Mẹ bỉm GenZ thời công nghệ 4.0: “Say bye" các diễn đàn toxic, bầu khoẻ - đẻ đẹp

Hoàng Thị Hồng - Ngày 12/02/2024 14:00 PM (GMT+7)

Thay vì lên diễn đàn hỏi một câu nhận về 1000 câu trả lời và rơi vào thế đẽo cày giữa đường, mẹ bỉm GenZ chọn kết bạn với các ứng dụng theo dõi thai kỳ, sinh nở. Công nghệ 4.0 tạo ra một thế hệ mẹ bỉm mới: khoẻ, đẹp và nhàn.

Mẹ bỉm thoát áp lực nhờ app nuôi con

Trần Lệ Châm (28 tuổi, Hà Nội) từng trải qua lần sinh nở đầu tiên nhiều áp lực. Song với lần thứ hai làm mẹ, cô tận hưởng những ngày tháng dễ chịu, thảnh thơi. Một phần là nhờ có app.

Ban đầu, Châm sử dụng một app theo dõi kinh nguyệt. Khi có bầu, cô chuyển sang theo dõi thai kỳ trên chính ứng dụng này. 

Không giống lần đầu tiên bầu bí phải mở lịch ra cộng ngày cộng tháng, rồi lên mạng “google" hàng trăm trang web để tìm hiểu thông tin, Châm có app giúp mình tổng hợp toàn bộ những gì cần biết. App báo cho cô về mốc 6-7 tuần cần đi siêu âm đầu dò để xem thai đã làm tổ ổn định chưa, đã có tim thai chưa. App cũng nhắc các mốc tuần quan trọng cô cần đi khám thai song song với lịch hẹn của bác sĩ.

Mẹ bỉm GenZ thời công nghệ 4.0: “Say byeamp;#34; các diễn đàn toxic, bầu khoẻ - đẻ đẹp - 1

Mỗi ngày vào app, Châm lại nhận được những thông tin mới hữu ích. Như ước tính cân nặng của em bé trong bụng, mô tả hình dáng của em bé bằng những hình ảnh trực quan thú vị. Điều này giúp Châm cảm nhận một cách sâu sắc hơn sự phát triển của con. Cô thấy mình và con gắn bó với nhau hơn.

Lần mang thai đầu tiên, Châm thường xuyên rơi vào tình trạng hoang mang, băn khoăn không biết con mình to hay bé, có phát triển bình thường như bác sĩ nói hay không, sao trên mạng có mẹ nói thế này, có mẹ nói thế khác… Với lần mang thai thứ hai, Châm chỉ cần vào app đối chiếu chỉ số cân nặng theo siêu âm của con với bảng chỉ số chuẩn phát triển thai nhi theo tuần thai. Khi chỉ số luôn nằm trong chuẩn, cô yên tâm hoàn toàn.

Không chỉ cung cấp nghìn lẻ một thông tin về em bé, app còn mang tới cho Châm những kiến thức mẹ bầu toàn diện. Ở tuần thai nào cô cần bổ sung các vi chất gì, cần ăn uống ra sao, tập luyện thế nào, những biểu hiện nào trên cơ thể được xem là bình thường, biểu hiện nào là bệnh lý… Châm cho biết, những kiến thức đó không mới mẻ, có thể dễ dàng “search” được trên Google hay các diễn đàn. Tuy nhiên, với một ứng dụng theo dõi thai kỳ, mẹ bầu tiết kiệm thời gian tìm kiếm thông tin và chọn lọc thông tin, không rơi vào tình trạng vì quá tải thông tin mà “google" xong lại hoang mang hơn cả lúc chưa biết gì.

Trải nghiệm hơn một năm sử dụng app, kết hợp với kết quả thăm khám của bác sĩ, Châm khẳng định những dữ liệu trên app khá tin cậy. Ngày dự sinh mà app đưa ra gần khớp với ngày bác sĩ siêu âm dự tính và ngày cô trở dạ. Quá trình mang thai của cô diễn ra thuận lợi, khoẻ mạnh và đặc biệt thư giãn vì không vướng bận những nỗi lo không đâu.

Sinh em bé xong, Châm tải thêm một ứng dụng mới về chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tại app này, cô nhập các dữ liệu ban đầu về ngày sinh, nhóm máu, chỉ số cân nặng, chiều cao của con để thuận tiện cho việc theo dõi quá trình phát triển cả về thể chất và nhận thức. Trên app tích hợp cả lịch tiêm chủng, nhắc lịch tiêm, thông tin mũi tiêm…

Điều khiến Châm tâm đắc là app hỗ trợ mẹ hiểu được tâm sinh lý của con lẫn của chính mình. Thời gian nào con đang ở tuần ngoan ngoãn. Thời gian nào con đang ở tuần khủng hoảng. Dấu hiệu “baby blue" của mẹ và các mốc thời gian dễ rơi vào “baby blue"... Tất cả những thông tin này khiến mẹ bỉm GenZ chủ động ứng phó với các tình huống xảy ra. 

“Có những lúc bạn bé rất khác ngày thường, nhõng nhẽo, khó ngủ, ngủ không ngon giấc, khủng hoảng giấc ngủ. Thay vì căng thẳng, bất lực vì không hiểu sao con lại thế, sao không ai có thể dỗ được con, hay tự chất vấn mình đã làm gì sai… thì tôi sẽ vào app xem thời gian này có phải wonder weeks (tuần khủng hoảng) của con hay không. 

Thông thường thì đúng là wonder weeks thật. Khi biết điều này rồi thì các mẹ có thể loại trừ các yếu tố bệnh lý của con và kiên nhẫn chờ cho qua thôi. Bởi vì sau tuần khủng hoảng các bạn bé sẽ học thêm nhiều kỹ năng mới. Nhất là khoảng tuần 23-26, khi các bạn bé nhõng nhẽo, khó ở thì thường là các bạn đang học cách trườn bò. Sau giai đoạn đó là bé biết bò. 

Hiểu được những điều này thì mẹ và cả gia đình không bị rơi vào khủng hoảng theo cơn khủng hoảng của bé nữa. Việc chăm sóc bé trở nên dễ dàng hơn. Vì chúng ta hiểu nhau hơn mà.

Với chính bản thân, mình cũng quản lý được cảm xúc nhờ app. Có ngày mình khó chịu, bực bội với tất cả. Mình hiểu là cơ thể mình đang thay đổi nội tiết tố chứ không ai làm gì mình. Chồng mình cũng hiểu nguồn cơn sự căng thẳng, buồn bã vô duyên vô cớ của vợ nên càng nhẹ nhàng, chiều chuộng.

Mẹ bỉm GenZ thời công nghệ 4.0: “Say byeamp;#34; các diễn đàn toxic, bầu khoẻ - đẻ đẹp - 2

Những thông tin này thực ra không mới mẻ gì. Chỉ là app tổng hợp giúp các mẹ một cách có hệ thống, lớp lang, cụ thể, chi tiết theo các mốc thời gian nên bạn dễ dàng đọc, tiếp nhận, tra cứu và ghi nhớ thông tin thôi", Châm chia sẻ.

Trên hết, công nghệ với Châm là một cứu cánh, giải thoát bản thân cô khỏi mọi áp lực bị so sánh và tự so sánh trong lần làm mẹ đầu tiên. 6 năm trước, do quá ít thông tin hoặc quá nhiều thông tin, mẹ bỉm như cô thường nghe người này nói, người kia nói hoặc các trang tin khác nhau mà không biết đâu mới đúng là quy chuẩn nên dễ dẫn đến so sánh rồi lo lắng, tự ti, không tin tưởng vào khả năng làm mẹ của mình. Còn hiện tại, công nghệ mang đến các mẹ bỉm GenZ những thông tin có chọn lọc, đầy đủ, chính xác, trực diện, giúp họ “làm sạch" suy nghĩ của mình, mạch lạc hơn và tự tin hơn.

Tại sao phụ nữ phải xấu khi mang thai, sinh nở và định nghĩa mới về “mẹ tốt" thời công nghệ 4.0

Hoàng Thu Trà (sinh năm 1998) cũng là một mẹ bầu GenZ sành app. Đang mang thai lần đầu ở tháng thứ 7, Trà vẫn giữ được thân hình gọn gàng, gương mặt xinh đẹp và luôn bước ra đường với ngoại hình chỉn chu, lớp make up mượt mà. 

Giống Trần Lệ Châm, Trà cũng dùng một ứng dụng để theo dõi thai kỳ. Mỗi khi em bé bước sang tuần phát triển mới, app lại thông báo cho cô như báo một tin vui. Kèm theo đó là chia sẻ về những thay đổi của cả mẹ và em bé, cập nhật các triệu chứng mẹ bầu có thể đối mặt. Điều này khiến Trà cảm thấy như có một bác sĩ gia đình ở bên 24/7.

Ở tam cá nguyệt thứ nhất, Trà thi thoảng bị táo bón, nổi mụn cơ thể, mệt mỏi. Nhờ có những thông tin bổ ích ngay trên app, cô dễ dàng biết được nguyên nhân và tìm ra cách khắc phục. Cô gần như không lên các hội nhóm để tránh nhiễu loạn thông tin. Thi thoảng trong app có các buổi livestream về chủ đề bầu bí, cô lại tranh thủ tham gia để cập nhật kiến thức từ các chuyên gia, bác sĩ.

Mẹ bỉm GenZ thời công nghệ 4.0: “Say byeamp;#34; các diễn đàn toxic, bầu khoẻ - đẻ đẹp - 3

“Công nghệ tuyệt vời ở chỗ nó khoa học và mạch lạc. Nó khiến các cuộc tranh cãi không hồi kết của chị em trên các hội nhóm phải dừng lại. Mình không còn phải lên diễn đàn hỏi những câu như: “Mang bầu thì có được trang điểm không các mẹ?” và nghe 9 người 10 ý. Nay những câu hỏi đó được bác sĩ chuyên khoa trả lời thông qua các hội thảo trực tuyến trên app, trên Facebook hay trên Youtube. Công nghệ đưa kiến thức khoa học tới tận tay mẹ bỉm tân binh như mình thay vì tự mình mò mẫm trong thế giới internet ngập thông tin cả vàng cả rác như trước đây”, Trà tâm sự.

Trà và Châm đều có chung một suy nghĩ, công nghệ giúp các bà mẹ trở nên thông thái hơn và nhờ đó mà nhàn hơn. Một ứng dụng nhỏ bé và miễn phí trên điện thoại có ý nghĩa đắt giá như một thư ký, một trợ lý đắc lực hỗ trợ mẹ bỉm GenZ từ lúc mang thai đến lúc sinh nở và nuôi con.

Có được người trợ lý tốt, mẹ bỉm thoải mái và rảnh rang để quan tâm, chăm sóc chính mình. Thời gian mà thế hệ mẹ bỉm 8x, 9x dùng để hồ nghi, băn khoăn xem có nên làm điều này, điều kia hay không thì thế hệ mẹ bỉm GenZ dùng để dưỡng da, trang điểm, làm đẹp, tập tành, lên đồ và nghỉ ngơi một cách thực sự.

Mẹ bỉm GenZ đẹp trong lúc mang thai, đẹp cả khi lên bàn sinh nở. Như Châm chủ trương: “Đi đẻ quên gì cũng được nhưng không thể quên son". Họ đẹp ngay cả khi ở cữ, với cơ thể thơm tho nhờ tắm gội hằng ngày một cách khoa học. Họ ăn đồ ăn đủ dưỡng chất cho mẹ, đủ sữa cho con mà không cần phải béo. Họ mặc áo quần thời trang, nổi bật mà vẫn thuận tiện, ấm áp, không phải lụng thụng trong những bộ đồ mặc nhà bùng nhùng với miếng bông gòn nhét ở tai, mái tóc bết và chiếc khăn trùm đầu thiếu thẩm mỹ. Họ lấy lại cơ thể săn chắc, cân đối ngay khi đang cho con bú nhờ ăn đủ, tập luyện nhẹ nhàng, đều đặn mỗi ngày.

Công nghệ giúp cho phụ nữ hiểu mình và người thân trong gia đình hiểu họ, cùng hỗ trợ họ chăm con và chăm sóc bản thân - bằng khoa học. Do đó, chân dung mẹ bỉm thời 4.0 cũng thay đổi. Tạm biệt hình ảnh đầu bù tóc bết, mắt mũi thâm quầng, lụng thụng tất tai áo quần, tất bật tã sữa của các thập niên trước.

Mẹ bỉm GenZ gọn gàng, rạng rỡ, thời trang và thảnh thơi với bộ ba combo: bầu khoẻ - đẻ đẹp - nuôi nhàn. Họ cũng thay đổi luôn định nghĩa về một người mẹ tốt. Mẹ tốt không phải người mẹ ăn thật nhiều để con có sữa. Không phải người mẹ cả đêm ôm con ngủ ngồi và bật khóc vì bất lực. Càng không phải người mẹ thường trực nỗi bất an mỗi khi con khó ở mà không hiểu con đau chỗ nào. Người mẹ ngày đêm trăn trở vì con vẫn được ca tụng là sự hy sinh vĩ đại ấy có lẽ đã trở nên lỗi thời. 

Mẹ bỉm GenZ gọn gàng, rạng rỡ, thời trang và thảnh thơi với bộ ba combo: bầu khoẻ - đẻ đẹp - nuôi nhàn.

Mẹ bỉm GenZ gọn gàng, rạng rỡ, thời trang và thảnh thơi với bộ ba combo: bầu khoẻ - đẻ đẹp - nuôi nhàn. 

Mẹ tốt thời 4.0 là hình mẫu một người mẹ hiểu biết: biết sử dụng công nghệ làm phương tiện để nuôi con khoa học từ trong bụng mẹ; biết dùng công nghệ để giải quyết các công việc làm mẹ một cách nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc; biết dùng công nghệ để giải phóng bản thân khỏi các áp lực tâm lý.

Và ở góc độ nào đó có thể khẳng định rằng, nơi thế giới của những phụ nữ trước cánh cửa làm mẹ, công nghệ đã thực sự tạo ra một thế hệ mẹ bỉm hạnh phúc hơn. 

Huyền Zenda mang thai lần 2 vì vỡ kế hoạch, kể chuyện lần đầu đi đẻ và ở cữ khóc hết nước mắt
Trong tập mới nhất của chương trình “Chat với mẹ bỉm sữa”, Huyền Zenda (tên thật là Ngô Thị Thúy Huyền) - một Tiktoker kinh doanh online đã có những...

Câu chuyện đi đẻ

Theo Hoàng Thị Hồng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Khi Gen Z mang bầu