5 năm sau lần sinh con đầu lòng, mẹ bầu Thanh Hóa đã mang thai lần 2 và chọn bệnh viện Phụ sản Hà Nội làm nơi sinh của mình.
Mẹ bầu Thanh Hóa thuê phòng trọ để mổ chủ động
5 năm trước, chị Nguyễn Thị Thanh Hải (Thanh Hóa) mang bầu con đầu lòng và chọn bệnh viện Phụ sản Hà Nội là nơi vượt cạn. Lần mang bầu thứ 2 này, mẹ bầu vẫn chọn địa điểm cũ và theo bác sĩ như lần 1 vì tin tưởng bác sĩ mổ mát tay, trộm vía con ngoan, khoẻ mạnh, vui vẻ.
“Mình thấy ở đây chuyên môn bác sĩ cao, dịch vụ có thể không tốt được như các viện tư khác nhưng chấm điểm được 8/10 điểm. Do xác định mổ sinh nên mình vẫn chọn viện này để theo cho yên tâm”, chị Hải nhận xét.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hải (Thanh Hóa) đi đẻ mổ lần 2. (Ảnh: NVCC)
Do mổ đẻ chủ động ở 38 tuần 2 ngày nên khi 35 tuần, chị Hải đã ra phòng khám của bác sĩ sản khoa chị theo để làm hồ sơ sinh và khám thai kỳ. Tổng lần thăm khám và làm hồ sơ sinh của mẹ bầu hết gần 3 triệu đồng. Do hồ sơ sinh chỉ có giá trị trong vòng 1 tháng nên chị Hải khuyên những mẹ bầu sinh thường khoảng 36-37 tuần mới làm hồ sinh.
Vì sinh sống ở Thanh Hóa nên 2 ngày trước mổ đẻ, mẹ bầu này đã phải ra Hà Nội để thuê nhà trọ. Để thuận tiện cho quá trình khám và đi đẻ, chị Hải thuê trọ ở ngay cổng sau viện, phòng ốc khá sạch sẽ.
Phòng 1 giường sạch sẽ. (Ảnh: NVCC)
“Mình thuê phòng đôi vì có 2 mẹ, con gái, 2 vợ chồng mình với chi phí tầm 500 ngàn đồng/1 phòng. Được cái phòng trọ cũng sạch sẽ, gần viện nên rất tiện lợi”, mẹ bầu nói.
Hôm trước khi lên bàn mổ, chị Hải đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng nhịn ăn tầm 6-7h trước khi mổ. Khi đói, mẹ bầu chỉ dám uống chút nước lọc và ngậm 1-2 cái kẹo. Bởi trong quá trình mổ gây tê có thể sản phụ sẽ có phản ứng phụ là nôn, nếu ăn no hoặc uống no khi nôn mà đang nằm có thể ảnh hưởng tới đường thở.
Hành trình mổ đẻ dịch vụ nhanh chóng, sau mổ không ám ảnh rét run nhờ bí quyết này
Vì chọn giờ mổ từ 7-9h sáng nên 4h sáng hôm ấy mẹ bầu đã phải nhập viện. Tại đây chị Hằng được y tá trực khám trong, khám thai hết tầm 1 triệu đồng. Khi đăng ký phòng đẻ, gia đình cũng muốn ở phòng 1 giường khép kín nhưng lúc đó hết phòng, đành đăng ký tạm phòng 2 giường khép kín.
“Mình đăng ký đẻ dịch vụ D5, sau khi làm thủ tục nhập viện xong xuôi sẽ có cô y tá dẫn lên D5. Vào đây mình có khai các thông tin cần thiết như bác sĩ, giờ đẻ, có bị tiểu đường thai kỳ không, đăng ký gói giảm đau luôn”, mẹ bỉm nói.
Chị Hải và con mới sinh nghỉ ngơi sau vượt cạn. (Ảnh: NVCC)
6h sáng, các sản phụ mổ dịch vụ được gọi vào 1 phòng vệ sinh, bôi sát trùng vùng bụng và đùi, sau đó là theo nhau vào phòng đợi mổ. Ở đây có tivi, chị Hải cùng các mẹ bầu khác có thể xem cho đỡ áp lực và đỡ hồi hộp. Lần lượt từng sản phụ sẽ được gọi đi gặp con.
Rồi cũng đến lúc chị Hải được vào phòng mổ và cố gắng hít sâu thở đều. Khi nằm trên bàn mổ, mẹ bầu cũng nghe theo hướng dẫn của các bác sĩ, y tá. Vì thế lúc chọc kim gây tê chị Hải chỉ thấy hơi nhói 1 chút, không cảm thấy đau.
Mẹ bỉm có thể ấn chuông để gọi y tá hỗ trợ nếu cần. (Ảnh: NVCC)
“Suốt quá trình mổ, mình còn nghe các bác sĩ nói chuyện rất rôm rả nên cũng đỡ áp lực hẳn. Một lúc sau đã nghe thấy tiếng con oe oe khóc chào đời. Sau khi mổ xong xuôi mình được chuyển qua phòng hậu phẫu. Do mình ám ảnh cảm giác rét run vì lạnh từ lần vượt cạn 1 nên sợ quá. Trước khi mổ lần 2 để giảm rét mình hít sâu thở đều như tập yoga và xin cô y tá thêm 1 chăn từ trước nên lần 2 này mình không bị lạnh ở phòng hậu phẫu”, mẹ bầu kể lại.
Sau khi ở phòng hậu phẫu, sản phụ được chuyển về phòng riêng lúc 12h trưa. Khi mẹ về phòng, con gái của vợ chồng chị Hằng cũng được về phòng. Tầm vài tiếng sau có phòng 1 giường nên chị Hải chuyển về phòng 3,8 triệu/đêm nghỉ ngơi, hồi phục sau sinh tốt hơn.
“Những ngày nằm lưu viện là những ngày phải tập đi. Dù truyền giảm đau nhưng sau sinh mình vẫn thấy đau. Sau 48h rút giảm đau mình xin thêm 2-3 viên nhét hậu môn. Khi về nhà được 9 ngày mình đi rút chỉ và kiểm tra sản dịch. Tất cả mọi thứ mình thấy ổn, cuộc mổ lần 2 nhẹ nhàng hơn mình tưởng”, chị Hải kể.
Nhà vệ sinh bệnh viện sạch sẽ. (Ảnh: NVCC)
Mẹ bỉm cũng cho biết, tổng chi phí tiền sinh và phí làm hồ sơ sinh cho chuyến đi đẻ vừa qua hết khoảng 42 triệu đồng. Số tiền này đã bao gồm tiền phòng trọ, tiền phòng dịch vụ 1 giường ở viện, tiền sinh nở, tiền sử dụng các dịch vụ sau sinh.
Những lưu ý của sản phụ khi đi đẻ
- Sau sinh, chị Hải sử dụng hầu hết các dịch vụ của viện, chiếu tia plasma cho mẹ ngày 3 lần, chiếu rốn con ngày 2 lần. Tuy nhiên sau sinh mổ, chị không sử dụng dịch vụ xông hơi vì mồ hôi xuống hơi xót vết mổ…
- Đi viện hay đi bất cứ đâu theo sản phụ này nên luôn nói lời cảm: Cảm ơn cô dọn phòng, cảm ơn người chiếu tia, cảm ơn người tắm bé…. Như vậy sẽ được người làm dịch vụ thoải mái vui vẻ, làm lâu và tận tâm hơn.