Mẹ bầu sinh thường ở viện Thanh Nhàn hết 5,2 triệu đồng mách từ A-Z kinh nghiệm đi đẻ

Thảo Nguyên - Ngày 25/06/2023 09:00 AM (GMT+7)

Tới thời điểm này, dù đã về nhà ở cữ nhưng mẹ bỉm sữa trẻ luôn thấy quyết định chọn nơi sinh ở Thanh Nhàn là hoàn toàn hợp lý.

Khi mang bầu, chị Phạm Thị Huê, 24 tuổi ở Mỹ Đức, Hà Nội bị ốm nghén nặng kéo dài 5 tháng. Vì thế trong khoảng thời gian này, chị Huê rất mệt mỏi và stress. Hễ ăn gì, mẹ bầu lại bị nôn tới khi nào cảm giác trong bụng không còn gì nữa mới thôi. Do đó, suốt thai kỳ chị Huê chủ yếu chỉ uống sữa bầu và sữa tươi.

Như nhiều mẹ bầu khác, khi gần đến ngày sinh, chị Huê cũng chọn nơi sinh rất kỹ càng. Ban đầu chị định chọn viện 103 là nơi sinh của mình vì anh xã là bộ đội, có đăng ký bảo hiểm cho vợ tại đây. Nhưng về sau, do thấy bệnh viện Thanh Nhàn gần nhà và đọc những chia sẻ trải nghiệm khá tốt của các mẹ bỉm đã sinh ở viện nên chị Huê đổi ý, quyết định đẻ ở Khoa phụ sản 2 - bệnh viện Thanh Nhàn.

Vợ chồng chị Huê bên con đầu lòng. (Ảnh: NVCC)

Vợ chồng chị Huê bên con đầu lòng. (Ảnh: NVCC)

Để chuẩn bị cho hành trình đi đẻ chủ động, chị Huê đến viện làm hồ sơ sinh từ tuần 36 thai kỳ. Do có đóng bảo hiểm xã hội tại viện nên lúc mẹ bầu làm hồ sơ sinh chỉ phải đóng 440 ngàn đồng.

Khi có dấu hiệu sinh, vì có thai kỳ bình thường nên mẹ bầu 24 tuổi này quyết định sinh thường. Vì thế lúc nhập viện chị đóng tạm ứng 6 triệu đồng.

“Trước ngày dự kiến sinh 2 ngày thì em có dấu hiệu đau bụng. Sau đó em vào viện kiểm tra nhưng cổ tử cung chưa mở nên bác sĩ cho về nhà theo dõi thêm. Chiều cùng ngày, em phải quay trở lại viện vì có ra dịch hồng. Bác sĩ siêu âm và đo monitor, kiểm tra cổ tử cung vẫn chưa mở nên lại cho về. Đêm ấy cơn đau nhiều quá, em tìm hiểu phương pháp đặt bóng nên sáng hôm sau vào nhập viện luôn, nhờ bác đặt bóng cho để có thể chuyển dạ sớm. Chi phí đặt bóng là 1 triệu đồng”, chị Huê cho biết.

Mẹ bầu này cũng đăng ký ở phòng 350 ngàn đồng/ngày. Phòng có đầy đủ tivi, tủ lạnh, điều hòa, tủ đầu giường, giường nằm cho bé yêu, bộ bàn nghế tiếp khách, giường gấp cho người nhà nằm. Do phòng sạch sẽ, yên tĩnh nên chị Huê nằm sau sinh rất thoải mái.

Mẹ bầu này cũng đăng ký ở phòng 350 ngàn đồng/ngày. (Ảnh: NVCC)

Mẹ bầu này cũng đăng ký ở phòng 350 ngàn đồng/ngày. (Ảnh: NVCC)

Sau sinh, chị Huê có sử dụng thêm các dịch vụ:

- Chiếu tia Plasma vết mổ, vết khâu tầng sinh môn cho mẹ: 220 ngàn đồng/lần.

- Cắt rốn thì 2 (rụng rốn chủ động) cho bé yêu: 300 ngàn đồng.

- Đo độ vàng da cho bé: 150 ngàn đồng.

- Đo thính lực cho bé: 150 ngàn đồng.

 - Dịch vụ xông hơi thảo dược cho mẹ: 100 đồng/lần.

- Gội đầu cho mẹ: 30 ngàn đồng/lần.

- Tiền thuốc của mẹ và bé: 2,5 triệu đồng

- Tiền cảm ơn bác sĩ và ê kíp đỡ đẻ: Tùy tâm mỗi gia đình (do khoản này hơi tế nhị nên chị Huê xin phép không đề cập).

- Chi phí dịch vụ lấy máu gót chân: 1 triệu đồng.

“Em có sử dụng dịch vụ lấy máu gót chân 6 bệnh cho bé với chi phí 1 triệu. Ở viện, nếu có hộ khẩu thường trú ở Hà Nội thì sẽ được miễn phí thêm 3 bệnh. Do lúc đăng kí kết hôn chưa chuyển khẩu nên hộ khẩu vẫn ở bên ngoại nên em không được miễn phí 3 bệnh này”, chị Huê giải thích.

Tổng chi phí đẻ thường ở viện Thanh Nhàn: 5,2 triệu đồng.

Chị Huê cho biết, khi xuất viện tiền viện phí gia đình chị phải thanh toán chỉ hết số tiền khá khiêm tốm là 5,2 triệu đồng. Số tiền này chưa tính tiền cảm ơn bác sĩ và ê kíp đỡ đẻ, tiền ăn 2 ngày tại viện.

Sau sinh con lần 1 tại đây, chị Huê cảm thấy rất hài lòng với dịch vụ của viện. (Ảnh: NVCC)

Sau sinh con lần 1 tại đây, chị Huê cảm thấy rất hài lòng với dịch vụ của viện. (Ảnh: NVCC)

Sau khi trải nghiệm dịch vụ sinh đẻ ở viện Thanh Nhàn, chị Huê cảm thấy rất hài lòng: “Em đã có thiện cảm ngay từ khi qua khám làm hồ sơ ngày đầu tiên. Từ bác sĩ cho tới hộ sinh, điều dưỡng đều rất nhẹ nhàng chu đáo cẩn thận. Nếu không hiểu vấn đề gì mọi người sẽ ngồi tư vấn rất tỉ mỉ (về thái độ phục vụ ở đây em đánh giá 10 điểm). Phòng ốc thì rất sạch sẽ thoáng mát.

Em đánh giá cao nhất là có dịch vụ bố có thể đồng hành cùng mẹ trong quá trình sinh nở và cắt rốn cho con. Qua đây nhiều ông bố có thể có cái nhìn rõ hơn về những đau đớn vất vả của vợ lúc vượt cạn để yêu thương vợ con sau sinh hơn. Hoặc ở đây có dịch vụ xông hơi thảo dược và gội đầu sau sinh rất được lòng sản phụ sau sinh. Ở viện cũng khâu thẩm mỹ tầng sinh môn nên các mẹ bỉm không phải lo nha. Hãy nói những mong muốn của mình với bác sĩ để được tư vấn hỗ trợ”.

Lần sinh con thứ 2 sau này vẫn sẽ chọn Khoa phụ sản 2 Thanh Nhàn để gửi gắm. (Ảnh: NVCC)

Lần sinh con thứ 2 sau này vẫn sẽ chọn Khoa phụ sản 2 Thanh Nhàn để gửi gắm. (Ảnh: NVCC)

Với chị Huê, lần sinh con thứ 2 sau này vẫn sẽ chọn Khoa phụ sản 2 Thanh Nhàn để gửi gắm thai kỳ và phút mẹ tròn con vuông bởi an tâm vì bác sĩ vừa có chuyên môn, nhẹ nhàng chu đáo và rất cẩn thận. Bản thân mẹ bỉm cũng mong, bệnh viện sẽ có thêm những dịch vụ trải nghiệm tốt hơn thời gian tới cho các mẹ sau sinh sử dụng để nhanh hồi phục sức khỏe.

Mẹ bầu sinh thường ở viện Thanh Nhàn hết 5,2 triệu đồng mách từ A-Z kinh nghiệm đi đẻ - 5

Bèo nhèo và chằng chịt vết rạn, những hình ảnh chân thật về cơ thể người mẹ sau sinh khiến ai nấy xót xa
Dù phải mang theo những vết rạn ngự trị trên cơ thể người phụ nữ sau sinh thì vẻ đẹp của họ vẫn luôn đáng trân trọng và yêu thương.

Chăm sóc cơ thể sau sinh

Theo Thảo Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Cẩm nang đi đẻ