Vóc dáng người nhỏ gọn nên dù mang bầu đôi, Tường Linh trông vẫn nhỏ nhắn, tay chân gọn gàng.
Trong khi các mẹ bầu đều đau đầu vì chuyện tăng cân không phanh thì Nguyễn Đỗ Mộng Linh (SN 1994, ở Sài Gòn) lại trái ngược. Linh cao vỏn vẹn 1m53, nặng 46kg. Dù mang thai đôi nhưng cả thai kỳ cô chỉ tăng 15kg, tay chân vẫn nhỏ gọn.
Tháng 11/2022 vừa qua, nàng single mom này đã sinh 2 nhóc tì tại Bệnh viện Từ Dũ. Nhìn lại hành trình sinh nở, Linh vẫn không tin bản thân đã trải qua một cách chóng vánh đến vậy.
Đặt vòng nâng cổ tử cung để cứu con
Ngày mang thai, Mộng Linh bất ngờ khi ông trời gửi gắm tới 2 “món quà” lớn. Song 9X lo lắng nhiều hơn là vui mừng khi tìm hiểu rằng, thai kỳ của các mẹ bầu sinh đôi có rủi ro cực kỳ cao.
Khi sinh đôi, áp lực đặt lên tử cung lớn gấp 2 lần, mẹ bầu sẽ gặp nhiều nguy cơ về sảy thai, hội chứng truyền máu song sinh, sinh non, băng huyết…Trước những cảnh báo của bác sĩ, Linh quyết định thực hiện phương pháp đặt vòng nâng cổ tử cung.
9X tâm sự: “Ở tuần thứ 2, mình quyết định đặt vòng nâng cổ tử cung để giảm nguy cơ sinh non khi hai bé lớn dần, gây áp lực lớn xuống cổ tử cung về sau. Khi siêu âm thai đôi, bác sĩ tư vấn khá kĩ những nguy cơ như trên. Nhưng mẹ bầu nào cũng thích đẻ một lần cho đáng đồng tiền bát gạo. Với không phải ai cũng sinh đôi, nên dù nguy cơ và rủi ro cao, cứ nghĩ tới cặp thiên thần trong bụng, mình cũng vui và cố gắng hơn”.
Cơ thể Linh không thay đổi nhiều khi mang bầu.
Làm mẹ đơn thân thân, Linh tự dặn bản thân phải mạnh mẽ, chăm sóc tốt cho con trong bụng. Cô tự đi siêu thị mua đồ nấu ăn, khuân vác đồ, tự đi khám, siêu âm. Nhìn xung quanh ai cũng có chồng đưa đón, đôi khi Linh chạnh lòng, tủi thân: “Khi có thai, mẹ bầu suy nghĩ rất tiêu cực, quá trình mang thai khiến cơ thể thay đổi rất nhiều, và dễ bị trầm cảm khi không nhận được sự quan tâm từ mọi người. Em cũng nhiều lần suy nghĩ tiêu cực lắm, nhưng đều phải tự vượt qua. Nói chung phụ nữ như chúng ta đáng được yêu và trân trọng nhiều hơn khi có em bé. Có con là bước ngoặt cuộc đời, vì cửa sinh cũng là cửa tử”.
Suốt thai kỳ, Linh không ốm nghén, thậm chí còn ăn uống ngon miệng, đầy đủ hơn. Song, cô không ăn nhiều gấp 2, gấp 3 mà vẫn giữ chế độ ăn như bình thường, bổ sung thêm vitamin, axit folic, sắt… Linh nói không với sữa bầu, cô chọn uống sữa tươi không đường, một ngày 1 lít. Hai bé của Linh luôn đạt chuẩn cân nặng cho đến ngày sinh nở.
Dù không nghén nhưng Linh rất thèm trái cây, đủ loại từ chua tới ngọt. Đặc biệt cô ăn nhiều dưa hấu và chuối. Theo Linh, dưa hấu bổ sung nước tốt cho mẹ bầu, giảm nguy cơ tiền sản giật. Còn chuối chứa nhiều canxi, giảm dị tật thai nhi, chống táo bón.
Cả thai kỳ, 9X không ốm nghén.
Trước khi có thai, Linh nặng 46kg, đến tuần thứ 36, cô nặng 59,5kg, tăng gần 15kg. 9X thường xuyên đi khám thai, quan sát chỉ số thay đổi qua từng tháng.
Linh bộc bạch: “Lúc có con mới biết, độ tuổi ảnh hưởng đến thai kỳ khá nhiều. Tốt nhất các mẹ nên sinh con trước 30 tuổi để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của bé. 6 tháng đầu, mình khám thai định kỳ 1 tháng/ lần. Đến tháng thứ 7 thì 2 tuần/ lần và phải làm nhiều xét nghiệm để đảm bảo giảm nguy cơ dị tật của hai bé”.
“Top 1 thứ cần nhất mang đi sinh chính là bà ngoại"
Ở tuần thứ 36, Linh vẫn đi làm đều đặn. Trước hôm sinh, cô sốt cao 39,5 độ nên xin nghỉ phép 3 ngày. Vào đêm đầu tiên của ngày nghỉ, Linh vỡ ối, cùng mẹ ruột xách giỏ vào viện cấp cứu.
“Hôm đó mình đi vệ sinh thì nghe tụi nhỏ đạp một tiếng bụp rõ to. Em còn nghĩ tụi nó đạp gì mà đạp ghê thế. Sau đó thì bụng đau lâm râm khoảng 20 phút. Đến 2h sáng, mình thấy không ổn và nói mẹ chuẩn bị xách giỏ đi sinh. Mẹ mình ở quê lên chăm từ tháng thứ 6, vì lo con ở một mình không ổn, sợ trượt chân, té ngã. Người ta hay nói top 1 thứ cần mang đi sinh nhất là bà ngoại quả không sai. Mẹ tất tả đưa mình đi ngay. Lúc đó là 2h20 sáng, có mẹ hỗ trợ nên khám và làm thủ tục rất nhanh”, Linh cho biết.
Linh sinh thường ở tuần thứ 36.
May mắn, 2 bé nhà Mộng Linh đều đã quay đầu ở tuần 34. Khi vỡ ối, cổ tử cung 9X mở khá nhanh. Vì cặp sinh đôi đã quay đầu rồi, cổ tử cung mở rộng, nên bác sĩ khuyên bà mẹ trẻ nên cố gắng sinh thường. “Sau tầm 25 phút rặn thì bé thứ nhất ra đời. Bác sĩ báo lấy sức rặn bé thứ 2 tiếp ngay, không kéo dài sẽ khó sinh và mất máu nhiều hơn, mình cũng mất sức hơn. Nên cố gắng tiếp lần hai, và sau 3 phút, nhóc thứ 2 chào đời. Trộm vía đau đẻ nhanh và sinh cũng nhanh”, Linh cho biết.
Hai nhóc tỳ nhà Tường Linh.
Hai cậu con trai của Mộng Linh sinh non ở tuần thứ 36, bé đầu nặng 2,6kg, bé thứ 2 nặng 2,5kg. Sau sinh mẹ bỉm 9X bị mất máu khá nhiều. Cô nàng cũng “ám ảnh" khi trải qua quãng thời gian kiêng cữ nghiêm ngặt. Linh kiêng nước, tránh ăn toàn bộ đồ lạnh, đồ chua, 1 tuần gội đầu 1 lần. Mỗi tối, bà mẹ trẻ đều thoa rượu gừng và nịt bụng. Nhờ phương pháp này, bụng Linh thon gọn trở về dáng khá nhanh.
Sau sinh 20 ngày, Linh về dáng khá nhanh.
“Hồi mới sinh xong mình nhìn cái bụng mình mà tưởng còn sót đứa nào trong đó không. Nó bự như mình bầu 4-5 tháng ý. Trộm vía 20 ngày là bụng mình săn lại rồi. Trước sinh vòng eo của mình tầm 60-62. Nhưng dù có xấu xí cỡ nào, nhìn 2 thiên thần nhỏ ra đời bình an, khoẻ mạnh, thì mọi sự hy sinh đều xứng đáng”, Linh hạnh phúc nói.