Từ lời đồn ăn dứa giúp chuyển dạ nhanh đến lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa

Ngày 09/10/2022 16:03 PM (GMT+7)

Trên một số hội nhóm dành cho bà bầu, nhiều người mách nhau ăn dứa, uống nước dứa như là một liều thuốc tự nhiên để giúp thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dạ. Các chị em còn lan truyền rằng, liều thuốc này đặc biệt cần thiết với những bà bầu đã quá ngày sinh nở.

Mách nhau bài thuốc giúp chuyển dạ nhanh và dễ dàng hơn

Chị L.N.T ở Thạch Thất (Hà Nội) hiện đang mang thai được 28 tuần chia sẻ, mẹ chồng chị bảo ăn dứa tươi hoặc nước ép dứa tươi có nhiều dưỡng chất lắm. Đặc biệt ăn dứa sẽ giúp có cuộc chuyển dạ thuận lợi và dễ dàng. Chính vì vậy, từ khi mang thai, chị T. rất tích cực ăn dứa, hy vọng sẽ có cuộc sinh nở thuận lợi, mẹ tròn con vuông.

Mang thai ở tuần thứ 40 nhưng vẫn không có cơn co tử cung báo hiệu đến ngày lâm bồn, chị T.T.V (Hòa Bình) vô cùng sốt ruột, ngày nào cũng thấp thỏm không thấy cơn co tử cung như các mẹ bầu khác chia sẻ. Được mách rằng ăn dứa sẽ giúp kích thích đẻ nhanh hơn. Vì vậy, một tuần qua ngày nào bà mẹ này cũng ăn 2 - 3 quả dứa, ăn dứa thay các thực phẩm khác và mong chờ cơn đau đẻ xuất hiện.

Nhiều chị em lý giải tác dụng của bài thuốc truyền miệng này là do trong dứa có enzyme bromelain, có thể phá vỡ các protein trong cơ thể. Bromelai tác động đến tử cung làm mềm tử cung giúp cuộc chuyển dạ nhanh chóng và thuận lợi hơn.

Từ lời đồn ăn dứa giúp chuyển dạ nhanh đến lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa - 1

Ăn dứa không giúp kích thích việc chuyển dạ.

Ăn dứa không có tác dụng kích thích chuyển dạ như lời đồn

Theo BS. Đoàn Xuân Quảng (Khoa Sản bệnh - Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng), trên thực tế chưa có nghiên cứu khoa học nào nói về hiệu quả của việc ăn dứa sẽ làm cho cuộc chuyển dạ nhanh và dễ dàng hơn. Cho đến nay mới chỉ có một số thí nghiệm như lấy tinh chất của dứa để tiêm vào cơ tử cung của chuột, việc làm này cũng có tác dụng tăng sự co bóp nhưng chưa được thực hiện trên người.

Ngay cả trong các nghiên cứu trên động vật, bromelain trong dứa cũng chỉ đơn giản là gây ra các cơn co thắt, nhưng không gây chuyển dạ. Không có dấu hiệu nào cho thấy việc sử dụng bromelain theo bất kỳ cách nào thực sự thúc đẩy quá trình chuyển dạ.

Khi ăn quá nhiều, ngoài đau rát miệng có thể làm tăng đường huyết quá mức. Đặc biệt, với mẹ bầu có đái tháo đường thai kỳ có thể gây ra tình trạng tăng đường huyết. rối loạn đường huyết, đáng sợ nhất là có thể ảnh hưởng tới tim thai của thai nhi.

Dứa là trái cây bổ dưỡng, tốt cho bà bầu

Dù không có tác dụng thúc đấy cơn chuyển dạ, nhưng dứa vẫn là một loại trái cây tốt cho bà bầu với một số lợi ích sức khỏe độc đáo. Mặc dù có vị ngọt đặc trưng, dứa vẫn có thể được đưa vào bất kỳ kế hoạch ăn uống lành mạnh nào, kể cả đối với phụ nữ mang thai. Dứa chứa ít chất béo và natri với lượng vitamin và khoáng chất dồi dào giúp tăng cường sức khỏe.

Dứa được coi là loại trái cây có chỉ số đường huyết (GI) trung bình. Nó có lượng đường huyết thấp hơn chuối và dưa hấu quá chín, nhưng cao hơn các loại trái cây có GI thấp như quả mọng, táo hoặc lê.

Dứa cũng là một nguồn cung cấp folate dồi dào. Các chuyên gia y tế khuyến cáo phụ nữ mang thai nên bổ sung ít nhất 600mcg folate mỗi ngày để hỗ trợ sức khỏe của thai nhi. Một cốc nước dứa ép có gần 30mcg folate, đây là một cách tuyệt vời để có thêm chất dinh dưỡng quan trọng này cho cơ thể.

Dứa là một nguồn tuyệt vời của vitamin C. Một cốc cung cấp giá trị cho cả ngày. Ngoài ra, một khẩu phần dứa có 181mcg đồng. Do lượng đồng hấp thụ đầy đủ là 900mcg mỗi ngày, ăn dứa là một cách tuyệt vời để đạt được khuyến nghị về khoáng chất thiết yếu này.

Một cốc dứa (165g) cung cấp 82 calo. Hầu như tất cả lượng calo này đến từ carbohydrate. Một cốc dứa tươi chứa 22g carbohydrate. Trong số 22g này, 16g ở dạng đường (fructose) và 2g đến từ chất xơ.

Dù tốt nhưng phụ nữ mang thai cũng không nên ăn quá nhiều dứa. Ợ chua và trào ngược axit rất phổ biến khi mang thai, và thực phẩm có tính axit như dứa có thể làm cho những vấn đề này trở nên tồi tệ hơn.

Ngoài ra, quá nhiều bromelain đôi khi có thể dẫn đến tiêu chảy hoặc chuột rút, điều này có thể bị nhầm lẫn với sự bắt đầu chuyển dạ.

Những lưu ý khi mang thai

Từ lời đồn ăn dứa giúp chuyển dạ nhanh đến lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa - 2

Tập thể dục thường xuyên nâng cao thể lực giúp mẹ bầu chuyển dạ dễ dàng hơn.

Khi bước vào giai đoạn cuối thai kỳ, thai nhi tăng nhanh về cân nặng nên mẹ bầu cần tiếp tục bổ sung những bữa ăn giàu dinh dưỡng để cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho mẹ và bé. Ăn đa dạng các loại thực phẩm, phân chia khẩu phần ăn hợp lí, uống đủ nước.

Chuẩn bị tinh thần và thể lực tốt để bước vào giai đoạn chuyển dạ đầy cam go và thử thách. Từ tuần 37 của thai kì trở đi nên quan sát thật tỉ mỉ những dấu hiệu của bản thân báo hiệu chuyển dạ như: tăng tiết dịch âm đạo, tần suất xuất hiện cơn gò ngày càng nhiều, bung nút nhầy, bụng dưới tụt thấp, đau thắt lưng nhiều hơn…

Các đến gần thời gian sắp sinh mẹ bầu không nên nằm quá nhiều và quá lâu một chỗ mà nên thường xuyên đi lại nhẹ nhàng giúp thư giãn tinh thần và giúp dễ dàng chuyển dạ hơn. Khi xuất hiện nhiều biểu hiện chuyển dạ như trên các mẹ nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ chuyên khoa theo dõi và hướng dẫn.

Đang vật vã chuyển dạ, mẹ được tiêm thuốc giảm đau, sáng hôm sau ngủ dậy đã mất con
Một cặp vợ chồng đã mất đi đứa con chưa kịp chào đời do sai lầm ngớ ngẩn của bệnh viện, thậm chí bản thân sản phụ cũng suýt chết.

Tin tức mẹ bầu

Khánh Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bài chuyên gia