Đến tháng cuối thai kỳ, cơ thể người mẹ sẽ có những dấu hiệu cho thấy thai nhi chuẩn bị chào đời.
Ở những tháng cuối thai kỳ, chắc hẳn mẹ bầu nào cũng hồi hộp, lo lắng không biết khi nào em bé sẽ chào đời. Và một trong những dấu hiệu sắp sinh dễ thấy nhất là thai nhi tụt xuống đáy xương chậu. Thông thường, thời gian thai nhi tụt xuống có thể là từ 2-4 tuần trước ngày dự sinh với mẹ mang thai lần đầu và muộn hơn một chút với những mẹ đã từng sinh nở. Vậy tại sao thai nhi lại tụt xuống và dấu hiệu nào cho thấy việc này đã xảy ra.
Tại sao thai nhi lại tụt xuống?
Thai nhi tụt xuống là dấu hiệu mẹ đã sắp đến ngày sinh nở. (Ảnh minh họa)
Khi em bé trong bụng mẹ bắt đầu cuộc hành trình gian nan đến với thế giới bên ngoài, thì cơ thể người mẹ sẽ thay đổi để tạo điều kiện tốt nhất cho em bé thoát ra khỏi tử cung. Bước đầu tiên là chuẩn bị lối ra, nghĩa là bé phải di chuyển xuống phía dưới xương chậu và đây cũng là cách cơ thể chuẩn bị để sinh con. Quá trình này sẽ làm kéo dài các cơ, giúp cho việc sinh nở dễ dàng hơn.
Dấu hiệu nhận biết thai nhi đã tụt xuống
Đây chắc chắn là vấn đề được các mẹ bầu quan tâm nhất. Thực tế thì có một số dấu hiệu sẽ cho bạn biết rằng em bé đang bắt đầu cuộc hành trình đến với thế giới bên ngoài. Nếu bạn để ý đến những thay đổi của cơ thể, chắc chắn sẽ nhận ra những dấu hiệu sau:
Thay đổi bề ngoài của bụng bầu
Đây là dấu hiệu dễ nhận thấy nhất và các mẹ thường gọi là "tụt bụng". Mẹ bầu sẽ dễ dàng nhận ra bụng mình đã tụt xuống, cách xa chân ngực hơn so với quãng thời gian trước đó.
Khi thai nhi đi vào vùng đáy xương chậu, mẹ có thể nhận thấy bụng bầu tụt xuống . (Ảnh minh họa)
Đi tiểu thường xuyên
Khi bé di chuyển xuống dưới, thai nhi sẽ gây áp lực nặng nề hơn lên bàng quang và khiến mẹ thường xuyên đi tiểu hơn. Tuy nhiên, một số mẹ bầu bị nhiễm trùng đường niệu cũng có thể gây ra triệu chứng này.
Áp lực ở xương chậu
Khi em bé nằm gần xương chậu, người mẹ sẽ cảm thấy áp lực không thoải mái ở bộ phận này. Cảm giác sẽ rõ rệt hơn khi mẹ đi bộ và khi gần tới ngày chuyển dạ, mẹ có thể sẽ đi lạch bạch như một chú vịt.
Dễ thở hơn
Khi thai nhi di chuyển xuống dưới, phổi của mẹ cũng sẽ có nhiều không gian hơn. Vì vậy mẹ sẽ không còn phải thở hổn hển nữa.
Khi thai nhi tụt xuống, mẹ bầu có thể không cảm thấy khó thở nhiều như giai đoạn trước. (Ảnh minh họa)
Cảm giác ngon miệng hơn
Mang thai đặc biệt ở 3 tháng cuối khiến mẹ ăn uông ngon miệng vì chứng ợ nóng. Nguyên nhân là do tử cung và dạ dày chèn ép lẫn nhau. Tuy nhiên khi thai nhi tụt sâu xuống dưới xương chậu, dạ dày của mẹ sẽ có nhiều không gian hơn và mẹ sẽ tạm biệt được chứng ợ nóng. Do đó cảm giác ăn uống cũng ngon miệng hơn.
Bị táo bón
Đây là kết quả khó chịu nhất mẹ phải đối mặt khi em bé tụt sâu xuống khung xương chậu. Rất nhiều phụ nữ bị táo bón và trĩ nặng nề suốt những tuần cuối thai kỳ. Lúc này, mẹ nên cố gắng bổ sung thực phẩm giàu chất xơ vào chế độ ăn uống hàng ngày để hạn chế vấn đề khó chịu này.
Mẹ bị táo bón, khó đi vệ sinh cũng có thể là dấu hiệu thai nhi đã tụt xuống dưới. (Ảnh minh họa)
Khi thai nhi tụt xuống mẹ nên làm gì?
Nếu bạn nghĩ rằng em bé đã tụt sâu xuống, hãy đến bệnh viện để kiểm tra. Bác sĩ sẽ xác nhận chính xác hiện tượng này. Nếu nhận thấy hiện tượng thai nhi tụt xuống trước tuần 30 thai kỳ, hãy hỏi bác sĩ ngay để phòng ngừa nguy cơ sinh non có thể xảy ra.
Nếu nhận thấy dấu hiệu này ở tháng cuối thai kỳ, mẹ nên chuẩn bị sẵn sàng đồ để vào viện sinh con bất cứ lúc nào.