Đỡ đẻ cho những thai phụ dưới 18 tuổi

Ngày 21/05/2024 08:22 AM (GMT+7)

Điện Biên - Nghe tin chuẩn bị tiếp nhận ca thai phụ 17 tuổi sinh non, lên cơn sản giật, chị Hoàng Thị Thu Hà cùng kíp trực đứng chờ sẵn ở phòng cấp cứu.

Người phụ nữ 51 tuổi, hộ sinh trưởng bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên cho biết, sản phụ nhà ở xã Nậm Nhừ, huyện Nậm Pồ, có thai 33 tuần đã được cấp cứu hơn hai tiếng ở trung tâm y tế huyện nhưng huyết áp tăng cao, lên cơn co giật, tình hình chuyển biến nặng nên phải chuyển lên tuyến tỉnh.

Sau hơn 4 tiếng bệnh nhận mới đến được viện nhưng đã mất nhận thức. Hội chẩn nhanh với trực lãnh đạo, chị Hà quyết định chuyển mổ cấp cứu.

Chiều 18/4, ca mổ thành công, một bé trai nặng 1,8 kg chào đời. Lúc này, chị Hà và ekip mổ mới thở phào nhẹ nhõm. "Mỗi lần cùng các thai phụ dưới 18 tuổi vượt cạn thành công, tôi vừa mừng vừa thương", chị nói.

Hộ sinh trưởng Hoàng Thị Thu Hà đang khám thai cho bà mẹ chuyển dạ đẻ tại phòng sinh khoa sản, bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, tháng 4/2024. Ảnh: Thanh Nga

Hộ sinh trưởng Hoàng Thị Thu Hà đang khám thai cho bà mẹ chuyển dạ đẻ tại phòng sinh khoa sản, bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, tháng 4/2024. Ảnh: Thanh Nga

Nhớ lại năm 1994, thời điểm mới về viện, Thu Hà, cô gái 21 tuổi ngỡ ngàng khi lần đầu tiếp nhận những ca thai phụ 14-15 tuổi. Cô không tin những bé gái đang tuổi đi học, cơ thể chưa kịp phát triển đã phải làm mẹ.

Lúc đó, rào cản lớn nhất với nữ hộ sinh là ngôn ngữ. Mỗi lần tiếp xúc với thai phụ để thăm khám, Hà nhận lại phản ứng sợ sệt từ bệnh nhân vì họ không biết tiếng Kinh, cô phải nhờ người phiên dịch. Nhiều thai phụ nhỏ tuổi chưa hiểu biết về chăm sóc sức khỏe sinh sản, vào viện chỉ khóc đòi về tự đẻ ở nhà.

"Ngày nào cũng phải đến dỗ dành bệnh nhân để họ cởi mở hơn, chịu cho tôi khám, có khi còn phải lo cho bệnh nhân ăn uống đủ chất để có sức đẻ", chị Hà nói.

Khi có sản phụ dưới 18 tuổi chuyển dạ, chị phải hướng dẫn cách giữ sức, lấy hơi, nắm chặt tay, chân đúng tư thế. Trong phòng đẻ, có những bệnh nhân sức yếu, Hà vừa làm vừa động viên thậm chí hứa sẽ giành phần thưởng để mẹ con vượt cạn bình an.

Hầu hết các thai phụ người dân tộc ở vùng sâu vùng xa khó khăn, không có sự chuẩn bị sau sinh cho con. Hàng tháng, chị phải trích tiền lương mua dự trữ đồ sơ sinh hoặc vận động quyên góp thêm, khi cần sẽ có sẵn cho em bé có sử dụng.

Đến nay, 30 năm làm nghề, hộ sinh trưởng Thu Hà vẫn đau đáu khi số sản phụ chưa đủ tuổi thành niên vẫn nhiều. Các em không biết quản lý thai dẫn đến nguy cơ tai biến sản khoa như thai kém phát triển, dọa sảy thai, dọa đẻ non, tiền sản giật, đẻ khó. Một số tự đẻ ở nhà có nguy cơ nhiễm khuẩn nặng, sót rau, tầng sinh môn rách, nhiễm khuẩn buồng tử cung.

Như bệnh nhân Vàng Thị Mua sinh non khi thai 33 tuần, cả mẹ và con sức khỏe yếu đều phải ở lại viện một, hai tuần theo dõi. Ngoài việc phải dạy Mua cách cho con bú, dặn dò phải thăm khám đều đặn ở lần mang thai sau, chị Hà còn xin hỗ trợ viện phí, suất ăn cho bà mẹ trẻ.

Một thai phụ 17 tuổi ở TP Điện Biên, tỉnh Điện Biên cùng chồng xuất viện sau ca đẻ, tháng 4/2024. Ảnh: Thanh Nga

Một thai phụ 17 tuổi ở TP Điện Biên, tỉnh Điện Biên cùng chồng xuất viện sau ca đẻ, tháng 4/2024. Ảnh: Thanh Nga

Chị Hoàng Thị Thu Hà cho biết năm 2023 bệnh viện đã tiếp nhận hơn 60 sản phụ dưới 18 tuổi, chủ yếu là người dân tộc Thái, Mông.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2021 đến tháng 8/2023 toàn tỉnh Điện Biên có hơn 11.500 cặp vợ chồng kết hôn, trong đó 3.200 là tảo hôn. Riêng huyện Điện Biên Đông, năm 2023 có 330 cặp vợ chồng kết hôn, trong đó có 83 cặp tảo hôn.

Ông Trần Đức Trọng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Điện Biên Đông, cho biết tảo hôn dẫn tới thiếu ăn, thiếu mặc, trẻ em sinh ra không được chăm sóc đầy đủ về y tế, văn hóa, tinh thần là chuyện tất yếu. Theo ông, phải thay đổi tư duy và nhận thức của người dân vùng cao mới xóa bỏ hết các hủ tục lạc hậu đã ăn sâu vào tiềm thức của họ.

Không được may mắn như Vàng Thị Mua, sản phụ Giàng Thị Di, 16 tuổi, nhập viện vì sinh non khi thai mới 22 tuần, sau sinh 15 phút thì em bé mất. Cô bé ở TP Điện Biên cùng chồng 18 tuổi thẫn thờ nhìn nhau sau ca đẻ.

Chị Hà cho biết suốt quá trình mang thai, Di chỉ đi khám một lần, có dấu hiệu đau bụng không ngừng nhưng chủ quan, tự tìm thuốc uống, khi trở nặng mới lên viện thì tiên lượng đẻ non, khó giữ thai.

"Bản thân các em chưa lo nổi cho mình nữa là con, chỉ mong nạn tảo hôn được xóa bỏ, để các em nhận ra được sự thiêng liêng khi làm mẹ, có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình, xã hội", chị Hà nói.

*Tên nhân vật đã được thay đổi.

Sắc vóc mẹ bầu gen Z Chu Thanh Huyền: Da trắng nuột nà, bụng tròn căng không 1 vết rạn
Dù đã bước vào giai đoạn thứ 3 thai kỳ nhưng Chu Thanh huyền vẫn khiến dân tình trầm trồ khi tự tin khoe dáng "mẹ ỏng" trong các bộ ảnh chụp khi mang...

Khi Gen Z mang bầu

Thanh Nga
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu