Thủ thuật sinh mổ là một phương pháp sinh đẻ khá phổ biến hiện nay, và trong tiếng Anh nó có tên gọi khá lạ lùng “Cesarean Section”. Vậy tên gọi này có nguồn gốc ở đâu?
Việc một em bé được đưa ra khỏi bụng mẹ bằng phương pháp “không tự nhiên” đã xuất hiện trong các tài liệu cổ cũng như các giai thoại trong dân gian ở Hi Lạp, Ý, Trung Quốc, Ai Cập và Ấn Độ từ rất xa xưa. Ban đầu, phương pháp sinh con này xuất phát từ nỗ lực cứu sống em bé khi người mẹ đã mất, có dấu hiệu hấp hối hoặc cả hai mẹ con đều không giữ được sinh mạng nhưng em bé cần được tách rời khỏi người mẹ để tiến hành các nghi lễ tôn giáo trước khi chôn cất.
Lý giải phổ biến nhất cho tên gọi “Cesarean section” (hoặc “caesarian section” ở một số nơi) liên quan đến huyền thoại về sự ra đời của một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử: Gaius Julius Caesar. Theo bách khoa thư có tên The Suda xuất hiện từ thế kỷ thứ 10, “Khi người mẹ của ông mất ở tháng thứ 9 khi mang thai, người ta mở bụng bà, đưa đứa trẻ ra và đặt tên như vậy (Caesar) – bởi trong tiếng Roman thời đó thì việc mổ xẻ (phẫu thuật) được gọi là “Caesar”.
Một hình ảnh minh họa từ thế kỷ 16 mô tả huyền thoại về việc Caesar ra đời.
Hình ảnh minh họa một ca sinh mổ (C-section) từ thời trung cổ có tên Faits des Romains (hành động của người Roman), ghi chép về sự ra đời của Caesar.
Tuy nhiên, trong một phiên bản khác của câu chuyện, mẹ của Caesar – một người phụ nữ có tên Aurelia - đã được cứu sống sau khi sinh đẻ, và bà còn trở thành một cố vấn cho ông khi Caesar trưởng thành.
Sự mâu thuẫn trong 2 phiên bản về sự ra đời của Caesar có thể là kết quả của một tài liệu có tên Historia Naturalis xuất hiện từ thế kỉ thứ nhất bởi một tác giả có tên Pliny the Elder. Trong phần viết về sự sinh đẻ của con người, ông viết về một Caesar khác (là tổ tiên của Gaius Julius Caesar nổi tiếng sau này) “được đặt tên như vậy, vì ông được sinh ra khi người ta mổ bụng người mẹ”. Vì vậy huyền thoại về sự ra đời của hoàng đế Caesar có vẻ như đã bắt nguồn từ việc người ta hiểu sai đoạn tài liệu trên.
Tuy vậy, đoạn tài liệu trên vẫn đưa ra một kiến giải có vẻ hợp lý về nguồn gốc của cụm từ “Cesarean section” được sử dụng trong ngành y hiện nay. Trong cả cuốn Historia Naturalis từ thế kỉ thứ nhất và bách khoa thư The Suda ở thế kỉ thứ 10, cái tên “Caesar” có vẻ như đều liên quan đến các dạng khác nhau của từ “caeder” - có nghĩa là việc cắt – mổ. Từ “caesones” mô tả việc các em bé được sinh ra với quy trình phẫu thuật này. Vì thế cũng rất có thể khái niệm “Cesarean section” đơn giản là đến từ gốc Latin của các từ “caedere” hoặc “caesones” mà chẳng hề liên quan đến hoàng đế Julius Caesar.
Một số người lo ngại về việc tỉ lệ phụ nữ sinh mổ ngày càng cao.
Một giả thuyết khá thuyết phục khác cho cái tên này đó là sắc lệnh từ thời La Mã, yêu cầu những đứa trẻ sơ sinh có mẹ đã hoặc sắp mất phải được đưa ra khỏi bụng mẹ, và một phần của luật này được gọi là Lex Caesarea.
Mặc dù không có một câu trả lời rõ ràng về nguồn gốc tên gọi của thủ thuật sinh mổ, có một điều chắc chắn rằng người ta đã gọi nó là “caesarean operation” trước khi bác sĩ phẫu thuật người Pháp Jacques Guillimeau giới thiệu thuật ngữ “mổ đẻ” (section) trong cuốn sách về hộ sinh của ông được xuất bản vào năm 1598. Thuật ngữ “Caesarean section” dần được thay thế, và chữ a đầu tiên trong “Caesarean” được loại bỏ ở Mỹ.
Cuốn sách của Guillimeau ra đời 17 năm sau khi một bác sĩ phẫu thuật người Pháp khác - François Rousset – xuất bản một chuyên luận ủng hộ thủ thuật này – mà ông gọi là “enfantement césarien” (tiếng Pháp) hoặc “cesarean birth” (tiếng Anh) – trên phụ nữ còn sống và gặp khó khăn trong khi sinh con. Ý tưởng của ông vào thời điểm đó rất gây tranh cãi, nhưng theo thời gian, các bác sĩ vẫn tiếp tục thử phương pháp sinh mổ và nó không chỉ là nỗ lực cuối cùng nhằm cứu đứa trẻ mà còn để cứu người mẹ.
Đến giữa thế kỉ 20, việc sinh mổ đã trở nên an toàn và phổ biến hơn. Ngoài việc vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh nguồn gốc của thủ thuật này cũng như nguồn gốc tên gọi của nó trong tiếng Anh, người ta còn tranh cãi về cách thực hiện thủ thuật sinh mổ, đặc biệt là ở những quốc gia có tỉ lệ sinh mổ cao như Mỹ và Trung Quốc.