Giống chó Alaska là giống chó vô cùng được ưa chuộng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Chúng không chỉ mạnh mẽ, tinh nhanh mà còn dễ huấn luyện, chăm sóc.
Nguồn gốc, lịch sử loài chó Alaska
Giống chó Alaska là một trong những giống chó kéo xe Bắc Cực lâu đời nhất hiện nay, tổ tiên của chúng đã đi qua một chặng đường dài từ Siberia đến Alaska với những người bản địa từ hàng nghìn năm về trước. Một bộ tộc, được gọi là Mahlemuts, định cư ở khu vực đông bắc của Bán đảo Seward và biến giống chó Alaska trở nên phổ biến. Những chú chó được sử dụng để săn hải cẩu, xua đuổi gấu Bắc Cực và kéo những chiếc xe trượt tuyết hạng nặng chất đầy thức ăn hoặc đồ dùng.
Hình ảnh giống chó Alaska
Người bản xứ đối xử tốt với những chú chó của họ và đánh giá cao chúng. Giống chó Alaska sở hữu sức mạnh, năng lượng, độ bền, tính độc lập và trí thông minh tuyệt vời. Ban đầu chúng được dùng để kéo những chiếc xe trượt tuyết nặng trên một quãng đường dài cũng như săn hải cẩu và gấu Bắc Cực. Còn ngày nay thì chúng lại được ưa chuộng để làm thú cưng trong nhà. Tại một số nơi hiện vẫn còn tổ chức một số môn thể thao dành cho chó, bao gồm thử luyện sự nghe lời, kéo tạ, trượt tuyết, đua xe chó kéo,...
Thông tin về đặc điểm, hình dáng của chó Alaska
1. Ngoại hình
- Về kích thước: Chó Alaska có chiều cao trung bình từ 65-70cm, cân nặng vào khoảng 45 đến 50kg. Một số giống Alaska có thể hình vượt trội có thể cao tới trên 1 mét và nặng đến 60-70kg. Về tổng thể, giống chó Alaska có thân hình khá cân đối với khung xương lớn, hệ thống khớp linh hoạt, dẻo dai do từ xa xưa chúng đã được dùng để kéo xe trượt tuyết.
- Về bộ lông: Bộ lông của giống chó Alaska có nhiều màu sắc đa dạng như: Trắng, đen, nâu đỏ, vàng, hồng,... Tuy nhiên dù bộ lông của chúng có màu gì đi chăng nữa thì phần mõm và cả 4 chân đều luôn có màu trắng đặc trưng không bao giờ thay đổi. Ngoài ra, chó Alaska sở hữu 2 bộ lông để thích nghi với thời tiết lạnh giá bao gồm lớp lông dày bên trong giúp giữ ấm cho cơ thể và lớp lông bên ngoài để chống thấm nước.
- Về khuôn mặt: Alaska có gương mặt mang đầy sự dễ thương và đáng yêu bởi hai bên má to tròn, đôi mắt có màu nâu đen hoặc hạt dẻ lấp lánh, hai chiếc tai của chúng to vừa phải và có lông tơ xuất hiện. Phần mõm của chó Alaska có độ dài vừa đủ, phần lỗ mũi khá to và có màu hồng ở giữa trông rất duyên.
- Về phần đuôi: Đuôi của chúng trông giống như cây bông lau bao phủ bởi lớp lông siêu dày và xù. Chó Alaska thường hay cụp đuôi về phía thân người.
2. Tuổi thọ
Với những chú chó Alaska đã quen sống ở những nơi khí hậu lạnh giá thì chúng có thể sống được từ 12-15 năm. Tuy nhiên với những chú chó bị thuần hóa và mang về sống như thú cưng ở các thành phố thì đã ảnh hưởng ít nhiều đến sức chịu đựng và tập tính của chúng. Khi này tuổi thọ của chó Alaska nuôi trong nhà chỉ còn từ 10-12 năm mà thôi.
3. Phân biệt chó Alaska với Husky
Hai giống chó này thường hay bị nhầm lẫn với nhau bởi ngoại hình có nét tương đồng giữa chúng. Thế nhưng giống chó Husky lại sở hữu những đặc điểm dễ nhận biết để bạn có thể phân biệt với giống chó Alaska như:
- Chó Husky có kích thước nhỏ hơn so với chó Alaska cả về chiều cao lẫn cân nặng. Chính vì thế mà khả năng kéo xe của hai giống chó này sẽ có sự khác biệt rất lớn.
- Bộ lông của chó Husky khá mềm và mượt, không thô ráp như của Alaska. Tuy vậy bộ lông của Husky lại khá ngắn chứ không dài, mặc dù vẫn có khả năng che phủ và giữ ấm tốt.
- Phần mõm của chó Husky thuôn dài và rộng hơn so với Alaska. Đôi tai của chúng cũng dài và thẳng đứng hơn so với Alaska. Ngoài ra Husky có đôi mắt màu xanh ngọc vô cùng đẹp mắt, thay vì chỉ có màu nâu đen như của Alaska.
Chó Husky
Các dòng chó Alaska phổ biến nhất hiện nay
1. Alaskan Malamute
Alaskan Malamute là giống chó Alaska nổi tiếng và phổ biến nhất trong số các giống Alaska hiện nay, thậm chí tên của chúng còn được đặt dựa theo tên của bang Alaska vào năm 2010. Những chú chó này được cho là đã đến Bắc Mỹ hàng nghìn năm trước khi những người thợ săn băng qua eo biển Bering. Rất có thể chúng đã được lai tạo bởi người Mahlemuts Inuit, tạo nên sự phổ biến như ngày nay.
Mặc dù chúng có vẻ ngoài đáng sợ, thế nhưng giống chó Malamutes có xu hướng nhẹ nhàng và sống tình cảm. Chúng là loài động vật vô cùng gần gũi và gắn bó với con người tốt nhất. Tuy vậy chúng không hoạt động tốt được trong thời tiết nóng bức vì lớp lông quá dày mang lại. Do đó nếu bạn đang sống ở nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm thì hẵng tính đến việc nuôi giống chó này nhé.
2. Alaska Husky
Giống như Alaskan Malamute, giống chó Alaska Husky được lai tạo để phục vụ cho mục đích kéo xe, làm việc. Tuy nhiên, những chú chó này có khung xương nhỏ hơn so với Malamute thuần chủng cho nên chúng có tốc độ rất tối ưu. Nhờ đó mà người ta thường dùng Alaska Husky để tham gia các cuộc thi đua xe trượt tuyết.
Alaska Husky có nguồn gốc từ giống chó Siberian Husky và được lai tạo với những con chó khác để đạt được tốc độ, sức bền và sức mạnh tốt hơn. Những con lai phổ biến bao gồm con trỏ lông ngắn của Đức và chó săn xám. Do có nguồn gốc lai tạo nên những chú chó Alaskan Husky khác nhau rất nhiều về kích thước, trọng lượng, màu lông,...
3. Alusky
Đúng như với tên gọi, giống chó Alusky là con lai giữa giống Husky Siberian và Alaskan Malamute. Đây giống chó lai đã được phát triển để kết hợp tốc độ của Husky với sức mạnh của Malamute. Nguồn gốc chính xác của giống chó Alusky vẫn chưa được biết và rất khó tìm thấy giống chó này bên ngoài các vùng Bắc Cực. Thừa hưởng những phẩm chất từ cả hai giống bố mẹ của nó, Alusky là một loài chó tốt bụng, yêu thương con người với trí thông minh và sự hòa đồng cao.
4. Alaskan Klee Kai
Mặc dù giống chó Alaskan Klee Kai có các đặc điểm nổi bật giống như những chú chó kéo xe lớn được đề cập ở trên. Thế nhưng nó lại có trọng lượng gần như là nhỏ nhất trong số này. Cái tên “Klee Kai” xuất phát từ thuật ngữ có nghĩa là “chú chó nhỏ” trong ngôn ngữ của người Inuit.
Giống chó Klee Kai không được nuôi để làm việc mà thay vào đó là để làm bạn với con người. Mặc dù Klee Kai Alaska thiếu hụt kích thước và khả năng lao động cường độ cao như Husky hoặc Alaska, thế nhưng chúng vẫn rất hoạt bát và giàu năng lượng. Chúng có xu hướng yêu quý con người, vui vẻ và thông minh nhưng đặc biệt cảnh giác với người lạ. Điều này khiến chúng trở thành giống chó canh gác vô cùng tuyệt vời.
Chó Alaska có tính cách như thế nào?
Giống chó Alaskan nói chung đều vô cùng gần gũi, tính cách vui tươi, hướng ngoại và đáng yêu sẽ thu hút tất cả sự quan tâm từ bạn. Chúng rất hòa đồng và thân thiện với con người, kể cả những người lạ và khách đến chơi nhà lần đầu. Nhiều người sẽ vì thế mà cho rằng chúng không phải là những con chó trông nhà tốt. Thế nhưng đổi lại chúng cực kỳ trung thành với gia đình và bạn bè của bạn.
Chó Alaska là động vật sống theo bầy đàn và chúng thích dành thời gian với những chú chó đồng loại của mình, nhất quyết muốn được tham gia vào tất cả các hoạt động mà đồng loại của chúng đang làm. Dù vậy, phần lớn tính cách của chúng sẽ bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố, bao gồm di truyền, huấn luyện và cả quá trình cho chúng hòa nhập xã hội sớm. Giống như mọi loài chó khác, giống chó Alaska cần được xã hội hóa sớm, tiếp xúc với nhiều người, được đưa đi chơi, vui đùa và có được những trải nghiệm khác nhau ngay từ khi chúng còn nhỏ. Nhờ đó mà chú chó của bạn sẽ có được sự phát triển tốt nhất và ngày càng gắn bó với con người.
Các vấn đề về sức khỏe mà chó Alaska có thể gặp phải
Mặc dù giống chó Alaska thường khỏe mạnh, nhưng giống như tất cả các giống chó khác, chúng vẫn có thể mắc phải một số tình trạng sức khỏe nhất định.
1. Đục thủy tinh thể
Là chứng bệnh thường xuất hiện ở những chú chó Alaska từ 1 đến 2 tuổi. Loại bệnh này hiếm khi tiến triển thành mù lòa, tuy nhiên sẽ ảnh hưởng đến việc phối giống cho thế hệ sau này.
2. Chondrodysplasia
Là một dạng rối loạn di truyền hiếm gặp khiến cho chú Alaska khi sinh ra bị dị tật rõ ràng ở hình dạng và chiều dài bất thường của các chi. Nó thường được gọi là "bệnh lùn", cần phải được sàng lọc kỹ trước khi muốn phối giống cho các thế hệ sau này.
3. Loạn sản xương hông
Đây là một tình trạng di truyền trong đó xương đùi không vừa khít với khớp háng. Một số chú chó Alaska có biểu hiện đau và khập khiễng ở một hoặc cả hai chân sau, nhưng bạn có thể không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu khó chịu nào ở chúng. Khi chú chó của bạn già đi thì bệnh sẽ gây ra những cơn đau đớn dai dẳng mỗi khi vận động.
4. Suy giáp
Tình trạng bệnh lý này thường bị chẩn đoán sai bởi các xét nghiệm. Suy giáp là kết quả của việc sản xuất hormone tuyến giáp thấp một cách bất thường. Các dấu hiệu lâm sàng khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp. Nhưng có thể bao gồm triệu chứng lông khô, thô ráp quá mức, tăng tiết dịch ở mắt, niêm mạc nhợt nhạt và tâm thần đờ đẫn. Suy giáp có thể được kiểm soát tốt bằng thuốc viên thay thế tuyến giáp hàng ngày. Do đó mà chú chó của bạn buộc phải sử dụng thuốc cả đời.
5. Bệnh đa dây thần kinh di truyền
Chứng bệnh này thường được biểu hiện rõ nhất bởi sự thiếu phối hợp và không ổn định dẫn đến dáng đi khó nhọc của chú chó Alaska. Tình trạng bệnh thay đổi từ nhẹ đến nặng, chúng có thể ngã xuống, dáng đi của chúng có thể hơi khác một chút. Bệnh thường phát triển một cách đột ngột và ghi nhận ở những chú chó đủ 1 tuổi trở lên.
6. Hemeralopia
Hay còn được gọi là chứng bệnh mù ban ngày tạm thời. Chứng bệnh này thường bắt đầu xuất hiện khi chú chó con được tám tuần tuổi và những người chủ tinh ý có thể dễ dàng nhận ra. Những chú chó này khi bị mắc bệnh sẽ thường va chạm đầu vào hoặc vấp ngã trước đồ vật. Chúng có thể miễn cưỡng tiếp xúc với ánh sáng Mặt Trời, thích ở trong những khu vực có bóng râm. Tất cả những dấu hiệu này sẽ biến mất vào ban đêm. Do đó mà những chú chó Alaska nếu bị mắc bệnh thì buộc phải sống chung với nó cả đời mà thôi.
Chó Alaska thích ăn những gì?
Chó Alaska ăn khá nhiều và không hề kén ăn như bạn nghĩ. Thế nhưng trong mỗi bữa ăn của chúng thì cần phải đảm bảo có đầy đủ protein. Nguồn protein dồi dào nhất có trong thịt gà hoặc thịt bò, trứng vịt lộn,... Bạn cũng đừng quên bổ sung thêm chất xơ, vitamin và khoáng chất như rau củ quả, sữa tươi cho chúng để cân bằng dinh dưỡng, giúp chúng phát triển tốt hơn.
Thông thường những chú chó Alaska ăn khoảng 3 đến 4 bữa mỗi ngày. Khi còn nhỏ, thì chúng cần được ăn nhiều nên số bữa vì thế mà gia tăng. Tuy nhiên khi lớn lên, số lượng bữa ăn có thể giảm bớt xuống để đảm bảo chúng phát triển cân đối, tránh bị thừa cân hay mắc các bệnh về đường ruột khác thường gặp.
Chú chó của bạn cần đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ
Cách chăm sóc cho chó Alaska
1. Chăm sóc lông
Giống chó Alaska có bộ lông kép dày đặc. Lớp lông dày và thô bên ngoài được gọi là lớp lông bảo vệ, có khả năng chống thấm và ướt. Lớp lông tơ sâu bên trong giúp giữ ấm và bảo vệ cơ thể. Hãy chải lông cho chúng thường xuyên để ngăn ngừa nguy cơ rụng lông và khiến bộ lông trở nên mượt mà, mềm mại hơn. Ngoài ra khi chải lông, bạn hãy kiểm tra các vết loét, phát ban hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng như mẩn đỏ, đau hoặc viêm trên da, từ đó sẽ phát hiện được nguy cơ mắc các bệnh tiềm ẩn.
2. Chăm sóc răng
Đánh răng cho chú chó Alaska của bạn ít nhất hai hoặc ba lần mỗi tuần để loại bỏ cao răng tích tụ và vi khuẩn còn sót lại sau khi ăn. Đánh răng hàng ngày sẽ giúp chúng có thể ngăn ngừa bệnh nướu răng và hôi miệng.
3. Cắt móng
Cắt móng từ một hoặc hai lần mỗi tháng cho chú chó Alaska của bạn để ngăn ngừa chúng cào phá đồ đạc hoặc tự làm trầy xước cơ thể. Sử dụng dụng cụ cắt móng cho thú cưng hoặc mang chúng ra ngoài tiệm để được chăm sóc tốt nhất.
4. Vệ sinh tai
Tai của chó Alaska nên được kiểm tra hàng tuần để xem có mẩn đỏ hoặc có mùi hôi hay không, khi đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng. Hãy lau sạch đôi tai chúng bằng một miếng bông được làm ẩm với dung dịch vệ sinh tai dành cho thú cưng để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.
Chó Alaska có giá bán bao nhiêu?
Giá bán của các giống chó Alaska hiện nay ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như: Nguồn gốc xuất xứ, giấy tờ hợp pháp, thông tin sức khỏe, ngoại hình và độ thuần chủng.
1. Giá bán chó Alaska nhập khẩu từ Mỹ hoặc châu Âu
Mỹ và châu Âu là thị trường đầy đủ giống chó Alaska mà bạn cần, tuy vậy thì giá cả ở đây sẽ thuộc hàng đắt đỏ nhất so với những quốc gia khác trên thế giới. Mỗi chú chó Alaska đều có giấy tờ xác nhận thông tin, độ thuần chủng, mức độ sức khỏe,... từ đó giúp bạn yên tâm về chất lượng khi mua chúng về nuối. Giá của giống chó Alaska khi nhập khẩu về Việt Nam sẽ dao động từ 60 triệu đến trên 100 triệu đồng tùy theo chủng loại, kích thước, tuổi đời,...
2. Giá bán chó Alaska nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc
Thị trường Thái Lan hay Trung Quốc là những thị trường hấp dẫn dành cho những người yêu thích nuôi chó Alaska ở Đông Nam Á, do chi phí rẻ hơn nhiều so với nhập khẩu trực tiếp từ Mỹ hoặc châu Âu. Tuy vậy những chú chó này vẫn đảm bảo nguồn gen chất lượng cũng như độ thuần chủng không kém gì những giống chó đắt tiền khác. Giá của chó Alaska tại hai thị trường này dao động trung bình từ 45 đến 60 triệu đồng một con với kích thước phù hợp, đầy đủ giấy tờ hợp pháp.
3. Giá bán chó Alaska được nhân giống tại Việt Nam
Với những chú chó Alaska được nhân giống tại Việt Nam thì sẽ có mức giá dao động chỉ từ 10 đến 20 triệu đồng tùy ngoại hinh và màu sắc của chúng. Tuy nhiên những chú chó được nhân giống này sẽ không đảm bảo về nguồn gốc bố mẹ, mức độ thuần chủng, và trên hết là giấy tờ chứng minh sức khỏe.