Trong lúc các thí sinh chuyển giới gây náo nhiệt vòng sơ khảo Vietnam’s Next Top Model 2013, thì một sự thật được phanh phui trên báo chí: ban tổ chức (BTC) cuộc thi đã phạm quy khi chấp nhận người chuyển giới.
Vấn đề là với tình huống khá tế nhị này, cơ quan quản lý văn hoá có nên “thổi còi” không?
Một mẩu tin trên báo chí cách đây không lâu có nội dung thế này: “Năm nay, chương trình tuyển cả thí sinh nam nên số lượng người mẫu dự thi ở các khu vực đều tăng đột biến. Tại Hà Nội, lượng thí sinh nam và nữ ở thế cân bằng. Cùng với cơ hội này, chương trình còn có sự xuất hiện của các thí sinh chuyển giới, phong cách lưỡng tính”. Đọc thông tin trên thấy bình thường, nhưng mới đây, khi ông cục trưởng cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng cuộc thi này đã vi phạm quy chế và sẽ bị phạt thì mọi chuyện không còn bình thường nữa. Và “người chuyển giới, phong cách lưỡng tính” đã bị loại khỏi cuộc chơi, không chỉ từ phía BTC, từ các quy định của bộ mà cả trong tâm thức người xem truyền hình, dù họ thực ra cũng có quyền công dân và quyền được hành xử như bao người khác. Vậy tại sao không xoá bỏ chuyện giới tính nam, nữ trong quy chế và nên để lại là “không phân biệt giới tính”?
Thí sinh Lan Phương được nhiều người chú ý vì vẻ ngoài có nhiều nét giống ca sĩ Thủy Tiên.
Tuy nhiên, bài viết này không đi sâu vào quyền của những người không được đánh dấu nam, nữ trong lý lịch thông thường, chỉ là một vài góp ý nhỏ cho câu chuyện tưởng bé đã được xé ra to. Trước tiên, cần làm rõ một chuyện: BTC cuộc thi Vietnam’s Next Top Model 2013 có vi phạm quy chế của bộ hay không? Nếu như có thì lỗi ấy chiểu theo “luật” mà xét là khá nặng. Nhưng thực ra, những người “cầm cân nảy mực” cuộc thi lại không vi phạm quy chế nào của bộ. Trong quy chế “Tổ chức thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp” (bộ Văn hoá, thể thao và du lịch ban hành 30.12.2008), đúng là có quy định: “Thí sinh chưa qua giải phẫu thẩm mỹ hoặc chuyển đổi giới tính”. Thực chất, tiêu chí này mang ý nghĩa đề cao vẻ đẹp tự nhiên tại các cuộc thi hoa hậu và nó nhận được sự đồng thuận của dư luận. Tuy nhiên, Vietnam’s Next Top Model không phải là một cuộc thi hoa hậu mà là một cuộc thi người mẫu, đề cao không chỉ hình thể, mà cả khả năng biểu cảm lẫn kỹ năng catwalk, được giám sát bởi nghị định 79/2012/NĐ-CP, vốn không “chắn rào” với người chuyển giới.
Thí sinh Nguyễn Trường Giang là một trong những gương mặt nổi bật bởi giới tính.
Như vậy, hành động phạm quy của Vietnam’s Next Top Model thực chất là vi phạm chính luật chơi của mình, bởi khi xây dựng đề án, BTC đã vô cớ tự “trói chân” bằng quy định: Thí sinh tham dự chưa phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, trên thực tế, trong cuộc thi vẫn xuất hiện thí sinh đã chuyển đổi giới tính. Dù có tự ý, hoặc vô tình đón nhận người chuyển giới dự thi thì lỗi này cũng không quá nghiêm trọng. Thế nên, việc đại diện cục Nghệ thuật biểu diễn khẳng định với một tờ báo “Sẽ xử lý nghiêm nếu có vi phạm”, có phần hơi nóng vội. Nhưng khó hiểu hơn cả là việc ban tổ chức cuộc thi Vietnam’s Next Top Model chưa gì đã tuyên bố: “Vào vòng sau, các thí sinh chuyển giới bị loại hết”. Cho dù bị loại theo cách nào thì phát ngôn này liệu có… vô tình không với những người chuyển giới đã rất nỗ lực khẳng định mình tại cuộc thi, cũng như trong cuộc sống, công việc mà trên thực tế, họ càng ngày càng được xã hội thừa nhận và ủng hộ?
Có cần chăng một tiếng còi sắt đá trong cái lỗi tế nhị, rất nên “đóng cửa bảo nhau” này?