3 ngày nay vợ chồng tôi chẳng ai nói với ai câu gì. Tôi thì bụng bầu vượt mặt, sắp đến ngày sinh nở, mệt mỏi vô cùng.
Còn 2 tháng nữa là vợ chồng tôi đón đứa con thứ 2. Đáng lẽ, chúng tôi đang ở trong khoảng thời gian vui vẻ, háo hức nhưng thực tế, hai vợ chồng cãi vã đã mấy ngày, chẳng ai nói với ai câu gì.
Chuyện là lần đầu tôi sinh ở viện công. Lần này thấy mọi người nói đẻ ở bệnh viện tư sướng lắm nên tôi cũng muốn thử cảm giác đi đẻ sang chảnh cho biết. Thế là ngay từ khi mang thai, tôi đã bắt đầu tiết kiệm để có tiền đi đẻ. Hai vợ chồng tôi tổng thu nhập được 25 triệu đồng/tháng. Ai ở thành phố thì biết, hai vợ chồng, một đứa con, lại còn đang trả nợ mua nhà thì thu nhập trên chẳng dư giả gì. Tôi phải tiết kiệm chi tiêu, co kéo mới dư ra một chút để chuẩn bị cho ngày sinh nở.
Lần này thấy mọi người nói đẻ ở bệnh viện tư sướng lắm nên tôi cũng muốn thử cảm giác đi đẻ sang chảnh cho biết. (Ảnh minh họa)
Vừa rồi, em chồng tôi dưới quê thi đỗ vào cấp 3. Trường cấp 3 ở cách xa nhà khoảng 10km. Vì thế, em chồng muốn bố mẹ mua cho một chiếc xe đạp điện có giá khoảng 15 triệu đồng để tiện đi học. Bố mẹ chồng tôi ở quê làm nông nghiệp, quanh năm gắn bó ruộng vườn, thu nhập chỉ đủ ăn. Số tiền 15 triệu đồng là quá sức với ông bà. Do đó, bố mẹ gọi điện cho chồng tôi, nói anh hỗ trợ để mua cho em chiếc xe đi học.
Nghe điện thoại của bố mẹ, chồng tôi đồng ý ngay lập tức, không chút do dự. Anh bảo tôi gửi về cho bố mẹ 15 triệu đồng để mua xe cho em, coi như quà tặng em đỗ cấp 3.
6-7 tháng trời tôi mới tiết kiệm được gần 30 triệu đồng để đi đẻ và chi tiêu trong thời gian ở cữ. Bây giờ anh lại đòi lấy số tiền đó để gửi về cho em. Vậy tôi lấy tiền đâu mà trang trải? Nói thì chồng tôi bảo: “Lần trước em đẻ viện công anh thấy rất ổn, có vấn đề gì đâu, sao lần này lại cứ phải viện tư cho tốn kém? Nhà mình không có điều kiện, em đừng đua đòi như người ta. Em nó đi học xa phải mua cho nó cái xe để đi học là hợp lý”.
Những lời của chồng khiến tôi vừa bực mình, vừa tủi thân, cảm giác như anh chẳng nghĩ gì đến vợ con mà chỉ lo cho gia đình mình. Giá mà tôi giàu có thì cũng chẳng tiếc, nhưng đây hai vợ chồng còn khó khăn. Hơn nữa, nhiều em học sinh ở quê cũng đi học xa như em chồng tôi mà vẫn đi bằng xe đạp, có làm sao đâu?
Chồng tôi bảo: “Lần trước em đẻ viện công anh thấy rất ổn, có vấn đề gì đâu, sao lần này lại cứ phải viện tư cho tốn kém? (Ảnh minh họa)
Tôi dứt khoát không chuyển tiền về quê nên bị chồng mắng là ích kỷ. Anh còn nói: “Vậy mấy hôm nữa anh lĩnh lương xong sẽ gửi luôn về quê. Tháng này em tự lo các khoản”.
Từ hôm đó đến nay chúng tôi “chiến tranh lạnh”, không khí gia đình hết sức ngột ngạt. Sắp sinh mà còn gặp phải chuyện này khiến tôi mệt mỏi, stress, mất ngủ, càng nghĩ càng ấm ức, thương con, thương phận mình hẩm hiu vì lấy phải người chồng vô tâm.
Stress khi mang thai ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe của mẹ và em bé?
Tâm lý của phụ nữ nhạy cảm hơn rất nhiều trong thời gian mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ. Trong giai đoạn này, nếu mẹ bầu không nhận được sự quan tâm, chia sẻ từ chồng và những người thân trong gia đình sẽ càng khiến tâm trạng căng thẳng hơn.
Stress kéo dài khiến mẹ bầu bị ảnh hưởng sức khỏe thể chất, bị đau đầu, mệt mỏi, rối loạn nhịp thở, rối loạn tiêu hóa, giảm thị lực, tăng nguy cơ cao huyết áp,... Đồng thời, stress còn làm ảnh hưởng đến thần kinh, tính cách của chị em. Mẹ bầu bị stress gây rối loạn giấc ngủ, hay quên, mất tập trung, thường xuyên cảm thấy lo lắng, sợ hãi, ngại giao tiếp xã hội, chán ăn,...
Mẹ bầu bị stress còn làm tăng nguy cơ sinh non, thai nhi nhẹ cân, chậm phát triển, rối loạn giấc ngủ, rối loạn hành vi,...
Để hạn chế tình trạng stress khi mang thai, mẹ cần có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi lành mạnh, hợp lý, ăn đủ chất, ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya, dành thời gian đọc sách, nghe nhạc, ra ngoài đi chơi, vận động nhẹ nhàng, luôn giữ tinh thần vui vẻ, thoải mái. Không nên giấu giếm cảm xúc mà hãy thường xuyên chia sẻ với chồng và những người thân xung quanh.