Đám cưới được tổ chức tối giản, nhanh gọn và hơn hết là tiết kiệm chi phí đang là ưu tiên của các cặp đôi trẻ.
Trong thời buổi suy thoái kinh tế, vật giá thì leo thang, nhiều cặp đôi trẻ đã quyết định tự mình chuẩn bị, tổ chức đám cưới để có thể tiết kiệm chi phí. Mặc dù phải lo toan nhiều hơn, bỏ nhiều công sức hơn nhưng có thể tiết kiệm đến vài chục triệu đồng.
Anh Minh (25 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Vợ chồng mình vừa mới tổ chức đám cưới vào tháng trước. Cả hai đều còn trẻ, đi làm chưa được bao lâu nên chưa có khoản tiết kiệm gì nhiều. Bố mẹ hai bên cũng khó hỗ trợ được gì. Vì vậy bọn mình quyết định tự tổ chức đám cưới tại nhà. Lược bớt một số khâu phức tạp, giảm bớt khách mời, chỉ còn 10 mâm cỗ. Tổng chi phí bọn mình bỏ ra chỉ khoảng 30 triệu đồng thôi.”
Chị Vân (24 tuổi, Nam Định) chia sẻ: “Mình và bạn trai cũng đã tính đến chuyện cưới xin. Tính mình đơn giản nên muốn tổ chức tiệc thật gọn nhẹ và tiết kiệm. Cũng phải tính đi tính lại nhiều khoản và mình thấy tự làm đúng là tốn khá nhiều công sức. Nhưng để tiết kiệm chi phí thì đành phải bỏ công nhiều hơn để bù vào thôi”.
Từ xưa đến nay, việc tổ chức tiệc cưới tại nhà là một nghi thức và hiện tại vẫn được nhiều người lựa chọn. Ngày cưới là ngày lễ trọng đại của cả đời người đối với các cặp đôi, vì vậy những chuẩn bị cho ngày lễ này phải được lên kế hoạch rất tỉ mỉ. Ở các thành phố, do không gian hạn chế nên các cặp đôi thường thuê địa điểm tổ chức tại nhà hàng. Còn đa phần, ở những vùng thôn quê, đám cưới được tổ chức tại nhà với sự góp mặt đông đủ của quan viên hai họ.
Tổ chức đám cưới tại nhà theo nhiều người sẽ tiết kiệm hơn nhưng sẽ có nhiều việc cần lo lắng hơn, bạn sẽ vất vả nhiều hơn rất nhiều so với việc tổ chức cưới tại nhà hàng, bởi vậy nên bạn cần lưu ý nhiều điều.
Những lưu ý cần “nằm lòng” khi muốn tự tổ chức đám cưới
Lên kế hoạch chi tiết
Đám cưới là một ngày lễ lớn trong đời mỗi người, vì vậy trước khi bắt tay vào việc tổ chức thì bạn cần phải có một bản kế hoạch kĩ lưỡng và chi tiết. Bạn nên ghi ra những đầu mục chính như trang trí, khách mời, thực đơn… và những đầu mục nhỏ để xử lý từng việc một. Khi tổ chức bạn cứ bám sát các đầu việc trong kế hoạch là được, việc này sẽ giúp bạn tiết kiệm công sức cũng như tối ưu được chi phí bỏ ra.
Lập kế hoạch kinh phí tổ chức đám cưới
Khi tổ chức đám cưới, việc lên kế hoạch chi tiết bao nhiêu sẽ giúp bạn thuận tiện để tính toán kinh phí bấy nhiêu. Bạn cần liệt kê các chi phí như thực đơn đãi khách, chụp ảnh cưới, quay phim cho lễ cưới hỏi, chụp hình & quay phóng sự ngày cưới, mua nhẫn cưới, trang phục của cô dâu chú rể, trang điểm, in thiệp mời, thuê xe hoa, hoa cưới trang trí,… và một số khoản chi phí phát sinh.
Từ đó, tùy vào nhu cầu mỗi cặp đôi mà lựa chọn các dịch vụ phù hợp. Ví dụ bạn có thể tiết kiệm khoản chụp ảnh cưới bằng một bộ ảnh trong studio đơn giản (giá chỉ khoảng 2 triệu đồng). Trong ngày cưới hỏi chỉ cần 1 thợ chụp ảnh, có thể lược bớt phần quay phóng sự (khá tốn kém)…
Một số khoản bạn có thể cân nhắc bỏ qua nếu muốn tiết kiệm chi phí:
Tiệc dựng rạp: Nhiều nơi có tục tổ chức tiệc vào buổi tối ngày hôm trước diễn ra lễ cưới, gọi là tiệc dựng rạp. Bạn có thể bỏ qua phần này để có thể tập trung sức khỏe vào buổi lễ chính ngày hôm sau.
Thuê MC: Có thể tiết kiệm chi phí này bằng cách nhờ bạn bè hoặc người thân có khả năng giao tiếp, hoạt ngôn làm MC cho đám cưới.
Quay phóng sự cưới: Bạn có thể bỏ qua khoản này vì nó giúp bạn tiết kiệm được kha khá chi phí.
Thuê người biểu diễn văn nghệ: Các tiết mục văn nghệ trong đám cưới có thể được lược bỏ, thay vào đó bạn có thể mời họ hàng, bạn bè lên hát hò, vừa vui vừa tiết kiệm chi phí.
Thuê người bê tráp: Thay vì thuê người bê tráp bạn có thể nhờ bạn bè thân quen bê tráp giúp.
Xem xét không gian có đủ tổ chức tiệc cưới tại gia hay không
Để tổ chức một tiệc cưới tại gia thì không gian ngôi nhà cần phải đủ lớn, lối đi hay chỗ tiếp khách cần phải có đủ diện tích nếu không sẽ rất hỗn loạn và chật chội, đem lại trải nghiệm không tốt cho khách mời. Tốt nhất, bạn cần cân đối số lượng khách mời sau đó là sắp xếp số lượng bàn tiệc để không gian hợp lý nhất có thể.
Nếu bạn sống ở thành phố thì bạn cần tính đến một vài phương án. Bạn có thể chọn các nhà văn hóa tại phường xóm, sân bóng, hoặc dựng phông bạt trong ngõ hoặc đường đi (nếu có điều kiện). Rạp nên có mức chứa phù hợp với lượng khách mời, cần dựng chắc chắn, vừa để che mưa nắng, vừa là nơi đặt tiệc đãi khách.
Lên danh sách khách mời
Sau khi đã có kế hoạch về địa điểm dựng rạp, bạn cần lên danh sách khách mời. Nếu xác định cần tiết kiệm và tổ chức tiệc cưới tại gia, bạn phải hạn chế số lượng khách mời bởi nó phụ thuộc vào địa điểm bạn tổ chức. Nếu làm tiệc tại nhà thì không thể chứa quá đông khách được.
Xe hoa và xe đưa đón gia đình
Theo phong tục cưới hỏi truyền thống của Việt Nam, nhà trai sẽ đi xe đến nhà gái để đón dâu. Trong đám cưới, ngoài đội bê tráp, một số người nhà trai sẽ đi cùng chú rể để tới gặp mặt gia đình cô dâu. Gia đình chú rể cần chuẩn bị chu đáo trong việc tính toán số lượng người đi xe để có sự chuẩn bị hợp lý nhất.
Trang trí cho hôn lễ
Để trang trí cho hôn lễ, bạn đừng quên chuẩn bị chu đáo cho backdrop. Trên backdrop sẽ là ảnh cưới của cô dâu chú rể và những thông tin ngắn gọn về tên và ngày cưới của hai nhân vật chính.
Lựa chọn tổ chức tại nhà là bạn đã chọn cách tổ chức giản dị và ít sự cầu kỳ như khi tổ chức tiệc cưới tại nhà hàng. Lễ cưới của bạn có thể không trang trí bắt mắt với hoa tươi, đèn nến lung linh nhưng vẫn cần có các phụ kiện tối thiểu như chữ “Hỷ” đỏ, bảng tân hôn và vu quy, cổng chào với hoa và bóng cũng không thể thiếu. Nếu muốn đơn giản, cô dâu chú rể nên chọn cổng bóng hoặc cổng hoa giả để trang trí cho ngôi nhà.
Đãi tiệc cưới
Đãi tiệc mời khách là một phần không thể thiếu và vấn đề này thường là vấn đề khó khăn nhất. Dự trù số lượng khách mời sẽ đến để phần cỗ vừa đủ tránh lãng phí.
Bạn có thể nhờ người thân giúp đỡ trong việc nấu cỗ nếu như gia đình bạn muốn tự chuẩn bị cỗ, và gia đình bạn sẽ người lên thực đơn và phân công nấu nướng. Nhưng để đỡ vất vả hơn, bạn có thể thuê người nấu cỗ, và tất nhiên là nên chọn những nơi có kinh nghiệm bằng cách nhờ người quen giới thiệu những chỗ làm tốt. Giá 1 mâm cỗ cho 6 người khoảng từ 1.2 triệu đồng.
Lựa chọn trang phục
Cô dâu nào cũng muốn mình đẹp nhất trong ngày cưới. Giờ đây thay vì thuê một bộ váy cười vài chục triệu để mặc vài tiếng đồng hồ thì nhiều cô dâu lựa chọn mua váy cưới hàng thanh lý hoặc những chiếc váy cưới nhẹ nhàng, phù hợp cả lúc đi tiệc. Giá của những chiếc váy này chỉ khoảng từ 1.5 triệu đồ trở lên.
Thế nhưng có lưu ý nhỏ đó là bạn nên tìm hiểu rõ các cơ sở bán váy, đến tận nơi thử váy cho đến khi ưng ý.
Âm thanh và ánh sáng tiệc cưới
Vấn đề âm thanh ánh sáng trong tiệc cưới tại gia dù không quá quan trọng như ở nhà hàng, nhưng bạn cũng nên chuẩn bị chu đáo. Không gian bên trong rạp thường tối nên bạn cần phải lưu ý về việc lắp đặt những bóng đèn chiếu sáng.
Ngoài ra, nếu tổ chức cưới vào mùa hè, bạn cần chuẩn bị nhiều quạt điện để đỡ nóng bức.