Do có bệnh lý nền nên mẹ bầu Hà Nội đã chọn bệnh viện Phụ sản trung ương cho an tâm trong hành trình vượt cạn.
Vì bản thân có bệnh lý nền giảm tiểu cầu vô căn từ lúc 10 tuổi, điều trị tại viện huyết học nên suốt thai kỳ chị Nguyễn Thu Thủy, 26 tuổi ở Đông Anh, Hà Nội luôn xác định phải sinh tại bệnh viện trung ương tuyến đầu cho yên tâm. Bởi thế, chị Thủy xác định mổ đẻ tại Bệnh viện Phụ sản TW.
Bởi thế, để chủ động trong thai kỳ của mình, chị Thủy đã theo khám 1 bác sĩ ở Bệnh viện Phụ sản TW. Và khi 37 tuần, chị đến viện làm hồ sơ sinh.
Vợ chồng chị Nguyễn Thu Thủy. (Ảnh: NVCC)
Mặc dù quyết định mổ chủ động nhưng khi ở thời điểm 38 tuần 4 ngày, chị Thủy bất ngờ bị vỡ ối vào viện mổ luôn.
"Sáng sớm đó mình bị vỡ ối nên cả nhà lật đật bắt xe vào viện luôn. Sau khi vào tầng 1 tòa nhà BC khám cấp cứu, bác sĩ đã khám trong và cho xét nghiệm lại nước tiểu, siêu âm… Lúc này anh xã đã đóng tạm ứng 10 triệu tại quầy và đăng ký gói đẻ dịch vụ. Mình được đưa lên tầng 7 để chờ đẻ. 9h sáng đó bác sĩ hội chẩn và quyết định cho mổ luôn. Do trước đó mình có nhờ bác sĩ theo khám mổ chủ động nhưng giờ lại vỡ ối trước 1 ngày nên bác không vào kịp. Nếu muốn chỉ định bác sĩ mổ, sản phụ phải đóng thêm 5 triệu nhưng mình không chọn. Mình nhờ luôn bác sĩ ở ca trực hôm đó mổ cho mình", chị Thủy kể lại.
Sau đó, chị Thủy được đưa lên tầng 8 để mổ đẻ. Anh xã chị sẽ đợi đón con ở tầng 6 sau đó bé được chuyển lên khoa Sơ sinh để tiêm viêm gan B và vitamin K. Còn chị Thủy sau mổ phải nằm phòng hồi sức 2 tiếng là 2 mẹ con đều được chuyển về phòng bệnh ở tầng 4 tòa BC.
Do bản thân có bệnh lý nền nên mẹ bầu xinh đẹp quyết định chọn bệnh viện phụ sản tuyến đầu làm nơi sinh. (Ảnh: NVCC)
Sau sinh, chị Thủy cũng như nhiều mẹ bỉm khác có sử dụng hầu hết các dịch vụ tại viện như:
- Đơn 1 hộp sữa + dầu gừng sau sinh: 690 ngàn đồng
- Giường: 1,5 triệu đồng/ngày
Đẻ mổ thường nên chị chọn nằm giường dịch vụ 1,5 triệu/ngày và phòng 4 giường rất sạch sẽ thoáng mát.
- Chiếu tia Plashma mẹ 5 lần + bé 6 lần
- Massge ngực 2 lần
- Xông tinh dầu mẹ 3 lần
- Lấy máu gót chân cho con gói full hơn 2,5 triệu đồng.
- Massage bé 3 lần
Khi ra viện, ngoài tiền tạm ứng 10 triệu trước đó, gia đình chị Thủy còn chi trả các hóa đơn sau:
- Hóa đơn của mẹ: 8.425.000 đồng
- Hóa đơn của bé: 5.116.000 đồng
- Thuốc cho em bé sau sinh viện kê: 817 ngàn đồng
- Sản phụ mới sinh này cũng cho biết đã cảm ơn bác sĩ và ê kíp mổ đẻ.
Như vậy, tổng chuyến đi đẻ của chị Thủy sau khi lưu viện 4 ngày hết 28.541.000 đồng, sau khi được BHYT chi trả 80% thì sản phụ này chỉ phải trả 18.541.000 đồng.
Sau khi ở viện 4 ngày, cá nhân mẹ bỉm cho rằng dù chỉ sử dụng vụ đẻ mổ thường nhưng chị thấy rất hài lòng với mọi thứ ở viện. Các bác sĩ và y tá, điều dưỡng đều rất nhẹ nhàng, nhiệt tình, vui tính. Phòng ốc, giường bệnh đều rất sạch sẽ, thoáng máy, đầy đủ tiện nghi. Thậm chí, với sản phụ mới sinh, lần sau chị vẫn sẽ tin tưởng và lựa chọn bệnh viện này để đi đẻ con thứ 2.
Sau khi ở viện 4 ngày, mẹ bỉm cho rằng dù chỉ sử dụng vụ đẻ mổ thường nhưng chị thấy rất hài lòng với mọi thứ ở đây. (Ảnh: NVCC)
Hiện chị Thủy vừa sinh con và về ở cữ. Cá nhân chị vẫn thấy, nếu các sản phụ có bệnh lý nền hoặc bệnh lý về thai thì tốt nhất nên chọn Phụ sản Trung ương vì đây là bệnh viện công lập tuyến đầu, chuyên môn các bác sĩ rất cao, giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp, sản phụ đi đẻ rất an tâm.
“Còn với những mẹ bầu không có vấn đề gì khi mang thai, muốn có những trải nghiệm tốt hơn có thể chọn đẻ ở các viện tư, viện quốc tế tuỳ điều kiện kinh tế gia đình”, chị Thủy chia sẻ.