Từ album "cửa thơm mùi nắng" mang đầy tính bản năng đến "A Diary of Melody", Hoàng Quyên sau 1 thập kỷ hoạt động âm nhạc vẫn là Hoàng Quyên, nhưng trở thành người viết ca khúc đưa lại tâm thế "làm chủ" và giúp lột tả nội tâm tĩnh tại, thẩm thấu triệt để bản thân mình.
Nhắc đến Hoàng Quyên, tức thì ta nghĩ đến một "đoá hoa rừng" man sơ, đến mức hơi xa cách với đám đông thị hiếu và những cơn sóng của thị trường. Cái tên Hoàng Quyên được biết đến sau Vietnam Idol, thế nhưng hành trình dấn sâu vào âm nhạc của cô gái này lại không hào nhoáng hay ồn ào như bóng của một thần tượng. Quyên chọn con đường "vị nghệ thuật", tôn trọng sự vị kỷ của bản thân bằng thứ âm nhạc như tiếng lòng suy tư và ngẫm ngợi, bền bỉ suốt 1 thập kỷ, chinh phục chính mình với nhiều thể thức khác nhau.
Và, cũng chính Quyên, là một minh chứng hiển hiện nhất cho sự chân thành và lì lợm của những nghệ sĩ nguyên bản, khi chính điều gì nguyên khối, khó gần lại tạo ra những kẻ mộ điệu bền bỉ nhất bên cạnh mình. Quyên không có, chính xác là cô cũng chả thiết tha, những con số mang tính thi đua ở các bảng xếp hạng âm nhạc, nhưng 2 liveshow lẫn những đêm nhạc của cô nàng lại luôn đủ nhiều khán giả trong khán phòng, đặc biệt là những gương mặt thân quen, ở đó và lớn lên cùng với âm nhạc của Quyên.
Tính từ The Square ra mắt vào Valetine năm ngoái, A Diary of Melody không chỉ là album phòng thu thứ 4 hay một cuộc "triển lãm" duy mỹ, chắt chiu thứ âm nhạc riêng biệt của Hoàng Quyên. Mà đó còn là một câu trả lời nhẹ tênh nhưng lại đầy sức nặng tâm hồn của một Hoàng Quyên phiên bản mới và tốt nhất với người viết - nghệ sĩ tự sáng tác và làm nhạc. Mọi thứ xoay quanh Quyên, từ âm nhạc đến cả các câu chuyện hơi riêng tư đều được Quyên tận dụng thành chất liệu sáng tác. Nhưng thay vì phát tiết cảm xúc một cách kịch tính, Quyên tiếp thu và chuyển hoá chúng một cách bình thản. Sự thẩm thấu triệt để nội tâm này thể hiện rất rõ trong 8 ca khúc, vừa mộc lại vừa lớp lang, như cách chúng ta luôn hướng đến sự tĩnh tại giữa rất nhiều hỗn mang đang xoay vần.
A Diary of Melody thực sự là một trải nghiệm nghệ thuật duy mỹ và vị kỷ. Quyên thu nhặt không bỏ sót bất kỳ cảm xúc nào trong cuộc sống, tôi luyện chúng bằng âm nhạc và thách thức, gói ghém hoàn hảo trong phiên bản nâng cấp của chính mình. Không khó để thấy được sự sắp đặt trong cách biên tập các ca khúc, những không gian được bố trí và xâu chuỗi trên nền tảng một sự di chuyển từ ngoài vào trong, từ các hình thái đến sắc thái, từ ngoại vi đến nội tại, từ bao la thế giới vào tâm hồn.
Nghe hết 8 ca khúc cứ như vừa cùng cô gái này thực hiện xong một chuyến hành hương vào thế giới nội tâm. Một chuyến đi từ tốn và không dư thừa, cảm xúc được đặt để và buông lơi đúng chỗ để rồi cuối cùng kết tinh thành một thứ chiết xuất quý giá.
Quyên chọn điểm khởi đầu bằng không gian và ngoại cảnh, bằng những ngày mưa trời buồn hay cái trong trẻo ở góc ban công, như một lời chạm ngỏ hãy còn ngây thơ và e ngại bởi vô vàn xúc cảm của cuộc đời. Như cái cách mà chúng ta hồ hởi đón lấy những trải nghiệm sống của tuổi trẻ, của xê dịch và cả những thức ngộ sau đó.
Với những biến chuyển rất tỉ mỉ trong ca từ, cách khai thác giai điệu và hợp âm, vận dụng kết hợp các thể loại trên cốt lõi là Pop, Quyên dấn sâu vào chuyến hành trình "phơi bày nội tâm" sâu thẳm, ẩn mật một cách bình tĩnh và ung dung, kể cả trong những giai đoạn chìm sâu nhất vào chiêm nghiệm. Cái hay ho của Life chính là cảm giác kiên quyết khi cô đối mặt với hiện sinh để tìm câu trả lời. Cảm giác nhiều lớp, ngóc ngách và khúc khuỷu đến mức hơi khó tiêu thụ của ca khúc này lại như bước ngoặt quan trọng của chuyến đi, như "bản lề" để nhân vật chính bước sâu hơn và làm chủ phía trong mình.
Khó mà phủ nhận được trường năng lượng kết nối giữa các khúc. Nó như một lực hút nam châm ngày càng mạnh và chặt, để gắn kết động lực nội sinh và ngoại sinh, như một "vỡ lẽ" để hiểu ra căn nguyên của sự phức tạp là giản đơn. "Em đã thấy sự sống có màu nâu/ Là màu ngàn đời của điều cốt lõi/ Em đã thấy sự sống có màu lung linh/ Là màu tình yêu/ Là màu tinh tú/ Màu của mỗi bản thân" (trích Life).
Nhiều hình ảnh được xâu chuỗi của 8 ca khúc tạo nên sự tương phản và biến chuyển có chủ đích. Sự nồng nhiệt và lạnh nhạt của gắn kết, cảm giác mâu thuẫn giữa sở hữu và cho đi, nỗi buồn của cá nhân và của vạn vật... tất thảy đều có một hành trình để trở nên khác biệt và thoát ra một cách tích cực, hoan ca, đầy màu sắc.
Mọi chuyến đi đều có ý nghĩa và giá trị. Nhưng chuyến đi vào tận cùng tâm khảm của bản thân để hiểu ra, để chấp nhận và nâng niu là chuyến đi chỉ xuất hiện vào đúng thời điểm "chín cây" của cuộc đời. Rõ ràng khi Quyên bước vào địa phận của một người viết nhạc, cô ấy dần thay đổi được trường năng lượng bao bọc xung quanh nghệ thuật của mình. Vẫn là một Hoàng Quyên đầy vị kỷ với chất giọng alto hiếm có khó tìm, nhưng Quyên lại mềm mại và bay bổng hơn với A Diary of Melody.
Càng đến cuối chuyến hành trình, những ca khúc càng bao gói sự dịu dàng và cảm giác được thoát ly khỏi tất cả khuôn mẫu có sẵn.
Phóng khoáng và vô cùng thoải mái, Quyên cùng Hoàng Hiệp trong Bốn mùa để yêu thực sự khiến cho âm thanh "trổ hoa" bên trong tai của người nghe. Để đến khi sự thăng hoa cùng nghệ sĩ quốc tế Thanh Bùi trong Colors đóng gói chuyến hành hương thực sự đẳng cấp, bằng dư âm tràn trề của hạnh phúc và tự do.
Quyên thực sự đã được tái sinh thông qua album này, qua cách mà cô thẩm thấu những lớp cảm xúc và trải nghiệm của cuộc sống, âm nhạc và sự tôn trọng chính mình. Hoàn toàn hợp lý khi Quyên cùng ekip của mình ghi lại dấu ấn này bằng một chuỗi những thể thức nghệ thuật khác nhau, từ album vật lý giới hạn bằng chất liệu sơn mài cho đến triển lãm nghệ thuật giao thoa âm nhạc, hội hoạ, sắp đặt và liveshow vào năm sau.
Quyên Gallery No.1 chính là một dấu son, là thành tựu của Hoàng Quyên sau 1 thập kỷ bước ra ánh sáng. Có lẽ bản thân Quyên sẽ càng xúc động hơn ai hết sau khi hoàn thành xong album này, rằng thứ hào quang tuyệt nhất của một ca sĩ chính là được đi đến cùng triết lý âm nhạc của mình, bằng sự tự tôn và nâng niu hết mực.