Đến lúc này, tôi mới nhận ra rằng có thể, tất cả những điều này đều là lỗi của tôi.
Vào ngày cuối năm, khi mọi người đang hân hoan chờ đón năm mới thì không khí trong gia đình tôi lại lạnh lẽo như một cái hầm băng. Bởi tôi cảm thấy thật trống vắng, vì vợ đã bỏ đi.
Tôi cầm điện thoại định gọi cho vợ thì đọc được tin nhắn của cô ấy:
- Gia đình em trai anh đã đến, em về nhà ngoại đây.
Câu nói ngắn gọn khiến tôi sững sờ, ngơ ngác nhìn cảnh tượng trước mặt. Trong phòng ngủ, em dâu tỏ ra không kiên nhẫn khi dỗ dành hai đứa trẻ đang ồn ào, miệng lầm bầm:
- Cơm nấu mãi chưa xong. Bây giờ đã mấy giờ rồi?
Ở phòng khách, bố tôi ngồi trên sofa với điếu thuốc lá, trong khi mẹ tôi ôm đứa cháu nhỏ nhất, lẩm bẩm:
- Chúng ta đã già, không còn sức lực nữa, mà người trẻ nấu có mỗi bữa cơm cũng chậm chạp như vậy.
Em trai tôi ngồi bắt chéo hai chân kê lên bàn, chăm chú lướt điện thoại và thỉnh thoảng bật cười, như thể mọi rắc rối xung quanh không hề liên quan đến nó. Nhìn vào cảnh tượng trước mắt, lòng tôi trào dâng nhiều cảm xúc trái ngược. Đây có phải là tổ ấm mà tôi đã dày công xây dựng?
Vợ tôi, người phụ nữ luôn âm thầm chịu đựng, không bao giờ phàn nàn hay gây gổ, giờ đây đã bỏ đi. Đến lúc này, tôi mới nhận ra rằng có thể, tất cả những điều này đều là lỗi của tôi.
Tôi cảm thấy rất khó khăn khi phải thông báo chuyện cả nhà sẽ đến nhà tôi ăn Tết. (Ảnh minh họa)
Cách đây mấy hôm, em trai đã gọi điện bảo cả nhà sẽ cùng đến nhà tôi ăn Tết. Nghe giọng điệu vui vẻ từ đầu dây bên kia, tôi cảm thấy lo lắng. Sau nhiều lần do dự, cuối cùng tôi cũng đồng ý để cả nhà đến nhà mình ăn Tết cho có không khí vui vẻ. Sau khi kết thúc cuộc gọi, tôi cảm thấy nặng nề khi phải thông báo cho vợ về quyết định này.
Khi nói với vợ, sắc mặt cô ấy lập tức thay đổi:
- Cả gia đình cùng nhau đón Tết thì không vấn đề gì, nhưng họ đến đây với 6 người, trong khi căn nhà nhỏ của chúng ta chỉ có vài chục mét vuông, làm sao có thể chứa hết được?
Tôi cười trừ:
- Tết mà, chỉ cần tạm bợ vài ngày thôi.
Cô ấy lạnh lùng đáp:
- Tạm bợ vài ngày? Anh có quên không, năm ngoái họ ở lại một tháng, khi rời đi, nhà cửa như vừa bị bão quét qua. Em đã phải nấu nướng, dọn dẹp trong thời gian đó, trong khi họ thậm chí còn không rửa một đôi đũa!
Tôi cúi đầu không nói gì. Vợ tức giận quay lưng bước vào phòng ngủ và đóng sầm cửa lại. Cuối cùng, tôi gõ cửa xin lỗi, cố gắng thuyết phục vợ để cả nhà đến đón Tết cùng thêm một năm nữa. Thuyết phục mãi, vợ cũng đồng ý.
Nhà em trai đến vào ngày 27 Tết, mang theo nhiều hành lý và hai đứa trẻ ồn ào. Bố mẹ tôi cũng đi cùng. Ngôi nhà nhỏ bỗng chốc trở nên chật chội. Vợ tôi bận rộn sắp xếp chỗ ngủ cho họ và chuẩn bị bữa ăn, nhưng tôi để ý sắc mặt vợ không được tốt.
Bởi, vừa bước vào nhà, em dâu đã lớn tiếng khen ngợi:
- Anh chị năm nay làm ăn khấm khá nhỉ, nhà cửa trang trí đẹp quá.
Nói rồi, em tùy tiện ném quần áo bẩn của trẻ con lên sofa và ngồi xuống một cách thoải mái. Vợ tôi không nói gì, lặng lẽ nhặt quần áo và cho vào máy giặt.
Sau đó, vợ tôi một mình lo liệu mọi thứ: nấu ăn, dọn dẹp, chăm sóc trẻ con. Sau bữa ăn, bát đĩa không ai dọn, hai đứa trẻ thì nghịch ngợm, đồ chơi vứt lung tung. Em trai tôi còn quá đáng hơn, ăn xong thì nằm dài trên sofa, lướt điện thoại mà không thèm động tay.
Vợ tôi đã rất khó chịu ngay từ khi nhà em trai đến. (Ảnh minh họa)
Tất cả những điều này cuối cùng đã bùng nổ vào trưa 28 Tết. Trong khi đang băm thịt làm nem, vợ tôi lầm bầm:
- Ai cũng chỉ biết ngồi ăn.
Câu nói vô tình lọt vào tai em dâu, nó lập tức nổi giận:
- Chị dâu, câu đó có ý gì? Cả nhà quây quần đón Tết, sao lại phải tính toán như vậy?
Vợ tôi tức giận ném dao xuống thớt:
- Tính toán? Tôi một mình trong bếp bận rộn, còn các người thì vui vẻ! Cả nhà cùng nhau đón Tết thì được, nhưng sao mọi người không chịu giúp đỡ gì? Thật sự coi tôi như người giúp việc à?
Lời nói này khiến em trai tôi không hài lòng:
- Chị dâu, chúng ta là gia đình, đón Tết không phải để vui vẻ sao? Sao chị lại nhỏ mọn như vậy?
Tôi đứng giữa, không dám lên tiếng. Vợ nhìn tôi một cái, không nói gì, rồi trở về phòng, nhanh chóng thu dọn vài bộ quần áo và xách hành lý rời đi.
Tôi ngồi trên sofa, nhìn bố mẹ và gia đình em trai vui vẻ trò chuyện trong phòng khách, nhưng lòng tôi lại trống rỗng. Tôi nhận ra rằng, vợ không rời đi vì người nhà tôi, mà vì tôi. Cô ấy muố tôi lên tiếng, nhưng tôi lại chọn im lặng.
Đến chiều, tôi gọi điện cho vợ. Giọng cô ấy rất bình tĩnh:
- Anh à, không phải em không muốn ở bên anh, mà em cảm thấy chỉ mình em giữ gìn gia đình này. Anh hãy suy nghĩ kỹ, em đang chờ một câu nói từ anh.
Tôi im lặng rất lâu, cuối cùng mới lên tiếng:
- Em hãy về nhà đi. Năm nay, anh sẽ nấu ăn, chúng ta cùng nhau gìn giữ gia đình này.
Cuối cùng, vợ tôi đã trở về. Bữa ăn hôm đó là lần đầu tiên tôi vào bếp, mặc dù không tinh tế nhưng đã khiến cả gia đình im lặng một lúc lâu. Gia đình em trai cũng nhận ra rằng, những điều họ coi là hiển nhiên đã đè nặng lên vợ tôi.
Ngồi trên bàn ăn, tôi nhận ra gia đình không thể chỉ dựa vào một người. Nó cần sự thấu hiểu, tôn trọng và chia sẻ từ tất cả mọi người. Sau đó, tôi thầm hạ quyết tâm sẽ học nấu ăn và cùng vợ chia sẻ công việc nhà.