Chặn thực phẩm bẩn ở biên giới Lạng Sơn

Ngày 20/08/2017 09:40 AM (GMT+7)

Gia vị nấu lẩu, phở, nầm lợn phân hủy, xúc xích, chân gà rút xương đóng gói sẵn của Trung Quốc nhập lậu vượt biên giới mang về nội địa sẽ biến thành những thực phẩm tươi ngon trong nhà hàng.

Thực phẩm bẩn vẫn được nhập lậu qua biên giới Lạng Sơn, sau đó xé lẻ lên xe chở khách và xe tải đưa vào nội địa. Thời điểm này ở Lạng Sơn gia cầm sống nhập lậu đã giảm đáng kể, nhưng gia cầm giống lại có chiều hướng gia tăng.

Từ nầm lợn phân hủy và gia cầm lậu

Nầm lợn vẫn là món ăn được nhiều thực khách ưa thích nên các đầu nậu vẫn tiếp tục thuê cửu vạn vận chuyển qua biên giới về Việt Nam. Nầm lợn đóng trong hộp xốp, chủ hàng thuê cửu vạn là cư dân sống gần biên giới cõng từ trên đồi (khu vực Kéo Kham, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc) rồi tập kết ở một điểm lưng chừng đồi, sau đó cho lên xe ôtô “cóc” chở về thành phố Lạng Sơn.

Chặn thực phẩm bẩn ở biên giới Lạng Sơn - 1

Gia cầm giống bị lực lượng Công an và Quản lý thị trường Lạng Sơn bắt giữ.

Trung tá Tạ Văn Hải, Đội phó Đội 4, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Các đối tượng thường mang hàng vào lúc chập choạng tối, khi tập hợp được khoảng chục thùng xốp là chúng cho lên xe cóc chở về thành phố”. Hầu hết nầm lợn đều ngâm tẩm hóa chất giữ cho tươi lâu. Tuy không nhập lậu nhiều như những năm trước, nhưng mỗi ngày tại khu vực Kéo Kham có hơn chục thùng xốp (khoảng 50kg/thùng) được vận chuyển qua biên giới mang vào tập kết tại nội địa.

Sau một thời gian theo dõi, nắm rõ giờ “đi hàng” của đám cửu vạn, tổ công tác của Đội 4, Phòng PC49 đã bất ngờ tập kích tại đồi Kéo Kham, bắt quả tang Trịnh Minh Huấn, trú tại 243 đường Trần Đăng Ninh, phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn đang vận chuyển 400kg nầm đã bị phân hủy bốc mùi hôi thối. Các vụ việc phát hiện và bắt giữ nầm lợn chủ yếu là khu vực biên giới, nếu để vận chuyển về nội địa thì bắt giữ rất khó.

Từ đầu năm 2017 khi dịch cúm gia cầm H7N9 ở Trung Quốc diễn ra phức tạp thì tại các tỉnh biên giới phía Bắc đã triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn gia cầm nhập lậu. Thời điểm hiện nay gia cầm sống nhập lậu qua biên giới Lạng Sơn giảm mạnh.

Nhưng các đầu nậu lại thuê cửu vạn vận chuyển gia cầm giống vào nội địa do giá thành chênh lệnh lớn. Một con gia cầm giống mua ở Trung Quốc chỉ có giá 5.000đ, nhưng vận chuyển về Việt Nam đầu nậu bán lại giá 15.000đ. Chính vì lợi nhuận nên đầu nậu thuê cư dân khu vực biên giới thuộc xã Tú Mịch (huyện Lộc Bình) gánh hàng vượt đồi về tập kết tại thôn Nà Quân và Nà Phát. Sau đó lại thuê xe ôm chở ra xã Gia Cát và Tân Liên (huyện Cao Lộc) đưa lên xe ôtô đưa đi các tỉnh.

Khi lực lượng Cảnh sát môi trường làm mạnh, đầu nậu đã đổi địa điểm tập kết hàng sang xã khác của huyện Cao Lộc. Lúc nào cảm thấy an toàn chúng mới vận chuyển lên ôtô (mỗi xe vận chuyển khoảng gần 1 tấn) rồi chạy thẳng xuống Bắc Giang. 

Đến gia vị... không rõ nguồn gốc

Thức ăn nhanh, thức ăn đóng hộp của Trung Quốc nhập lậu về Việt Nam ngày càng nhiều, thậm chí ở Lạng Sơn có đám cưới còn đặt thực phẩm nhập lậu từ Trung Quốc về làm cỗ.

Nguy hiểm nhất hiện nay là ngày càng có nhiều loại gia vị Trung Quốc mà theo lời khai của chủ hàng thì dùng để cho vào nồi lẩu, phở, kho thịt mà người sử dụng không hề biết gì về thành phần trong đó. Trung tá Tạ Văn Hải cho biết, có những lần bắt được hàng nghìn gói gia vị không có nguồn gốc, không biết thành phần của nó gồm những gì, khi sử dụng có tác hại ra sao cho sức khỏe con người.

Chủ hàng khai là gia vị đó cho vào lẩu, phở, còn lại thành phần ra sao thì chịu. Điển hình là tại xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc, Phòng PC49 kiểm tra xe ôtô 12C-05510 đã phát hiện bên trong chở 1.500 gói gia vị, 1.400 túi chân gà tẩm ướp, 1.200 túi củ cải ướp đã qua chế biến và 192 chai rượu Trung Quốc.

Lái xe kiêm chủ hàng là Linh Ngọc Tuấn, trú tại khu Ga, thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc) khai số hàng trên đều là nhập lậu, trong đó 1.500 gói gia vị là dùng để cho vào nồi lẩu và phở. Loại gia vị này chỉ cần cho vào là có nồi nước dùng ngon, không cần phải ninh nhiều xương như trước. Đa số các mặt hàng này đều là khách đặt hàng, sau đó đầu nậu mới đi lấy về.

Hiện thị trường cũng xuất hiện loại gia vị được gọi là “đạm tương” của Trung Quốc nhập lậu dùng để kho thịt. Tại cửa khẩu Cốc Nam, Đội 4 Phòng PC49 đã bắt giữ Hoàng Văn Huấn, trú tại xã Tân Mỹ (huyện Văn Lãng) đang vận chuyển 2.400 chai bia, 1.000 cái xúc xích và 45 lọ đạm tương đều do Trung Quốc sản xuất.

Đạm tương này thành phần là gì thì các cán bộ Cảnh sát môi trường cũng không biết bởi thực phẩm nhập lậu thu giữ được đều đem đi tiêu hủy, không có kinh phí để kiểm nghiệm.

Nếu như gia cầm từ điểm tập kết xé lẻ cho vào xe tải nhỏ phóng với tốc độ cao đi các tỉnh tiêu thụ thì thực phẩm nhập lậu chủ yếu trà trộn trong các mặt hàng khác cho lên xe khách hoặc xe chở hàng nhập khẩu chính ngạch để mang vào nội địa.

Khó khăn lớn nhất là các xe vận chuyển gia cầm nhập lậu chủ yếu đi vào ban đêm, phóng với tốc độ cao (thấp nhất là 80km/h), nếu đuổi bắt trên đường thì không đảm bảo an toàn. Để phân biệt đâu là gia cầm giống, đâu là gia cầm thịt của Trung Quốc là rất khó khăn. Nếu để gia cầm vào chợ thì không đấu tranh được do người bán đã “hợp thức hóa” bằng các hóa đơn mua hàng ở trang trại tại Bắc Ninh, Bắc Giang…

Do vậy, đấu tranh với gia cầm cũng như thực phẩm “bẩn” vẫn là bằng phương pháp “bắt tận tay” ngay tại khu vực biên giới. Trong 6 tháng đầu năm, Công an tỉnh Lạng Sơn đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 78 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, riêng Phòng PC49 xử lý 33 vụ.

Trong khi thị trường tràn ngập thực phẩm nhập lậu, thực phẩm “bẩn” bị biến thành những món ăn tươi ngon hấp dẫn trong một số nhà hàng thì việc đấu tranh và ngăn chặn ở khu vực biên giới là vô cùng cấp thiết. Siết chặt quản lý và đấu tranh ngay từ tuyến đầu rất cần được các lực lượng chức năng của tỉnh Lạng Sơn triển khai quyết liệt.

Theo Trần Hằng – Xuân Mai
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h