Một người phụ nữ tỉnh dậy và vô cùng ngạc nhiên xen lẫn sợ hãi khi bên trong mũi đen sì.
Một bác sĩ ở Miami (Mỹ) đã đăng tải clip giải thích lý do tại sao lỗ mũi của người phụ nữ lại đen sì. Hóa ra nguyên nhân là do cô đã đốt nến thơm quá lâu.
Cũng trong video của người phụ nữ, cô nhận ra mũi của mình có màu đen sau khi ngủ quên trong lúc nến thơm vẫn đang cháy.
Bác sĩ cảnh báo: “Điều khiến nến thơm trở nên nguy hiểm là chúng có thể xâm nhập vào phổi của bạn và gây ra tổn thương. Vì vậy, hãy luôn nhớ dập tắt những ngọn nến thơm và đừng để chúng cháy quá lâu".
Lỗ mùi đen sì của cô gái sau khi nằm trong phòng với nến thơm được đốt rất lâu.
Nhiều cư dân mạng đã khá bất ngờ trước lời cảnh báo này vì họ không biết đốt nến thơm quá lâu có thể gây hại. Một số người khác cảm thấy khá lo lắng về sự an toàn khi đốt nến là một trong những nguyên nhân chính gây cháy nhà.
Theo Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy Quốc gia của Mỹ, đốt nến nằm trong 5 nguyên nhân hàng đầu gây cháy nhà bên cạnh việc nấu nướng, sưởi ấm, các vấn đề về điện và hút thuốc.
Bác sĩ khuyến cáo mọi người không nên đốt nến quá lâu trong phòng kín.
Đốt nến thơm có gây hại hay không?
Nhiều người có sở thích đốt nến thơm để khiến không gian xung quanh có mùi thơm dễ chịu. Tuy nhiên có một số ý kiến cho rằng đốt nến thơm có thể gây ra nhiều độc hại. Vậy sự thật là gì?
Sáp nến có gây hại?
Hầu hết các loại nến hiện đại đều được làm từ sáp parafin. Loại sáp này được làm từ dầu mỏ như một sản phẩm phụ của quá trình tạo ra xăng.
Một nghiên cứu năm 2009 cho thấy việc đốt sáp parafin sẽ giải phóng các hóa chất nguy hiểm tiềm tàng, chẳng hạn như toluen. Tuy nhiên, nghiên cứu chưa bao giờ được xuất bản trên một tạp chí được bình duyệt khoa học, và Hiệp hội Nến Quốc gia và Hiệp hội Nến Châu Âu đã đặt ra câu hỏi về độ tin cậy của nghiên cứu.
Theo một tuyên bố được phát hành bởi Hiệp hội Nến Châu Âu: “Họ không cung cấp dữ liệu để xem xét và kết luận của họ dựa trên các tuyên bố không được hỗ trợ. Chưa có một nghiên cứu khoa học uy tín nào cho thấy bất kỳ loại sáp nến nào, kể cả parafin, có hại cho sức khỏe con người”.
Một nghiên cứu năm 2007 do Hiệp hội Nến Châu Âu tài trợ đã kiểm tra mỗi loại sáp chính để tìm ra 300 hóa chất độc hại. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng mức độ hóa chất thải ra của mỗi loại nến thấp hơn nhiều so với lượng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe con người.
Tại thời điểm này, không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy việc đốt nến gây hại cho sức khỏe của bạn. Tuy nhiên, nếu lo lắng về những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của việc đốt sáp parafin, bạn có thể thử sử dụng nến làm từ sáp ong, sáp đậu nành hoặc các loại sáp có nguồn gốc thực vật khác.
Nến có giải phóng các chất dạng hạt và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi không?
Nến cháy có thể giải phóng các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) và các chất dạng hạt vào không khí. Vật chất dạng hạt là một hỗn hợp của các giọt chất lỏng cực nhỏ và các hạt có thể xâm nhập vào phổi của bạn.
Các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) là các hợp chất cacbon dễ biến thành khí ở nhiệt độ phòng. Một số VOC tự nhiên xuất hiện trong hoa để tạo ra hương thơm ngọt ngào. Các VOC khác như formaldehyde và benzine, có khả năng gây ung thư.
Chúng ta thường xuyên tiếp xúc với vật chất dạng hạt và VOC trong cuộc sống hàng ngày. Các VOC này xuất hiện dưới dạng khí thải ô tô, ô nhiễm nhà máy và bất cứ thứ gì khác đốt cháy nhiên liệu hóa thạch.
Một nghiên cứu năm 2014 kiểm tra lượng hạt vật chất thải ra từ những ngọn nến đang cháy đã phát hiện ra rằng lượng hạt thải ra không đủ để gây ra các vấn đề sức khỏe ở người. Nếu bạn đang sử dụng nến đúng cách trong một không gian thông thoáng, chúng sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của bạn.
Khói nến có độc không?
Hít thở quá nhiều bất kỳ loại khói nào có thể gây hại cho sức khỏe của bạn. Nến đốt làm bằng parafin sẽ giải phóng muội than. Người ta cho rằng các sản phẩm đốt cháy từ những ngọn nến này tương tự như các sản phẩm đốt cháy từ động cơ diesel.
Bạn nên giảm thiểu lượng khói hít vào bằng cách thắp nến trong một căn phòng thông gió tốt và tránh xa nơi có gió lùa có thể làm tăng lượng khói mà chúng thải ra.
Nến thơm có độc hại không?
Đốt nến thơm có thể giải phóng các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi như formaldehyde có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Mặc dù nến thơm giải phóng các hợp chất này, nhưng không rõ chúng có ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn hay không.
Cũng có thể có người phản ứng dị ứng với nến thơm. Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Hắt hơi
- Sổ mũi
- Tắc nghẽn xoang
Tóm lại, theo các chuyên gia, nên sử dụng nến thực vật hoặc sáp ong với bấc không chứa kim loại, nên đốt ở khu vực thông gió, đốt trong thời gian ngắn.
Bất kể bạn đang dùng loại nến nào, hãy nhớ các mẹo sau để giúp nến cháy lâu hơn, sạch hơn, ít khói và bụi bẩn hơn, theo Shape.
- Cắt bấc xuống còn 1/8 và chỉ đốt trong vài giờ mỗi lần. Việc cắt tỉa bấc sẽ giúp giảm muội than.
- Đốt trong phòng thông gió tốt, nhưng không có gió lùa, nếu không nến sẽ cháy quá nhanh và không đều.
- Dùng dụng cụ tắt nến để dập tắt ngọn nến hoặc thổi tắt ở bên ngoài để ngăn muội than và khói bay trong nhà.