Dù chi phí sinh thường dịch vụ chỉ hết khoảng 7 triệu đồng nhưng sản phụ đi đẻ rất ấn tượng với phòng ốc sạch sẽ và các y bác sĩ tận tâm.
Sau khi kết hôn, vợ chồng chị Amy My, sinh năm 1991 ở Hà Nội may mắn cấn bầu luôn. Sau sinh con đầu lòng 2 năm, chị lại tiếp tục mang bầu lần 2. Do cả 2 vợ chồng chị My đều thích con gái nên khi biết bầu lần 2 là con gái, vợ chồng chị rất phấn khởi.
Cả thai kỳ, mẹ bầu này không bị ốm nghén nhiều nên vẫn ăn uống bình thường và cơ thể khỏe mạnh. Để chủ động cho chuyến vượt cạn của bản thân, chị My quyết định làm hồ sơ sinh ở tuần 37 của thai kỳ.
2 lần sinh con, chị My được trải nghiệm ở 2 bệnh viện xa nhà và gần nhà khác nhau nhưng lần nào chị cũng hài lòng. (Ảnh: NVCC)
Để lựa chọn bệnh viện Đa khoa Hà Đông làm nơi vượt cạn lần 2 của mình, mẹ bầu cho biết đã phải cân nhắc rất nhiều. Thậm chí trước đó, chị My chưa bao giờ có ý định sinh con ở đây vì vẫn còn bị ám ảnh với 10 năm trước khi đi chăm chị gái sinh ở viện này.
“Lúc chị gái mình sinh 10 năm trước, phòng ốc ở viện không được sạch sẽ, thủ tục còn rườm rà lắm nên mặc dù có bảo hiểm ở đây nhưng cả thai kỳ mình cũng không vào đây khám bảo hiểm mà toàn khám ở viện phụ sản tuyến trung ương hoặc phòng khám tư. Ngay cả khi sinh bé đầu tiên sinh, mình cũng chọn sinh ở bệnh viện khác ngoài Hà Nội và rất hài lòng. Vì thế sinh con thứ 2 mình cũng định sinh ở đó lần nữa”, chị My thú nhận.
Lần sinh thứ 2 để chọn nơi sinh cho mình, chị My phải cân nhắc mãi mới dám "quay xe", nào ngờ sau đi đẻ về hết lời khen ngợi. (Ảnh: NVCC)
Luôn dự định sinh ở viện khác nhưng khi mang thai ở tuần thứ 37, mẹ bầu này lại quyết định “quay xe” về bệnh viện đa khoa Hà Đông. Lý do là vì anh xã bảo bệnh viện sinh lần 1 đó quá xa nhà 2 vợ chồng chị. Ngoài ra, khu bệnh viện đó không có nhiều hàng quán để ăn uống đa dạng. Trong khi đó, bệnh viện đa khoa Hà Đông gần nhà, tiện đi lại với có nhiều hàng quán ngoài cổng, người nhà chăm nom có thể thoải mái lựa chọn đồ ăn uống.
“2 vợ chồng mình tranh cãi và đấu tranh tư tưởng mãi mình mới đồng ý làm hồ sơ sinh ở đây. Qua tham khảo, mình chọn sinh đẻ thường ở khoa dịch vụ. Và đến giờ sau khi đã trải nghiệm sinh con thứ 2 xong, mình vẫn thấy quyết định này là quá đúng đắn”, mẹ bỉm nói.
Tổng hóa đơn khi ra viện của sản phụ chỉ hết gần 6,9 triệu đồng. (Ảnh: NVCC)
Thực tế trong quá trình sinh và nằm viện, bà mẹ 2 con đã sử dụng những dịch vụ sau tại viện:
- Thủ thuật đẻ thường dịch vụ: 5.612.000 đồng
- Thuốc: 14.441 ngàn đồng
- Vật tư: 72.688 ngàn đồng
- Giường: 940 ngàn đồng
- Siêu âm: 100 ngàn đồng
- Dịch vụ khoa sản: 150 ngàn đồng
Tổng tiền: Gần 6,9 triệu đồng (số tiền trên đã được bảo hiểm y tế thanh toán 20% và chưa bao gồm tiền ăn uống, tiền lấy máu gót chân cho bé 1 triệu đồng).
Do sinh thường nên chỉ 1 ngày sau sinh chị My được ra viện. (Ảnh: NVCC)
Do sinh thường lại mau hồi sức nên mẹ bỉm sau sinh chỉ nằm viện 1 ngày là xuất viện về nhà: “Mình nằm viện tính ra chỉ 1,5 ngày. Mình cũng nằm phòng khép kín 3 giường/phòng với 600 ngàn đồng/ngày nhưng rất sạch sẽ. Ngoài ra, các bác sĩ đến các y tá, đều nhiệt tình khiến mình rất ưng ý. Điều này thật sự khác hoàn toàn so với cách đây chục năm mình đi chăm chị gái sinh”.