Mặc dù cây sung mang ý nghĩa cát lành, nhưng không phải ai cũng có thể trồng được cây này để làm cảnh, chiêu tài đón lộc, tăng vượng khí cho gia đình.
Cây sung có tên khoa học Ficus racemosa, thuộc họ dâu tằm. Loại cây này có thể trồng để làm cảnh hoặc tạo bóng mát, lấy quả ăn. Cụ thể, quả sung có thể dùng để chế biến thành nhiều món ăn như muối chua, kho cá, ăn sống,… Không những vậy, lá sung còn được dùng để ăn kèm với các món nem, thịt chua,…
Trong y học cổ truyền, quả sung còn có tác dụng tăng cường tiêu hóa, tiêu thũng, giải độc, trị viêm ruột, kiết lỵ, đại tiện bí, trĩ, đau họng, mụn nhọt mẩn ngứa...
Trồng một cây sung trước nhà con cháu đời đời sung túc?
Sung là một trong những cây nằm trong bộ Tứ linh gồm cây Đa, cây Sung, cây Sanh và cây Si và bộ Tam Đa gồm cây Sung (Phúc), cây Lộc vừng (Lộc), cây Vạn Tuế (Thọ). Trong phong thủy, loại cây này mang đến sự may mắn, ấm no, sự sung túc và đủ đầy cho gia đình.
Ngoài ra, những quả sung mọc thành từng chùm, đan xen khít lấy nhau tượng trưng cho sự gắn kết, các thành viên trong gia đình hòa thuận, đùm bọc lẫn nhau, gia đình bình an, hạnh phúc.
Chính vì vậy nhiều người tin rằng, bày quả sung trên mâm ngũ quả vào ngày Tết hoặc trồng cây sung trong sân vườn nhà, trước cửa nhà sẽ mang lại phú quý cho gia chủ, giúp con cháu có cuộc sống sung túc, ấm no.
Tuy nhiên, cây sung ta là loại cây thân gỗ, cao khoảng 10 - 25m, là loại cây lớn, cành lá sum suê nên khi trồng trước nhà gia chủ cần phải cân nhắc. Bởi việc trồng cây sung trước nhà sẽ tốn khá nhiều diện tích, đồng thời cần cắt tỉa thường xuyên nếu không có thể sẽ cản trở những luồng dương khí, tài lộc vào nhà.
Nếu đất hẹp, không có nhiều diện tích trước nhà thì bạn có thể trồng cây sung bonsai hoặc cây sung Mỹ trong chậu. Như vậy có thể dễ dàng di chuyển, dễ cắt tỉa và ít tốn diện tích đất hơn.
Thế nhưng, dù là cây sung ta, sung Mỹ hay cây sung bonsai,… thì gia chủ nên trồng một bên cổng nhà, điều này sẽ giúp gia chủ thu hút tài lộc và may mắn. Trồng cây sung bên trái sẽ thu hút sự may mắn và bình an, bên phải sẽ thu hút tài lộc, đường công danh sự nghiệp hanh thông. Tùy thuộc vào mục đích cá nhân, gia chủ có thể chọn một trong hai bên để trồng cây sung hoặc đặt đối xứng hai bên.
Cây sung Mỹ.
Tuyệt đối không trồng cây sung chính giữa cổng, nếu không dù nó có mang ý nghĩa cát lành đến đâu cũng sẽ ngăn cản những luồng khí lưu thông vào nhà, gây ảnh hưởng đến tiền tài và sự may mắn của gia đình.
Nhưng lưu ý, nếu trồng sung ta, cây bonsai để thu hút tài lộc thì nên tránh hái quả cho người ngoài, vì như vậy chẳng khác gì bạn đang đưa lộc của mình cho người khác, khiến bạn bị mất lộc. Do đó với những cây sung bonsai, tốt hơn hết nên để quả chín và tự rụng xuống, không nên hái.
Người tuổi nào hợp trồng cây sung nhất?
Mặc dù cây sung mang ý nghĩa cát lành, nhưng không phải ai cũng có thể trồng được cây này để làm cảnh, chiêu tài đón lộc, tăng vượng khí cho gia đình. Loại cây này chỉ phù hợp với người mệnh Mộc và mệnh Hỏa.
Đặc biệt là những người tuổi Dần, Thìn, Tỵ và Mùi. Những người này trồng cây sung bonsai sẽ được hưởng lợi từ năng lượng tích cực mà cây sung mang lại, giúp cân bằng âm dương và tăng cường may mắn, tài lộc trong cuộc sống, gia đình luôn sum vầy và hạnh phúc.
(*) Thông tin chỉ mang tính tham khảo, chiêm nghiệm!
Cách trồng và chăm sóc cây sung
Khi trồng cây sung, nhất là cây sung bonsai thì đa số đều mua cây non về trồng để tiết kiệm thời gian và chi phí. Tuy nhiên, bạn cũng có thể tự mình giâm cành.
Thời điểm cắt cành giâm có thể được thực hiện quanh năm, chỉ cần nhiệt độ không quá cao hoặc quá thấp. Khi cắt cành nên chọn cành bánh tẻ, cắt từng đoạn dài khoảng 10cm, có khoảng 2-3 điểm chồi. Vặt bỏ hết quả và lá trên cành, ngâm cành giâm vào nước kích rễ khoảng 1 tiếng (nếu không có cũng không sao) rồi cắm vào bầu đất tơi xốp.
Cách giâm cành cây sung.
Đặt bầu cây ở nơi râm mát, thoáng gió, đợi lá mọc lên mới bắt đầu đem ra phơi nắng. Lúc này bạn cũng có thể chuyển cây sang chậu cây mới hoặc trồng trong đất.
Cây sung có sức đề kháng khá cao, không tốn nhiều công chăm sóc nhưng muốn cây chắc khỏe, ra quả nhiều thì bạn cần chú ý tới những điều sau:
- Đất trồng: Nên chọn đất có khả năng thoát nước và giữ ẩm tốt, có độ tơi xốp như đất mùn. Nhưng không nên lựa chọn đất cát hoặc đất sỏi để trồng cây sung vì loại đất này có khả năng giữ ẩm khá kém.
- Ánh sáng: Đây là loại cây ưa nắng, vì vậy hãy đặt cây ở những nơi có nhiều ánh sáng. Nhưng với những chậu cây sung bonsai, vào mùa hè bạn nên chú ý che nắng cho cây, tránh để cây tiếp xúc với nắng gắt quá lâu kẻo tán lá sẽ bị mỏng, làm mất giá trị làm cảnh của cây.
- Tưới nước: Cây sung rất háo nước, vì vậy bạn cần đảm bảo đủ lượng nước cho cây. Mỗi tuần nên tưới từ 2-3 lần, vào mùa hè có thể tăng lên 4-5 lần.
- Cắt tỉa: Để kiểm soát tốc độ sinh trưởng và hình dáng của cây sung, bạn cần cắt tỉa thường xuyên. Cắt tỉa giúp cây đạt được hình dạng mong muốn đồng thời thúc đẩy sự phát triển của cây, giúp cây ra quả nhiều hơn. Đặc biệt với cây sung bonsai, hãy cắt tỉa những cành lá vươn quá dài và uốn theo ý muốn của bạn.
- Bón phân: Cây sung, nhất là cây sung Mỹ, là loại cây cần nhiều chất dinh dưỡng nên bạn cần bón phân thường xuyên. Mùa xuân và mùa thu là thời điểm tốt nhất để bón phân.