ - bát hương – đồ thờ cúng, rồi thắp hương thì người âm họ mặc định nơi đó là không gian dành cho họ. Giống như trên trần gian, một tòa nhà mới xây xong, chúng ta gắn biển các phòng ban: phòng chủ tịch hội đồng quản trị, phòng tổng giám đốc… phòng bảo vệ. Thì khi mọi người chuyển đến đó để làm việc thì phòng ai người đó ngồi, chủ tịch vào phòng chủ tịch, tổng giám đốc vào phòng giám đốc, bảo vệ vào phòng bảo vệ. Các đồ đạc trong phòng gồm: bàn làm việc, ghế ngồi, bàn ghế khác, tủ tài liệu, giường nghỉ trưa… là các đồ để chủ nhân phòng đó ngồi làm việc – tiếp khách – nghỉ ngơi. Nếu trong phòng trống trơn không có đồ đạc thì chủ nhân phòng đó đi vào rồi lại bỏ đi ra, đương nhiên là vì không có đồ đạc gì rồi. Cũng tương tự dù phòng đó có ban thờ nhưng không có bát hương + đồ thờ cúng thì “người âm” họ có vào cũng không ngự. Cốt trong bát hương ghi sai, tức là bát hương thờ gia tiên thì ghi của các quan, vị trí đặt bát hương các quan lại đặt nhầm là bát bà cô ông mãnh – cô cậu thì gia tiên và bà cô ông mãnh cũng không được ngự trên ban thờ.
Trên ban thờ trong một gia đình, thường thờ những ai, thờ mấy bát hương. Đất có Thổ công, sông có hà bá là câu ai ai cũng biết. Vậy với một gia đình thông thường thì việc thờ cúng các quan là : Thổ Công, Thổ Địa, Long Mạch, Táo Quân, Thần Đất, Ngũ phương, Ngũ thổ, Phúc đức Tôn thần, Ngài Tiền hậu địa chủ tài thần. Tiếp nữa là thờ: Gia tiên tiền tổ cụ kỵ ông bà và Bà cô -Ông mãnh, cô cậu, huyền cô, huyền cậu của dòng họ. Như vậy trên ban thờ một gia đình thông thường sẽ thờ 3 bát hương. Bát ở giữa to nhất – cao nhất là thờ các quan, bát bên phải - khi đứng nhìn vào ban thờ là thờ Gia tiên tiền tổ cụ kỵ ông bà, bát bên trái – khi đứng nhìn vào ban thờ là thờ “Bà cô, ông mãnh, cô cậu, huyền cô, huyền cậu”. Nhiều gia đình chỉ thờ chung vào có một bát, với lại nhiều nhà là con thứ nên cũng chỉ thờ có một bát hương các quan Thần Linh. Như thế có đúng không, có được không? Theo kinh nghiệm của tôi thì ban thờ tốt nhất cho một nhà là nên đủ 3 bát hương. Vì trong những ngày Tết, giỗ, mùng một, ngày rằm khi cúng chúng ta đều mời đầy đủ các vị về, mà bát hương là nơi để các vị ngự, nếu đặt chung một bát hương có nghĩa là ngự chung một bát hương là không đúng ngôi thứ - chồng lấn lên nhau. Bát hương của các quan thì gia tiên không thể ngự cùng, giống trong một công ty phòng lãnh đạo thì nhân viên không được phép ngồi luôn đó làm việc, trong nhà mâm các ông các bác cũng không thể cho trẻ nhỏ ngồi uống rượu cùng. Nếu chỉ đặt một bát hương thì gia tiên về không có chỗ ngự, không có chỗ ngự thì con cháu xin lộc – xin công danh – xin bình an… thì gia tiên cũng không cho. Là con thứ cũng như con trưởng, đều được gia tiên cho lộc, nếu nghĩ là con thứ mà không đặt đủ bát hương giống như nhà ở của con thứ không có phòng ngủ dành cho bố mẹ lên chơi, thì bố mẹ muốn lên thì cũng không có chỗ ngự.
Trong nhà có ban thờ Phật và ban thờ thần tài thì bố trí như thế nào cho hợp
Đây là câu hỏi của anh Phạm Minh Hạnh. Về điều này, tôi xin trả lời như sau: Về nguyên tắc ban thờ Phật bố trí phải ở cao nhất là đúng rồi, về hướng của ban thờ Phật và ban thờ các Quan thần linh và Gia tiên hướng ra cửa chính là chuẩn rồi, lưu ý là đằng sau phải là bức tường chứ không để vách lửng hay vách có ô thoáng. Về việc sắp đặt vị trí ban thờ phải là chính ngôi chính diện, với mô tả như của gia chủ thì ban thờ Phật đang đặt vào góc nhà thì chưa được chuẩn lắm. Khi một nhà có tâm thờ thêm Đức Phật thì nên tôn cấp lập thờ, ban thờ Phật ở trên cao, sau đó ban thờ các Quan và gia tiên ở dưới, đặt khu ban thờ sao cho chính ngôi và đăng đối với không gian của phòng.
Về ban thờ ông thần tài và ông địa là phải đặt vị trí gần cửa ra vào nhất, chọn được cung vị hợp lý về công năng và vượng khí theo phong thủy. Lưu ý tại nhà mà không kinh doanh gì, không bán hàng, không ở công ty thì không nên thờ ban thờ ông thần tài và ông địa. Vì các Ngài đó là mời và đón khách hàng theo đường âm, mà tại gia không kinh doanh thì thờ cũng không có tác dụng. Theo như mô tả của anh tại số báo trước thì nhà anh cách mặt đường đến vài chục mét, phòng khách giáp sân thì đâu có kinh doanh gì. Ngoài việc bố trí vị trí và hướng các ban thờ thì bố trí đồ thờ trên ban đã đúng hay chưa, đã đủ hay chưa, việc thờ cúng vào các ngày quan trọng đã đúng hay chưa cũng ảnh hưởng rất lớn tới tài lộc của gia chủ.