Chuyên gia Trung Quốc nhận định, phép thử lớn nhất của tự nhiên có thể sắp xảy đến với đập Tam Hiệp, đập thủy điện lớn nhất hành tinh nằm trên sông Dương Tử.
Thời báo Hoàn cầu hôm 12/7 đưa tin, lượng mưa lớn nhất và đỉnh lũ thường xảy ra vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8 hàng năm ở sông Dương Tử - con sông dài nhất Trung Quốc.
Tuy nhiên, mưa lớn bất thường từ đầu tháng 6 khiến sông Dương Tử đón đợt lũ đầu tiên ngay đầu tháng 7 và buộc đập Tam Hiệp phải nhiều lần xả lũ khi đỉnh lũ vượt lượng nước trong đợt lũ kinh hoàng trên sông Dương Tử năm 1998 khiến ít nhất 4.000 người thiệt mạng. Trận lũ năm 1998 được ví như “cơn đại hồng thủy”, ảnh hưởng tới đời sống của 220 triệu người ở Trung Quốc.
Nhiều người đặt câu hỏi, với tình hình hiện tại của sông Dương Tử và mưa nặng hạt vẫn kéo dài, liệu "cơn đại hồng thủy" năm 1998 có tái diễn?
Đập Tam Hiệp xả lũ. Ảnh: Getty
Các nhà phân tích đã trấn an dư luận khi nói, với dự án đập Tam Hiệp - đập thủy điện lớn nhất hành tinh hoạt động từ năm 2003, một thảm họa lũ lụt quy mô tương đương trận lụt năm 1998 là không thể xảy ra trên dòng chính của sông Dương Tử.
Zhang Boting, một nhà phân tích cấp cao của Hiệp hội kỹ thuật thủy điện Trung Quốc chia sẻ với Hoàn cầu hôm 12/7 rằng đập Tam Hiệp sẽ giúp mực nước dòng chính của sông Dương Tử duy trì ở mức thấp bằng cách giữ nước ở hồ chứa của đập lớn nhất hành tinh. Sông Dương Tử hiện tại an toàn hơn nhiều so với năm 1998, ông Zhang nhận định.
Trong bối cảnh áp lực nước lũ dồn về trung và hạ lưu sông Dương Tử, Ủy ban Tài nguyên nước sông Dương Tử hôm 11/7 giảm dòng chảy từ hồ chứa của đập Tam Hiệp xuống còn 19.000 m3/giây. Con số này sẽ được điều chỉnh phù hợp tùy theo diễn biến mưa lũ sắp tới.
Hồ chứa đập Tam Hiệp đã xả lũ để giảm mực nước xuống còn 145 mét hồi đầu tháng 6. Việc này cho phép đập thủy điện lớn nhất hành tinh có thể tiếp nhận lượng nước lũ mới đổ về.
Gao Jianguo, thành viên của Ủy ban giảm nhẹ thiên tai quốc gia Trung Quốc, dưới quyền quản lý của Bộ Ứng phó khẩn cấp Trung Quốc, cảnh báo, dù đập Tam Hiệp giúp giảm phần lớn áp lực kiểm soát lũ ở dòng chính sông Dương Tử, nhưng những khu vực thấp hơn vẫn phải đối mặt với hàng loạt thách thức từ lượng mưa lớn trong khu vực.
Một lo ngại khác là mùa mưa bão, thường xuất hiện vào tháng 8 và có thể trùng với mùa lũ trên sông Dương Tử, sẽ đe dọa khu vực đồng bằng và hạ lưu con sông dài nhất Trung Quốc.
Quy mô phát triển cao dọc sông Dương Tử hiện tại đồng nghĩa lũ lụt, ngập nặng với mức độ như năm 1998 sẽ gây thiệt hại kinh tế gấp 10 lần. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, tiến bộ công nghệ và sáng tạo liên quan tới hệ thống phản ứng khẩn cấp sẽ tăng cường khả năng xử lý lũ lụt và giảm thiểu tác động xấu về kinh tế.
Ngập lụt nghiêm trọng ở nhiều tỉnh thành Trung Quốc do mưa lớn bất thường từ đầu tháng 6. Ảnh: Reuters
Chia sẻ với Hoàn cầu hôm 12/7, ông Gao cho rằng Trung Quốc hiện tại đã chuẩn bị tốt để đối phó lũ lụt, với sự theo dõi và dự báo chính xác hơn về thủy văn và khí tượng. Tiến bộ trong công tác hậu cần và phối hợp giữa các nguồn lực cũng tăng khả năng sẵn sàng cho tình huống khẩn cấp quy mô lớn. Bắc Kinh cũng có nhiều máy móc chuyên nghiệp phục vụ sơ tán và tái thiết sau mưa lũ, ông Gao cho hay.
Các nhà phân tích nhận định, lượng mưa bất thường trên lưu vực sông Dương Tử trong năm nay không chỉ là phép thử với đập thủy điện lớn nhất hành tinh mà còn là phép thử cho toàn bộ cơ chế ứng phó thảm họa tự nhiên của Trung Quốc.
Đỉnh lũ đầu tiên của sông Dương Tử trong năm nay xuất hiện hôm 2/7 và đập Tam Hiệp đã "xử lý" mọi thứ khá suôn sẻ. Tuy nhiên, ông Gao cho rằng, phép thử lớn nhất của tự nhiên vẫn chưa đến với đập Tam Hiệp vì sông Dương Tử mỗi năm thường có 7 - 8 đỉnh lũ xuất hiện vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8.
Theo Nguyễn Thái (Dân Việt)