Từ trước đến nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng sốt xuất huyết thường xuất hiện ở những bệnh nhân là học sinh và người lớn. Tuy nhiên, trong tình hình thực tế hiện nay, trẻ sơ sinh cũng có nguy cơ mắc bệnh rất cao.
Có trường hợp trẻ sơ sinh chết
Chiều 7/9, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn (Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi Đồng 1) cho biết, trong tháng 8 và đầu tháng 9/2015, số lượng trẻ nhập viện vì sốt xuất huyết đang có dấu hiệu tăng cao. Nếu những tháng trước, bệnh viện tiếp nhận khoảng 30 bé thì nay, mỗi ngày, tiếp nhận hơn 100 bé. Trong đó, nhiều trẻ ở các tỉnh chuyển lên.
Giường bệnh chỉ tiêu được giao cho khoa chỉ có 90 giường. Điều này đồng nghĩa với việc, ở khoa này, số giường bệnh đã được nêm cứng bệnh nhi và người thân.
Trong số này, có không ít trường hợp nhập viện khi đã bị nặng. Bé có dấu hiệu sốt xuất huyết nặng, phải chăm sóc đặc biệt. Thậm chí, nhiều bé không thể tự thở nên phải thở máy.
Sở Y tế lập đoàn công tác xuống tận địa phương xem xét sốt xuất huyết
Cùng kì năm ngoái, trên toàn quốc có hơn 10 ngàn trường hợp sốt xuất huyết. Nay, số lượng này tăng lên 25 ngàn trường hợp. Tức, tăng 2,5%. Số lượng ca tử vong do sốt xuất huyết ghi nhận lên đến 16 bệnh nhân. Tại bệnh viện Nhi Đồng 1 có 6 trường hợp. Trong đó, có 4 ca ở tỉnh chuyển lên và 2 ca sinh sống tại TP HCM.
Tất cả các trường hợp sốt xuất huyết bị tử vong đều do quá trình phát hiện chẩn đoán chậm trễ, diễn tiến nặng nhanh và rơi vào trường hợp type virut dễ gây chuyển nặng nhanh trên những cơ địa trẻ phù hợp.
Bệnh nhi tử vong mới nhất khoảng 1 tuổi. Những ca tử vong vì sốt xuất huyết nằm trong độ tuổi từ 1 đến 15. Từ trước đến nay, người dân vẫn có suy nghĩ, sốt xuất huyết thường xuất hiện ở những ca bệnh là học sinh và người lớn. Tuy nhiên, trong tình hình thực tế hiện nay, trẻ sơ sinh cũng có nguy cơ mắc bệnh rất cao.
Bác sĩ Tuấn cho rằng, sốt xuất huyết tăng cao theo chu kì từ 3 đến 5 năm. Năm nay nằm trong chu kì đó và rất dễ bùng phát thành dịch. Do đó, không chỉ cơ quan chức năng mà ngay người dân cũng cần chú trọng để sốt xuất huyết không thể biến thành dịch.
Phải liên kết phòng, chống dịch
Trước tình hình sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, mới đây, ông Hứa Ngọc Thuận (Phó chủ tịch UBND TP HCM) đã ký chỉ thị về tăng cường công tác phòng, chóng sốt xuất huyết tại thành phố. Theo đó, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm hiện đang lưu hành tại các tỉnh thành phía Nam, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh. Bệnh lây truyền từ người bệnh sang người lành qua trung gian muỗi vằn. Bệnh xảy ra quanh năm với chu kỳ dịch bắt đầu tăng nhanh từ tháng 6 và đạt đỉnh cao nhất vào tháng 12.
Tại Thành phố, các trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết được ghi nhận ở tất cả các quận, huyện nhưng một số quận, huyện trọng điểm của bệnh sốt xuất huyết có số trường hợp mắc sốt xuất huyết nhập viện chiếm 50% của toàn Thành phố như Quận 8, quận Tân Bình, huyện Bình Chánh, quận Thủ Đức, huyện Hóc Môn, quận Bình Tân, quận Tân Phú, quận Gò vấp.
Diệt loăng quăng là một trong những cách để phòng trừ dịch sốt xuất huyết
Ngoài ra, thành phố đã bước vào mùa mưa, là thời gian thuận lợi cho các yếu tố nguy cơ của bệnh sốt xuất huyết phát triển mạnh, có khả năng gây ra dịch lớn và lan rộng. Giám sát chủ động của ngành y tế tại một số địa phương trọng điểm về sốt xuất huyết cho thấy bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp do còn tồn tại nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt là các vật chứa nước có loăng quăng.
Dự báo mùa mưa năm nay bệnh sốt xuất huyết sẽ bùng phát thành dịch, Bộ Y tế đã phát động ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết trong tháng 6 năm 2015 tại Thành phố, tuy nhiên hoạt động này cần được duy trì hiệu quả trong cộng đồng với sự tham gia tích cực của các lực lượng xã hội, quần chúng tham gia thực hiện phòng, chống sốt xuất huyết trong cả năm 2015.
Theo đó, Sở Y tế chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống sốt xuất huyết năm 2015 nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh, giảm tỷ lệ tử vong, khống chế không để dịch lớn xảy ra và lây lan trên diện rộng. Cụ thể tập trung các công tác trọng tâm sau:
Sở tham mưu củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch. Chỉ đạo hệ thống ngành y tế: Bệnh viện, các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền, phương tiện cấp cứu... để tiếp nhận thu dung và điều trị bệnh nhân kịp thời; tổ chức tập huấn để thực hiện đúng quy định về “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue” của Bộ Y tế.
Sở phải giám sát chặt chẽ ca bệnh, côn trùng trung gian truyền bệnh nhằm phát hiện sớm, kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch nhỏ trong vòng 48 giờ theo đúng các biện pháp chuyên môn đã quy định; tại những địa bàn có nguy cơ dịch lan rộng phải tổ chức triển khai nhanh các chiến dịch phun hóachất diệt muỗi diện rộng cùng với các chiến dịch diệt lăng quăng.
Lập kế hoạch tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng vào các tháng cao điểm tại các khu phố, xã, phường, thị trấn có nguy cơ dịch bùng phát, đặc biệt chiến dịch lần thứ nhất phải tiến hành sớm ngay trong tháng 8 năm 2015. Tuyên truyền kiến thức về phòng chống sốt xuất huyết để cộng đồng cùng tích cực, chủ động tham gia phòng, chống bằng nhiều hình thức phù hợp.
Ngoài ra, UBND TP cũng đưa ra chỉ thị đối với Sở thông tin và Truyền thông, Sở giáo dục và Đào Tạo, Sở giao thông vận tải… Yêu cầu tất cả các cơ quan chức năng phải liên kết với nhau để thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết theo hưỡng dẫn của ngành y tế.