Khi chuyển dạ, bà mẹ này đã đến bệnh viện chậm và sinh ngay trên xe.
Trường hợp trẻ bị đẻ rơi được xác định khi tình trạng sinh đẻ của người phụ nữ mang thai không được dự kiến và thường xảy ra ngoài ý muốn của mọi người ở những nơi không phù hợp với việc sinh đẻ như: tại nơi đang làm việc gồm công sở, nhà máy, công ty, xí nghiệp, cánh đồng, chợ búa, thậm chí ngay ở cả nhà vệ sinh...; trên các phương tiện giao thông gồm xe ô tô, tàu hỏa, tàu thủy, máy bay...; trên đường đi làm việc hoặc đi đến cơ sở y tế.
Các bác sĩ sản khoa đều cảnh báo đẻ rơi ở những nơi không đảm bảo điều kiện y tế sẽ gây nguy hiểm cho cả người mẹ và em bé. Như bà mẹ dưới đây suốt hơn chục năm qua đều dằn vặt, hối hận vì đã không kịp đến bệnh viện sinh con.
11 năm trước, mẹ Xiao Liao đã không kịp đến bệnh viện và sinh bé ngay trên xe.
Xiao Liao (sống tại Vân Nam, Trung Quốc) là một đứa trẻ vừa bước qua tuổi 11. Vậy nhưng hiện tại cậu bé mới bắt đầu tập nói, còn tập đi là giấc mơ không tưởng. Nguyên nhân được cho là vì mẹ Xiao Liao đã đẻ rơi cậu cách đây hơn 11 năm.
Mẹ Xiao Liao cho biết ngày đó khi mang bầu con đầu lòng, đến ngày có cơn đau chuyển dạ, chị được người nhà đưa đến bệnh viện. Vậy nhưng chưa kịp tới bệnh viện thì con trai chào đời ngay trên xe. Sau khi sinh, Xiao Liao tím tái, không khóc. Người nhà phải tát mạnh vào mông bé thì bé mới cất tiếng khóc đầu tiên. Sau đó hai mẹ con được đưa đến bệnh viện để xứ lý nốt và kiểm tra sức khỏe. Kết quả không có gì bất thường nên cả gia đình đều thở phào nhẹ nhõm.
Vậy nhưng nuôi Xiao Liao đến 9 tháng tuổi, mẹ cậu bé mới thấy lạ khi con không thể tự lật. Khi đưa đến bệnh viện Nhi Trùng Khánh kiểm tra, bác sĩ cho biết bé bị bại não. Nguyên nhân có thể do khi bị đẻ rơi, bé bị ngạt khí, thiếu oxi lên não trong một khoảng thời gian. Người mẹ vì chuyện này cứ ân hận mãi, cứ đổ lỗi do mình sinh quá nhanh, không chờ được đến bệnh viện.
Xiao Liao bị bại não, dẫn đến ảnh hưởng chức năng ngôn ngữ và không thể tự đi lại.
"Nếu con trai được sinh ra trong bệnh viện có y bác sĩ, nếu con không bị sinh trên ô tô thì đã không bệnh nặng như vậy. 11 tuổi, đáng lẽ cuộc sống của con phải ngập tràn ánh nắng, nhưng lại kẹt trong phòng bệnh tối tăm. Mẹ biết làm thế nào để trả lại hạnh phúc vốn dĩ thuộc về con?”, mẹ Xiao Liao ảo não mỗi khi nhìn con vật lộn di chuyển bằng xe lăn.
Điều khiến người mẹ này suy sụp hơn chính là chi phí điều trị vô cùng tốn kém, nằm ngoài khả năng kinh tế của gia đình. Chị đành đưa con đi khắp nơi bốc thuốc thảo dược với mong muốn cải thiện tình hình. Vậy nhưng suốt 10 năm, bé vẫn không đi được, không nói được. Mãi đến tháng 9 năm ngoái, người mẹ biết có một bệnh viện phục hồi chức năng giá thấp và đưa Xiao Liao đến.
10 tuổi, Xiao Liao mới có thể gọi tiếng mẹ đầu tiên và hiện tại cậu bé vẫn đang phải phục hồi chức năng.
Tại đây, bé trai được thực hiện massage trị liệu, luyện ngôn ngữ. Sau 10 năm trời mòn mỏi, lần đầu tiên, chị được nghe con gọi mẹ. Khoảnh khắc đó, hạnh phúc không nói nên lời, chị khóc vì đã mong chờ quá lâu rồi. Chỉ hy vọng sắp tới con có thể sống như một đứa trẻ bình thường.
Cách đề phòng đẻ rơi
Không phải trường hợp đẻ rơi nào cũng để lại hậu quả nặng nề như Xiao Liao và gia đình đang gánh chịu. Tuy nhiên các chuyên gia sản khoa cảnh báo tình huống đẻ rơi nếu không được kịp thời xử trí đúng cách sẽ rất nguy hiểm cho mẹ và trẻ sơ sinh, bé có thể bị ngạt, nhiễm lạnh, nhiễm trùng, uốn ván rốn, chấn thương, xuất huyết não và có thể tử vong. Sản phụ đẻ rớt có thể bị băng huyết, sót nhau, nhiễm trùng hậu sản…
Để phòng tránh, điều đầu tiên mẹ bầu cần làm là khám thai đầy đủ trong thời gian còn lại để kịp thời phát hiện những dấu hiệu cho thấy mẹ có thể sinh sớm hơn dự kiến, hay các bất thường nên nhập viện.
Ngoài ra, mẹ bầu cần dự tính trước nơi sẽ sinh đẻ an toàn và phù hợp nhất, kể cả dự tính phương tiện vận chuyển khi cần, địa chỉ của cơ sở y tế gần nhất có thể hỗ trợ khi không kịp di chuyển đến bệnh viện chọn trước.
Ngoài ra, mẹ bầu cần ghi nhớ các dấu hiệu báo hiệu cuộc chuyển dạ: cơn đau bụng chuyển dạ (đau từng cơn, tăng dần, khoảng cách giữa các cơn mỗi lúc một gần lại), ra nhớt hồng, vỡ ối, cảm giác nặng và mắc rặn… Chỉ cần một trong các dấu hiệu trên xuất hiện, mẹ phải đến cơ sở y tế ngay để được bác sĩ kiểm tra, theo dõi.