Giành giật sự sống cho cháu bé sinh thiếu tháng nặng 1,4kg nhiều lần thoát cửa tử

Ngày 17/04/2023 22:35 PM (GMT+7)

Đại diện Bệnh viện Việt Nam -Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết, sau gần 2 tháng, với 3 lần cấp cứu và liên tục theo dõi điều trị tích cực, đến nay bé L.B.T. đã qua cơn nguy kịch, được rút ống thở, rút ống nội khí quản…

Đại diện Bệnh viện Việt Nam -Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết, sau gần 2 tháng, với 3 lần cấp cứu và liên tục theo dõi điều trị tích cực, đến nay bé L.B.T. đã qua cơn nguy kịch, được rút ống thở, rút ống nội khí quản…

Theo đó, ngày 25/2, Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí tiếp nhận bé L.B.T vừa chào đời trong tình trạng nguy kịch. Cháu bé được bác sĩ chẩn đoán bị xuất huyết phổi trên nền sinh non 29 tuần, suy hô hấp nặng. Đây là tình trạng vô cùng nguy hiểm ở trẻ sinh non tháng, tiên lượng rất nặng nề, nguy cơ tử vong cao.

Cháu T. chào đời nặng 1,4 kg, sau sinh toàn thân tím tái, phản xạ yếu, khóc rên, rút lõm lồng ngực, miệng đùn bọt cua, SpO2 88%, nhịp tim nhanh 160 lần/phút. Sau 23h chào đời, trẻ còn xuất hiện nhiều máu tươi ở nội khí quản.

Tình trạng trẻ hiện tại đã ổn định và đang được tiếp tục theo dõi tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí

Tình trạng trẻ hiện tại đã ổn định và đang được tiếp tục theo dõi tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí

Qua khai thác tiền sử, được biết, chị V.T.L, 28 tuổi (trú tại phường Phương Nam, TP. Uông Bí, mẹ cháu bé) mang gen tan máu bẩm sinh (thalassemia). Năm 2016, sản phụ mang thai lần đầu và sinh non ở tuần thai 26 và bé L.B.T. là con thứ hai.

Trong quá trình mang thai bé T., sản phụ không làm xét nghiệm sàng lọc đầy đủ và đến ngày 25/2, khi đang ở tuần thai 29, chị L. đau bụng, vỡ ối và sinh bé T. bằng phương pháp sinh mổ tại Bệnh viện Việt Nam -Thụy Điển Uông Bí.

Ngay khi được chuyển đến Khoa Sơ sinh, các bác sĩ nhanh chóng xử trí cấp cứu cho bé T., nhưng trẻ không đáp ứng với thở máy thông thường nên đã được chuyển thở máy cao tần HFO; kết hợp đặt huyết áp động mạch xâm lấn, theo dõi nguy cơ truỵ mạch, bơm sunfactant.

Trong quá trình theo dõi cấp cứu, nhiều lần trẻ diễn biến xấu với tình trạng rối loạn đông máu nặng, nhiễm trùng huyết và có 2 lần xuất huyết phổi số lượng nhiều. Ngay lập tức, bé T. được xử trí cấp cứu xuất huyết phổi, duy trì an thần thở máy, duy trì vận mạch, kháng sinh và nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn. Trẻ được truyền máu 6 lần với hơn 90 ml máu và huyết tương, 56 ml khối hồng cầu để điều trị tình trạng rối loạn đông máu.

Sau gần 2 tháng, với 3 lần cấp cứu và liên tục theo dõi điều trị tích cực; đến nay bé T. đã qua cơn nguy kịch, được rút ống thở, rút ống nội khí quản, tăng thêm 200 gram cân nặng; tình trạng viêm phổi, nhiễm trùng thuyên giảm.

Hiện tại, cháu bé đang được hướng dẫn ấp Kangaroo kích thích tiêu hoá, thở oxy qua mask, ăn sữa mẹ qua sonde. Dự kiến trẻ sẽ đủ điều kiện ra viện khi được dừng hỗ trợ thở oxy qua mask, tăng từ 1,9 đến 2 kg cân nặng…

Liên quan đến tình trạng bệnh của trẻ, bác sĩ Khoa Sơ sinh cho biết, có nhiều nguyên nhân gây xuất huyết phổi ở trẻ sơ sinh; trong đó có nguyên nhân giảm Prothrombin trong máu, do chức năng tổng hợp của gan còn yếu, hoặc do thiếu vitamin K từ người mẹ dẫn đến gan không tổng hợp được đủ prothrombin, từ đó gây xuất huyết phổi và não ở trẻ sơ sinh.

Do đó, để giảm thiểu tình trạng này, các bác sĩ Bệnh viện khuyên phụ nữ mang thai cần quản lý thai kỳ tốt, kiểm soát các bệnh lý nền, đảm bảo trẻ sinh đủ tháng, đủ cân nặng và khỏe mạnh. Cùng với đó, phụ nữ mang thai nên có chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung đủ các loại rau xanh và dầu tự nhiên vì đây là nguồn thực phẩm chứa nhiều vitamin K.

Thấy thai nhi đạp liên tục vào bụng mẹ, thai phụ đi kiểm tra nhận kết quả choáng váng
Sản phụ không ngờ rằng bản thân mình lại đón nhận tin tức không mấy vui vẻ như vậy.

Câu chuyện mang thai

Đức Tùy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu